221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
240795
Hỏi chuyện những công dân "khó tính"
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Hỏi chuyện những công dân 'khó tính'
,
(VietNamNet) -  Cử tri không còn dễ dãi, ứng cử viên không thể hứa chung chung, đó là ghi nhận của chúng tôi sau "một vòng" trò chuyện với những người "khó tính" - vào thời điểm chỉ còn 10 tiếng nữa, công dân cả nước bắt đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình.

Cử tri đòi: "trình độ"!

Linh mục Nguyễn Khắc Quế, quản xứ Sở Kiện, Hà Nam:

Ngày mai, tôi sẽ đi bầu cử vào lúc 7h, các giáo dân xứ tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần để đi bầu cử đầy đủ, làm tròn bổn phận chọn người tài đức phục vụ nhân dân. Năm nay, giáo xứ tôi có ba người giáo dân chọn vào HĐND tỉnh. Đó là tin mừng của giáo xứ. Điều đó khẳng định vị trí của người theo đạo Thiên chúa giáo trong xã hội. Thế nhưng, không có nghĩa là khi đi bỏ phiếu, chúng tôi sẽ "ưu tiên"cho những ứng cử viên là các giáo dân. Chiều nay, tôi cũng đã nói với những giáo dân của mình là hãy khách quan để chọn lựa người thực sự tài đức vào HĐND. Tôi cũng nhắc giáo dân cầu nguyện ơn Chúa soi sáng để chọn người có đức, có tài. Còn tôi, tôi quan tâm nhất đến trình độ của các ứng cử viên. Tôi sẽ cân nhắc để bỏ phiếu cho những ứng cử viên nào có trình độ, hiểu luật pháp và biết quan tâm đến quyền lợi của dân.

Thượng toạ Thích Thiện Nguyện - Phó Ban trị sự Thành Hội Phật giáo TP. Đà Nẵng, Chánh đại diện Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn kiêm trụ trì chùa Linh Ứng:

Tôi thực sự vui mừng vì xã hội của chúng ta ngày càng phát triển, đời sống của người dân TP. Đà Nẵng không ngừng được cải thiện. Điều đó đã thể hiện được sự đúng đắn về đường lối của Đảng và Nhà nước nói chung, và TP. Đà Nẵng nói riêng.

Tuy nhiên, để đời sống mọi mặt của người dân phát triển hơn nữa, để Đà Nẵng xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực, đòi hỏi từng người dân TP mà trước hết là các vị đại biểu sẽ trúng cử vào HĐND các cấp ở nhiệm kỳ sắp tới phải tự nâng cao vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, các đại biểu trúng cử đợt này sẽ đề ra được những biện pháp đúng đắn để đẩy nhanh tốc độ phát triển mọi mặt của TP.

Là một tổ chức thành viên trong xã hội, các đạo hữu Phật giáo cũng cần phải tự nâng cao vai trò của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các đạo hữu phải thực hiện tốt phương châm “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, trước hết là thể hiện qua việc thực thi đúng đắn quyền và nghĩa vụ của công dân ở cuộc bầu cử HĐND 3 cấp lần này, dân chủ bầu ra những người xứng đáng là đại biểu của dân! 

Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học An Giang:

GS. Võ Tòng Xuân.

Theo tôi, HĐND các cấp phải có năng lực quyết định những vấn đề hệ trọng tại địa phương mình, vì thế chúng ta phải bỏ phiếu cho người có đủ trình độ và uy tín (có sức thuyết phục và đã từng thuyết phục được mọi người). Cử tri, đặc biệt là cử tri ở đô thị bây giờ không còn bầu cử một cách hình thức nữa đâu mà người ta rất cân nhắc để bầu ra những người đại diện cho mình.  Ở điểm bầu cử ở ĐH An Giang, sinh viên còn thuộc làu hết tiểu sử và "rành" về năng lực, uy tín của mười mấy ứng cử viên.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, đại biểu QH:

Tôi có giấy mời của phường, 6h30 sáng mai có mặt tại tổ bầu cử 8 Phan Huy Chú - Hội trường Bộ Tài chính, quận Hoàn Kiếm, để dự lễ khai mạc. Tôi thấy danh sách bầu cử kỳ này có nhiều tiến bộ, không nhìn rõ ai là "quân xanh" nữa. Hai ứng cử viên ngoài những vị trí chủ chốt "chênh" nhau rất ít. Duy chỉ có một điều băn khoăn là việc không công bố tài sản của các ứng cử viên. Người ta giải thích là việc công bố sẽ khiến các doanh nhân rút khỏi danh sách ứng cử viên - điều đó không thuyết phục. Nếu doanh nhân càng có nhiều tiền thì càng "oai" chứ có sao đâu. Theo tôi, một ĐB HĐND đủ đức, đủ tài phải là người gần gũi nhân dân, dám đấu tranh, dám tháo gỡ những bức xúc của dân.

