- Người lớn và đặc biệt là trẻ nhỏ khi ngủ dậy thấy vết đỏ bất thường thì lập tức phải kiểm tra giường chiếu. Tắt đèn, dùng đèn pin để tìm kiếm và giết chúng, không nên dùng bất cứ loại thuốc nào để diệt.
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
Ngày sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về việc xuất hiện của con bọ xít hút máu người, nhiều bạn đọc đã phản ánh đến Báo VietNamNet và cho biết đã gặp phải con bọ đó. Đồng thời, họ cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng này cũng như mong muốn tìm một giải pháp phòng trừ.
Bạn Cam Thanh ở Đà Nẵng đã kể lại tình trạng mình đã trải qua khi bị con bọ này đốt. "Trong 3 tháng qua đã phát hiện loại bọ xít này cắn nhưng không biết tên. Mỗi lần cắn khoảng 5 - 10 nốt, khi cắn thì khó phát hiện vì bình thường cắn vào ban đêm. Sau đó thì gây ngứa, sưng tấy và chuyển thành đau đớn, thậm chí một số nốt bị lở loét. Tôi và gia đình phải đi khám bác sĩ dùng thuốc bôi và uống thuốc nhưng lâu lành từ 10 - 12 ngày".
Một số loại bọ xít hút máu mà ông Lam tìm được. Ảnh: Bee.net |
Theo các nhà khoa học thì, bọ xít hút máu có vòi cong, sắc tương tự ong hay muỗi; cơ thể to và dẹt, có màu nâu. Tiến sĩ Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật) cho biết, ông đã tìm được mẫu vật này ở Hà Nội, trong các khu vực Nghĩa Đô (Cầu Giấy), Gia Lâm, các khu phố dọc sông Hồng, sông Tô Lịch (Hà Đông),... Đặc biệt, trong các nhà nghỉ, khách sạn điều kiện vệ sinh không tốt sẽ tồn tại nhiều loại bọ xít này.
Ông Lam cho biết, ở khu vực Nghĩa Đô, nhóm làm nghiên cứu đã thu được 5 cá thể trưởng thành và 7 cá thể ấu trùng. Và ông Lam chắc chắn là loài bọ xít này vẫn đang sinh sôi ở trên gác xép nhà nhưng vì chưa có điều kiện vệ sinh, sắp xếp nên chủ nhà vẫn phải chấp nhận sống chung với chúng.
Loài này di chuyển rất chậm, chủ yếu là bò. Ban ngày chúng thường ẩn nấp ở khe tủ, khe giường và chỉ tối đến mới bò ra tìm mồi để đốt và phát triển nhiều vào mùa nắng nóng.
Bọ xít hút máu người rất êm làm người bị đốt không có cảm giác gì. Ông Lam mô tả, khi đã đốt máu no say, con bọ xít có thể lớn bằng nửa ngón tay cái. Khả năng sinh tồn của chúng đáng kinh ngạc, thậm chí có thể tồn tại được trong quyển sách dày kẹp chặt đến 2 tuần hay có thể nhịn ăn từ 6 - 7 tháng mà không bị chết.
Người bị côn trùng này đốt sẽ mất khả năng miễn dịch và thường mệt mỏi, buồn ngủ. Theo Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thì người bị bệnh đầu tiên là do đi nghỉ mát ở Tam Đảo, sau khi về nhà thì thấy mệt mỏi, ngủ triền miên từ 16 - 18h/ngày.
Các nhà khoa học khẳng định bọ xít hút máu người khi đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Ông Lam cho hay, trên thế giới đã có quá khứ khá tồi tệ với loài côn trùng này. Ở châu Mỹ Latinh có khoảng 16 - 18 triệu người bị bệnh chaga’s. Một số nước như Chile, Bolivia, Achentina, Brazil có khoảng 65% lãnh thổ bị loài bọ xít này truyền bệnh. Khi bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu...
Tuy nhiên, ở Việt Nam đến nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về loài côn trùng này và TS. Trương Xuân Lam là người đầu tiên tìm hiểu về nó.
Ông Lam khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng về loại côn trùng này. Để tránh bọ xít hút máu, nhà cửa nên kê ít đồ đạc, giữ cho thông thoáng và vệ sinh sạch sẽ. Dù mùa đông hay hè cũng phơi đệm, quét khe giường thường xuyên. Nếu phát hiện ra loài này ở trong nhà phải kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa. Không nên phun bất cứ loại thuốc nào để diệt côn trùng.
-
Bảo Anh