221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
240665
16 tiếng trước giờ bầu cử
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
16 tiếng trước giờ bầu cử
,

(VietNamNet) - Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, đến thời điểm này, các địa phương đã hoàn tất công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử. Đúng 7 giờ sáng mai, người dân trong cả nước sẽ đi bầu cử tại 88.239 khu vực bỏ phiếu để chọn 311.930 đại biểu trong số 484.189 ứng viên vào cơ quan quyền lực địa phương ba cấp.

 

TP.HCM rộn ràng đến phút chót

 

Cử tri bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên xem danh sách các ứng cử viên niêm yết tại đơn vị bầu cử số 6.

Mặc dù công tác chuẩn bị bầu cử như giới thiệu người ra ứng cử, tổ chức các hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, vận động tranh cử đã “nóng” lên từ những ngày đầu năm 2004. Trong mấy ngày qua, từ khu vực trung tâm đến những làng, xã vùng ven thành phố người dân nô nức đến các khu vực dán tiểu sử ứng cử viên, để đưa ra quyết định cuối cùng: chọn ai!

 

Bà Lê Thị Thế, ở phường Phước Long A, quận 9 phân vân: "Khu vực tôi bỏ phiếu có 4 UCV nhưng chỉ bầu 2, mà tôi thấy ai cũng xứng đáng cả, thật khó lựa chọn. Thế nên phải đi xem kỹ lại tiểu sử, lật sổ coi lại chương trình hành động rồi… về nhà bàn tiếp".

 

Đối với Kiến trúc sư Trần Anh Huy, Công ty thiết kế Lĩnh Nam đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn rõ ràng hơn: "Nếu bỏ phiếu cho UCV trẻ tôi chọn người giỏi, thể hiện qua các thành tích giới thiệu. Còn UCV lớn tuổi phải xem kỹ quá trình làm việc, kiểm tra  để đánh giá khả năng. Nói chung, tôi chọn người nói ít làm nhiều… Và một nguyên tắc lựa chọn nữa, chức vụ càng cao, thì trình độ phải tương xứng", ông Huy kết luận.

 

Về phía, HĐBC TP.HCM trong phiên họp giao ban sáng 23/4 để kiểm tra lần cuối những công tác chuẩn bị, ông Châu Minh Tỷ, Thư ký HĐBC cho biết: công việc khá quan trọng là 24 quận huyện của thành phố đã hoàn tất việc tổ chức các cuộc vận động tranh cử cho ứng viên cả ba cấp. Trên toàn địa bàn thành phố tình hình an ninh trật tự không phát sinh vấn đề gì lớn.

 

Tại 2.670 khu vực bỏ phiếu, các quận huyện đã tăng cường thực hiện cụm pano, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức các xe loa, phát nhiều tờ bướm, xây dựng tiểu phẩm và sáng tác kịch bản tổ chức biểu diễn lưu động để cổ động người dân đi bầu cử.

 

Cổ động bầu cử trên đường phố TPHCM
Thẻ cư tri, đã được các cấp chính quyền địa phương chuyển đến cho gần 4.000.000 cử tri (trong đó có 2.046.319 nữ). Và 100% tổ dân phố đã tổ chức họp để mạn đàm tiểu sử UCV, cũng như trao đổi kỹ về cách thức bầu cử. 100% các tổ bầu cử đã được tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử, nhận tài liệu để sắp xếp và trang trí phòng bỏ phiếu. “Nhìn chung công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử 25/4 đã cơ bản hoàn tất, đúng như kế hoạch”, ông Tỷ cho biết.

 

Thay mặt HĐBCTPHCM ông Lê Minh Nhựt, Phó chủ tịch HĐBC, Phó Chủ tịch Thường trực HĐNDTP khóa VI nhấn mạnh: “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước địa phương, nơi thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân, nơi quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống của bà con. Do vậy, tôi mong bà con cử tri thành phố hãy nghiên cứu thật kỹ về tiểu sử và chương trình hành động của các UCV để lựa chọn người ưu tú, xứng đáng nhất trong số các UCV để bầu vào HĐND các cấp”.   

Hà Nội tưng bừng trước ngày bầu cử

Tuần qua là thời điểm 143 UCV đại biểu HĐND cấp thành phố, 806 UCV cấp quận, huyện và 9.717 UCV cấp phường, xã, thị trấn ở Hà Nội kết thúc việc tiếp xúc cử tri để thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật.