Ông Huỳnh Đảm, Tổng thư ký Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN: 

Mong muốn chung của người công dân, bản thân tôi cũng như đồng bào cử tri cả nước luôn gửi gắm niềm tin vào các đại biểu. ƯCV nào trúng cử phải luôn ra rèn luyện và học tập, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình vì trong quá trình chuẩn bị bầu cử từ khi lấy ý kiến nơi cư trú, đến lúc tiếp xúc để vận động tranh cử người dân luôn tham gia góp ý cho ƯCV. Chính điều này làm cho người đại biểu trong suốt  quá trình hoạt động phải gắn bó với nhân dân, có ý thức phục vụ dân. Đặc biệt, là phải làm tròn lời mình đã hứa trước cử tri. Qua đó sẽ đem lại hiệu quả chất lượng HĐND trong khóa mới.  

Nhà báo Thái Duy: Tổ 29, phường Phan Châu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội:

Theo tôi, người ĐBND đủ đức, đủ tài có thể ở bất kỳ tầng lớp nào nhưng tiêu chuẩn cần nhất là họ phải gần dân, hiểu dân, hiểu quyền lợi chính đáng của dân. Nếu Nhà nước ra chính sách nào hợp với lòng dân thì họ phải hoan nghênh kịp thời, nếu thấy dân bức xúc điều gì thì cũng phải  phản ánh. Nếu đại biểu mà chỉ nghe "để biết", "vào cho có" thì cũng chẳng khác gì ông "nghị gật" hồi xưa. Nói đi nói lại, đại biểu của dân phải đại diện được cho quyền lợi của dân.

Từ trước tới giờ, ở tỉnh nào, huyện nào thì cán bộ cũng chiếm tới 90% ĐB HĐND, như vậy là chưa thực hiện được tinh thần "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân" của Bác Hồ. Nếu cán bộ chiếm tới 90% ghế HĐND thì quyền lực của dân chỉ còn là hình thức thôi. Lần này,  có mấy chủ trương mới về bầu cử HĐND, tôi thấy là cũng cải tiến nhiều. Thế nhưng, hình như việc nghe ngóng, hỏi han tìm hiểu về các ứng cử viên của cử tri cũng chưa được kỹ lắm - kể cả cử tri như tôi. Theo tôi, muốn thực sự tìm được người đủ sức, đủ tài thì phải tìm hiểu kỹ về ứng cử viên. Chắc là 1-2 kỳ nữa thì chúng ta mới có được sự chuyển biến thực sự như ý muốn.

Ông Lê Minh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực HĐND khóa VI, Phó Chủ tịch HĐBC TP.HCM:

Ông Lê Minh Nhựt.

Với tư cách là một công dân, ngày 25/4 tôi cũng cầm lá phiếu đi bầu đại biểu HĐND ba cấp. Điều mà tôi cũng như các cư tri của thành phố mong muốn, là những người được mình lựa chọn, phải cố gằng thực hiện những nội dung theo chương trình hành động. Thứ hai, các đại biểu nên có sự liên hệ mật thiết với cử tri. Có như vậy mới tìm hiểu được những tâm tư nguyện vọng của họ. Muốn vậy, người đại biểu phải trách nhiệm HĐND nghiên cứu thật kỹ những lựa chọn vấn đề gì để đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp HĐND.

Ứng cử viên hứa: "Quan tâm"

Phùng Hữu Phú, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Chủ tịch TP.Hà Nội:

 

"Tôi sẽ phân bổ ngân sách nhà nước sao cho hài hoà, đúng đắn. Giải quyết hài hoà việc đầu tư để phát triển kinh tế, phát triển cơ cấu hạ tầng với phát triển văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, giải quyết các nhu cầu bức xúc của dân cư như nước sạch, điện chiếu sáng, vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm, cải thiện nhà ở, học tập, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời, ưu tiên các cuộc tiếp xúc trực tiếp của cử tri ở các cụm dân cư phường, xã để nắm rõ nguyện vọng, bức xúc của cử tri".

