Tới lớp 11, khi các bạn nam đã lún phún mọc ria mép, vỡ tiếng... thì tôi vẫn là một đứa trẻ con, tôi buồn vô cùng. Tuy nhiên, tôi bắt đầu yêu ngay từ ngày nhập học cấp 3…
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
“Đêm nay có thuyền em đi, thuyền trôi nhanh tới nơi đầu sông…”
Trước khi chuyển nhà ra khu biệt thự, gia đình tôi có một chị cháu họ của mẹ lên phụ việc nhà. Chị rất đẹp, mẹ chị là đào hát, ba là họa sĩ của đoàn hát Bội Đồng Xuân Lâu, ông vẽ cảnh trí cho đoàn. Ba mẹ chị bỏ nhau, chị thừa hưởng gen của bố mẹ chị nên ngoài giờ cơm nước, giặt giũ, chăm lo cho bọn tôi thì chị vẽ tranh bằng phấn viết tường trên bếp. Chị vẽ những rừng cây không có lá, những thiếu nữ mặc áo dài, tóc dài nhưng không có mắt mũi, tôi xem cứ thấy rờn rợn nhưng lại mê mẩn bởi ẩn nấp sau mỗi nét vẽ của chị là cảm giác về mùa, về những thân cây khẳng khiu, chơ vơ trong gió đông hay về những tà áo Huế dịu dàng cuốn gió, chới với trong mưa. Mỗi lần vẽ xong, chị lại ký tên Thùy Linh bên dưới, chữ ký bay bướm và đẹp mê hồn.
Dường như trong cuộc đời này, cái gì cũng được báo trước nhưng thường con người không mấy ai cảm nhận được những điều mà số phận sắp đặt. |
Tôi thấy chị rất lạ, có đôi lúc bất chợt nhìn chị, tôi thấy chị đẹp, một vẻ đẹp như rất gần mà như rất xa khiến tôi có cảm giác chị sẽ tuột ra khỏi cuộc sống của tôi bất cứ lúc nào.
Tôi còn nhớ, nhà có chiếc xe đạp mini nhưng cả nhà không cho tôi đi. Tôi đã lấy trộm ra tập và thích cảm giác ngồi trên xe, phi trên con đường lóc xóc với đất đá lởm chởm, chỉ muốn đẩy mình ngã. Rồi tôi cũng bị ngã lộn nhào xuống ao, pê-đan xe đã đâm vào chân (mà tới giờ vết sẹo vẫn còn nguyên bên chân trái), tôi đã rút chiếc ống của pê-đan xe đó ra với nguyên cả máu và thịt giắt vào, tôi mấm mồm mấm lợi không dám la vì sợ có ai đó biết về mách ba và anh Bi, nhưng vì đau quá, nước mắt cứ tuôn trào.
Bất chợt thôi thấy chị Thùy Linh đi tới, chị nhìn và cuống lên, lao tới đỡ tôi, khi chị xé tà áo buộc vết thương cho tôi, tôi có cảm giác như mọi đau đớn tan biến hết. Và tôi dường như thấy nước mắt tôi chuyển qua hết cho chị. Nhìn chị ngước mắt lên, những giọt nước mắt ngấn ngấn trong đôi mắt nâu mở to, với hàng mi dày khẽ chớp thì tôi như mất hết cảm giác đau đớn, tê dại. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được giọt nước mắt đó chảy và ngưng lại khóe môi cong với làn môi dày đầy đặn, hồng hồng của chị.
