12h trưa chúng tôi có mặt tại sân vận động Mỹ Đình hòa vào đám người đang hò reo cổ vũ. Mặc cái nắng cháy da, mồ hôi nhễ nhại nhưng khuôn mặt họ có đầy vẻ phấn khích. Trong đám đông có cả những cậu nhóc 3, 4 tuổi, ông lão tóc muối tiêu, một vài đôi tình nhân và cả cánh lái xe tải cũng tạt vào theo dõi cuộc đua đầy chăm chú.
Không quản nắng nôi, rất nhiều người tụ tập... |
... thậm chí "cánh xe tải" cũng tranh thủ tạt qua chăm chú theo dõi những đường đua "bốc lửa"... |
Đám đông reo lên thích thú khi nhìn những chiếc xe lao vun vút với tốc độ chóng mặt và cua những góc đầy điệu nghệ, có lúc họ lại thốt lên đầy lo lắng khi những chú “chiến mã” mất lái lộn tùng phèo 3, 4 vòng.
“Thú chơi nhà giàu”
Đây chỉ là một trong những cuộc đua diễn ra hàng tuần của nhóm HRC tại Hà Nội, dành cho những người mê ô tô mô hình, thú chơi mà theo nhiều người vẫn gọi tếu táo là “thú chơi nhà giàu”.
Lao vun vút với tốc độ 80-120 km. |
Bốc đầu điệu nghệ |
Nhả khói khét lẹt. |
Khiến người đứng xem được phen "khiếp vía" |
“Sở dĩ mọi người gọi vui vậy bởi bước khởi đầu người chơi phải “đầu tư” ít nhất 8 – 10 triệu đồng để đặt mua xe từ Mỹ hoặc Hong Kong”, anh Vinh trưởng nhóm HRC cho hay.
Theo lời anh Vinh, xăng dành cho những chiếc xe này phải dùng loại xăng đặc biệt, nhập từ Sài Gòn với giá 200.000 đồng/l (thông thường mỗi buổi chơi hết 1 lit xăng). Phụ kiện xe cũng có giá rất “chát”, chẳng hạn một con ốc vít có giá 300 nghìn đồng, hay một bộ lốp là 1,5 triệu đồng, bàn cân chỉnh xe: 4 triệu đồng… Tính trung bình, thú chơi này “tiêu tốn” của người chơi ngót 1 triệu đồng/ tháng.
“Chơi xe là không được… sợ bẩn”
Anh Vinh cho hay, không chỉ “nặng vốn”, thú chơi này còn rất… kén người. “Thích thôi chưa đủ, muốn chơi ô tô mô hình phải có ít nhất 3 yếu tố: say mê, có kinh tế và… không sợ bẩn”.
Anh Vinh lý giải, do hầu hết những chiếc xe này đều được nhập khẩu từ nước ngoài nên việc sửa chữa, bảo dưỡng là do người “đi trước” truyền kinh nghiệm cho người sau, hoặc tự người chơi mày mò chứ chưa có cửa hàng bán phụ tùng hay thợ chuyên nghiệp sửa.
Thông thường, mỗi ngày phải mất 2-3 giờ chăm sóc xe. Thậm chí trước ngày chơi phải bỏ ra vài tiếng đồng hồ để “khám bệnh” cho con cưng. Chân tay, quần áo dính dầu mỡ lem nhem là chuyện thường
“Với người mới việc “khám bệnh” này không dễ, nhưng với những người đã có kinh nghiệm chỉ cần sờ bánh xe hoặc nghe tiếng nổ là biết bệnh ngay”, anh Nguyễn Thanh Tuấn, một “đệ tử ruột” của thú chơi ô tô mô hình, vừa quệt mồ hôi vừa kể.
Đã chơi là mê… như người nghiện
Trong số những người chơi, Phạm Xuân Bách, 14 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội nom trẻ tuổi nhất. Trong lúc những người chơi khác đang tập trung chỉnh sửa xe trước cuộc đua thì cậu ngồi thất thần một góc.
Phạm Xuân Bách -một 9X mê ô tô mô hình |
Khi được hỏi, Bách thở dài kể: “Em mới chơi được một tháng nhưng mê lắm. Thú chơi không những giúp em có những lúc thư giãn sau giờ học căng thẳng mà còn giúp em rèn luyện bản lĩnh. Bố mẹ em cũng ủng hộ. Xe của em bị hỏng từ tuần trước chưa sửa được. Hôm nay ra cổ vũ cho bớt… nhớ”.
Những người còn lại trong nhóm cũng ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Có người làm xây dựng, có người là kỹ sư, có người làm kinh doanh… nhưng cùng một điểm chung là ham thích “thú chơi nhà giàu này”.
“Tôi ngồi họp phụ huynh mà nhấp nhổm không yên, cả tuần chỉ có một buổi thôi nên bỏ lỡ thì tiếc lắm. Cuối cùng phải xin về sớm để ra chơi cùng anh em”, anh Hoàng Chiến Thắng, Hồ Đắc Di, Đống Đa kể.
Nói rồi, anh vội đặt chiếc xe của mình xuống, dùng khăn nhẹ nhàng lau chùi, vừa cười khà khà đầy phấn khích: “Chơi cái anh này là giảm căng thẳng lắm, bao nhiêu mệt nhọc cả tuần đều tan biến. Lâu dần thành nghiện như người ta… nghiện thuốc ấy. Cái cảm giác cầm điều khiển, nghe tiếng xe lao vun vút, rồi cua loẹt xoẹt thật không gì tả được”.
(Theo Zing)