Nhiều phường - xã - thị trấn thuộc 14 quận - huyện của TPHCM đang lún với tốc độ từ 7 - 10mm/năm, có nơi lún trên 15mm/năm. Đó là kết quả quan trắc mới nhất của Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TPHCM.
Đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, bằng mắt thường, có thể phát hiện nhiều đoạn bị lún. Đường bị ngập sâu hơn mỗi khi có mưa hoặc triều cường.
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1, thuộc Sở GTVT TPHCM)), toàn bộ đường Nguyễn Hữu Cảnh đều bị lún, trong đó đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhiều điểm bị lún đến 20cm. Từ giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cầu Văn Thánh 2, độ lún lớn nhất lên tới 80cm.
Sụt đất trong khuôn viên Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 . Ảnh: Tr.D |
Từ cầu Thủ Thiêm đến đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có nơi bị lún đến 1,2m. Hệ thống cống thoát nước hai bên đường cũng lún từ 20cm đến 1,3m, nên bị hư hỏng nặng hoặc không bảo đảm thoát nước.
Theo ghi nhận của phóng viên, đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cũng đang lún làm mặt đường bong tróc, tường che dưới gầm cầu bị nứt, vỡ. Theo xác nhận của Bộ GTVT, công trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 39,8km có 4 vị trí bị lún nền đường.
Từ ảnh vệ tinh do cơ quan không gian châu Âu và Nhật Bản chụp từ tháng 10-1992 đến tháng 3-2010, Trung tâm Địa tin học (ĐTH) đã quan trắc sự biến dạng mặt đất qua phân tích độ lệch pha của các bức ảnh chụp cùng khu vực trong những thời điểm khác nhau và chứng minh được TPHCM đang bị lún nghiêm trọng.
Đặc biệt, các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh (quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè) có tốc độ lún trên 15 mm/năm. Tính từ năm 1992 đến nay, nhiều nơi thuộc địa bàn 14 quận, huyện đã bị lún bình quân từ 20 - 30cm. Cá biệt, có nơi lún đến 50cm.
Kết quả quan trắc chỉ ra, TPHCM bắt đầu lún từ năm 1996 và tăng nhanh kể từ năm 2004. Tại một số quận nội thành (6, 8, Bình Thạnh), tốc độ lún trên 15 mm/năm.
Theo ước tính của các chuyên gia xây dựng, tính riêng công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh, nếu khắc phục tình trạng lún thì TPHCM phải bỏ ra trên 200 tỷ đồng. Nền địa chất bị lún có thể làm hư hại hoặc rút ngắn tuổi thọ nhiều công trình giao thông, xây dựng, kiến trúc.
Hàng loạt công trình chống ngập, hệ thống thoát nước mà TPHCM đã và đang triển khai xây dựng ngày càng kém hiệu quả, gây thiệt hại, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng. Hàng năm, TPHCM chi hàng trăm tỷ đồng xóa ngập song tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.
Một chuyên gia Trung tâm ĐTH cho rằng, hiện tượng hố địa ngục xuất hiện liên tục trên đường phố TPHCM thời gian gần đây ngoài nguyên do nhà thầu các dự án thi công, tái lập mặt đường cẩu thả còn bởi tình trạng lún nền địa chất gây ra.
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm ĐTH, năm 1997, khi lập thêm năm quận mới và năm 1998, khi phát triển ồ ạt các khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng lún ở TPHCM diễn ra nhanh hơn.
“Quá trình đô thị hóa, mặt đất bị thảm bê tông, kênh rạch bị san lấp khiến nguồn nước bổ sung cho các túi nước ngầm sụt giảm, trong khi nhu cầu khai thác nước ngầm lại tăng mạnh, gây hiện tượng biến dạng mặt đất” - ông Trung lý giải.
Dự án khảo sát lún mà Trung tâm ĐTH thực hiện được UBND TPHCM đặt hàng. Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm ĐTH, nguyên nhân gây lún chủ yếu là do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT), TPHCM khai thác trên 1 triệu m3 nước ngầm/ngày, song lượng nước mới bổ sung chỉ đạt khoảng 200.000 m3/ngày. Mực nước ngầm ngày càng hạ thấp, trong khi áp lực từ các công trình xây dựng bên trên ngày càng lớn khiến mặt đất bị ép biến dạng và lún.
Nhận ra nguy cơ này, năm 2007, Sở TNMT tham mưu cho UBND TPHCM ban hành Quyết định số 69 hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất tại một số khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khai thác trái phép vẫn diễn ra phổ biến.
Theo lãnh đạo Sở TNMT, những khu dân cư mới đang trong quá trình đô thị hóa chưa có hệ thống cung cấp nước sạch nên người dân phải khai thác nước ngầm. Cơ quan chức năng rất khó xử lý vì đó là nhu cầu chính đáng của người dân.
(Theo TPO)