Tại trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), tôi tình cờ gặp lại người đàn bà đã ra tay giết hại 3 đứa con đẻ của mình hơn 7 năm truớc. Hồi đó, tôi có mặt trong đám tang của những đứa trẻ xấu số. Vụ án kinh hoàng đó đã làm rung động miền quê vốn yên bình…
TIN BÀI KHÁC
Tin dữ ở bến sông quê
Chuyện xảy ra vào một buổi chiều cuối tháng 4/2003. Khi tôi về thăm quê ngoại, đi qua bến đò Chí Chủ. Bến sông Thao mơ mộng, có những rặng tre xanh ngắt bờ đê trải dài thẳng tắp. Bên này là huyện Cẩm Khê (nhà tôi), bên kia thuộc địa phận của huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Người dân sông Thao vốn giàu lòng nhân ái, sống chan hòa và yêu thương lẫn nhau. Giữa bạt ngàn “rừng cọ, đồi chè, đồng xanh” và con sông chở nặng phù sa, thì cái tin dữ ập đến khiến cả bến đò hoảng loạn.
- Thanh Hoá) khi thấy sự ngộ nghĩnh của một “thiên thần nhỏ”.
Từ lúc con đò cập bến, tôi nghe xôn xao: “Công an đang “vây” quanh nhà nó đông lắm. Vừa nãy, 1 chiếc xe cảnh sát rẽ vào con đường ấy, chắc họ tăng cường quân bắt đi nó rồi. Ôi thật kinh hoàng, “hổ dữ còn không ăn thịt con”, đằng này... nỡ lòng nào, nó lại giết chết 3 đứa trẻ tội nghiệp ấy?”.
Những người trên đò ngơ ngác, ông chủ đò sốt sắng hỏi han sự tình. Một bà già lắp bắp: “Ông có nhớ con bé Khuyên, vẫn hay bồng bế 4 đứa con đi ngang qua đây về bên kia sông?”. Ông chủ đò đáp: “Tôi nhớ chứ, con mẹ ấy có tấm lưng thẳng đuột, dáng đi dật dờ như cô hồn, nó hay qua đò mà chẳng có tiền, sao tôi quên được”. “Ừ đấy, khủng khiếp quá, nó đang tâm ném 4 đứa con xuống giếng, 3 đứa bé nhất chết rồi, đứa lớn vừa chạy vừa kêu toáng lên thì lối xóm mới biết chuyện...” – Bà chủ quán nước ở bến đò Chí Chủ thảng thốt.
Nguyễn Thị Khuyên thường cúi xuống để tránh trả lời những câu hỏi về gia đình mình |
Bến đò xưa vốn yên bình, nay bỗng chốc sục sôi như vừa xảy ra biến cố lớn. Người dân kéo nhau đi về phía Sơn Cương – Thanh Ba, một phần vì tò mò, phần vì những chuyện kiểu như thế chưa có qua trong ký ức họ. Người đàn ông chở đò, nhận tin xong, cứ đứng ngây ra. Có người nghe được tin, bỏ cả qua sông, quay vào Sơn Cương xem tường tận sự thể. Số ít lữ khách vội vàng xuống đò, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi “Sao trên đời lại có người độc ác đến thế?”.
Một cảm giác lạnh tái tê chạy xuyên sống lưng. Dù bị “sốc”, nhưng tôi không muốn tin đó là sự thật, tấn bi kịch gia đình xảy ra giữa vùng quê nghèo khó này có điều gì ám ảnh ghê gớm.
Ông lái đò sực tỉnh, bởi tiếng gọi giật giọng của một bà khách phải qua sông gấp. Dường như cái “tin dữ” ấy thực sự khiến ông lái đò thấy đau, mắt ông ngân ngấn nuớc, dáng vẻ bần thần, khác hẳn so với lúc chúng tôi còn ở bên kia sông. Ông vốn không có họ hàng gì với Khuyên, nhưng ả là khách quen, thường bồng bế bọn trẻ tội nghiệp qua sông, nên những cái chết ấy, hẳn đã làm cho tim ông đau nhói...
Tôi cũng rời đi, khi ông lái cầm chèo, uể oải tháo neo, chống sào, đưa con đò rời sang bến khác.
Sự thật kinh hoàng
Đoạn đường từ bên đò đến ga Chí Chủ để về Hà Nội, những ám ảnh não nề ấy đã khiến tôi không thể nào bước tiếp. Bắt xe ôm vào tận khu 8 xã Sơn Cương - huyện Thanh Ba (nhà Khuyên) để tìm hiểu sự tình.
