Mặc dù cả hai vợ chồng chị Đan đều ham học và đã có bằng tiến sĩ nhưng cô con gái thì ngược lại. Cô bé ghét phải đến trường mỗi sáng và kết quả học tập thường đứng ở cuối lớp.
Người ta vẫn thường nghĩ rằng nếu bố mẹ tài giỏi thì con cái họ sinh ra cũng sẽ được thừa hưởng gene đó và tự khắc sẽ giỏi như bố mẹ chứ không phải cố gắng nhiều. Tuy nhiên trên thực tế có không ít trường hợp ngược lại, bố mẹ rất giỏi mà con thì lại... dốt.
Xấu hổ vì là tiến sĩ mà không dạy nổi con
Bé Kim Vân, 10 tuổi, con gái chị Đan (phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay đang học lớp 5. Chị Đan và chồng đều là tiến sĩ, giảng viên đại học, được mọi người đánh giá cao về tri thức, trình độ. Vợ chồng chị đều ham học từ bé và đến nay vẫn say mê nghiên cứu. Nhưng ngược với bố mẹ, bé Vân dù mới ở bậc tiểu học mà chỉ đạt kết quả học tập rất lẹt đẹt. Chị Đan cũng đã chú ý kèm con và còn thuê cả gia sư giỏi về tận nhà kèm, nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Bé Vân vẫn tỏ ra không hứng thú với việc học, thậm chí còn ghét phải đến trường mỗi sáng. Chị Đan rất đau đầu về việc học hành của cô con gái và còn có cảm giác xấu hổ với bạn bè đồng nghiệp vì “mang tiếng giỏi mà không dạy nổi con”.
“Không hiểu con bé giống ai nữa, hai vợ chồng đều là tiến sĩ mà đi họp phụ huynh lần nào nghe cô giáo đọc kết quả xếp hạng, con mình cũng đứng gần cuối lớp”, Đan than thở.
Một trường hợp khác là cu Hiếu, con trai của vợ chồng Nam – Linh (Thụy Khuê, Hà Nội). Từ thời còn đi học, cả hai đều là dân “ trường chuyên” với những thành tích học tập rất đáng nể. Khi sinh con, hai vợ chồng đều rất tự tin nghĩ cả bố và mẹ suốt thời đi học đều đứng nhất nhì lớp thì con cũng sẽ như thế hoặc có kém thì cũng đứng thứ ba, thứ tư là cùng. Nghĩ thế nên vợ chồng Nam không bắt ép con học quá nhiều và để cho con tự học theo ý thích là chính. Cu Hiếu cũng thể hiện là một đứa trẻ thông minh, tiếp cận với mọi vấn đề khá nhanh, nhưng lại có nhược điểm là quá hiếu động và ít khi tập trung vào việc gì được trong thời gian dài.
Ngay từ năm lớp một, kết quả học tập của Hiếu đã không tốt nhưng anh Nam vẫn không cho là quan trọng. Tuy nhiên đến lớp hai rồi lớp ba, tình hình vẫn không thay đổi. Hiếu thường bị cô giáo nhận xét là không tập trung vào bài học; bài được giao thì làm xong rất nhanh nhưng hay làm sai. Đến lúc này, anh Nam mới thực sự để ý đến khả năng học tập của cậu con trai và để tâm kèm cặp cho cu cậu nhiều hơn. Thế nhưng mỗi lần được bố ngồi kèm và hướng dẫn thì Hiếu làm bài đúng bài, còn không thì có khi cu cậu làm sai cả những phép tính đơn giản nhất. Vợ chồng Nam băn khoăn, nghi ngờ không biết con mình có thực sự được thừa hưởng gene thông minh từ bố mẹ hay không.
Chỉ thông minh chưa chắc đã học giỏi
Trao đổi về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng để đạt được kết quả học tập tốt, ở mỗi học sinh cần hội tụ, kết hợp nhiều yếu tố đan xen, tương hỗ. Một đứa trẻ có tư chất tốt, chỉ số thông minh cao thì điều đó cũng chỉ quyết định được 20% khả năng thành công ở học đường. Phần còn lại là các yếu tố như khả năng hòa nhập, thích ứng với cộng đồng (cụ thể ở đây là trường lớp, bạn bè); sự hứng thú với việc học tập, khả năng kiên trì thực hiện nhiệm vụ của bài học, khả năng chú ý, biết lắng nghe cô giáo, khả năng cảm nhận được những lời khen và cả lời chê của mọi người để biết tự đánh giá bản thân… Kết hợp tất cả những yếu tố đó mới có thể đem lại thành công trong kết quả học tập của trẻ.
