Tăng giá xăng dầu kể từ 19h tối nay
16:56' 19/06/2004 (GMT+7)

Chiều nay, Bộ Tài chính tổ chức họp báo công bố Quyết định về tăng giá xăng dầu năm 2004, theo đó, kể từ 19h00 ngày 19/6, giá xăng 92 sẽ tăng từ 6.000đ/lít lên 7.000 đồng/ lít; dầu diezel 0,5% S tăng từ 4.650đ/lít lên 4.850 đ/lít; xăng 90 tăng từ 5.800đ/lít lên 6.800đ/lít, dầu hoả từ 4.650đ /lít lên 4.850đ /lít; dầu madút 2B từ 3.400d/kg lên 3.570đ/kg.

Khả năng che chắn không thể kéo dài

Xăng 92 sẽ tăng giá lên 7.000 đ/lít

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, lý do cơ bản dẫn đến việc tăng giá xăng dầu là từ đầu năm 2004 đến nay, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng liên tục và ở mức cao. Lấy giá xăng dầu Platt Singapore bình quân tháng 5/2004 so với giá bình quân năm 2003 thì xăng Mogas 92 tăng 43,7%, xăng Mogas 97 tăng 55,9%...Một số nước có tiềm lực mạnh, có dự trữ chiến lược xăng dầu ...thì có thể hạn chế được phần nào sự tác động gây thiệt hại cho nền kinh tế. Nhưng nhiều nước đã phải chấp nhận giải pháp để giá xăng dầu vận động theo thị trường.

Ở nước ta, khi giá xăng dầu tăng, Nhà nước đã không "thả nổi" mà đã can thiệp thông qua việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu ở mức độ "có kiềm chế" và thực hiện một số biện pháp tài chính như giảm thuế nhập khẩu xuống 0%, bù lỗ cho kinh doanh xăng dầu. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, Ngân sách Nhà nước đã phải bù lỗ 2.050 tỷ đồng, chưa kể giảm nguồn thu do giảm thuế nhập khẩu.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá IX, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nêu: "khả năng che chắn của chúng ta không thể kéo dài, riêng về xăng dầu, để giữ nguyên giá bán cho người tiêu dùng, ngân sách Nhà nước dang phải bù lỗ cho kinh doanh mỗi ngày 20 tỷ đồng..." Trong khi đó, giá xăng dầu của ta hiện hành thực chất là loại "giá bao cấp", không chỉ cho sản xuất, tiêu dùng của nền kinh tế, mà còn là sự bao cấp không hợp ký cho cả doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng tới 40% dầu madút do nước ta nhập khẩu. Giá xăng dầu của ta thấp hơn các nước láng giềng nên đã kích thích buôn lậu qua biên giới. Vì tất cả những lý do đó, Chính phủ đã đi đến quyết định tăng giá xăng dầu lần thứ hai kể từ đầu năm 2004.

Tác động của việc tăng giá xăng dầu

Để hạn chế những tác động bất lợi cho nền kinh tế do giá xăng dầu tăng, Chính phủ đã phải phân tích nhiều phương án, xem xét kỹ ưu nhược điểm của từng phương án. Ví dụ, lấy giá xăng dầu bình quân trên thị trường thế giới tháng 5/2004 để làm căn cứ tính phương án tăng giá, giữ thuế nhập khẩu như mức mà Quốc hội đã thông qua, không bù lỗ thì giá một lít xăng 92 sẽ phải là 8.500đ/lít, xăng 90 là 8.300đ/lít, diezel là 6.050đ/lít, madút 2B sẽ là 3.570đ/lít, dầu hoả là 6.400đ/lít.  Tuy nhiên, nếu tăng tới mức đó thì kinh doanh xăng dầu không phải bù lỗ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến giá thành các sản phẩm (từ 0,35% đến 30,1%). Đây là mức tác động lớn đối với nền kinh tế, trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh còn thấp, vì thế nền kinh tế nước ta khó lòng chịu đựng được.

Sau khi cân nhắc kỹ, Chính phủ đã lựa chọn phương án giá theo nguyên tắc: đối với xăng, đảm bảo không phải bù lỗ thêm từ ngân sách Nhà nước, nghĩa là thực hiện tăng 17,2% đối với xăng 92, 16,7% đối với xăng 90. Các loại dầu khác thực hiện tăng 5% so với giá định hướng hiện nay. Vẫn thực hiện bù lỗ đối với diezel 13,1%, dầu hoả 15% và madút 4,3%.

Với mức điều chỉnh như vậy, giá thành sản phẩm một số loại hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nhiều xăng dầu sẽ tăng tương ứng như sau: Điện tăng 0,29%; Xi măng 0,16%-2,84%; thếp 0,12- 0,15%; vận tải hàng hoá bằng đường bộ tăng 2%, bằng đường sông tăng 1%, bằng đường sắt tăng 0,7%.  Như vậy, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mức tăng giá thành không lớn và các ngành sản xuất có thể phấn đấu tích cực hạ giá thành, tiết kiệm sử dụng xăng dầu để có thể hạn chế tác động bất lợi của việc điều chỉnh giá xăng dầu.  Các cá nhân sử dụng phương tiện xe gắn máy phải chi thêm bình quân 1 tháng từ 15.000 đến 20.000đ.

Triệt để tích cực tiết kiệm xăng dầu

Chính phủ chỉ thị triệt để tiết kiệm xăng dầu

Để chống việc tác động dây chuyền do việc tăng giá xăng dầu đến giá các hàng hoá dịch vụ khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải giữ ổn định giá bán điện, giá than, giá xi măng như hiện nay. Mặc dù giá xăng dầu tăng nhưng không được tăng giá bán điện, than xi măng. Điều này rất cần thiết, nhưng cũng khả thi vì theo tính toán tác động của tăng giá xăng dầu sẽ chỉ làm giảm lãi một phần của các doanh nghiệp sản xuất 3 sản phẩm này.

Một biện pháp quyết liệt sẽ được tiến hành, đó là triệt để tiết kiệm xăng dầu. Ngày 18/6, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 23/2004/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm xăng dầu, trong đó có nêu rõ, tiết kiệm xăng dầu phải được coi là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm giá thành, chi phí sản xuát, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các đơn vị trực tiếp liên quan đến quản lý sử dụng xăng dầu và phải trở thành phong trào thi đua thiết thực ngay trong từng đơn vị cơ quan và trong toàn xã hội.

  • Hà Khoa
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi