Khắc khoải trên… vựa lúa.
- Tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) là “câu chuyện” dài lâu của đất nước bàn về chính số phận người nông dân. Vậy nhưng vì sao, họ vẫn âu lo? Họ bảo thủ, cố chấp, chậm đổi mới tư duy hay chính những gì đang diễn ra có phần khiến họ khắc khoải, chưa dám tin vào tương lai mình?
"Bội thực"… sân golf
Chúng ta đang bàn nhiều, nói nhiều về tam nông. Đây cũng là vấn đề sống còn trong phát triển bền vững ở một đất nước nông nghiệp với một nền văn minh lúa nước lâu đời. Nông dân, nông nghiệp và nông thôn có mạnh thì đất nước mới cất cánh “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Lô gic là thế nhưng vẫn còn có những thực tiễn trái chiều tồn tại như một điều hiển nhiên.
Thực tiễn trái chiều ấy vẫn là chuyện lương thực, an ninh lương thực và những bất hợp lý về đất đai nông nghiệp. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long vừa xong mùa thu hoạch. Lúa chất đầy kho như một sự sung túc, sự bội thu nhưng dân lại có nguy cơ “đói” vì chẳng thấy ai mua lúa mặc dầu giá lúa đã hạ đến mức không thể hạ hơn.
Hơn bốn triệu tấn lúa trong dân đang nằm một chỗ chờ được giải phóng. Lúa ế ẩm đến nỗi nhiều cơ quan chức năng phải họp lại để cuối cùng ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay tiền với mức lãi thấp nhất để thu mua lúa cho dân. Thậm chí các doanh nghiệp chưa có hoặc không có hợp đồng xuất khẩu gạo vẫn được vay để “giúp” người nông dân vượt qua “tao đoạn được mùa”(!)
Được mùa mà lại khổ, là nghịch lý số một bên cạnh những truân chuyên khác. Câu chuyện an ninh lương thực đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ rất lâu. Rằng với tốc độ mất đất nông nghiệp cũng như với tốc độ đất nông nghiệp bị suy thoái hiện nay, chẳng bao lâu nữa (có chuyên gia dự báo không quá 15 năm) an ninh lương thực sẽ hiện hữu sự báo động.
Lúa được mùa, dân vẫn vất vả không phải là một tín hiệu tốt lành…
Cả nước đang có…123 sân golf chiếm đến 38.445ha đất, trong đó đất nông nghiệp bị “xơi tái” 15.264 ha. Nếu tốc độ xây sân golf cứ tăng lên thì chẳng mâý chốc người nông dân sẽ hết đất canh tác. Nhận thức sự “nguy hiểm” này, Chính phủ đã không đồng ý cấp phép thêm cho việc xây dựng thêm các sân golf mới.
Vậy nhưng liệu có nơi nào, có địa phương nào vẫn “thậm thụt” làm để có bị “sờ gáy” thì cũng bị liệt vào “cái sự đã rồi” và cuối cùng có căng lắm thì… “phạt cho tồn tại”. Mất đất nông nghiệp để làm sân golf là một nhẽ, tệ hại hơn đất đã bị sử dụng sai mục đích, bị biến thành đất lô rồi bán chác kiếm lời bất chính. Sự thể này liệu có là quá bất công với những người nông dân suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Rồi dự án xây dựng các khu công nghiệp, nhiều tỉnh hình như “cậy” có nhiều đất nên cấp tràn lan, không tập trung hoặc quy hoạch các khu công nghiệp một cách hợp lý, làm cho đất nông nghiệp bị thu hồi vô tội vạ. Đất trồng trọt, canh tác tiếp tục manh mún và cuối cùng, kết cấu đất thay đổi trên diện rộng do bị ô nhiễm bởi các chất thải từ các khu công nghiệp khiến có đất đấy, mà cây vẫn “ngừng hơi thở”.