Mỗi ngày sau đó, những lúc dọn dẹp xong và cho các em ngủ, chị nhận thêm nón Huế về trầm nón lá bài thơ. Khoản tiền người ta trả, chị lại mua quà cho tụi tôi hoặc dành tiền mua vé xem phim. Nhưng… Chị yêu một người cùng xóm, anh ấy có vẻ đẹp gai góc, giang hồ, công ăn việc làm không có nên gia đình họ mạc chúng tôi khuyên và ngăn cấm chị không nên yêu anh ấy. Và rồi… chị ấy có bầu. Thời điểm đó, có bầu trước khi cưới là một trọng tội và nó kinh khủng lắm. Tôi không rõ được sự kinh khủng tới đâu nhưng tôi bắt gặp sự hoảng hốt trong đôi mắt nâu mở to của chị. Và rồi, anh chị rủ nhau chết, uống thuốc… Nhưng sau đó, chị đã về quê và mất ở quê nhà. Khi chị mất, trời lất phất mưa, thuyền đưa quan tài chị đi và câu hát mà chị vẫn thường ngâm nga lại vang vọng trong tôi, như thể chị đang ở đâu đó, ngước đôi mắt nâu to cùng hàng mi dày, ngấn lệ, hát vọng về: Đêm nay có thuyền em đi thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông…
Chuyến đi xa đầu đời
Những ngày đầu tiên chuyển sang khu biệt thự, tôi bị hẫng hụt một thời gian. Cái chết của chị Thùy Linh cứ vương vất quanh tôi. Những câu hát, những bức vẽ và cả đôi mắt nâu to tròn ngấn ngấn nước dưới lớp mi dày, cái miệng mòng mọng… tất cả in đậm trong trí óc tôi. Tôi không chỉ nhớ chị Linh mà còn nhớ cả con đường quanh co trong xóm, nhớ khoảng không gian mờ mịt mưa Huế, nhớ những rặng dâm bụt lấp ló hoa trong khu xóm lao động nghèo. Tôi rất hay quay về nhà cũ và khóc thầm một mình. Cảm giác như nơi thân thương này không còn là của mình, không chờ đón mình về mỗi ngày đi học… cứ nghĩ vậy, nước mắt tôi lại trào ra. Nhưng tôi không dám chia sẻ cảm xúc này với ai. Không hiểu sao anh Bi vẫn biết, anh ấy cười chế giễu. Rồi một vài người lớn cũng châm biếm tôi nói là chuyển về cái nhà to đẹp hơn thì mắc mớ gì mà cứ quay về nhà cũ nhỏ bé khóc lóc, sao cải lương thế. Phải mất một thời gian dài như vậy tôi mới nguôi ngoai được.
Tôi rất thích về quê nội. Cứ vào ngày tổng kết năm học là tôi lại gói ghém quần áo, từ trường ra thẳng sạp vải của mạ, ăn gì đó rồi ra bến tàu về thẳng quê. Tôi ở liền ba tháng hè, tới trước hôm khai giảng một ngày thì mới về nhà. Ở quê hay có những đoàn cải lương, đoàn chiếu bóng tới chiếu, biểu diễn và lần nào tôi cũng được bà nội dắt đi. Tôi ngồi dưới chỉ mơ ước được trở thành những diễn viên như trên sân khấu. Dường như lần nào tôi cũng mò mẫm ra sau hậu trường để xem diễn viên hóa trang, tôi muốn nhìn thấy những nhân vật trong tác phẩm tôi được xem bằng xương bằng thịt.
Có lần đi xem Thạch Sanh, tôi háo hức chạy vào hậu trường, muốn xem tận mặt chàng Thạch Sanh nhưng than ôi, vào tới trong, thấy Thạch Sanh đang ngồi dạng thẻ chơi bài, thậm chí còn… nói tục, chửi thề. Tôi thất vọng quá, về nhà ốm một tuần liền. Trong đầu óc non nớt của tôi khi đó, tôi nghĩ người diễn viên vào vai Thạch Sanh phải đúng như hình ảnh người đó trên sân khấu. Nhưng tôi lại nhìn thấy một điều trái ngược và tôi đã thất vọng tới phát ốm. Sau này, ba tôi có phân tích rằng: “Con phải phân biệt được cuộc đời và sân khấu. Người diễn viên có những lúc cần phải xả hơi mới có thể tiếp tục diễn được. Chú ấy có ngồi chơi bài thì đầu óc chú ấy mới thoải mái để diễn tiếp vai Thạch Sanh cho con xem”.
Mọi người nói kiếp cầm ca, diễn xướng là kiếp ăn đường ngủ chợ, vất vả, khổ sở nhưng tôi không thấy như vậy là khổ mà thấy sao họ sướng thế: tối tối cứ quần quần áo áo, son son phấn phấn lên sân khấu với đèn đuốc lung linh. Tôi thấy cuộc sống của họ sao huyền bí, hấp dẫn và thần tiên đến vậy.
Cuối năm lớp 8, vì thích hát múa tối ngày, đầu óc mơ mộng vẩn vơ, bay bổng, thêm vào đó, tôi lại gày yếu từ bé nên tôi bị thi lại hai môn: Toán và Thể dục. Ngày đó, tôi chỉ chờ mong tối thứ bảy để xem cải lương hay ca nhạc phát trên vô tuyến trắng đen của gia đình. Tôi hồi hộp xem hết thời sự và điều lo sợ nhất của tôi là… bị mất điện. Mạ có mua bánh trái cho thì cất đi, tới giờ đó mới mang ra ăn, tôi thích nhấm nháp cả “hai niềm hạnh phúc” cùng một lúc: vừa được ăn trái cây, bánh ngon vừa được ngồi xem. Tôi mê mẩn những vở: Bình minh trên hoang đảo, Tìm lại cuộc đời, Tâm sự Ngọc Hân… Bé Trâm là người thân nhất với tôi trong gia đình. Những lúc như thế, tôi thường kéo bé ngồi cùng, vừa thưởng thức vừa bình luận sôi nổi hoặc khóc thút thít với nhau. Tôi còn bắt chước những vở kịch, trước khi đi ngủ, lấy lô cuốn tóc bé Trâm, tới sáng hôm sau thì tóc bé xoăn tít lên, nhìn rất ngộ.
