Nhung vào tù, khép lại giấc mơ đại học mà cô ấp ủ. Ngày được đặc xá, Nhung nói "năm sau em sẽ thi ĐH".
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Cách đây 1 năm, tôi gặp Nhung ở trại giam Thanh Xuân. Cô gái 25 tuổi có khuôn mặt thông minh, sáng láng, nổi tiếng là văn hay, chữ đẹp… mơ ước khi ra tù sẽ tiếp tục thi vào đại học. Tại ngày hội dành cho những phạm nhân được đặc xá năm nay, tình cờ gặp lại, Nhung bảo: "Em vẫn nuôi mơ ước ấy".
"Năm sau, em sẽ thi đại học"
Ngày 30/8, ngôi nhà nhỏ ở số 91, ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội) rộn rã tiếng cười. Lê Thị Hồng Nhung, cô gái 25 tuổi đã chính thức trút bỏ bộ quần áo kẻ sọc, sau hơn 7 năm thụ án ma túy, đã được mọi người đón về nhà. Một ngày sống trong không khí ấm áp của gia đình, bè bạn, sau hơn 7 năm xa cách, Nhung nói: "Em cười mà nước mắt cứ muốn trào ra. Khi biết thế nào là hạnh phúc mới cảm nhận hết giá trị của tự do chị ạ! Em sẽ ở nhà "xả hơi" đã, sau đó cùng mẹ đi thăm lại mọi người. Ở trại, em thành thạo nghề may lắm rồi, bây giờ trở về chỉ cần học cắt và tạo mẫu thời trang nữa là sẽ có tay nghề vững vàng. Năm sau, em sẽ thử thi vào một trường đại học, hay cao đẳng nào đó để thỏa khát khao của mình".
Hồ sơ phạm tội của Nhung đánh giá, cô "đóng vai trò giúp sức" trong vụ "án ma túy trong gia đình". Khi đang học những ngày cuối cùng của lớp 12, Nhung đã nộp hồ sơ thi vào ngành sư phạm. Các thầy cô đánh giá rất cao về năng lực học tập của cô. Nhung tự tin bước trên con đường học vấn. Nhưng không ngờ, những lần chú, thím (ở cùng nhà) nhờ cô đưa "quà" đến cho người này, người khác... Nhung không hề biết trong những gói quà nhỏ đó có bóng dáng của "thần chết". Năm 18 tuổi, Tòa án Hà Nội phạt Nhung 10 năm tù giam. Còn chú, thím của cô phải chịu mức án cao hơn vì họ buôn bán một số lượng ma túy khá lớn.
Bà Vũ Thị Bích Hằng (mẹ đẻ của Nhung) tâm sự: "Án tại hồ sơ, con tôi có tội vì thiếu hiểu biết. Hơn nữa mối quan hệ gia đình đã vô tình đẩy nó vào vòng lao lí. Tôi đau như cắt từng khúc ruột, khi con bé đang tràn trề hi vọng sẽ làm giáo viên, nó vùi đầu vào học tập. Công an khám nhà, thấy trên giá sách của Nhung có ma túy, nó đã không biết chú, hay thím đã giấu lên đó... Những ngày Nhung ở trại giam, đi thăm con, lúc nào tôi cũng phải nuốt nước mắt vào trong để Nhung vui vẻ, cải tạo tốt. Nhưng từng đêm, nỗi đau đớn, xót xa nghĩ về con trong cảnh đó cứ vò xé tim tôi. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là dạy con cảnh giác với xã hội chứ ai cảnh giác với người thân bao giờ. Ngờ đâu, tai họa lại rơi vào đúng con tôi và đau đớn hơn lại là chính những người nghiện trong gia đình đã gây ra cho nó".
Gia đình bà Hằng có hoàn cảnh rất khó khăn, 5 người sống trong một ngôi nhà chưa đầy 20m2. Một mình bà Hằng xoay xở thức khuya dậy sớm với quán cháo lòng nho nhỏ, chắt bóp từng đồng nuôi 3 con khôn lớn. Các con gái của bà đều rất ngoan ngoãn, học giói. Bà Hằng nói: "Các cháu mang phần thưởng về nhà, tôi vui lắm, quên hết mọi đắng cay khổ cực. Tôi coi phần thưởng của các cháu như phần thưởng của chính mình và cũng vì như vậy, tôi đã vượt qua mọi khó khăn để cho con ăn học nên người. Nhung là đứa tôi kỳ vọng nhất về chuyện học hành, vậy mà nó lại phải "gánh" nỗi bất hạnh cho cả gia đình chỉ vì người chú nghiện ma túy...".
