- Một nữ sinh viên Trường ĐH dân lập Văn Hiến TP.HCM không được cấp bằng tốt nghiệp ĐH sau 4 năm "miệt mài" chỉ vì là SV dự thính. Bộ GD-ĐT khẳng định, không có quy định này.
Sinh viên Nguyễn Thị Thanh H., Trường ĐH dân lập Văn Hiến TP.HCM (khóa 2003-2007) đã tá hỏa sau 4 năm học ĐH, cũng như hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp nhưng lại không được cấp bằng vì chỉ là SV dự thính.
Trước đó, năm 2003, Nguyễn Thị Thanh H. (ở quận 9, TP.HCM) thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM chỉ đạt 3 điểm khối A và 7 điểm khối C nên không đậu. Sau đó, H. đã nhờ người quen là luật sư để xin cho vào học khoa Du lịch Trường ĐH dân lập Văn Hiến.
Tại đây, H. được nhà trường cấp mã số sinh viên, học tất cả các môn học, đóng học phí và thi như các bạn bình thường khác, thậm chí còn được dự thi tốt nghiệp ĐH với số điểm đạt trên trung bình.
Tuy nhiên, sự việc vỡ lở khi H. hỏi bằng tốt nghiệp thì nhà trường nói H. là SV dự thính nên chỉ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
Trong khi đó, H. khẳng định, hoàn toàn không biết mình là SV dự thính cho tới khi không nhận được bằng tốt nghiệp và chưa bao giờ làm đơn xin học dự thính cả.
Cũng trả lời trên Báo SGGP về trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH DL Văn Hiến cho biết, lãnh đạo nhà trường không có chủ trương về đào tạo dự thính và cũng không biết có khoa nào của trường đào tạo loại hình này. Chỉ đến khi đọc báo mới biết có trường hợp như thế ở khoa Du lịch. Sau đây, Ban giám hiệu sẽ nhanh chóng kiểm tra làm rõ sự việc.
Quy chế học vụ của trường ĐH DL Văn Hiến năm 2003 ghi rõ, SV dự thính không được dự thi tốt nghiệp. (Ảnh: Dân trí). |
Mặc dù vậy, nhưng trong quá trình tìm hiểu vụ việc thì được biết, ngay trong Quy chế học vụ Trường ĐH DL Văn Hiến 2003 có quy định rất rõ ràng, cụ thể về sinh viên dự thính; đối tượng, nghĩa vụ và quyền lợi của sinh viên dự thính… Thậm chí, có quy định, người học dự thính không được dự thi tốt nghiệp mà chỉ được cấp giấy chứng nhận hoàn tất môn học hoặc chương trình (trong khi chị H. vẫn dự thi tốt nghiệp).
Đồng thời, trao đổi trước đó, ThS. Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng phòng Đào tạo đã nhiều lần khẳng định, trường có đào tạo dạng dự thính từ năm 2003 để đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện nay, khoa Tâm lý vẫn có vài trường hợp dự thính. Số lượng học dự thính không nhiều nên có những sơ suất và việc dạy dự thính không có trong quy chế có nghĩa là Bộ không cấm(!)
-
Trâm Anh (tổng hợp)