Bé Trâm sinh năm 1972, đây là bức hình mới nhất của bé. Ở nhà, bé Trâm có nhiều nét giống tôi nhất. Tôi từng viết trong nhật ký là có thể chết vì người em này và trong cuộc đời... |
Tôi hơn Trâm 6 tuổi nhưng hai anh em rất thân nhau, có gì ăn tôi cũng dành cho bé, chơi gì tôi cũng rủ bé. Buổi tối, ba tôi bắt tôi sang ngủ với anh hai: con trai ngủ với con trai, ba em gái ngủ với nhau, nhưng hai anh em tôi thân nhau đến nỗi, nửa đêm không thấy tôi, bé Trâm lại ôm gối sang giường hai anh ngủ cùng tôi. Tôi yêu quý bé Trâm tới nỗi mà sau này, khi gia đình tôi xảy ra nhiều biến cố, tôi mang bé Trâm theo vào Nha Trang, ở cùng đoàn Hải Đăng và tôi đã ghi trong nhật ký rằng: Tôi sẵn sàng chết, sẵn sàng nhảy vào lửa hay làm bất cứ điều gì để cho người em này được hạnh phúc! Bé Trâm cũng từng nói rằng: Ở cuộc đời này, có bốn người đàn ông mà em đứng trước mặt, hỏi em xem em thương ai nhất thì em không biết trả lời sao: đó là ba tôi, tôi, chồng và con trai của Trâm.
Trái hẳn với anh Bi: chỉ cần nghĩ tới anh thì cảm xúc của tôi lại bị “tụt hứng”, thậm chí là nước mắt cũng không chảy được. Trước mặt mọi người, tôi đang hát hay, kể chuyện giỏi, cảm thấy mình đang duyên dáng mà chợt thấy anh Bi thì tôi trở nên vụng về, lóng ngóng, làm bể đồ, rơi vật. Nhưng với bé Trâm tôi như được khích lệ. Tôi nói gì bé cũng chăm chú nghe đầy thích thú, tôi kể gì bé cũng thấy mắc cười hết. Bây giờ Trâm giàu có lắm rồi, khi nào tôi về chơi mà lân la ôm ngang bụng bé là bé lại liu diu mắt rồi tủm tỉm nói: “Lại muốn xin gì phải hôn…”.
Chuyện tôi thi lại tôi chẳng cảm thấy xấu hổ hay có vấn đề gì, nhưng với ba tôi thì đó là một điều khó chấp nhận, ông còn tỏ ra lo sợ và bàn với mạ tôi gửi tôi lên chú tôi là Đinh Ngọc Niệm, dạy toán ở trên Buôn Mê Thuột để chú kèm cặp. Và năm 1982, gia đình bắt tôi phải lên Buôn Mê Thuột, ở với chú Niệm, chú dạy ở trường PT Lao Động, tỉnh Đắc Lắc.
Đây là chuyến đi xa đầu tiên trong đời tôi, tôi đi với tâm trạng vừa háo hức vừa nhớ nhà. Tôi vào sống với chú Niệm trong khu tập thể của trường chú dạy.
Một cuộc sống mới mở ra. Cuộc sống của khu tập thể giáo viên thời bao cấp nghèo nhưng sao tôi thấy vui thế. Thi thoảng trường cũng tổ chức biểu diễn văn nghệ và đó là điều mà tôi rất thích thú. Trong khu tập thể còn có nhiều cô chú, đều là giáo viên của trường, khi lên lớp, họ nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng, còn khi về nhà, họ là những người rất vui tính, trìu mến. Tôi nhớ, trong số đó có cô Hằng, cô có một mẹ già, tóc bà bạc trắng và tôi gọi bà là bà… ngoại. Nhà cô có bốn người con mà chị Vân là lớn nhất và cũng là người thân thiết với tôi nhất. Cô Hằng và bà ngoại yêu quý tôi như con cái trong gia đình, khi tôi bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng tôi đã được bà và cô Hằng chăm sóc.