Dù gì thì gì, lúa vẫn hơn...Ảnh: Hà Thành |
… Và nỗi lòng của đất. Đi men theo triền đê, dọc hai bên cánh đồng lúa chạy dài tít tắp, anh tôi bảo: “Quê mình may chưa “công nghiệp hóa” chưa bị biến thành nhà máy, các biệt thự, vẫn còn đúng chất làng quê Việt Nam. Giờ ở các tỉnh ngoài bắc đất gần như biến thành phố hết rồi em ạ.”. Thế mà đã có lúc, tôi đã ao ước làng tôi có một cái nhà máy. Nhà máy, ngô, khoai, sắn hay gì gì đó cũng được, miễn là những người dân quê tôi không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” giữa trưa hè trời nắng chang chang hay mùa đông rét cắt da thịt. Quê tôi Yên thành (Nghệ An) được mệnh danh là vựa lúa. Người dân chỉ biết làm ruộng hay buôn bán nhỏ chứ ít khi buôn bán lớn, kinh doanh đường dài. Vì thế, khi được ra khỏi tỉnh để học, tôi thấy người quê tôi có vẻ nhút nhát và ít người dám “liều”. Khi đưa cái “kết luận” đó tâm sự với một người đã cao tuổi cùng làng đang sống tại Hà Nội, bác bảo: Đó cũng là tính chất đặc thù của người “nhà quê” chúng ta. Nếu đem so sánh ruộng đồng ở quê tôi với ruộng đồng các tỉnh phía bắc, quê tôi không trù phú bằng. Đất “cằn sỏi đá” đã khiến cho những bông lúa choằn lại. Có những mùa hè lúa cháy đỏ đồng vì thiếu nước, vì các đê, đập không còn nước cho lúa đang thì con gái. Vào mùa hè, cứ đêm đến là ngoài đồng bao giờ cũng nhộn nhịp hơn trong làng bởi người dân kéo nhau đi lấy nước cho lúa. Họ hì hục cả đêm, ruộng khô vẫn cứ khô, chỉ được mấy ruộng lúa đầu nguồn là có nước, còn cuối nguồn, nước chảy đến đâu, kênh mương uống hết, để lại những ruộng lúa nứt nẻ chân chim ngóng chờ. Tôi đã từng chứng kiến giọt nước mắt của ông già 73 tuổi hì hục lấy nước cả đêm để còn kịp làm cỏ cho lúa lên đòng. Mất ba đêm ròng thức trắng, vác cuốc đi từ đầu nguồn đến cuối nguồn, cuốc bộ cả chục cây số để “ốp” nước về, thế mà, ruộng khô vẫn hoàn khô, “dấu chân chim” ngày càng nứt toạc ra. Đau quá, ông khóc. Ông thương cho những cây lúa đang đổi sang màu đỏ úa mà sức người bất lực. Ông thương cho những con người nơi đây sắp vào mùa giáp hạt. Và ông thương cho chính ông, “hơn 73 tuổi đời ấp ủ làm cái bơm tưới nước cho cánh đồng mà cũng không làm được; cũng tại ruộng mình ở cuối nguồn”. Ông cay đắng và cũng tự an ủi mình. Nhưng mà đầu nguồn hay cuối nguồn, nhìn cả một cánh đồng đang chuyển màu xanh sang đỏ thì ai cầm lòng cho đặng. Thì cũng chỉ là lấy nước cho lúa thôi, thế mà cũng có đêm cả cánh đồng om sòm vì tiếng chửi nhau, tranh nhau lấy nước, rồi nhà này “ăn bớt” của nhà kia…Nhưng khi ngồi lại với nhau, người ta lại cảm thông, và bỏ quá cho nhau cũng bởi ba từ “xót lúa quá”.
Lúa vẫn trải dài tít tắp... Ảnh: Hà Thành.
Không xót sao được khi ngày mai, những đứa con của họ vào mùa tựu trường, những người con của làng lên đường vào đại học, họ lại phải đem lúa đi bán lấy tiền cho con. Không xót sao được khi ngày mai, đến giờ ăn phải “cân đo, đong, đếm”.
Thế rồi, người ta “thử nghiệm” công nghiệp hóa ở làng phía bên kia sông quê tôi để giải tỏa cái “xót” đang đeo bám. Họ xây nhà máy đường để phần nào thay đổi cuộc sống của người dân. Lúc đầu ai cũng hớn hở lắm, vui như “bé được quần áo mới ngày xuân”. Làng tôi đứng bên này sông “chết thèm”.
Nhưng được hai hay ba năm gì đấy, người ta đâm chán vì độ ô nhiễm nặng, những ruộng lúa gần đó không ngóc đầu lên được, nó choằn lại, bông như cái kim, hạt kẹp lép. Dù gì thì gì, lúa vẫn hơn, lúa là vật chất nhìn thấy được. Cơm ngày mai là ở đây, cuộc sống ngày mai là ở đây, họ không đành lòng dứt bỏ.
Thế là họ bỏ nhà máy, quay về “vực” lại cái khí sắc cho ruộng lúa của mình. Họ phê phán cái nhà máy gây ô nhiễm làm cho lúa không lớn lên được, họ lên án cái nhà máy làm cho nguồn nước khi nào cũng bốc mùi đến nỗi “nước uống cũng mùi ung ủng”. Nhà máy “đẻ” ra nhưng không được lòng dân, gần như đóng cửa.
Dân quê tôi đứng bên này sông, thở phào “may quá”. May thì cũng may thật đấy, nhưng khúc sông không còn trong như trước, nước đã bắt đầu chuyển màu. Lúa có vẻ cũng không còn trĩu bông như trước nữa. Nếu trước đây, một sào được ba tạ thóc thì bây giờ chỉ còn hai. Lo quá, người dân thi nhau “tẩm bổ” cho đất. Nào kaki, lân, đạm, nào phân chuồng, phân xanh, cái gì được coi là làm cho cây tốt, đất màu mỡ đều được dân “tiếp ứng”.
