,
221
505
Thư Thăng Long
thuhanoi
/thuhanoi/
1079048
Tỷ lệ tăng cao, niềm tin giảm thấp
1
Article
null
,

Tỷ lệ tăng cao, niềm tin giảm thấp

Cập nhật lúc 03:00, Thứ Tư, 25/06/2008 (GMT+7)
,

 - …Một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như năm nay tính cạnh tranh chưa lớn mà kết quả kỳ thi cho thấy còn nhiều sự bất ổn và thiếu thuyết phục về sự nghiêm túc. Vậy ai bảo đảm khi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia kết hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ, sự chuẩn mực và nghiêm túc, khách quan, từ mong muốn chủ quan của ngành GD và ĐT sẽ biến thành hiện thực trong thực tiễn giáo dục các địa phương đầy biến động, phức tạp và nặng tâm lý thành tích này?

 

Có lý và vô lý

 

Đó là một hiệu ứng ngược nhưng có lý, cho dù lẽ phải thông thường, trước kết quả cao của giáo dục, liên quan đến số phận và hạnh phúc của hàng triệu học sinh, hàng triệu gia đình, xã hội phải mừng vui và trân trọng. Nhưng hiệu ứng ngược ấy là một thái độ đáng để ngành giáo dục, và các địa phương nặng tâm lý “màu cờ sắc áo” xin hãy suy ngẫm.

 


Trong giờ thi - Ảnh: VNN

 

Suy ngẫm và nhớ lại. Năm 2007, năm đầu tiên ngành nhóm lên cuộc vận động “Hai không”, với mục tiêu tốt đẹp và thái độ quyết liệt, nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm đó chỉ 66, 72%, tuy thấp và tuy đáng buồn, nhưng ngành lại nhận được từ xã hội, sự chia sẻ, cảm thông, cùng cổ vũ chung vai gánh vác, vì điều đó mang đến cho xã hội chút niềm tin. Rằng chính trong cơn đau nhìn rõ sự thật, kết quả đó sẽ là đòn bẩy kích thích các nhà trường vươn lên, đứng trên chính đôi chân của mình để điều chỉnh cách dạy- cách học với hy vọng gặt hái chất lượng thực chất.

 

Nhưng giáo dục là cả một quá trình, có quy luật và đường đi riêng của nó. Sự cố gắng của thầy trò các trường học phải khẳng định là có, nhưng trong bối cảnh quy mô lớn, đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy cùng các điều kiện trường lớp, thiết bị… hạn chế như hiện nay, chưa đủ để giáo dục các địa phương biến lượng thành chất chỉ trong “một sớm một chiều”.

 

Chưa đủ  để con số tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm trước: 66,72% (lần 1) nhanh chóng thành con số 75,96% (lần 1), tăng 9,24% năm nay; càng chưa đủ đế con số tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT năm trước: 26,46% (lần 1) nhanh chóng thành con số 42,42% (lần 1), tăng 15,96% năm nay.

 

 Đã đành, năm nay ngành GD và ĐT có những quy định nới lỏng, tạo cơ may đỗ hơn cho các thí sinh hệ GDTX. Nhưng ý kiến của các chuyên gia theo dõi nhiều năm chất lượng GDTX ( là rất yếu), phải thú nhận rằng, nếu có nới lỏng cũng không thể có tỷ lệ cao nhanh như một phép nhiệm mầu, biến hoá “cô vịt GDTX xấu xí” năm trước thành “nàng thiên nga” lộng lẫy năm nay. Đến mức chính các địa phương sau khi ngắm “nàng thiên nga” của mình, nếu có chút tự trọng hẳn cũng thấy ngượng ngùng.

 

Mặc dù bản tổng kết và phân tích số liệu của Bộ GD và ĐT với những ngôn từ hùng hồn, đầy lạc quan giả tạo, coi giáo dục Cao Bằng, Bắc Cạn, những tỉnh mà kinh tế- xã hội còn quá khó khăn như có lỗi khi dùng khái niệm : “Chỉ còn hai đơn vị… trong câu: “Năm 2007 có 12 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%, năm 2008 giảm mạnh, chỉ còn hai đơn vị Bắc Cạn và Cao Bằng…”, nhưng khi nhìn trực tiếp vào bảng xếp hạng các địa phương về tỷ lệ tốt nghiệp cả hai ngành học, những người am tường nhận ngay ra sự có lý và vô lý.

 

Có lý, là những địa phương chất lượng giáo dục khá vững chắc vẫn ở tốp trên, tuy có hoán vị chút ít so với năm trước, đó là Nam Định, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Ngược lại, những địa phương chất lượng giáo dục còn yếu, dù có nhiều cố gắng vẫn phải chấp nhận “yên vị” ở tốp dưới, cụ thể: Bắc Cạn (năm trước: xếp hạng 63, năm nay vẫn 63; Yên Bái: 61-62; Cao Bằng: 60 – 64; Sơn La: 62 – 60 vv...).

