(VietNamNet) - Đường bay ngắn và bay dịch vụ là mảnh đất chưa được khai thác trong khi nhu cầu ngày càng lớn, đủ để tạo nên một thị trường tiềm năng cho các hãng bay trong tương lai.
Chỉ có hàng không Việt Nam được phép khai thác đường bay nội địa, nhưng hiện nay phần lớn các hãng mới chỉ tập trung khai thác các đường bay dài hoặc đường bay đến những vùng trung tâm. Không giống như xe đò trên đường bộ, các tuyến bay ngắn chưa có nhiều hãng bay lên lịch thường xuyên, còn bay dịch vụ vẫn đang phải trông chờ vào những đơn hàng "đánh lẻ".
Những đội tàu "đánh lẻ"
Hồi đầu tháng 10 này, Công ty Dịch vụ Hàng không gọi tắt là Vasco đã bắt đầu mở đường bay thường xuyên từ Sài Gòn đi Rạch Giá và ngược lại, với tần suất 4 chuyến/tuần. Đây là đường bay thứ 4 mà hãng hàng không được xem là vừa và nhỏ này mở ra, thường xuyên phục vụ khách ở khu vực phía Nam. Kể từ tháng 5 năm nay, Vasco được bổ sung thêm chức năng kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không với những chuyến bay thường xuyên.
Bốn đường bay mà Vasco mới mở bao gồm Sài Gòn-Cà Mau, Sài Gòn-Rạch Giá, Sài Gòn-Côn Đảo và Vũng Tàu-Côn Đảo. Ông Vũ Đức Biên, Giám đốc Thương mại của Vasco, nói rằng việc cho ra đời những đường bay ngắn xuất phát từ nhu cầu có thực của người dân cũng như khách du lịch và các nhà doanh nghiệp.
Không chỉ mở đường bay thường xuyên, Vasco cũng có những chuyến bay dịch vụ phục vụ nhu cầu khảo sát địa hình, chụp ảnh, du lịch, cấp cứu y tế... của các nhà đầu tư, hành khách và cả khách du lịch nước ngoài. Đây cũng được xem là dịch vụ đường bay ngắn, tuy không thường xuyên nhưng là một thị trường được hình thành từ nhiều năm nay. Tham gia dịch vụ với Vasco, còn có hai công ty bay dịch vụ Miền Bắc và Miền Nam. Khác với Vasco sử dụng máy bay cánh bằng, hai hãng hàng không của Bộ Quốc phòng này chỉ sử dụng loại máy bay trực thăng khi cung cấp các chuyến bay dịch vụ.
Theo ông Phạm Duy Luận, Phó Giám đốc Thương mại Công ty Bay Dịch vụ Miền Bắc, thì công ty bay Dịch vụ Miền Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực phục vụ công tác thăm dò dầu khí, trong khi Công ty Bay Dịch vụ Miền Bắc lại có thế mạnh nhiều năm trên lĩnh vực khảo sát địa hình và chụp ảnh. Ngoài ra, công ty Bay Dịch vụ Miền Bắc còn mở đường bay thường xuyên Hà Nội - Hạ Long với tần suất 1-2 chuyến/tuần.
Trong định hướng phát triển của ngành hàng không, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) phát triển theo hướng quốc tế, Hãng Hàng không Cổ phần Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ, còn Vasco được định hướng thành hãng hàng không "gom tụ", tức tập trung vào những đường bay ngắn.
Phi vụ thời vụ gia tăng
Bay dịch vụ dầu khí |
Một hành khách nếu có nhu cầu đi từ Sài Gòn ra Hà Nội hay Đà Nẵng hoặc đến Phú Quốc, có thể sử dụng nhiều phương tiện vận tải hàng không hay đường bộ; nhưng nếu đến những vùng có cự ly ngắn hơn như Sài Gòn-Đà Lạt hay Sài Gòn-Vũng Tàu, họ lại không được hoặc khó có thể lựa chọn đường hàng không, bởi chẳng có chuyến nào như thế, ngoại trừ chuyến duy nhất Sài Gòn-Đà Lạt luôn trong tình trạng không đủ vé. Và điều này tất nhiên không tạo ra cơ hội phát triển hay nói cách khác là hạn chế sự phát triển của một vùng kinh tế.
Ông Lê Chơn Trung, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất, từ nhiều năm nay cũng "khao khát" có đường bay đến khu Công nghiệp vừa mới được nâng lên thành Khu Kinh tế Dung Quất này, để các nhà đầu tư có thể trực tiếp đến vùng đất mới miền Trung, thay vì phải qua Đà Nẵng mất nhiều thời gian và tốn kém. "Có được những đường bay thẳng đến Dung Quất từ Sài Gòn, Hà Nội thậm chí từ Đà Nẵng là cơ hội tốt cho chúng tôi và nhất là các nhà đầu tư. Sự hạn chế về đường bay làm cho các nhà đầu tư ngại đến với Dung Quất," ông Trung luôn phát biểu như thế trong những buổi giới thiệu về tiềm năng đầu tư của Dung Quất.
