Long Biên, cây cầu quên lãng?
- Mong cho cây cầu sẽ không bị lãng quên theo thời gian. Nó sẽ mãi mãi là nhân chứng lịch sử chứng kiến những thành tựu vĩ đại mà nhân dân ta đã và đang đạt được, giống như đã từng chứng kiến những năm tháng hào hùng sục sôi của cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để cất cao mãi khúc tráng ca “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm; Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”
Hà Nội 1000 năm đang đến gần. Người Hà Nội tự hào về thành phố của mình không chỉ với tên gọi huyền thoại Thăng Long, mà còn tự hào về bề dày lịch sử của mình.
Cầu Long Biên (Ảnh tư liệu) |
Bao thăng trầm đã diễn ra trên đất rồng bay. Dòng sông Hồng chính là chứng nhân lịch sử của Hà Nội, phải chăng sông Hồng cũng là “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Và sông Hồng còn có một người bạn tri kỷ hơn trăm năm, là chứng nhân lịch sử rất quan trọng của thành phố rồng bay ấy là cầu Long Biên. 100 năm sừng sững đứng đó “trơ gan cùng tuế nguyệt” để thành chứng nhân của một phần lịch sử kể từ khi đức vua Lý Thái Tổ dời đô, chứng kiến rồng bay để có áng chiếu văn lay động, khẳng định vị thế Thủ đô “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước”.
Trong chúng ta, ai cũng đều nhớ và tự hào, từ thở lọt lòng đã văng vẳng câu ca: Hà Nội có cầu Long Biên; Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng…” như ngợi ca một cảnh đẹp, một công trình kỳ vĩ, để mỗi khi nhắc đến Hà Nội, ai cũng nhớ đến Long Biên và nói đến Long Biên đều nhớ về Hà Nội.
Đâu phải ngay từ khi ra đời đã có tên Long Biên, mà mang một tên khác. Cái đó không chỉ Hà Nội mà cả nước đều nhớ. Nỗi nhớ ấy không phải để tự hào, để mà khơi gợi cảm xúc thăng hoa. Có chăng chỉ khơi gợi về một thời kỳ đau thương, thời kỳ của kiếp người nô lệ. Cây cầu mang tên Toàn quyền Đông Dương.
Ấy là vào những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã chọn kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13 Thủ đô Paris, để ông Gustave Eiffel thiết kế một cây cầu tại Hà Nội. Năm 1902, cầu hoàn thành và được đặt tên là cầu Du-Me (Paul dou mer). Từ cây cầu mang tên Paul dou mer, sau được đổi lại thành cầu Long Biên như là một sự mở ra cho vùng đất này một thời kỳ mới. Từ Long Biên để có những ngày tháng Tám long trời chuyển đất và Hà Nội trở thành Thủ đô thương yêu của cả nước. Từ Long Biên để có những đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng Thủ đô những ngày mùa thu 1954. Và cũng từ Long Biên, những khẩu pháo ngạo nghễ với sông nước quật cổ lũ giặc trời, cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại đi tới một "Điện Biên Phủ" trên không chấn động lương tri nhân loại.
Trận địa bên cầu (Ảnh tư liệu) |
Long Biên là chứng nhân của lịch sử, nhưng bản thân Long Biên cũng lại trở thành lịch sử. Tôi cứ mường tượng rằng trong Đại lễ 1000 năm, Long Biên sẽ được khôi phục lại như nó đã từng có, như nó vẫn tồn tại hàng trăm năm. 1000 năm kỷ niệm tưởng cây cầu sẽ được chăm chút, sẽ được đưa vào phục dựng thành những công trình kỷ niệm thế mà...
Nhiều ý tưởng, nhiều dự án cải tạo cầu Long Biên được đề xuất, nhưng chẳng hiểu sao các ngành chức năng vẫn chưa tiến hành. Nào Dự án một với tổng mức đầu tư là hơn 94 tỷ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2005. Nào là Dự án hai của Liên danh tư vấn Thales cùng Công ty Tư vấn thiết kế Tedi (Bộ GTVT) nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Dự án ba tiếp tục được đề xuất bảo tồn cây cầu có ý nghĩa lịch sử mà vẫn đáp ứng được giao thông hiện đại. Phía đối tác Pháp đã ủng hộ 958 ngàn Euro cho việc thẩm định kỹ thuật và đã có kết luận, họ còn hứa sẽ cho vay ưu đãi trị giá 63 triệu Euro cho dự án. Thế nhưng thời gian thì cứ trôi, cây cầu Long Biên thì vẫn nằm đó. Những nhịp cầu đứt gãy của một thời bom đạn vẫn còn nguyên.