Ngoài thông minh, trẻ cần có một số kỹ năng khác mới có thể thành công ở học đường. Ảnh: Inmagine. |
Trước đây nhiều người vẫn cho rằng, gene di truyền là yếu tố quyết định trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh sự phát triển trí tuệ, tri thức của mỗi người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bổ sung cho nhau. Trong đó, yếu tố môi trường tiếp xúc, sự tương tác với xã hội góp phần đặc biệt quan trọng. Vì thế, theo tiến sĩ Khanh, việc đứa trẻ có bố bà mẹ rất tài giỏi, thông minh, bản thân nó được thừa hưởng gene tốt đó nhưng khi đi học lại không phát huy được cũng là chuyện bình thường.
Nguyên nhân có thể từ chính đứa trẻ như thiếu kỹ năng sống, khả năng thích nghi học đường kém, thiếu tự tin, nhút nhát nên không chơi được cùng bạn, và không có điều kiện để thể hiện bản thân. Tiến sĩ Khanh từng gặp trường hợp: đứa trẻ hiểu và có thể làm tốt bài tập cô giao nhưng vì nhát nên không dám giơ tay phát biểu, khi được gọi lên bảng thì lúng túng, dẫn đến kết quả sai và nhận điểm kém. Tình huống này nếu xảy ra nhiều lần sẽ càng khiến trẻ tự ti, không muốn cố gắng nữa.
Lại có những đứa trẻ quá hiếu động, từ ngữ chuyên môn gọi là “tăng động”, dù thông minh nhưng cũng không đạt kết quả học tập tốt. Nó hiểu vấn đề rất nhanh nhưng không bao giờ chịu ngồi yên. Trong lớp, cô giáo có dạy gì nó cũng không chú ý. Những đứa trẻ này thường thiếu tính kiên trì, nhanh chán nản và không mấy khi tập trung lâu vào bài học, thường bị nhận xét là “nhanh nhảu đoảng”.
Có khi lỗi ở cha mẹ
Một số cha mẹ chủ quan, cho rằng mình giỏi thì con cũng đương nhiên thừa hưởng trí thông minh đó và tự nó cũng học giỏi được mà không cần phải rèn giũa quá nhiều. Họ cho rằng với những thiết bị, sách báo đầy đủ, hiện đại, chắc chắn con mình sẽ học giỏi vì ngày xưa họ không có điều kiện như thế mà vẫn học tốt và thành đạt được.
Thông thường, bố mẹ tài giỏi cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ bận bịu, ít có thời gian chú ý đến con cái mà phó mặc cho thầy cô, ông bà, người giúp việc. Họ có thể kiếm được nhiều tiền, cho con cuộc sống đầy đủ về vật chất. Trẻ được bảo bọc trong điều kiện lý tưởng, không phải va vấp nhiều với thực tế xã hội bên ngoài… Điều này cũng có mặt trái là làm cho các kỹ năng sống, hiểu biết thực tế của trẻ bị thiếu hụt nhiều. Trẻ chỉ biết đến các trò chơi điện tử, xem ti vi... Những hình thức giải trí này không có tác dụng nhiều đối với việc tiếp thu tri thức của trẻ mà ngược lại còn làm cho trẻ mất dần khả năng tương tác xã hội, khả năng đặt câu hỏi khám phá, không có nhu cầu giao tiếp và hậu quả là quá trình tư duy cũng bị chậm lại, thiếu sáng tạo.
Giải quyết vấn đề này, trước tiên cha mẹ cần đánh giá con có những khả năng gì, điểm mạnh và điểm yếu trong tính cách, từ đó chú ý rèn dạy những kỹ năng mà con đang thiếu hụt, phát huy những điểm mạnh. Tốt nhất, nên tìm đến các nhà tư vấn tâm lý lâm sàng về lứa tuổi của con để có những lời khuyên tốt nhất cho tình trạng của trẻ. Cha mẹ cũng nên rèn dạy con một số kỹ năng từ khi trẻ mới 2- 3 tuổi và kéo dài đến cả sau này. Nên tranh thủ thời gian chơi cùng con nhưng không áp đặt mà để cho trẻ tự nhiên bộc lộ hết khả năng, tính cách của mình. Từ đó, cha mẹ có hướng uốn nắn, tạo cho trẻ những thói quen tích cực như ham khám phá, đặt câu hỏi và tự tìm ra lời giải đáp với những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh. Điều đó sẽ giúp cho trẻ phát triển tốt khả năng học hỏi sau này.
“Những đứa trẻ thông minh nếu không được rèn luyện, hướng dẫn thì năng lực của nó cũng có thể bị thui chột, mai một đi”, tiến sĩ Khanh nhận xét.
(Theo: Đất Việt)