Các UCV đại biểu HĐND cấp thành phố đã hoàn tất 53 cuộc tiếp xúc, gần 7.000 cử tri tham dự với 370 ý kiến cử tri.

Đến giờ chót, tình hình, số lượng UCV đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội không có gì biến động. Ngày bầu cử, 25/4, cử tri Hà Nội sẽ bầu chọn 95 đại biểu trong số 143 UCV cấp thành phố; 543 đại biểu trong số 806 UCV cấp quận, huyện; 6.229 đại biểu trong số 9.704 UCV cấp phường, xã, thị trấn.

Khẩu hiệu, pa nô, áp phích, cờ phướn rộn rã, với không khí nhộn nhịp, nghiêm túc, 23 đơn vị bầu cử HĐND cấp thành phố; 129 ban bầu cử cấp quận, huyện; 1.679 ban bầu cử xã, phường, thị trấn và 1.947 tổ bầu cử đang ở tư thế sẵn sàng phục vụ 2.171.528 cử tri Thủ đô đi bỏ phiếu bầu cử HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2004-2009 vào mai.

Sở Nội vụ đã hoàn thành in, phát tài liệu phục vụ công tác bầu cử và tiếp tục in thêm phiếu bầu bổ sung cho các quận, huyện. Sở Văn hoá - Thông tin đã hoàn tất việc hướng dẫn các quận, huyện tổ chức diễu hành cổ động ngày 24/4. Các thành viên trong HĐBC Hà Nội làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao, đang tập trung chuẩn bị túc trực, giám sát, đôn đốc cho ngày bầu cử.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Giang Long, tổ trưởng tổ dân phố 74, Tập thể Quận uỷ Đống Đa phấn chấn: "Không khí của người dân phường cũng như trong tổ dân phố của chúng tôi rất nô nức. Từ sáng sớm nay, bà con đều tổng vệ sinh sân, cổng, ngõ, ngách, treo cờ tổ quốc trước nhà mình, chuẩn bị bố trí công việc để ngày mai dù có đí đâu, làm gì cũng phải nhớ tham gia đi bầu cử được đông đủ".

Ông hào hứng thông báo thêm: "Bà con rất chăm chú tìm hiểu tiêu chuẩn đại biểu để bầu ai cho xứng đáng. Bà con rất mừng trước chủ trương của nhà nước, đã tăng thành phần tỷ lệ đại biểu nữ, thành phần chưa phải là Đảng viên vào các cấp HĐND. Bà con nhận thức được đó là sự mở rộng dân chủ".

Về tiêu chuẩn đại biểu, ông cho biết: "Tiêu chuẩn UCV thì nhà nước đã quy định rồi. Đối với tôi, tiêu chuẩn quan trọng bậc nhất là UCV đó phải thông suốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để làm sao xây dựng đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, giàu mạnh nhưng cụ thể là phải miệng nói tay làm."

Cử tri Nguyễn Trọng Kiều, trưởng ban công tác MTTQ ở cụm dân cư Ninh Mỹ, phường Nhân Chính cũng vui vẻ nói: "Người đại biểu của dân phải là người có trí, có đức và có hạnh. Tôi mong muốn các vị vào HĐND ở phường tôi phải chú ý đến 3 việc: thứ nhất là nước, thứ hai là đường sá, cống rãnh, thứ ba là nhà hội họp, nhà văn hoá cho phường. Đó là 3 bức xúc mà tổ dân cư chúng tôi đang cần."

Theo ông, năm nay người dân nhìn chung rất tin tưởng vào chỉ đạo của các cấp trên. "Dân cư rất nhất trí, ủng hộ với chủ trương mỗi đơn vị bầu cử có số dư 2 UCV. Số dư ƯCV nhiều hơn các kỳ bầu cử trước giúp dân lựa chọn được công bằng, kỹ càng hơn" - ông nói.

Sinh viên náo nức chờ ngày bỏ phiếu

8h sáng, Trường ĐH Luật Hà Nội đã tấp nập sinh viên đến nhận thẻ cử tri. Mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử vào ngày mai đã gần như hoàn tất: từ hòm bỏ phiếu, băng rôn, cờ, biểu ngữ ... đều rực lên không khí phấn chấn của ngày hội.

