Theo một điều tra viên, thì có phần nào đó oan ức cho bị cáo khi bị truy tố với cáo trạng “Giết người man rợ”. Dư luận đã hiểu không đúng cơ sở khoa học, hành vi của Nghĩa là hành vi che giấu tội ác chứ không phải “giết người man rợ”.
TIN LIÊN QUAN |
|
---|---|
"Giết người man rợ" phải là giết dần, giết mòn
Theo VTCNews, một điều tra viên có kinh nghiệm trong quá trình điều tra các vụ án hình sự của Bộ Công an (đề nghị giấu tên) cho hay, nguyên nhân dẫn tới đơn kháng cáo của thủ phạm Nguyễn Đức Nghĩa như báo chí đưa tin, do tác động của gia đình hay luật sư, điều đó không hoàn toàn hợp lý.
Theo linh cảm nghề nghiệp của điều tra viên này, trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa động cơ cướp tài sản không phải có ngay từ ban đầu. Dĩ nhiên, bản án Nghĩa phải chịu vẫn là “giết người cướp đoạt tài sản” nhưng điều quan trọng ở đây là: Động cơ này xuất hiện trước hay sau, lại là một vấn đề cần làm rõ. Bởi vì thông thường, để cướp tài sản có nhiều cách, không nhất thiết bức bách tới mức phải giết người.
Cũng theo điều tra viên này: "Đây có lẽ là một trong những điểm mấu chốt để Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo".
Với tư cách là một người điều tra, điều tra viên này cũng cảm thấy có phần nào đó oan ức cho bị cáo khi bị truy tố với cáo trạng “Giết người man rợ”. Dư luận đã hiểu không đúng cơ sở khoa học, hành vi của Nghĩa là hành vi che giấu tội ác chứ không phải “giết người man rợ”.
Theo đó thì cụm từ “giết người man rợ” đúng nghĩa phải hiểu là giết dần, giết mòn, giết đến mức người kia cảm nhận được cái chết đến rất gần, đến từ từ như cắt từng đốt ngón tay, chặt từng cánh tay...
Đánh giá về cách che giấu dã man, tàn bạo này, điều tra viên trên nhấn mạnh: "Đây là hậu quả tất yếu của phim ảnh và báo chí. Đối với trình độ của Nghĩa, không thể hiểu cặn kẽ được quá trình lần ra manh mối, truy tìm hung thủ như thế nào cũng như tìm kiếm tung tích nạn nhân ra sao. Cậu ta biết được những cách phi tang đó đơn giản chỉ qua quá trình xem phim ảnh. Mọi thứ diễn ra giống như sự sắp đặt của một bộ phim trinh thám".
Kháng cáo để được sống lâu hơn
VTC News dẫn lời ông Đào Xuân Hội, giảng viên Bộ môn Luật, Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết, việc tử tù Nghĩa kháng cáo là tâm lý hoàn toàn bình thường. Gần như 100% tử tù hiểu rằng, mọi cố gắng đều không có lợi về phía họ, họ sẽ kháng cáo để thủ tục ngày càng kéo dài, họ sẽ càng có cơ hội để sống lâu hơn.
Nguyễn Đức Nghĩa ở quận Kiến An, Hải Phòng trong vụ án sát hại bạn gái Nguyễn Phương Linh tại chung cư G4 (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt án tử hình vừa có đơn kháng cáo vào những ngày cuối cùng của 15 ngày theo luật định.
Nguyễn Đức Nghĩa trước tòa sơ thẩm. (Ảnh: ANHP) |
Gia đình Nghĩa cũng rất đồng tình với việc Nghĩa kháng cáo vì không đồng ý với cáo trạng “giết người man rợ” và thứ nữa là trong khi tòa án xét xử lại vụ việc thì đó cũng là thời gian Nghĩa được kéo dài cuộc sống hơn, được nhìn thấy gia đình thêm nữa.
Nhiều người thì tỏ thái độ phẫn nộ về tội ác của vụ "xác chết không đầu" và không thể dung thứ. Nhưng một số chuyên gia tâm lý và điều tra viên đã phân tích tâm lý bị cáo với chiều sâu diễn biến của con người để cho thấy bản chất vụ việc này.
Ông Đào Xuân Hội đã thẳng thắn cho rằng, bất kể người nào cũng có thể trở thành tội phạm. Trong mỗi con người đều luôn luôn tồn tại hai mặt: Thiện và ác.
Ông Hội giải thích cho hành động của Nghĩa như sau: Sau hành vi giết người, trừ những người có máu lạnh, còn hầu hết đều có tâm trạng hoảng hốt, lo sợ, muốn che đậy tội lỗi và phi tang là cách làm ai mắc phải cũng lựa chọn. Đó là lý do tại sao Nguyễn Đức Nghĩa đã cắt vân tay, chặt đầu, vứt xác nạn nhân nhằm làm mất dấu điều tra của lực lượng cảnh sát.
Kháng cáo của Nghĩa là theo bản năng ham sống sợ chết
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty TNHH tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng) cho biết: Không có gì đáng ngạc nhiên khi một người sắp chết trỗi dậy khát vọng sống mãnh liệt. Đó là tâm lý của một con người nói chung, không đơn thuần chỉ riêng một tội phạm.
Nguyễn Đức Nghĩa kháng án là điều hết sức bình thường, thậm chí còn vô cùng tỉnh táo. Việc Nghĩa đưa ra lời kháng cáo vào lúc này có thể đã nằm sẵn trong kế hoạch của Nghĩa, mọi việc được diễn ra theo trình tự, có đường đi nước bước rõ ràng.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn phân tích, trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/7, Nghĩa cúi đầu nhận lỗi, bày tỏ sự ăn năn hối hận, xin tự nhận mức án tử hình đền tội cho những gì Nghĩa đã gây ra, đã phần nào đó xoa dịu sự phẫn nộ, uất ức, căm hận trong lòng quần chúng. Nghĩa đã bật khóc.
Nhưng ông Đoàn cũng lý giải, từ việc Nghĩa khóc trong phiên tòa sơ thẩm tới việc kháng cáo có thể đều nằm trong kế hoạch có sẵn và vô cùng tỉnh táo. Đặc biệt là với một người rất trẻ như Nguyễn Đức Nghĩa, niềm ham sống càng mãnh liệt hơn, mặt khác tâm lý sẵn sàng đón nhận cái chết như những “đàn anh, đàn chị” lớn tuổi, từng trải khác ở Nghĩa chưa có.
Có nhiều cách để lý giải Nghĩa phạm tội với một hành động mù quáng như vậy. Và mọi người cũng thừa hiểu, với tội trạng của Nghĩa thì tử hình là tương xứng với hành vi phạm tội mà Nghĩa đã gây ra. Nhưng kết án tử hình Nghĩa thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần làm rõ hành vi giết người của Nghĩa có phải là man rợ không.
Khi kháng cáo, bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa cũng muốn chứng minh với mọi người, Nghĩa không phải là người mất hết nhân tính mà giết người man rợ như toà sơ thẩm đã tuyên.
-
Cẩm Anh (tổng hợp)