Nhung vào tù, khép lại giấc mơ vươn tới cánh cổng đại học mà cô ấp ủ. Ngày gặp lại, mẹ con họ chẳng nói được gì, ôm chầm lấy nhau và khóc.
Đánh mất cơ hội trong gang tấc
Sáng 30/8, tại trại tạm giam số 1 (Công an Hà Nội), diễn ra lễ công bố danh sách 126 phạm nhân được đặc xá. Chúng tôi đã gặp những sinh viên có tên trong danh sách ấy, nghe họ giãi bày tiếc nuối khoảnh khắc vô tình đánh mất tương lai tươi sáng của mình. Trương Thị Phương Thảo (SN 1988) quê ở Tuyên Quang, là một trong những hoa khôi của Trại tạm giam này. Thi đỗ Cao đẳng Tài chính Bắc Ninh, cô gái Tuyên Quang nhan sắc mặn mà rời phố núi về Bắc Ninh theo học...
Thiếu bản lĩnh, rồi một chút đua đòi, Thảo đã ngã vào vòng tay của một người đàn ông hơn cô 10 tuổi, đã có gia đình đề huề. Để có tiền thỏa mãn những cuộc chơi thác loạn với thuốc lắc, cô sinh viên năm thứ 3 đã dựng lên một đường dây mại dâm ở vùng ven ngoại ô thành phố. Thảo đã phải trả giá bằng bản án 20 tháng tù giam.
Những ngày đầu thụ lý án trong trại tạm giam số 1, Thảo rất kín tiếng, cô chưa từng tâm sự với ai về việc mình từng đỗ thủ khoa, từng là một sinh viên xuất sắc với đầy kỳ vọng của gia đình và nhà trường. Thảo được đặc xá. Về mong muốn lớn nhất của mình khi về nhà, Thảo nói: "Em sẽ tiếp tục đi học, làm lại cuộc đời bằng con đường học vấn. Gian nan lắm, nhưng em tin mình sẽ làm được chị ạ!".
Anh Nguyễn Thành Long, trú tại phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đến trại để đón cậu con trai tên là Nguyễn Hoài Nam. Anh Long chia sẻ: "Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, gia đình khá cơ bản, kinh tế khá. Nam đang là sinh viên năm thứ 1 Trường cao đẳng Du lịch thì bị bắt. Ai cũng bất ngờ khi biết nó đi bán tài mà cùng bạn. Sau này tôi mới biết, Nam bị bạn bè lợi dụng, dùng xe của nó và dùng "mác" sinh viên của nó để thực hiện những phi vụ buôn bán tài mà. Con tôi phải chịu mức án 22 tháng tù giam về hành vi "tàng trữ trái phép chất ma túy". Tôi tin đây là bài học có ý nghĩa đối với nó. Khi gia đình nhận được thông báo Nam có tên trong danh sách đặc xá, tôi vui quá. Nhấp nhổm, hồi hộp đợi đến ngày đón nó trở về".
Niềm vui hiện trên gương mặt của người cha khi ôm trong tay đứa con một thời lầm lỗi. Nhưng ngay sau đó, nét đăm chiêu lo lắng lại xuất hiện.
"Tôi rất lo lắng, không biết liệu Nam có đứng vững được trước những cám dỗ của cuộc sống gấp gáp hiện nay? Tôi sẽ rút kinh nghiệm trong quản lí con cái, nhưng mong cháu có thể tiếp tục đến trường" - anh Long nói. Còn Nam thì chia sẻ với chúng tôi: "Em rất tiếc vì mình đã đánh mất chính mình, chỉ trong một giây tặc lưỡi. Biết bố mẹ khổ vì em nhiều rồi, nên khi vào trại, em đã nhờ bố mua cho rất nhiều sách để tự học. Cải tạo cùng buồng giam với em, có một anh rất tốt bụng, vốn là giáo viên dạy tiếng Nhật. Được anh ấy giúp đỡ, giờ em đã nói thông thạo tiếng Nhật rồi".
Trong thẳm sâu tâm hồn các học sinh, sinh viên từng một thời lầm lỡ như Nhung, Thảo, Nam mà tôi đã gặp trong dịp đặc xá lần này, đều có một khát khao giống nhau. Họ đều muốn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ bước tiếp trên con đường học vấn.
“Ngôi trường trại giam” đã dạy họ biết đớn đau, ân hận trước những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho xã hội, từ đó nhận ra giá trị thực sự của tự do và lương thiện. Nhưng “ngôi trường” ấy lại không thể cấp cho họ những tấm bằng đại học, nên khát khao ấy của họ ngày ra trại là hoàn toàn chính đáng.
-
Theo báo GĐ&XH