 

Nhưng bên cạnh đó, xuất hiện sự vô lý “hơi bị nhiều”, trở thành một hiện tượng không bình thường. Đó là  một số địa phương “nhảy hạng” một cách đột ngột. Cụ thể Bắc Giang: năm trước xếp hạng 42, năm nay lên 17; tiếp đó Thái Nguyên: 38 – 25; Lạng Sơn: 48-27; Kon Tum: 47-28; Điện Biên: 56-33...

 


Trao đổi sau giờ thi - Ảnh: VNN

 

Ở ngành học GDTX, hiện tượng “nhảy hạng” còn khiếp nữa. Đáng kể nhất là  Hoà Bình, năm trước xếp hạng thứ 43, năm nay lên hẳn thứ 4; tiếp đó là Bắc Giang: 35-8; Hưng Yên: 37-14; Sơn La: 64 -20; Thừa Thiên Huế: 41-27; Hà Giang: 54-28; Phú Thọ 53-30; Quảng Bình: 56-34; Tuyên Quang: 65 – 45; Kon Tum: 57-47...

 

Liệu những sự "nhảy hạng" đột biến và bất ngờ như thế có làm cho xã hội thú vị như trong bóng đá không? Thưa, chắc chắn là không. Ngược lại, nó chỉ đem đến thêm cho xã hội niềm thất vọng vốn đã triền miên, của một ngành gọi là mô phạm chuyên dạy con người sống phải trung thực.

 

Đáng chú ý, cho dù tỷ lệ tốt nghiệp của cả hai ngành học đều tăng nhiều so với trước, nhưng tỷ lệ loại khá giỏi chỉ nhỉnh hơn trước. Ngành THPT năm 2007: 10,62%, năm nay: 11,46%, chỉ tăng 0,84%, còn tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi của ngành GDTX thậm chí giảm, năm 2007:1,65%, năm nay:1,31% giảm 0,34%.

 

Tệ hại hơn, bằng kết quả thi không bình thường, những địa phương chất lượng giáo dục vốn còn thấp lại có thứ hạng cao, dường như đang “vô hiệu hoá” một cách thiết thực cuộc vận động “Hai không” mà địa phương đó vẫn hô hào hưởng ứng?

 

“Ba khâu chụm lại” nên tỷ lệ cao?   

                              

Có thể lý giải được gì ở kết quả tốt nghiệp tăng cao và tăng đột biến?

Thông thường, kết quả một kỳ thi được quyết định bởi ba yếu tố: đề thi, coi thi, và chấm thi.

 

Khẳng định của Bộ GD và ĐT tại cuộc họp báo mới đây là đề thi không khó, không dễ. Nhưng quan điểm ra đề thi của Bộ GD và ĐT  chủ trương phải bảo đảm “chuẩn tối thiểu” đề học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn, vùng núi nếu chăm chỉ và cố gắng đều có thể đỗ. Dĩ nhiên với “chuẩn tối thiểu” đó, một học sinh vùng núi cao, vùng khó khăn có thể rất vất vả mới đạt yêu cầu, nhưng một học sinh diện trung bình ở những đô thị có điều kiện thuận lợi lại có thể dễ dàng vượt qua.

 

Một chỉ số khác để có thể so sánh về độ khó hơn hay dễ hơn của đề. Đó là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi năm nay ( ở phần phân hoá) so với năm trước ở THPT chỉ tăng hơn 0,84%, còn ở bổ túc THPT thậm chí giảm 0,34%, trong khi tỷ lệ học sinh diện đại trà đỗ tăng cao. Sự so sánh, dẫu chỉ ở mức tương đối, cũng cho thấy khả năng mức độ đề thi năm nay (ở phần đại trà), với yêu cầu bảo đảm “chuẩn tối thiểu” trong thực tế, rõ ràng phải “mềm” hơn.

 

Nếu đề thi là yếu tố “nhạy cảm” nhất, thì coi thi là yếu tố quan trọng nhất, có ý nghĩa đánh giá kỳ thi có trung thực, khách quan và công bằng hay không? Nhưng đây cũng là khâu được chính Bộ GD và ĐT thừa nhận-  khâu yếu nhất. Bởi lẽ đó mà ngành phải có các biện pháp thanh tra uỷ quyền, mà có sáu đoàn thanh tra cơ động bám theo sáu vùng miền của “Hai không”, có thẩm quyền thanh tra đột xuất bất cứ hội đồng thi nào. Hiệu quả của biện pháp này đến đâu? Báo cáo của các đoàn thanh tra cơ động, thanh tra uỷ quyền đều nhận xét tình hình thi cử khá ổn(!).