Lớp 9 của tôi ở trên Buôn Mê Thuột là một tập thể đáng yêu, dễ thương. Có Bích là lớp trưởng với nụ cười tươi, có Lập và rất nhiều các bạn khác nữa. Ở trên đó ai cũng cao ráo và đẹp, tôi là người nhỏ bé nhất nên cô giáo chủ nhiệm Kim Chi cho tôi ngồi bàn đầu. Cho tới bây giờ các bạn vẫn liên lạc với tôi, có lần nào tôi đi diễn trên đó, tôi cũng ghé qua nhìn ngắm trường, các bạn mà biết tôi lên đó diễn cũng thường tụ tập nhau ăn uống. Và điều kỳ diệu là tôi được học sinh tiên tiến ở học kỳ một, sang học kỳ hai tôi trở thành học sinh giỏi và đỗ tốt nghiệp với số điểm cao.
Thành tích này đã giúp tôi được trở về Huế, nhập học ở trường PTTH Quốc học Huế (năm đó là năm 1983). Từ năm đó, tôi hoạt động văn nghệ rất mạnh. Trường tôi cũng nổi tiếng với các phong trào văn hóa văn nghệ, nó là một trong bốn trường nổi bật trong lĩnh vực này của TP Huế thời kỳ đó. Trường tôi có những hạt nhân văn nghệ như Đoan Trang, Hải Thủy, Hải Đăng, Hải Dương và tôi…
Mùa hội diễn nào tôi cũng mang phần thưởng về cho trường, tôi “rinh” rất nhiều huy chương vàng, chương trình của trường đều đoạt giải nhất. Các thày cô và các bạn trong trường rất yêu quý tôi. Tôi được miễn quân sự, miễn lao động vì được coi là hạt nhân văn nghệ của trường, nhưng tôi vẫn thích đi cùng các bạn: đi đào giao thông hào, đi chặt thông ở đồi Thiên An… Tôi giữ xe đạp, giữ giày dép cho các bạn.
Tôi bị hen suyễn, dáng dấp thì nhỏ bé, yếu ớt nên tôi rất hay đi học muộn. Thời đó chưa có taxi nhưng cứ mưa rét là tôi đi xích lô. Tôi mặc quần bò trắng, đeo giày trắng, mặc áo sơ mi, khoác ngoài là áo len. Tôi lấy một cái màn chắn che xích lô lại. Chúng tôi là học sinh phải đi một cổng khác, còn cổng chính của trường ở đường Lê Lợi dành cho giáo viên và cán bộ của trường nhưng lúc nào đi tôi cũng bảo bác xích lô chạy thẳng vào sân trường, qua cổng chính. Bác bảo vệ của trường cũng không mắng, không la vì biết đó là xe của tôi. Tôi luôn được ưu tiên vì là cây văn nghệ, nhưng càng đi biểu diễn tôi càng học biếng. Tôi chỉ thích học văn.
Thầy Long dạy toán thì nghiêm khắc, quan điểm của thày rất rõ ràng và thày nói với tôi rằng: “Muốn hát hò gì, quần áo đẹp ra sao nhưng phải học tốt cái đã”. Vì thế tôi sợ thầy. Nhưng cứ mỗi dịp có sinh viên thực tập về tôi thích lắm, khi đó chúng tôi được hát hò, biểu diễn và đi pic-nic liên tục. Mỗi lần họ đi là chúng tôi khóc kinh khủng, tôi là đứa khóc nhiều nhất vì tôi buồn lắm, chẳng còn gì để mà vui chơi nữa.
Nhưng tôi có một nỗi buồn thầm kín giấu sau vẻ tinh nghịch, đó là, ngay từ dạo vào lớp 10, tôi đã thấy có những bạn nam bắt đầu có lớp ria mép mờ mờ, cuối năm lớp 10, lớp 11 thì các bạn đã vỡ tiếng, có ria mép, có lông nách, còn tôi thì vẫn là một đứa trẻ con. Tôi buồn lắm…
Cũng vào thời điểm đó, tôi bắt đầu có những rung động đầu tiên dành cho một cô bạn gái. Vì tôi chuyển trường nên đã nhập học muộn, cùng nhập muộn với tôi là cô bạn gái đó. Bạn ấy tên là Châu Anh. Châu Anh có nét gì đó rất đáng yêu, bạn ấy cắt tóc ngang vai, da ngăm ngăm, má đỏ như quả bồ quân, sống mũi dọc dừa thanh thoát… Không hiểu sao, vừa nhìn thấy bạn ấy lần đầu tiên tôi đã thấy trái tim mình rung động và tôi biết thế nào là… yêu đơn phương.
(Còn Tiếp)
(Theo VTC News)