 

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch TP.HCM, Khu vực bỏ phiếu 45, số 234 Điện Biên Phủ phường 7, quận 3.

 

Thứ nhất, sẽ xây dựng làng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Thứ hai, sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp để khuyến kích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ đô thị. Thứ ba, xây dựng nhà ở để bán trả góp hoặc cho thuê, theo nguyên tắc dân chủ, công khai chống tiêu cực trong việc phân phố nhà cho công nhân, người thu nhập thấp. Thứ tư, chống thái độ cửa quyền, cung cách “ông quan” trong việc giải quyết những mối quan hệ với người dân và nhà doanh nghiệp. Thứ năm, kiên quyết thay thế ngay những cán bộ công chức không đủ tiêu chuẩn và thay thế ngay những người có hành vi tiêu cực. Tôi nhận thức rằng, người cán bộ viên chức, lời nói phải đi đôi với việc làm và kết quả cụ thể chính là thức đo phẩm chất, năng lực, nhiệt tình cống hiến của cán bộ, viên chức với nhân dân”.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch TP.HCM, Khu vực bỏ phiếu 50, Trường PTCS Nguyễn Thái Sơn, 18 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3:

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân.

Là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tôi phụ trách hai lĩnh vực chính là khoa học công nghệ và kế hoạch đầu tư. Cách đây 5 năm chúng tôi chưa rõ phải phát huy khoa học công nghệ của thành phố như thế nào. Hai câu hỏi luôn đặt ra đối với chúng tôi là: làm thế nào để khai thác tốt nhất lực lượng khoa học công nghệ thành phố và làm sao sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách hạn hẹp dành cho hoạt động này. Còn bây giờ có thể nói rằng chúng tôi đã hiểu rõ hơn nhiều và đã làm được một số việc.

 

Lợi ích chính đáng của người dân là trọng tâm chương trình hành động của tôi. Thứ nhất, chương trình xây dựng nhà ở là dành cho người dân. Thứ hai, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập nhắm đến mục đích cuối cùng là tạo việc làm có thu nhập ngày càng cao cho người lao động. Thứ ba, chương trình phát triển hệ thống giáo dục đại học, hình thành cơ sở đào tạo có trình độ quốc tế là để tạo ra lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao. Cuối cùng, chương trình phát triển Chính phủ điện tử là để giảm bớt thủ tục, thời gian cho người dân khi có nhu cầu giao dịch với các cơ quan này. Đồng thời, chính phủ điện tử còn là kênh để người dân giám sát và kiểm tra các hoạt động của Nhà nước.

 

Ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng:

Nếu được cử tri tín nhiệm trở thành đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2004 – 2009, trước hết, tôi sẽ cùng lãnh đạo TP thực hiện tốt các chính sách an dân. Bởi dân có an thì TP mới phát triển, đất nước mới thanh bình. Muốn thực hiện được điều này thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên", có tâm huyết, sát dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; biết hành động và hành động có hiệu quả, tạo được lòng tin trong các tầng lớp nhân dân.

Là đại biểu của dân, trên cơ sở liên hệ chặt chẽ và lắng nghe ý kiến của nhân dân, trong quyền hạn, trách nhiệm của mình, tôi sẽ tham gia góp ý, quyết định những chủ trương, biện pháp hoặc kiến nghị với các cơ quan chức năng liên quan giải quyết kịp thời, thoả đáng nguyện vọng chính đáng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tôi sẽ không ngừng phấn đấu để nâng cao 7 mục tiêu cơ bản của người dân TP về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh và vui chơi giải trí. Tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, như: giải quyết công ăn việc làm, chăm lo và không ngừng cải thiện đời sống cho gia đình chính sách, đồng bào nghèo, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số; giám sát chặt chẽ công tác giải toả, đền bù và chăm lo ổn định đời sống, tái định cư cho nhân dân vùng bị giải toả; phòng chống các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức; lập lại trật tự an toàn giao thông và kìm hãm tai nạn giao thông; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; giải quyết tốt và cải thiện về đời sống văn hoá, y tế, giáo dục và môi trường đô thị; thực hiện thành công chương trình “5 không”...

Với cương vị của mình, tôi sẽ cùng lãnh đạo TP tổ chức thực hiện tốt 12 chương trình hành động của Thành uỷ, thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước; tiếp tục lãnh đạo toàn dân xây dựng TP. Đà Nẵng xứng đáng là đô thị loại 1, trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của khu vực.

  •  Nhóm PV thời sự

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,