Đất có đổi thịt, lúa có thay da, năng suất có nhích lên một chút nhưng không còn được như “thuở ban đầu”. “Thế cũng còn may lắm rồi”, họ tự an ủi mình. Rồi một ngày, người ta rộn lên cái tin chuẩn bị biến làng thành phố, biến ruộng thành biệt thự, khách sạn, nhà máy. Cả làng tôi nơm nớp lo. Đêm nào người ta cũng chỉ hỏi nhau đúng một câu: “Lấy đất rồi mình còn gì mà ăn, làm cái gì được nhỉ?”.
Thế là, những đứa con không thi đỗ họ cho vào nam làm thuê tất để: “Kiếm cái cần câu cơm lỡ may mai hết ruộng”. Làng quê tôi dần vắng bóng thanh niên. Bình yên nay trở thành bình lặng.
Trải qua vài ba năm thông tin “biến đất thành nhà” rỉ tai người dân, quê tôi may vẫn chưa bị “đô thị hóa” như một số nơi. Lúa vẫn trải dài tít tắp mỗi độ mùa về.
Tôi nhớ mỗi lần đi về quê bạn hay đến một vùng quê nào đó, ngắm cánh đồng thẳng cánh cò bay đang thì con gái, nghe mùi thơm ngai ngái của lúa lên đòng mà thấy thân quen như đang đứng ở quê mình. Cũng như chiều nay, đi dọc triền đê cùng anh trai tôi hít thở không khí trong lành của cánh đồng lúa, lại thấy hiển hiện những vùng quê tôi đã từng đến, chợt thấy rằng đâu cũng là quê nhà.
Chiều đã dần buông, cánh đồng lác đác những người đi làm đồng về muộn. Họ chào hỏi nhau: “Mùa hè năm nay nắng nhẹ nên lúa không chết bác nhỉ”. “Ừ! Cũng chẳng phải thức trắng “canh” nhau lấy nước”. Họ lại cười. Tiếng cười xuề xoà trong chiều hoàng hôn nhẹ nhõm, như chưa hề có nỗi ưu tư.
Tôi chợt tự hỏi: Nhưng nếu mai này, khi đất bị đưa vào đô thị hóa, có còn nụ cười tỏa nắng của “cô hàng xén” nữa hay không?
-
Trần Ngọc Hà- Lê Phan
Ý kiến đóng góp và bài vở gửi cho Thư Thăng Long - Hà Nội xin liên hệ với địa chỉ: kyduyen@vietnamnet.vn
Ho ten: 80133.34
Dia chi:
Email: Kitty2811qb@...
Tieu de: đồng tình
Noi dung: Có lẽ nỗi lòng này chỉ những người con của một thời bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới thấm thía. Trong khi đời sống ngày càng lên thì người nông dân cứ phải chịu cái nghịch lý cay đắng "tao đoạn được mùa"! Trong khi thương mại phát triển, có những người giàu ơi là giàu, thì nông dân, vẫn khó mà khá lên được! Hỏi đến bao giờ mới đến lượt nông dân??
Ho ten: lê chung thuỷ
Dia chi: tn-tn
Email: vinhlvtd@...
Tieu de: tai sao ta cư nhiêu vấtvả mãi
Noi dung: có rấtnhiều bài báo viết về nỗi khổ của người dân đặc biệt là người nông dân, nhưng có ai biết là tại sao dân ta lại khổ mãi thế, trẻ con không được dến trường, công nhân không có nhà ở, nạn buôn bán người hoành hành ..v....v và tại sao cách mạng thành công 63 năm rồi, Đảng ta, Dân ta quyết tâm xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa nhưng mãi rồi vẫn tồn tại nhiều hoàn cảnh éo le thêm. Theo tôi báo chí cần phải ltìm ra nguyên nhân tại sao cái nghèo cứ đeo đẳng dân ta mãi. Tôi cho nguyên nhân chính là do không ít những người có quyền, có nhiệm vụ lo cho dân, làm cho dân hết nghèo thì không chịu đọc báo, đọc không hiểu, hiểu không chiu làm. Họ là những con người vô cảm với nhân dân, mang tiếng là "công bộc của dân"
Ho ten: Thai Vũ Quang
Dia chi:
Email: thaivuquangbvnt@...
Tieu de:
Noi dung: Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại việc phá lúa đễ mở sân gôn, hậu quả nhãn tiền là Philippin. Bên cạnh đó chơi gôn chỉ phục vụ một nhóm người nhưng lại làm cho một số lượng lớn nông dân của chúng ta (một nước nông nghiệp) bị thất nghiệp. Thực sự thì hiệu quả ở đâu?
Ho ten: Trịnh Hoàng Giang-VNPT.group-
Dia chi: Hà Nội
Email: dienbienphuvietnam@...
Tieu de:
Noi dung: Rồi cũng sẽ có ngày "Muối quý hơn vàng". Vấn đề "bội thực" sân gôn, nhiều sân gôn, vậy để phục vụ ai khi nước ta vẫn là một nước nghèo. Chưa kể một số lượng lớn người nông dân dôi dư không làm được gì. Các dự án nên tính toán kỹ lưỡng một chút, vì nước ta nghèo lại dân số đông, ngành nghề chủ đạo vẫn là "Tam nông".