Trung tá Lều Quang Hoà - Đội trưởng Đội trinh sát trại giam Xuân Nguyên đang hỏi thăm tình hình cải tạo của phạm nhân Nguyễn Thị Khuyên |
Chừng 15 phút chạy xe trên con đường đất đỏ quanh co, hai bên đường hoa mua nở tím lịm; Chúng tôi dừng lại ở một đám đông vây kín ngôi nhà nhỏ, bên sườn đồi cọ bạc màu. Một người bảo đúng là nhà Khuyên, chiếc xe tù vừa chở ả đi khỏi hiện trường vụ án. Mãi sau này, hơn 7 năm trôi qua, mỗi khi nghĩ đến bến đò Chí Chủ, hình ảnh những cái chết tang thương của bọn trẻ, như mũi dao cứa vào lòng tôi.
Nhìn cảnh tượng hoang tàn, xơ xác của ngôi nhà, cho thấy vợ chồng Khuyên nghèo khó lắm. Khu vườn được rào rậu bằng những thân tre khô, mục và xộc xệch. Ở đây, mỗi nhà một quả đồi, vườn tược đất đai rộng mênh mông. Vườn nhà Khuyên không có cây cối như nhà khác, chỉ có cỏ dại mọc um tùm. Căn nhà 3 gian trình tường, lợp lá cọ, nền đất, hầu như không có tài sản nào đáng giá. Đảo quanh nhà, tôi chỉ ghi nhận được một số đồ vật như 1 chiếc giường tre cũ, 1 bộ bàn ghế làm bằng gỗ tạp ngả màu thời gian, vài chiếc chén uống nước nằm chỏng chơ trên bàn, đều bị sứt quanh vành chén. Trên bếp, có 2 chiếc nồi không cáu bẩn.
Hàng trăm người có mặt trong đám tang ấy, không ai cầm nổi nuớc mắt. Những người đeo khăn tang trắng kêu khóc vật vã, thảm thương. Cảnh sát vớt 3 đứa trẻ từ 1 – 6 tuổi lên từ giếng khơi gần nhà, họ đặt chúng nằm cạnh nhau, chúng như đang ngủ ngon trên chiếc chõng tre quen thuộc của chúng. Có điều, chiếc chõng tre ấy để giữa sân, xung quanh khói hương nghi ngút. Họ “đắp” cho bọn trẻ một tấm vải trắng tinh, đợi cảnh sát tiến hành khám nghiệm tử thi.
Các chiến sỹ cảnh sát có mặt ở đó làm việc rất căng. Người khám nghiệm hiện trường, người thì lấy lời khai “nóng” của những nhân chứng trực tiếp nhìn thấy sự việc.
Trong 4 đứa con của Khuyên, bé Đỗ Thị Mai (SN 1993), thoát chết vì đang ở trong nhà với bố. Theo lời kể của Mai: “Mẹ cháu hay nói: “Sống thế này khổ quá, chết đi cho rảnh nợ. Không ngờ mẹ cháu lại làm thật?”. Còn anh Đỗ Duy Thức (chồng Khuyên) lúc ấy, ngồi trơ ra bên cạnh thi thể các con. Toàn thân người cha tội nghiệp trở nên cứng đơ như đá, đôi mắt trống rỗng, thẫn thờ...
Những người hàng xóm kể: “Khuyên có biểu hiện không bình thường từ khi sinh đứa con thứ 3. Nó ngày càng sống khép mình, không tâm sự, chia sẻ với ai, nên hàng xóm bàng hoàng khi nhận được tin này.
Tâm bệnh
Anh Thức xót xa bảo: “Thời gian gần đây, tôi không hiểu nổi vợ mình? Cô ấy trở nên lười nhác, không chịu nhúc nhích chân tay. Ngay khi ruộng lúa chìm trong cỏ dại, tôi bảo cô ấy đi làm, nhưng khi ra đồng Khuyên chỉ đứng ngó trời, đảo một vòng quanh ruộng lúa rồi về. Có đêm Khuyên không ngủ, cứ lặng lẽ đi lại trong nhà lẩm bẩm một mình như bóng ma... cho đến ngày xảy ra chuyện”. Anh Thức nổi tiếng là thương vợ, yêu con.