 

Nhìn bên ngoài, các phòng thi khá nghiêm túc, yên tĩnh. Nhưng khi thanh tra đi khỏi, và thực chất phòng thi bên trong có nghiêm túc không? Đây là câu hỏi chưa bao giờ có câu trả lời thoả đáng, vì chỉ những người có quyền lợi liên quan, trước hết là thí sinh, và sau cùng là giám thị coi thi mới trả lời được đúng nhất.

 

Con số thí sinh và giám thị coi thi năm nay bị xử lý giảm  hẳn (năm 2007, số thí sinh bị xử lý kỷ luật 3500; năm nay là 900; số giám thị coi thi bị xử lý năm 2007: 33 người, năm nay: 14) không thể nói được chính xác kỳ thi có nghiêm túc hay không bởi tính “hai mặt” của nó. Bởi rất có thể số ít thí sinh, giám thị coi thi bị xử lý chứng tỏ việc coi thi, thanh tra thi không nghiêm túc, nhưng ngược lại, con số nhiều thí sinh, giám thị coi thi bị xử lý kỷ luật mới thật sự phản ánh  việc coi thi, thanh tra thi nghiêm túc, thì sao?

 

 


Phao thi "ruột gà" - Ảnh: TNO

 

 Làm nên tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao, liệu có sự “tiếp tay” của cách chấm thi? Đây là mối nghi ngờ của nhiều người. Các chuyên gia cho rằng nếu như ở hình thức thi   trắc nghiệm rất khó có thể gian lận, hoặc  chấm “nới tay”,  thì hiện tượng này lại dễ xảy ra ở những môn thi tự luận. Bởi việc chấm cao hay thấp, “chặt” hay “lỏng” đều do con người- giáo viên chấm thi.

 

Cho dù ngành có quy định chấm hai vòng độc lập, nhưng trong thực tế (nếu có sự chỉ đạo khéo léo) cả hai vòng đều được hai người chấm độc lập nhưng chấm rộng (4 điểm lên 5, 5 điểm lên 6, hoặc từ 7 điểm lên 8, 8 điểm lên 9) thì lại rất khó phát hiện.

 

 Như vậy để xác định được thực chất tỷ lệ tốt nghiệp cao, không chỉ đánh giá khách quan đề thi và đánh giá việc coi thi, mà ngành giáo dục và đào tạo cần có sự phân tích về việc chấm thi trên cơ sở các dữ liệu gửi về Cục Công nghệ thông tin, đặc biệt, cần có sự giải trình của các địa phương về nguyên nhân tỷ lệ cao đột biến.

 

Tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao, các địa phương đều hưởng lợi. Các cấp quản lý giáo dục, các trường học, hiệu trưởng... đều được tiếng. Nhưng lại quên mất hệ luỵ của nó, trong bối cảnh bệnh dối trá, nói dối, làm láo báo cáo hay còn lan tràn, còn đầy mình, thì tỷ lệ tốt nghiệp càng tăng cao, niềm tin của xã hội càng xuống thấp.

 

Kết quả thi cao đột biến và bất ngờ năm nay, lại “chất chồng” thêm nỗi nghi ngại của dư luận xã hội về Đề án chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia, căn cứ vào kết quả tốt nghiệp để xét tuyển ĐH,CĐ mà ngành GD và ĐT chủ trương triển khai vào năm 2009.

 

Đây lại là năm có rất nhiều đối tượng thí sinh (thí sinh học chương trình không phân ban, thí sinh học CT phân ban đại trà, và thí sinh học CT phân ban thí điểm, nhưng thi trượt ở lần hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 sắp tới sẽ diễn ra trong các ngày 18,19,20/8 này). Đề thi tuyển chọn cho cả hai mục tiêu (phổ thông, ĐH, CĐ), với nhiều loại đối tượng như trên sẽ cực kỳ vất vả, đầy sự thách thức vì dễ sai sót, chưa kế khâu kỹ thuật thách đố và đáng lo ngại nhất- khâu coi thi.

 

Một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông như năm nay, tính cạnh tranh chưa lớn, mà kết quả kỳ thi cho thấy còn nhiều sự bất ổn và thiếu thuyết phục về sự nghiêm túc. Vậy ai bảo đảm, khi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia kết hợp xét tuyển vào ĐH, CĐ, sự chuẩn mực và tính nghiêm túc, khách quan từ mong muốn chủ quan của ngành GD và ĐT sẽ biến thành hiện thực trong thực tiễn giáo dục các địa phương đầy biến động, phức tạp và nặng tâm lý thành tích này? 

  • Kỳ Duyên 

Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ:
 
 
 
Ý kiến bạn đọc:

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,