Mặc dù thời gian ở Việt Nam không nhiều và rất bận rộn với những công việc sau khi đạt giải Fields, nhưng GS Ngô Bảo Châu vẫn dành thời gian để làm một việc mà từ nhiều năm nay anh vẫn làm, đến thắp hương ở mộ cụ tổ.
Sáng ngày 1/9, GS Ngô Bảo Châu cùng gia đình họ hàng đã đến thắp hương tại khu mộ cụ tổ họ Trần của mẹ giáo sư là bà Trầu Lưu Vân Hiền tại khu chợ Châu Long, Ba Đình, Hà Nội. Công việc này những người trong gia đình giáo sư vẫn làm hàng năm nhưng lần này nó mang một ý nghĩa khác: đứa cháu Ngô Bảo Châu báo cáo với cụ tổ Trần Gia Chiếu tự là Minh Luân, một đại phu lễ bộ thượng thư (đứng đầu bộ Lễ) dưới thời vua Thành Thái, về một thành công lớn lao đáng tự hào cho muôn đời con cháu.
Ngô Bảo Châu cùng họ hàng tại mộ tổ |
Ông ngoại của GS Ngô Bảo Châu, ông Trần Lưu Hân, vốn là một hiệu trưởng trường tư thực đầu tiên ở Hà Nội, đã dành hết tâm huyết bảo ban dạy dỗ đứa cháu đầu tiên là Ngô Bảo Châu. Nhà ông ngoại gần trường học cấp 2 Trưng Vương, nơi giáo sư Ngô Bảo Châu theo học nên hàng ngày ông đều đưa đón cháu đi học, bảo ban, hướng dẫn cháu phương pháp học. Chính Ngô Bảo Châu, sau khi nhận giải Fields, khi được phóng viên hỏi nghĩ đến ai, giáo sư đã nhắc đến 2 người là một giáo sư người Pháp và ông ngoại mình, hai người đã có ảnh hưởng nhiều nhất đến sự phát triển nhân cách của Ngô Bảo Châu, và ông nói rằng nếu có hai người đó đến hôm nay thì niềm vui này thật trọn vẹn.
Cụ Trần Lưu Hân đã tham gia kháng chiến từ năm 1946, công tác tại Cục Thông tin của Bộ Quốc phòng. Sau khi hoà bình lập lại, đã đem giấy tờ sở hữu của 18 ngôi nhà ở Hà Nội của gia đình hiến cho Chính phủ.
Theo lời kể của mẹ giáo sư GS Ngô Bảo Châu thì ngày còn bé, mỗi lần đi thi, ông đều muốn ông ngoại đưa đi vì ông tin là ông ngoại đưa đi thì sẽ đạt thành tích cao. Mẹ của Ngô Bảo Châu, bà Trần Lưu Vân Hiền, cũng kể rằng khi ông ngoại ốm nặng, mặc dù công việc bên Pháp rất bề bộn nhưng Ngô Bảo Châu đã về Việt Nam một tháng để chăm sóc ông.
GS Ngô Bảo Châu cùng gia đình họ hàng đã đến thắp hương tại khu mộ cụ tổ họ Trần |
Ông nội của ông Trần Lưu Hân (cố ngoại của Ngô Bảo Châu) là một danh nhân văn hóa đất Huế, đương thời là Quan Thái Tử Thiếu bảo Đông các Đại học sĩ. Chính vì truyền thống khoa bảng của gia đình mà bố của ông Trần Lưu Hân (cụ ngoại của Ngô Bảo Châu) tức là Trần Lưu Thứ, năm 1926 cùng bốn cụ khác trong họ Trần Lưu, đã lập khế ước mua lại khoảnh đất 957m2, vốn là nơi chôn cất cụ tổ Trần Lưu Công Minh Luân tại địa phận chùa Châu Long (nay là chợ Châu Long, Hà Nội) để con cháu họ Trần có nơi thờ cúng, lưu giữ truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ.
Đứng bên cạnh bia mộ của cụ tổ hôm 1/9, GS Ngô Bảo Châu đã thành kính dịch lại hàng chữ trên bia mộ bằng tiếng Pháp cho toàn thể họ hàng nghe: “Nơi yên nghỉ của ngài Trần Lưu Công Minh Luân- Thượng thư Bộ lễ- Mảnh đất này đã đươc thành phố Hà Nội nhượng lại cho dòng họ Trần Lưu theo khế ước ghi ngày 30/9/1902, được toàn quyền Đông Dương phê chuẩn ngày 18/11/1902, vào sổ địa chính tại Hà Nội ngày 27/11/1902 và sau đó dòng họ Trần Lưu đã lập khế ước mua lại vào ngày 13/12/1926 …”.
Ngô Bảo Châu dịch hàng chữ tiếng Pháp trên bia mộ |
Truyền thống của người Việt muôn đời nay là uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên, biết ơn những người đã sinh thành và gây dựng cuộc sống cho mình. Dù sống và học tập ở nước ngoài lâu năm nhưng GS Ngô Bảo Châu không hề quên điều này và chắc chắn tình cảm đó cũng là một điều hun đúc nên tài năng và phẩm giá của con người Ngô Bảo Châu như hôm nay.
Ngôi mộ tổ họ Trần |
Mẹ của Ngô Bảo Châu cho biết sau khi rời khu lăng mộ là hai mẹ con thấy vô cùng xót xa khi thấy khu lăng mộ tổ trang nghiêm ngày nào nay đã bị lấn chiếm, trở nên chật chội. Bao năm nay bà Trần Lưu Vân Hiền đều cầu xin Trời Phật, ông bà tổ tiên nội ngoại phù hộ cho Ngô Bảo Châu được mạnh khỏe, đủ sức mạnh để đạt được tâm nguyện của mình gắn với sự nghiệp học và làm toán của Châu. Trong sự thành công của Ngô Bảo Châu ngày hôm nay, có cả sự linh ứng của lời nguyện cầu đó. Gia đình thấy có lỗi với ông bà tổ tiên khi không chăm sóc được mảnh đất thiêng này của dòng họ.
-
Thuận Hòa