Trong căn phòng tanh nồng, anh Quản Ngọc Thuý thắp một nén nhang đứng lặng im trước chiếc bàn thờ cũ kỹ, bên cạnh anh là một dãy quan tài nhỏ xíu kê sát lên nhau…
TIN MỚI |
|
---|---|
Tại phòng hồ sơ trong Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, một nữ y tá cho biết: “Những ngày rằm, mồng một người ta ít vào đây, chứ ngày thường đông lắm”. Theo y tá này, bệnh viện mỗi ngày phải làm thủ thuật nạo hút cho trên dưới 30 - 40 trường hợp, mỗi năm không dưới 15.000 ca.
Theo quy trình chuyên môn, thai từ 6-12 tuần sẽ tiến hành hút, còn thai từ 12-22 tuần phải tiến hành phá. Lứa tuổi phá thai chiếm tuyệt đại đa số là từ vị thành niên đến dưới 24 tuổi, trong đó có rất nhiều trường hợp đang là sinh viên.“Những bà mẹ bất đắc dĩ” ấy đã tìm cách rời bỏ giọt máu của mình và không còn tâm trí để nghĩ rằng xác những hài nhi xấu số ấy sẽ được mang đi đâu…
Một ca nạo hút thai. Ảnh minh họa |
Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, dáng hình gày gò, đặc biệt ít nói ấy có cái tên khá “lạ”: Quản Ngọc Thuý, năm nay đã bước sang tuổi ngũ tuần. Theo lời anh Thúy, anh vốn là bộ đội phục viên và từng chuyển nhiều nghề trước khi vào trông coi nhà xác bệnh viện phụ sản. Anh làm công việc trông coi nhà xác của Bệnh viện phụ sản Hà Nội được chừng 7 năm nay, một công việc thầm lặng, không ai chia sẻ, động viên…
Anh nhớ lại: “Những ngày đầu chính tôi cũng đấu tranh với bản thân rất căng thẳng. Nhưng rồi, nhiều lúc nhìn các cháu được bỏ chung với nhiều “bệnh phẩm” khác, xót xa lắm, nên tôi đề xuất với bệnh viện nhận công việc này. Ban đầu, phải giấu nhẹm vợ con vì sợ người nhà bị ám ảnh, đặc biệt là trong các bữa cơm. Nhưng bây giờ công việc này nhiều người biết đến và thông cảm cho mình, vợ con cũng ủng hộ”.
Mùi thuốc sát khuẩn, formol, ê te mùi ẩm mốc, và có lẽ mùi lạnh của các hài nhi xấu số nữa đã quện vào nhau khiến cho người mới vào khó tránh khỏi cảm giác phải bụm miệng lại. Với anh Thuý, loại mùi này đã trở nên quen thuộc tới mức không còn nhận ra nữa.
Công việc hàng ngày của anh là qua các phòng ban của bệnh viện nhặt nhạnh cái mà người ta gọi là “bệnh phẩm” cho vào túi nilon và mang về khu nhà xác. Nơi anh Thuý dừng lại lâu nhất là khoa “kế hoạch hoá gia đình”. Tại khoa này, một số ít các hài nhi được gia đình mang về an táng, số còn lại chủ yếu anh Thuý nhận về căn phòng nhỏ của mình và thay bố mẹ khâm liệm.
Gọi là “bệnh phẩm”, nghe như khúc ruột thừa hay khối u nhọt buộc phải cắt bỏ đi. Tuy nhiên, với Bệnh viện phụ sản, đa phần đó lại là xác của các hài nhi xấu số.
Nhận xác về, anh Thuý cẩn thận phân loại. Với những hài nhi đã rõ hình hài, anh Thuý tỷ mẩn tắm rửa, khâm liệm, rồi thắp một nén nhang. Trong khói hương nghi ngút, bóng anh Thuý một mình, trầm ngâm…
Anh Thuý đang thắp hương cho các hài nhi. Ảnh Bảo Vy. |
Anh bảo: “Mỗi khi tắm rửa cho những hình hài mềm oặt vừa được trục ra khỏi bụng mẹ, ai chẳng xót xa. Chỉ mong rằng linh hồn các cháu sẽ được siêu thoát và không trách móc cha mẹ chúng. Bởi tôi cũng biết rằng, việc phá bỏ một hài nhi đang quẫy đạp trong bụng là điều mà không ai muốn. Các cháu không may mắn được sinh ra làm kiếp người và cũng không được cha mẹ chúng chăm sóc về tâm linh. Tôi coi công việc của mình như nghĩa cử thay mặt các ông bố, bà mẹ tiễn đưa các cháu về trời với tư cách là một con người”
Khi anh Thuý hoàn tất phần công việc của mình, sẽ có xe nhà tang lễ Phùng Hưng đến nhà đại thể của bệnh viện. Anh cùng cán bộ của nhà tang lễ lại âm thầm tiễn đưa các cháu về nghĩa trang Văn Điển. Nơi mà các cháu sẽ được hỏa thiêu…
Anh trầm ngâm, nếu một lúc nào đó, người cha hoặc mẹ của các cháu chợt nhớ đến đứa con mà mình đã rứt ruột bỏ đi thì cũng không biết hương khói ở đâu. Hiếm khi có một người tìm đến nhà xác để thắp hương. Đây có lẽ là một địa chỉ mà những người mẹ tội nghiệp không đủ can đảm để quay lại…
Chính vì thế, cứ đến ngày mồng một hoặc rằm, anh Thuý trích một khoản tiền từ phần lương ít ỏi mà bệnh viện trả để mua hương hoa về thắp cho các hồn nhi vô tội. …
(Theo Zing)