Loài tôm hùm này rất dữ, cặp càng to như càng cua sẵn sàng tấn công địch thủ. Nếu chúng thoát ra ngoài có thể sẽ gây hại cho các công trình thủy lợi khi chúng đào hang...
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Gần 2 tháng nay, tôm hùm đỏ nhập lậu được nuôi tại ao nhà ông Lê Văn Mến ngụ ấp Trường Phước B, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Số lượng tôm được nhập về 3 lần với khoảng 49 kg (mỗi kg từ 15 - 18 con).
Tôm hùm nhập lậu
Được biết toàn bộ số tôm này là của ông Bùi Quốc Hải - Trưởng phòng kinh doanh Công ty SJ Crawfish ở địa chỉ 114 Trần Đình Xu, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi đem về địa phương, ông Hải giao lại cho ông Mến nuôi trong ao phía sau nhà.
Tôm hùm đỏ (procambarus clarkia) còn có tên là tôm hùm nước ngọt, vỏ cứng, có nguồn gốc bắc Mỹ. Tôm hùm đỏ ăn tạp, thức ăn chính là mùn bã hữu cơ. Ngoài ra chúng còn ăn nhiều loại thức ăn như ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, xác động vật…Hiện nay Bộ NN&PTNT mới chỉ cấp phép cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 nhập loài tôm hùm đỏ đủ số lượng để thực hiện đề tài nguyên cứu… |
Ông Võ Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây cho biết: “Một số người dân xung quanh đã phát hiện hộ ông Mến nuôi số tôm hùm trên nên báo cho chính quyền địa phương.
Sau đó, chính quyền địa phương đã báo cáo lên trên để có biện pháp xử lý”. Mới đây thanh tra Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng đã đến lập biên bản hiện trường để có biện pháp xử lý và báo cáo về Tổng cục Thủy sản.
Theo biên bản làm việc vào ngày 19-7-2010, ông Hải có mua 10kg tôm hùm của ông Đào Anh Vũ - cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, 4kg được nhập về bằng đường hàng không từ Mỹ không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau đó, ông Hải tiếp tục mua thêm 39kg nữa đem về địa phương nuôi.
Do tôm hùm đỏ chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ, các giấy tờ có liên quan… nên đoàn đã yêu cầu chủ hộ và ông Hải phải sớm cung cấp giấy tờ. Đối với số lượng tôm đã thả nuôi thì sử dụng các biện pháp lưu giữ, bảo quản tại chỗ; ngăn chặn việc phát tán loài tôm này ra thị trường cũng như môi trường xung quanh trước khi có văn bản của các cơ quan chức năng...
Mối nguy hiểm
Tuy nhiên, đến nay, khi ngành nông nghiệp địa phương vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý số tôm hùm trên nên một lượng lớn tôm đã thoát ra ngoài môi trường tự nhiên. Ông Lê Văn Mến cho biết: “ Mấy bữa đầu mới về do không biết cách rào chắn nên tôm đã bò ra ngoài cách ao nuôi khoảng 20m. Khi gia đình phát hiện mới rào chắc chắn hơn”.
Còn ông Trần Hoàng Khương, người dân trong ấp gần đây đặt dớn đã bắt được 1 con tôm hùm cách hộ đang nuôi khoảng 700m. Tại ao nuôi nhà ông Mến diện tích ao nuôi rộng khoảng 40m2 được rào bằng lưới mùng cao khoảng 0,5m rất sơ xài. Xung quanh ao, một số con tôm đã đào hang để trú ngụ nhờ cặp càng rất to và khỏe.
Tôm hùm đỏ có cặp càng rất lớn. |
Cách đây mấy ngày, ông Hải đã đến đây bắt khoảng 20kg mang đi đâu không biết. Theo các nhà chuyên môn thì loài tôm hùm này rất dữ, cặp càng to như càng cua sẵn sàng tấn công địch thủ. Điều đáng nói là loại sinh vật ngoại lai này khi thoát ra ngoài có thể sẽ gây hại cho các công trình thủy lợi ở địa phương khi chúng đào hang.
Ngoài ra, chúng còn ăn tạp nên khi phát tán ra ngoài có thể làm hại các loài thủy sản bản địa. Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: “Tôm hùm đỏ nhập trái phép về Hậu Giang đã được Chi cục Thủy sản báo cáo. Sở cũng đã cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra để có biện pháp xử lý thật triệt để. Đây là loại động vật ngoại lai mà Bộ NN&PTNT chưa cho phép nhập nên đơn vị, tổ chức nào nhập lậu về nuôi sẽ bị xử lý theo quy định”.
Còn ông Ngô Quốc Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hậu Giang thông tin thêm: Đã có báo cáo về Tổng cục Thủy sản và đang chờ chỉ đạo hướng xử lý. Trong tuần tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đến vận động hộ nuôi tiêu hủy số tôm hùm này, không để phát tán ra môi trường tự nhiên.
(Theo: Dân Việt)