Lê Thị Hà, sinh viên Kinh tế 25E và một số sinh viên cùng lớp đang tụm lại dưới sân trường bàn luận về ngày bầu cử sắp tới. Khi được hỏi về tâm thế chuẩn bị cho ngày hội trọng đại này, Hà tự tin cho biết: "Đây là lần thứ hai em được đi bỏ phiếu. So với lần đầu, lần này bớt hồi hộp hơn vì đã có thêm kinh nghiệm. Giờ em đã biết là hết ngày mai mới hết cơ hội bỏ phiếu nên sẽ không bắt xe ôm cuống cuồng lao đến trường vì sợ mất cơ hội như lần đầu được đi bỏ phiếu nữa".

Quỳnh, sinh viên cùng lớp với Hà kể thêm: "Còn em thì lần này sẽ rút kinh nghiệm xếp hàng trật tự để vào bỏ phiếu chứ không chen lấn, xô đẩy các bạn đứng trên như lần trước bỏ phiếu nữa". 

Trước đó khoảng gần 2 tiếng, loa phóng thanh của KTX trường Luật cũng đã phát huy hết công suất để tuyên truyền về Luật bầu cử, hướng dẫn cách thức bầu cử hợp lệ...

Được hỏi, Đỗ Đình Hưởng, sinh viên năm thứ nhất khoa Luật Kinh tế thật thà kể: "Em nghe loa của trường nói suốt từ mấy tuần trước nhưng bận học nên em chưa nhập tâm lắm. Mai bầu cử rồi nên hôm nay huy động hết các cơ quan đoàn thể khứu thính giác ra tiếp thu. Nếu được lựa chọn cử tri ở ba điều kiện ưu tiên là người cùng quê, người  có tiểu sử, lý lịch tốt và người có nhiều đóng góp, thành tích trong hoạt động xã hội... chắc chắn em sẽ chọn người có nhiều thành tích, đóng góp, thêm tiểu sử tốt nữa càng hay. Giá đại biểu được bầu cũng chú trọng hơn đến chính sách việc làm cho sinh viên ra trường thì càng tốt".

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ấn tượng nhất trong việc chuẩn bị bầu cử tại đây chính là hai cuốn sổ "góp ý và khiếu nại của cử tri" được treo ngay trước bảng tên cử tri của trường. Tính theo danh sách đăng ký, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn có tổng cộng 1.800 cử tri tham gia bầu cử tại trường, trong đó có tới 1.480 cư tri nữ.

Đã có khoảng 6 - 7 cử tri trẻ "khiếu nại" trong hai cuốn sổ "góp ý" về chuyện thông tin về ngày tháng năm sinh, tên tuổi, dân tộc, giới tính... chưa chính xác. Cử tri Lê Thị Hồng Minh, Báo K45 thì đề nghị chỉnh lại giới tính của mình là nữ thay vì danh sách điền nam; cử tri Triệu Thị Thu Trang thì kiến nghị viết lại tên và dân tộc (Sán Dìu) của mình cho đúng thay vì điền dân tộc Kinh; cử tri Nguyễn Thị Vương Linh, số thứ tự 235 thì "kêu" về việc sai ngày tháng năm sinh...

Đến Học viện Hành chính Quốc gia, dòng biểu ngữ "Nhiệt liệt chào mừng ngày bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009" được treo ngay trước cổng trường cùng nhiều cờ đỏ.  Anh Đào Thắng, người phụ trách việc trang trí, chuẩn bị cho điểm bầu cử, cho biết: "Năm nay điểm bầu cử tại trường của Học viện Hành chính quốc gia có tất cả 842 cử tri. Trong đó có 286 nam và 556 là nữ. Mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn tất trong sáng nay".

Thạc sĩ Trần Việt Hùng, trưởng phòng công tác chính trị sinh viên, giáo viên của trường Đại học Ngoại Thương cho biết: "Đến nay, nhà trường đã cơ bản chuẩn bị  đầy đủ cho ngày bầu cử 25/4. Công việc chuẩn bị của trường đã được sự chỉ đạo, trao đổi cụ thể của UBND phường. Đoàn thanh niên và Hội sinh viên của trường đã thực hiện tốt việc đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục tinh thần, ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử này cho các em, đặc biệt là đối với các sinh viên đăng ký hộ khẩu tạm trú tại trường Đại học Ngoại Thương. Ngày mai, chúng tôi hy vọng các em sinh viên sẽ tham gia bầu cử đầy đủ".

  • PV thời sự
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,