Ông Huỳnh Trung Tấn, Chủ tịch Công ty HMI, nói rằng ông rất khổ sở khi phải sử dụng phương tiện vận tải đường bộ vừa tốn kém, mất thời gian và không an toàn khi đi công tác giữa những vùng công ty ông đầu tư, vì ông không có nhiều lựa chọn các chuyến bay ngắn ở Việt Nam. "Không có hoặc còn hạn chế đối với các chuyến bay ngắn (đang rất phát triển ở nước ngoài) sẽ hạn chế sự di chuyển của nhà đầu tư, và điều này cũng có nghĩa kìm hãm sự phát triển kinh tế vùng", nhà đầu tư Việt Kiều này nhận định.
Trong khi đó ông Ngô Trung Hải, Phó Viện trưởng Viện Đô thị Nông thôn thuộc Bộ Xây dựng trông chờ vào những chuyến bay dịch vụ giá cả cạnh tranh hơn. Hiện ông đang tham gia nghiên cứu một dự án phát triển hạ tầng cơ sở ở Quảng Ninh và sử dụng những chuyến bay dịch vụ. Đây cũng là nhu cầu nghiên cứu thường xuyên của ông và những chuyến bay dịch vụ này đã đáp ứng yêu cầu khảo sát địa hình cũng như chụp hình từ trên cao phục vụ cho dự án đầu tư mà ông tham gia.
Nhu cầu đường bay ngắn không xuất phát từ những ý muốn chủ quan của một số người. Ông Biên của Vasco cho biết, kể từ khi hãng hàng không trực thuộc Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) này đưa ra 4 đường bay mới, công suất sử dụng máy bay đạt trung bình là 78%. Hãng dự định sẽ mở thêm chuyến bay ở các đường bay hiện nay để lấp đầy lịch bay 7 ngày trong tuần thay vì cách ngày ở một số đường bay. Vasco xuất thân là hãng bay dịch vụ, tức chỉ thực hiện các phi vụ theo thời vụ hoặc hợp đồng, và việc mở thêm đường bay ngắn thường xuyên của hãng cũng là nhờ những phi vụ thời vụ gia tăng.
Những đội bay ngắn tương lai
Giao thông hàng không chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam và vì vậy các chuyến bay cũng chưa mở nhiều, kể cả đường bay ngắn và bay dịch vụ. Phần lớn hành khách sử dụng dịch vụ này là những người có thu nhập cao, các doanh nhân, nhà đầu tư... và nhà đầu tư nước ngoài là khách hàng chính của bay dịch vụ. Bài toán kinh tế cho các hãng hàng không khi số lượng khách ít chính là giá cao, nhưng lại cũng chính vì thế lại khiến cho nhu cầu tăng chậm, dẫn đến hệ quả là các hãng và cả những đường bay đều không phát triển.
Tuy nhiên, đối với các hãng tàu bay thì đó vẫn là thị trường tiềm năng dù có chậm. Ông Luận của Công ty Bay Dịch vụ Miền Bắc cho biết, mức tăng trưởng của công ty với đặc thù dịch vụ bay trực thăng là 5%. Trong khi đó đối với Vasco doanh thu dự kiến năm 2004 tăng gấp 4,5 lần doanh thu năm 2001. Không những thế, ông Biên còn cho biết, hãng có tham vọng mở thêm ít nhất hai đường bay mới vào năm tới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với việc tăng các chuyến bay hiện đang khai thác trong tuần.
Đường bay ngắn giữa các địa phương và vùng cũng như bay dịch vụ có nhu cầu ngày càng gia tăng với mức độ đủ lớn để tạo nên một thị trường tiềm năng trong tương lai của các hãng tàu bay. Bởi lẽ từ nhu cầu này mà có ít nhất hai hãng hàng không đang cố gắng được hình thành tại Việt Nam.
Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang "thai nghén" dự án thành lập hãng hàng không cổ phần với sự giúp đỡ của Cục Hàng không Dân dụng Miền Nam. Hãng hàng không có tên gọi dự kiến Air Dalat sẽ khai thác đường bay ngắn từ các tỉnh thành đến Đà Lạt trong giai đoạn trước mắt; sau đó là các đường bay quốc tế. Sự ra đời của hãng này không chỉ tạo ra những đường bay mới mà còn tạo cơ hội thu hút khách du lịch đến với vùng cao nguyên tuyệt đẹp.
Cũng giống như Air Dalat, các nhà đầu tư khác đang có ý định thành lập một hãng hàng không tương tự có tên gọi là Mekong Air. Nghe tên Mekong, nhiều người dễ dàng nghĩ đến vùng đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long và quả đúng như vậy, các nhà đầu Việt Nam muốn thành lập đường bay ngắn ở đây để thay thế các chuyến đò ngang của vùng sông nước vốn rất nổi tiếng về giao thông đường thủy này.
Không chỉ đường bay ngắn mà đường bay dài giữa các khu vực ở Việt Nam còn rất ít. Vietnam Airlines, hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, có khoảng 16 đường bay thường xuyên trong nước bên cạnh khoảng 25 đường bay quốc tế. Hãng hàng không lớn thứ hai Pacific Airlines chỉ bằng 1/3 số đường bay trong nước Vietnam Airlines đang có. Rõ ràng, đây vẫn đang là cơ hội lớn của các hãng hàng không.
-
Minh Quang