Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ lập gia đình sớm. Có những bạn chưa học hết cấp 3 cũng nằng nặc đòi bố mẹ cho cưới. Nhìn những đứa con gái mặt còn búng ra sữa, háo hức với chuyện làm vợ, làm mẹ, những bậc phụ huynh không thể không đau đầu. Bởi họ biết rằng, con mình chưa đủ lớn để đối mặt với những khó khăn, phức tạp nảy sinh từ cuộc sống gia đình.
TIN BÀI KHÁC |
|
---|---|
Ngàn lẻ lý do "theo chồng bỏ cuộc chơi"
Chị Na (TP Huế) ngẩn người khi cô con gái đang học cấp III đòi lấy chồng. Mới 18 tuổi, chưa va chạm xã hội nhiều nhưng Vy cứ một mực khẳng định: "Không cần có công ăn việc làm đâu bố mẹ ạ, nhà "nó" giàu, "nó" đủ sức nuôi con".
Vy - con gái chị Na - kể với vẻ háo hức: "Mẹ biết không, "nhà nó" kinh doanh đồ nội thất lớn lắm. Nếu chỉ tính riêng ở thành phố này, cửa hàng "nhà nó" đã lên tới gần chục cái rồi, đó là chưa kể ở tỉnh khác nữa. Con mà về làm dâu nhà đó, thế nào cũng được sang cho một cái cửa hiệu để làm chủ. Bố mẹ đừng lo". Mới nghe con gái "trình bày" đến đây, chị Na đã giãy lên như "đỉa phải vôi": "Mày là đứa bất hiếu. Con người ta muốn học hành đến nơi đến chốn mà không có điều kiện, đằng này... Mày sướng quá hóa rồ rồi con ạ".
Mặc cho bố mẹ phản đối, Vy vẫn nung nấu ý định lấy chồng. Theo như lời Vy, người yêu của cô rất tốt, lại có đủ mọi điều kiện, không lấy thì phí. Cô cũng đã "nhỏ to" với đám bạn: "Tao mà không "bẫy" thằng Hưng thì con khác cũng "bẫy". Trong lúc mình đang "danh chính ngôn thuận" thế này thì dại gì mà không "bắt vạ" một đám cưới".
Nghĩ vậy nên Vy khéo léo chiều chuộng người yêu "hết mình". Trong khi vợ chồng chị Na tưởng con gái cưng đã từ bỏ ý định điên rồ thì Vy vẫn âm thầm thực hiện giấc mơ làm bà chủ. Những buổi đi học thưa thớt và được ngụy trang khá kỹ. Vẫn cắp sách, mặc đồng phục, nhưng điểm đến của Vy không phải là trường học mà là nhà nghỉ hoặc những chốn ăn chơi cùng chàng người yêu lắm tiền.
(Ảnh chỉ có tính minh họa) |
Đến khi chị Na phát hiện ra những biểu hiện lạ của con gái thì cái thai trong bụng của Vy đã đến tháng thứ 4. Nhà trai đồng ý cưới, nhưng vợ chồng chị Na chẳng lấy đó làm điều vui mừng. Không việc làm, không chút kinh nghiệm, lại lấy phải một người chơi bời, không biết cô bé sẽ phải xoay xở ra sao trong vai trò mới. Ngược lại với bộ mặt "đưa đám", buồn phiền của bố mẹ, Vy lại tỏ ra rất "hớn hở". Cô nói với mẹ: "Con mà không làm thế này thì "nó" đi theo con khác mất mẹ ạ". "Con dại cái mang", chị Na lau nước mắt nhìn con gái vác cái bụng to tướng về nhà chồng trong trăm ngàn mối lo ngổn ngang, bề bộn.
Bỏ ngoài tai mọi lời phản đối của bố mẹ, Oanh - hiện đang học năm thứ nhất trường Đại học X. cũng kiên quyết đòi lấy chồng. Không phải "dính bầu" hay lừa lọc như Vy để có một cuộc sống giàu sang, lý do Oanh đưa ra thật "chính đáng": "Con yêu anh ấy và anh ấy cũng thế, nên việc bọn con cưới nhau chẳng có gì sai trái cả".
Bố mẹ Oanh phản đối kịch liệt, thậm chí, tuyên bố sẽ "từ mặt" nếu cô nhất định kết hôn. Trước thái độ kiên quyết của bố mẹ mình, những tưởng kế hoạch "chống lầy" của Oanh sẽ bị "phá sản", nào ngờ, cô và người yêu vẫn tranh đấu đến phút cuối. Sau một thời gian thuyết phục không hiệu quả, cô quay sang đe dọa bố mẹ bằng việc giả vờ có thai. Trước "sự đã rồi", bố mẹ Oanh phải đồng ý cho con gái lên xe hoa mặc dù rất tấm tức. Mẹ Oanh lau nước mắt, lắc đầu ngán ngẩm: "Công lao nuôi con ăn học chừng ấy năm giờ nó bỏ dở hết, không biết thương bố mẹ gì cả".
Hôn nhân "chín ép" liệu có hạnh phúc?
Chưa hết buồn phiền vì sự học dở dang của con gái, vợ chồng chị Na lại phải đau đầu vì những cuộc điện thoại kể lể, khóc lóc của con. Từ ngày về làm vợ, Vy chưa có đêm nào ngon giấc. Những cuộc cãi vã, giận dỗi của đôi vợ chồng trẻ xảy ra như cơm bữa. Bụng mang dạ chửa, không diện được đồ đẹp, không được "bám gót" chồng tới những cuộc vui làm cho Vy thấy tù túng. Anh chồng "trẻ con" của cô đang còn ham chơi nên cũng chẳng để ý chăm sóc vợ.