Đến khi thành phố chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhiều người đã mừng thầm thế nào cầu Long Biên cũng sẽ được đưa vào danh sách những công trình chào mừng, thế mà hy vọng trở thành thất vọng.
Trong dịp kỷ niệm này, thành phố có đến 64 công trình. Đó là danh sách cuối cùng chứ trước kia còn hoành tráng hơn. Một dạo còn mở ra cuộc thi thiết kế cửa ô phía Nam hoành tráng lắm, nhưng sau đó dự án không thấy nói gì nữa.
Nhìn vào thống kê những công trình mà rối cả mắt. Xin ghi lại đây một số dự án tiêu biểu: Đường Lạc Long Quân; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây; Tuyến đường trục phía bắc quận Hà Đông; Dự án tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp tượng đài Vua Lê Thái Tổ; Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội; Cầu Vĩnh Tuy; Bảo tàng Hà Nội; Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến"; Trung tâm Đào tạo vận động viên cấp cao Hà Nội giai đoạn II; Trung tâm Y tế dự phòng; Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam; Tu bổ tôn tạo Thăng Long tứ trấn; "Con đường gốm sứ"; Đường Đội Cấn - Hồ Tây ; Đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài; Đường Lê Trọng Tấn; Cải tạo nâng cấp quốc lộ 32; Đường vành đai 3; Đường Láng - Hòa Lạc; Công viên Hòa Bình; Dự án đầu tư các rạp chiếu phim; Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám; Quảng trường Đàn Xã Tắc; Tượng đài Thánh Gióng… Vâng, tôi chỉ muốn thống kê tỉ mỉ một chút để mọi người có thể biết được tầm vóc các công trình trình kỷ niệm.
Sự kiện 1000 năm quả là rất lớn lao, đầu tư xây dựng các công trình là rất đúng, song có phải như vậy mà chúng ta tập trung làm nhiều đến thế, dồn dập đến thế. Mọi người cứ hay nói về chất lượng các công trình “chào mừng” nhưng tôi tin Hà Nội không như thế. Nhưng rút cục cái gì là tiêu biểu mang dấu ấn kỷ niệm? Trong đầu tôi mơ hồ hiện lên câu hỏi đó. Trong số những công trình trên có thể nhiều công trình, giống như các địa phương khác không cần kỷ niệm họ vẫn xây dựng, không cần đội mũ cho nó. Sao chúng ta không chọn và tập trung vào một vài công trình tiêu biểu xây cho xứng tầm với 1000 năm? Còn những hạng mục khác cứ làm bình thường phục vụ phát triển của Hà Nội?
Trong khi đó, cây cầu hơn 100 tuổi gắn bó với mảnh đất Thăng Long này sao không là công trình kỷ niệm? 1000 năm Thăng Long có cây cầu hơn 100 tuổi sống lại thì tự hào lắm chứ. Hà Nội ta chắc cũng không có nhiều công trình có tuổi đời như vậy.
Long Biên đón ngày mới (Ảnh T.L) |
Tôi cứ thầm ước như vậy từ rất lâu, song cho đến bây giờ chắc chỉ còn là ao ước. Hàng ngày vẫn phải chứng kiến cây cầu oằn mình gánh hai thế kỷ và mang đầy mình những vết thương qua năm tháng mà thấy nặng lòng.
Có người nói Thủ đô ta đã có nhiều cầu, sắp tới còn có những cây cầu đẹp hơn, dài hơn, ngạo nghễ với dòng sông. Thủ đô ta còn có cả thành phố bên sông tươi trẻ phơi phới, cây cầu già nua này còn cần gì nữa, làm bảo tàng thì tốt nhất. Khôi phục nó vừa tốn tiền vừa không mang lại hiệu quả? Có thể điều đó là đúng nhưng thử hỏi nếu không có cây cầu Long Biên, Hà Nội có trọn vẹn là Hà Nội, giống như Huế không có Trường Tiền, hay như Pháp thiếu đi cầu Garabit Viaduct là niềm tự hào của kiến trúc nước Pháp, Scotland không có cầu Forth tại Queensferrv được xây vào năm 1890 là một trong tám cây cầu nổi tiếng thế giới.
Mong cho cây cầu sẽ không bị lãng quên theo thời gian. Nó sẽ tươi trẻ trở lại, mãi mãi là nhân chứng lịch sử chứng kiến những thành tựu vĩ đại mà nhân dân ta đã và đang đạt được, giống như đã từng chứng kiến những năm tháng hào hùng sục sôi của cả dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để cất cao mãi khúc tráng ca “Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm; Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”
-
Nguyễn Đăng Tấn