Con tàu cao cấp Ha Long Express dự định để phục vụ du khách đi nghỉ Tuần Châu, Quảng Ninh nhưng vừa mới khánh thành thì đã "báo tử" và hơn năm nay đang nằm cho cây dại leo um tùm.
Đã hơn 1 năm nay (từ tháng 6/2009), đoàn tàu hỏa cao cấp Ha Long Express (chạy tuyến Gia Lâm - Hạ Long) do chủ đầu tư là Cty Vận tải Đường sắt Dongrim (một nhà đầu tư Hàn Quốc sở hữu con tàu) đã phải nằm cho cây dại quấn quanh.
Với 6 toa tàu lúc đầu được trang bị sang trọng, từng được ví như "Boeing mặt đất" thì nay đang bốc lên một mùi ẩm mốc và là nơi trú ngụ của chuột, muỗi.
Không chỉ nằm cho cây leo mà đoàn tàu hỏa này còn mang trong mình một món nợ lớn của chủ đầu tư. Theo tính toán, hiện nay, chủ đầu tư đang còn nợ Nhà máy Xe lửa Gia Lâm khoảng 3,2 tỷ đồng khoản tiền thuê cải tạo toa xe, sửa chữa và phí trông giữ đoàn tàu.
Đại diện Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng ngậm ngùi chia sẻ, dù đã cho người đến trụ sở Dongrim đòi nợ nhưng họ vẫn chưa trả.
Tàu hỏa triệu đô đang nằm cho dây leo quấn. (Ảnh: SGTT) |
Nhớ lại câu chuyện của tháng 4 năm trước, ngành đường sắt Việt Nam đón nhận một nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư một đoàn tàu cao cấp, hiện đại chạy trên tuyến đường lâu nay thưa thớt khách.
Lúc đó, để dự án đoàn tàu khách vào loại sang nhất trên đường sắt Việt Nam đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã đầu tư cả triệu USD. Ngoài việc mua và vận chuyển các toa tàu Soeul Metro từ Hàn Quốc sang, công ty này còn phải thuê Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hoán cải lại cho phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam với giá 300.000 USD.
Nhiều người làm trong ngành đường sắt đã rất vui mừng khi đoàn tàu chuyển bánh sẽ mang lại công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân, rồi tuyến đường sắt Gia Lâm - Hạ Long sẽ sớm hồi sinh, sôi động và cạnh tranh với ô tô khách cùng tuyến...
Nhưng buồn thay, một năm sau nó đã trở thành "con tàu chết".
Chết vì chỉ sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, chạy được 35 chuyến, có những chuyến tàu chỉ có vài khách, giá vé khuyến mại cũng khoảng 50 nghìn đồng. Đoàn tàu chới với và buộc phải ngừng chạy vì không có khách.
Một quan chức của ngành đường sắt đã trả lời trên báo Tiền phong ngày 12/10 rằng, ngành đã nhiều lần động viên họ chạy lại cho quen khách nhưng tình hình vẫn không thay đổi vì công tác tổ chức tiếp thị không có.
Hơn nữa, theo vị quan chức này, ngoài điểm xuất phát từ Gia Lâm thì bản thân điểm đến là ga Hạ Long cũng chưa đủ điều kiện đón khách du lịch. Thậm chí, đoạn đường từ Hạ Long đến Bãi Cháy lại phải đi xe ô tô, gây tâm lý mệt mỏi cho hành khách.
Đồng quan điểm đó, nguyên phó tổng giám đốc tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói rõ trên báo SGTT rằng, đoàn tàu có mục tiêu là để đón đầu khách du lịch từ Hà Nội xuống Hạ Long mà xuất phát từ Gia Lâm thì không thể có khách
“Chắc họ tính chờ đến khi có đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên để kết nối, trung chuyển khách! Tiếc là tuyến đường sắt đô thị này chưa biết khi nào xây mà đoàn tàu thì đã đắp chiếu lâu rồi”, ông này nói.
Cũng trên tờ báo này, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ, nhà tư vấn đã quá ảo tưởng về nhu cầu đi lại của hành khách. Và đó cũng là “căn bệnh” khi người ta nói đến “sự cần thiết phải đầu tư” của nhiều dự án giao thông ở nước ta.
-
Cẩm Anh (tổng hợp)