Sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields danh giá đem lại nhiều kì vọng lớn. Tuy nhiên, nhà báo Hàm Châu cho rằng: ".. chúng ta cũng không quá “bốc”, đến mức cho rằng rồi đây sẽ xuất hiện... “hàng loạt Ngô Bảo Châu”! Trong cả trăm năm, số người đạt đến đỉnh cao khoa học như vậy, ngay cả trên toàn thế giới, cũng không phải là nhiều!"
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
Trăm năm sau nhìn lại, những người viết sử hậu sinh, khi viết về lịch sử khoa học Việt Nam nói riêng, hay lịch sử Việt Nam nói chung trong thế kỷ 21, không thể không nhắc tới sự kiện GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields vào chiều ngày 19/8/2010.
Sự kiện này khẳng định một cách hùng hồn tài năng sáng tạo đỉnh cao của người Việt Nam.
Đầu thế kỷ 20, trong thời thuộc Pháp, một số học giả phương Tây ra sức truyền bá “luận thuyết” cho rằng “dân An Nam” chỉ “giỏi bắt chước”, chứ không có năng lực khám phá, sáng tạo cái mới. Rất đáng tiếc, “luận thuyết” đó không phải hoàn toàn vô căn cứ!
Những năm ngồi trên ghế nhà trường trung học, rồi đại học, bao nhiêu định lý, định luật, công thức về toán học, vật lý, hóa học, bao nhiêu học thuyết về triết học, kinh tế học, tâm lý học, v.v. mà mỗi người chúng ta được học qua đều mang họ tên người nước ngoài, phần lớn là người phương Tây. Nào là nguyên lý Archimedes, nào là định lý Pythagore, nào là triết học Descartes, triết học Kant, v.v.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhất là sau ngày Thủ đô giải phóng, trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành, mới lác đác xuất hiện một số tên tuổi người Việt Nam ta.
Thế giới bắt đầu biết tới phương pháp Tôn Thất Tùng (Ton That Tung Method) trong phẫu thuật gan; lát cắt Tụy (Tuy’s cut), thuật toán kiểu Tụy (Tuy- Type Algorithm) trong lý thuyết tối ưu toàn cục, v.v.
GS Nguyễn Văn Hiệu từng được chia sẻ Giải thưởng Lenin về khoa học với một số nhà vật lý Liên Xô (cũ) vì đã tham gia khám phá quy luật bất biến kích thước các quá trình sinh hạt trong vật lý năng lượng cao.
Một số nhà sinh học và cổ sinh học nước ta như Đào Văn Tiến, Võ Quý, Đặng Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Lê, Đặng Vũ Khúc, Tống Duy Thanh, v.v. lần đầu tiên tìm ra một số giống mới, loài mới trong sinh vật và cố sinh vật, do đó, có quyền đặt tên Latin cho những giống mới, loài mới ấy và, vì thê, “lưu danh” chút ít trong văn liệu sinh học và cổ sinh học thế giới, v.v.
Chúng ta hết sức trân trọng ghi nhận những thành tựu của các thế hệ nhà khoa học lớp trước. Nhưng, dù sao, những khám phá ấy vẫn chưa gây được tiếng vang thật rộng rãi trong cộng đồng khoa học quốc tế, do chưa đi vào những vấn đề lý thuyết và thực nghiệm cơ bản nhất, gai góc nhất, cốt lõi nhất, khái quát nhất, có tính đột phá cao và ảnh hưởng lớn trong khoa học mũi nhọn.
Việc GS Ngô Bảo Châu liên tiếp được tặng nhiều giải thưởng cao quý về toán học và đặc biệt là Huy chương Fields đã và đang gây chấn động lớn trong dư luận thế giới, không chỉ trong giới khoa học, mà cả trong giới báo chí - truyền thông. Chúng ta còn nhớ, năm 2009, tờ Time ở Mỹ đã từng xếp công trình của GS Châu về Bố đề Cơ bản vào một trong số 10 khám phá khoa học nổi bật nhất thế giới.
GS Ngô Bảo Châu bên cạnh 3 nhà Toán học cùng đoạt giải thưởng Fields. |
Với đức tính khiêm tốn vốn có của người Việt Nam, ta vẫn có quyền dùng cụm từ đỉnh cao chót vót mà không sợ lạm dụng, để chỉ nét đặc sắc thứ nhất trong thành tựu toán học của Ngô Bảo Châu. Đó không chỉ là đỉnh cao chót vót của riêng nước ta, mà còn là đỉnh cao chót vót của cả thế giới. Bởi lẽ ai cũng biết Huy chương Fields (Fields Medal) được coi như Giải thưởng Nobel trong toán học, nếu không muốn nói là còn khó hơn, do hạn chế về độ tuổi phải dưới 40…
Còn nhớ A. Wiles đưa ra chứng minh định lý cuối cùng của Fermat vào năm 1993 nhưng, sau đó, bị N. Katz phát hiện ra một lỗi lầm nghiêm trọng nhưng hết sức tinh tế, khó nhận thấy! Thế là, suốt 14 tháng trời ròng rã tiếp theo, trải qua những ngày dài và đêm thâu tự giam mình trên một căn gác xép, “đớn đau, tủi nhục, gần như tuyệt vọng”, Wiles mới sửa chữa được khiếm khuyết nói trên, hoàn thiện được chứng minh, chấm dứt 358 năm căng thẳng trong giới toán học quốc tế! Tiếc thay, lúc đó anh đã 41 tuổi, nên không còn được nhận Huy chương Fields! Hạn chế về độ tuổi mới ngặt nghèo làm sao!