Thượng tá Phạm Văn Thân - Trưởng phòng Giáo dục Cục V - Tổng cục VIII (Bộ Công an) đang trò chuyện với hai mẹ con phạm nhân
Còn Khuyên, từ ngày làm dâu xóm 8, không mấy người biết đến Khuyên, bởi sự lầm lì, bất cần. Nhìn cảnh anh Thức hàng ngày lóc cóc đạp xe đi làm thuê, Khuyên tối ngày chỉ rong chơi nên nhiều người đã góp ý, khi ruộng lúa, nương khoai cần có người chăm bón. Nhưng Khuyên chỉ phản kháng sự góp ý của người lớn bằng sự im lặng, coi thường.
Tôi ở lại nhà Khuyên đến tận lúc cảnh sát khám nghiệm xong thi thể của 3 đứa trẻ. Nguyên nhân sơ bộ được xác định là “các cháu đã chết do bị ngạt nước”. Họ khâm liệm, đưa vào áo quan, bà con hàng xóm ai cũng khóc thương những đứa trẻ xấu số.
Anh Thức đau khổ tột cùng, ngồi hóa đá trước thi thể các con, mặt gục xuống 2 đầu gối, toàn thân rung lên bần bật. Bé Mai thấy thế, chạy đến bên, hai cha con ôm nhau khóc nấc thành lên thành tiếng nghẹn ngào.
Tôi rời Sơn Cương với ấn tượng đau buồn như thế. Người đàn bà tên Khuyên, mà tôi chưa từng gặp ấy có vẻ gì đó không bình thường qua lời kể của những người trong gia đình và bà con lối xóm. Tôi trở lại bến đò Chí Chủ để sang sông khi trời nhá nhem tối, ông lái đò bảo tôi: “Con bé Khuyên như mắc “bệnh tâm”, suốt ngày lầm lì, trầm cảm. Nếu nó là người nhà, tôi đã đưa đi tìm thầy thuốc nhờ “bắt” bệnh lâu rồi”.
Ông lái đò nói có lý, chỉ có người không bình thường mới làm một việc ác với chính con cái của mình. Rất lâu sau, tôi vẫn không thể kể ra được nỗi ám ảnh đau lòng về cái chết của 3 đứa trẻ ấy cho mọi người nghe. Có lẽ những gì tôi đã nhìn thấy, quá đau lòng và tôi muốn quên đi. Chiếc chõng tre cũ ngoài sân nhà Khuyên, ngày 26/4/2003, thật sự là nỗi ám ảnh não nề.
Đối mặt với bản án lương tâm
Cuối tháng 8/2010, tôi tình cờ gặp Khuyên ở trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng sau hơn 7 năm. Trong bộ quần áo kẻ sọc rộng thùng thình, Khuyên đi khép nép bên cạnh người quản giáo. Khuyên bị Tòa án tỉnh Phú Thọ tuyên phạt án chung thân, năm 2006. Hỏi: “Tại sao sau 3 năm chị bị bắt, mới có bản án này ra đời”? Khuyên nói khẽ: “Vì em phải nhập viện chữa bệnh đau đầu và bệnh tâm thần ạ!”.
Tôi nghĩ đến lời ông lái đò năm xưa, nói Khuyên bị “bệnh tâm” là hoàn toàn có lí. Khuyên kể tiếp: “Em bị bắt, bị những cơn đau đầu hành hạ khốn khổ quá. Ước giá lúc ấy em nhảy xuống giếng chết theo con, không bị phát hiện thì đã thoát được nợ đời. Công an tỉnh Phú Thọ đã đưa em vào Bệnh viện đa khoa chữa trị, trong suốt khoảng thời gian giam cứu, em mang ơn họ lắm. Khi ấy, không có ai đến thăm em, bên cạnh chỉ có mỗi mẹ già còm cõi chăm sóc đứa con tội lỗi. Chồng em đến ngó vợ 1 lần rồi thôi. Không biết bây giờ anh ấy đã lấy vợ mới chưa? Bé Mai sống ra sao”? Nói đến đây, Khuyên quay đi, lau nước mắt.
Tôi hỏi Khuyên về sức khỏe tâm thần hiện nay, Khuyên nói: “Em đã hồi phục hoàn toàn, không còn đau đầu nữa. Nhưng thỉnh thoảng nhớ lại chuyện mình đã gây ra, đau tim đến nghẹt thở. Em được các cán bộ trại giam quan tâm, chị em trong buồng giam cũng thương xót, nên thấy thỏa mãn với cuộc sống trong này. Có lẽ số phận đã không cho em được chết? Trời bắt em phải đối mặt với tội ác giết con. Lương tâm bị cắn rứt, vò xé... là bản án dài và nặng nề, em sẽ phải mang nó đến hết cuộc đời này”.