Cứ cách ngày một đều đều, Vy gọi điện về "than thân trách phận" với bố mẹ. Chị Na thấy quặn lòng theo từng lời kể "vô tư" của cô con gái. Nào là: "Mẹ ơi! Hôm qua con thấy nó đèo một con bé khác đi shopping, đến lúc về con tra hỏi thì bị nó đánh ngã vào cạnh bàn", khi khác thì: "Mẹ ơi, nó dám đưa gái về nhà ngủ. Con đến chết mất thôi". Chị Na chẳng biết khuyên con gái thế nào cho trọn nghĩa vẹn tình. Lấy chồng khi còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm làm mẹ, suy nghĩ cũng đang còn trẻ con nên mọi chuyện Vy đều hành xử theo cảm giác.
Lấy nhau khi chưa có nghề nghiệp ổn định nên cả hai thường xuyên xung đột vì tiền (Ảnh minh họa) |
Có hôm hai vợ chồng Vy công khai đánh nhau giữa phố, Vy hét vào mặt chồng: "Mày là thằng đểu giả. Tao đã bỏ dở cả việc học hành để theo mày mà mày còn đối xử với tao như thế hả?" Anh chồng trẻ con thấy vợ hỗn cũng "sửng cồ" không kém: "Con mất nết. Nếu mày không lừa tao thì còn lâu mới có chuyện mày bước vào cái nhà này nhé". Cứ thế, cặp vợ chồng mặt còn búng ra sữa hồn nhiên "chửi" nhau giữa phố, nếu không có bố mẹ và hàng xóm can ngăn thì có lẽ, họ đã lao vào cắn xé lẫn nhau không thương tiếc.
Cảnh làm dâu của Vy cũng lắm sự khổ sở. Bà mẹ chồng sợ con dâu "mưu mô, lừa đảo" nên mọi tài sản đều nắm chắc trong tay, nhất quyết không chịu san sẻ. Căn nhà vợ chồng Vy đang ở vốn là một căn hộ cho thuê của gia đình. Hàng tháng, bà mẹ chồng gửi vào tài khoản con trai một khoản tiền nhất định, đủ chi dùng cho hai vợ chồng chứ không đưa tiền cho con dâu.
Vốn tính ham chơi, lại có sẵn tiền nên chồng Vy tiêu một cái hết vèo. Mang tiếng là làm dâu nhà giàu nhưng cuộc sống của Vy khổ sở đủ đường. Bụng mang dạ chửa, không có công ăn việc làm, lại phải chứng kiến cảnh chồng trăng hoa, chơi bời, Vy chỉ còn cách cầu cứu bố mẹ để chờ ngày sinh nở.
Dù cưới nhau vì tình yêu nhưng cuộc hôn nhân của Oanh cũng chẳng hạnh phúc được lâu. Bị hai bên cha mẹ phản đối, lại chưa có công việc ổn định nên những tháng ngày trăng mật của hai vợ chồng trôi qua nhanh chóng. Thay vào đó là cảm giác mệt mỏi, trách cứ lẫn nhau. Đi học tiếp thì không có tiền, mà bỏ học đi làm thì không ai nhận, vợ chồng Oanh đứng trước tình thế nan giải.
Chủ nhà đòi tiền liên tục, thu nhập bấp bênh, lại còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu khiến cho vợ chồng Oanh khốn đốn. Nhiều lúc Oanh muốn về cầu cứu bố mẹ, mong bố mẹ tha lỗi và giúp đỡ nhưng cô không dám. Bố cô sau ngày cưới của con gái cứ lầm lì ít nói, lại thêm chứng bệnh đau tim, nếu biết tình trạng bi đát của cô chắc cụ không chịu nổi.
Chán nản vì không có thu nhập, Hoàng - chồng Oanh, lao vào rượu chè, cờ bạc. Những lời nói yêu thương, ngọt ngào từng làm Oanh say đắm nay biến đâu mất. Về nhà chưa thấy dọn cơm, Hoàng quát tháo ầm ĩ: "Ở nhà có mỗi bữa cơm mà lo cũng không xong. Vợ con thế này thì ly dị quách cho nhẹ nợ".
Cứ thế, tình cảm vợ chồng nhạt nhẽo dần. Oanh thấy mình bị xúc phạm, Hoàng thì cho rằng, Oanh cố tình lôi kéo, quyến rũ anh vào cuộc hôn nhân quá sớm này. Tiền bạc không có, tình cảm vợ chồng rạn nứt, Oanh không biết phải xử trí thế nào. Nhiều đêm Oanh nằm khóc thầm, giá như cô nghe lời bố mẹ, gắng học hành đàng hoàng, cân nhắc, chọn lựa kỹ càng thì bây giờ, cô đã không phải rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười như thế này.
Hiện nay, việc kết hôn sớm hay muộn chưa hẳn là yếu tố quan trọng, quyết định đến hạnh phúc vợ chồng. Tuy nhiên, với những trường hợp kết hôn quá sớm, khi cả hai chưa thể chuẩn bị đầy đủ về mặt tâm sinh lý và những điều kiện cần thiết cho một cuộc hôn nhân thì đổ vỡ vẫn là điều khó tránh khỏi.
(Theo Zing)