Nét đặc sắc thứ hai trong thành tựu của GS Châu là sáng tạo, không phải sáng tạo nhỏ, mà là sáng tạo huy hoàng, có sức tỏa sáng rộng, xa. Anh không đi vào “râu ria” trong khoa học - mặc dù những nghiên cứu “râu ria” cũng rất cần. Anh không đắm mình trong “ao đầm ngòi lạch”, mà cả gan bơi giữa dòng “đại giang”, chủ lưu của toán học, không sợ sóng to gió lớn, vì biết tự động viên mình “bởi trời muốn thử lòng để trao mệnh lớn”!
Có thể nói Chương trình Langlands (Langlands Program) là phương hướng nghiên cứu của giới toán học lý thuyết thế giới hơn 30 năm qua; tuy nhiên, nó gặp một chướng ngại lớn, là phải chứng minh được Bổ để Cơ bản (Fundamental Lemma). Bao nhiêu bộ óc lỗi lạc ra sức tìm tòi, nhưng cuối cùng đều… toi công! Thế rồi, Gérard Laumon và Ngô Bảo Châu chứng minh được một phần, tức là phần dành riêng cho các nhóm unita (unitarian groups).
GS Ngô Bảo Châu còn lại “một mình một ngựa” trên dặm đường xa. Anh tự viết lấy công trình dài 188 trang, giải quyết trọn vẹn Bổ đề Cơ bản trong trường hợp tổng quát. Cũng như A. Wiles trước kia, công trình của GS Châu phải chịu sự kiểm tra hết sức gắt gao của bao chuyên gia “khó tính”. Nhưng rồi được công nhận là không có khiếm khuyết nào! Anh trở thành nhà toán học trẻ xuất sắc nhất châu Âu, được tặng Giải thưởng Oberwolfach năm 2007, rồi Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 2008.
Có thể nói, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam ta, trường hợp Ngô Bảo Châu đáng được coi là “hiện tượng thế kỷ”, trong cả trăm năm không xảy ra nhiều.
- Đừng quên công ông Bửu! - GS Đàm Trung Bảo, thân sinh nhà vật lý nổi tiếng Đàm Thanh Sơn, nói với tôi khi được biết thành tựu của anh Châu.
Nhân tài - nhất là nhân tài trong toán học, âm nhạc, thể thao - không tự dưng mà có! Phải biết phát hiện và tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ.
GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thời chống Mỹ, đã có tầm nhìn rất xa, khi quyết định mở các lớp phổ thông chuyên toán đầu tiên tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1965 dưới mưa bom Mỹ. Đây là vườn ươm bao tài năng khoa học, trong đó có Đào Trọng Thi, Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn...
Khối Phổ thông chuyên toán - tin của trường đại học này đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Ngô Bảo Châu là một bông hoa của nền giáo dục mới, được mở đầu từ Cách mạng Tháng Tám. Bác Hồ từng gửi gắm niềm tin vào các thế hệ trẻ về sau sẽ làm cho đất nước ta có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”...
Hiện tượng Ngô Bảo Châu cho thấy bộ óc người Việt Nam ta có thể vươn tới đỉnh cao sáng tạo huy hoàng, ngay cả trong những lĩnh vực hiện đại nhất, phức tạp nhất, tình tế nhất. Vấn đề còn lại là tạo ra những điều kiện cần và đủ...
Theo tôi nghĩ, ta đã khá chú ý đến hai khâu phát hiện và tuyển chọn, đào tạo và bổi dưỡng, nên đã xuất hiện ngày càng nhiều nhân tài trẻ tuổi. Song, khâu thứ ba là sử dụng và đãi ngộ, thì e rằng còn nhiều lúng túng, bất cập! Quan tâm giải quyết thỏa đáng khâu này, chắc chắn sẽ làm cho các tài năng trong mọi lĩnh vực ngày càng nở rộ.
Hiện tượng Ngô Bảo Châu chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng khoa học nước ta, nhất là đối với thế hệ trẻ, làm cho mọi người tin chắc hơn vào năng lực sáng tạo của người Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không quá “bốc”, đến mức cho rằng rồi đây sẽ xuất hiện... “hàng loạt Ngô Bảo Châu”! Trong cả trăm năm, số người đạt đến đỉnh cao khoa học như vậy, ngay cả trên toàn thế giới, cũng không phải là nhiều!
Ở châu Á, CHND Trung Hoa, với gần 1,4 tỷ dân, vẫn chưa có ai giành được Huy chương Fields, mặc dù nước bạn rất “khát” loại huy chương cao quý này, cũng như “khát” Giải thường Nobel (không kể số người gốc Hoa mang quốc tịch Mỹ). Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước châu Á khác cũng chưa có ai được như thế cả.
Quả vậy, “tuấn kiệt như sao buổi sớm”! Có thể coi trường hợp Ngô Bảo Châu là một “hiện tượng thế kỷ”, trăm năm còn nhớ…
-
Theo VTC news