“Giải phẫu” nguyên nhân dẫn đến hành động “điên rồ” của Khuyên, Khuyên cho biết: “Em bị ức chế nhiều chuyện, em đẻ nhiều con, lại quá nghèo. Đã thế, mọi người bảo em là không xứng với chồng... Em với anh ấy lấy nhau là do anh ấy tự nguyện, chứ nào ai ép uổng gì? Vậy mà giờ họ quay ra nói em là cái nợ của chồng. Em chết cho họ thấy, em cũng chẳng cần sống làm gì?”.
Tôi hỏi: “Họ là ai?”. Khuyên đáp: “Có nói chị cũng không biết đâu?”. Cuộc nói chuyện của chúng tôi không mấy cởi mở, nữ cán bộ quản giáo ngồi bên giải thích thêm về sự ít nói của Khuyên:
“Có lẽ còn nhiều mặc cảm, nên Khuyên rất khép mình. Trong buồng giam, Khuyên không chơi thân với ai, cũng chẳng có người nhà thăm nuôi bao giờ. Chị em có người đến thăm, cho Khuyên quà bánh, chị ta cũng cất kỹ không dám ăn ngay. Nhiều khi bánh để lâu quá, mốc meo đi thì không ăn được nữa. Thoạt đầu, các chị em khác tỏ ra không thích, nhưng sống lâu, thấy Khuyên không động đến ai, lặng lẽ làm việc, hoàn thành mức khoán của trại giao, nên mọi người tôn trọng sự im lặng của chị ta”.
Một nữ phạm nhân đón con tan lớp. |
Tôi quay sang nhìn vào mắt Khuyên, cô ta lập tức cúi xuống xoắn 2 tay vào nhau run run. “Có điều gì đó rõ ràng là sự bức bách, ngột ngạt, giống như bóng mây phủ kín tâm hồn chị, đúng không?” – Tôi gạn hỏi. Khuyên im lặng hồi lâu, rồi đáp: “Em chịu đựng thôi, nói ra mọi người chắc gì đã hiểu được mình. Em giữ ở trong lòng cho riêng em thôi chị ạ!”.
Dù không nói nhiều, không cởi mở với tôi, nhưng Khuyên đã khóc khi nói đến bé Mai. Trong sâu thẳm của người mẹ độc ác này, đứa con là giọt sương mai, đánh thức mầm thiện và hi vọng cho phần đời còn lại.
Tôi hỏi Khuyên: “Chị mong ai đến thăm mình nhất lúc này?”. Khuyên chẳng suy nghĩ mà đáp ngay: “Mẹ em và con em”. Khi hỏi đến anh Thức trong cuộc nói chuyện, Khuyên thường không trả lời, mà chỉ nói một câu duy nhất: “Anh ấy tốt lắm”.
Khuyên kể về những bức xúc trong cuộc sống, không được giải tỏa kịp thời, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc cô ta có hành động độc ác, điên rồ ấy.
“Em thấy rõ là mình đã thay đổi hẳn, bất chấp tất cả mọi người, ai thích nói gì cũng được. Một mình em với những suy tư giấu kín trong lòng. Nỗi ưu phiền về gia cảnh bần hàn, cảnh đói ăn, rách rưới của các con, cộng thêm những lời dèm pha cay nghiệt của gia đình nhà chồng, tích tụ lại thành một khối u trong lòng. Có lúc em từng nghĩ mình cần được khám bệnh, cần được giải tỏa những uất ức trong lòng. Nhưng cái nghèo một lần nữa khiến em cố cam chịu, không nói ra “tâm bệnh” của mình.
Giờ đây, khi đã bình tâm suy nghĩ lại, em thấy ân hận thì cũng đã muộn rồi. Các con em đã chết oan ức, trong từng giấc mơ, chúng vẫn nói sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho em đâu”.
Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh “mẹ yêu con” đầy chất nhân văn, mình đã gặp ở trại giam số 5 và Khuyên đang ở trước mặt tôi. Một người mẹ tù, dù đã phạm tội nặng, phải ở trong hoàn cảnh bi đát đến đâu, vẫn quyết yêu con và che chở cho nó đến cùng. Và Khuyên, với tội ác giết con sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời này. Dù thời gian có trôi đi, niềm hạnh phúc “mẹ yêu con” với Khuyên sẽ khó lòng chạm tới.
-
Theo Gia đình và xã hội