,
221
4681
ĐH đẳng cấp qtế cho VN
dhqt
/dhqt/
778264
Gặp gỡ "Tinh thần Harvard" ở Ấn Độ
1
Article
null
,

Gặp gỡ 'Tinh thần Harvard' ở Ấn Độ

Cập nhật lúc 03:49, Thứ Hai, 27/03/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Chỉ giáo dục đào tạo đẳng cấp quốc tế mới có thể giúp Ấn Độ có sức cạnh tranh trong giai đoạn tới. Thủ tướng Manmohan Singh rất tâm huyết với vai trò "cầu nối" để mang những giá trị Harvard đến với Ấn Độ.

Soạn: AM 735113 gửi đến 996 để nhận ảnh này

 TBT Nguyễn Anh Tuấn và GS Lawrence H. Summers, Chủ tịch ĐH Harvard  

> Trường đại học - nơi ý tưởng có quyền lực thống trị 

> Thông điệp đột phá từ Harvard

Cuộc hội thảo chuyên đề toàn cầu của cựu học viên Harvard, tổ chức từ 25-26/3 tại New Delhi, có thể là một trong những hội thảo có ấn tượng khác biệt nhất mà tôi đã từng được dự. Một truyền thống của đại học hàng đầu thế giới, một cộng đồng Harvard (bao gồm các giáo sư, giáo chức, học viên, nghiên cứu sinh, cựu học viên) rất đáng để chúng ta suy ngẫm. 

Cầu nối Harvard - Ấn Độ

Có thể cảm nhận không khí khác biệt của hội thảo ngay từ lời khai mạc của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Khó có thể phân biệt ông đang đóng vai trò một cựu sinh viên Harvard tự hào về trường mình, một Chủ tịch Hiệp hội cựu học viên Harvard tại châu Á, hay vai trò nguyên thủ một quốc gia đông dân thứ nhì thế giới. Bài phát biểu 30 phút không phải là những lời chúc mừng như vẫn phải có trong các bài khai mạc.

Ông đi ngay vào việc khẳng định quyết tâm gắn kết các vai trò trong con người ông: xây dựng hệ thống đào tạo đại học đẳng cấp quốc tế ở Ấn Độ, với sự hợp tác chặt chẽ với Harvard. Bằng sự hiểu biết sâu sắc về nước mình và thế giới, bằng những con số cụ thể, ông đã truyền cho các cựu học viên và giáo sư của Harvard một niềm tin vào tương lai của đất nước này. Đất nước đang hội nhập với thế giới từ vị trí công nghệ cao, với tỉ lệ dân số trẻ và có trình độ giáo dục cao vượt trên nhiều nước khác, với thặng dư 47 triệu công dân trẻ (surplus of 47 million young people) đang tiến vào lĩnh vực công nghệ cao.

Chỉ có giáo dục đào tạo đẳng cấp quốc tế mới có thể giúp Ấn Độ có sức cạnh tranh trong giai đoạn tới. Ông rất tâm huyết với vai trò "cầu nối" của mình để mang những giá trị Harvard đến với Ấn Độ. Và ông đang truyền nhiệt huyết đó cho những đồng môn và thầy cũ, để cùng chung sức xây chiếc cầu lớn. 

Tôi chợt giật mình, với những tư tưởng thông thoáng và đột phá như thế, Ấn Độ sẽ phát triển mạnh mẽ như thế nào trong thời gian tới.

Tôi vốn tin là tác giả Thomas Friedman của cuốn "Thế giới phẳng" đã quá lời khi ông mô tả Ấn Độ như một thiên đường tương lai cho công nghệ cao. Nhưng niềm tin của tôi đã bị lung lay. Theo dự báo của các nhà kinh tế, đến năm 2050 Ấn Độ sẽ là nền kinh tế thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Dự báo đó cũng căn cứ vào những bước ráo riết chuẩn bị hợp tác của Ấn Độ với Harvard để xây dựng hệ thống đại học đẳng cấp cao.

Tôi lại thoáng buồn khi nhìn về Việt Nam, chúng ta cũng đã đặt ra vấn đề này từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa tiến triển được là bao.

"Nếu trở về Harvard, Tổng thống Bush sẽ phải học lại môn kinh tế"

Buổi ăn sáng ngày 26/3 tại khách sạn The Taj Palace , tổ chức bởi Trường Kinh doanh Harvard - một trong những thành viên "ngôi sao" của ngôi nhà Harvard - là một cuộc gặp rất ấn tượng giữa hiệu trưởng và những cựu học sinh của trường này. Gọi là ăn sáng nhưng thực chất mọi người chỉ ngó nghiêng đến đồ ăn trong khoảng 15 phút. 80 phút còn lại  dành để thảo luận những chủ đề rất thú vị.

"Tổng thống Bush chắc phải học lại môn kinh tế" - đó là câu trả lời của hiệu trưởng Jay O. Light cho câu hỏi của cựu học viên Sat P. Goel - tốt nghiệp 1974, trước tổng thống Bush một năm và hiện đang làm việc tại Mỹ - "Nếu bây giờ Tổng thống Bush quay trở lại Trường Kinh doanh Harvard để học, thì ông ấy sẽ  phải học cái gì? Trường kinh doanh Harvard hiện nay có gì khác với thời Bush học ở đây".

Mọi người cười ồ lên tán thưởng câu trả lời của giáo sư Jay. Đã có những thay đổi rất lớn giữa chương trình học hiện nay so với thời năm 1975 - khi Tổng thống Mỹ và cựu học viên người Ấn Độ kia học.

Câu chuyện vui này đã kéo các cựu học viên thuộc nhiều lứa tuổi, từ nhiều quốc gia vào mối quan tâm chung: Làm thế nào để giữ được một tuyên ngôn nổi tiếng của trường "Đào tạo những nhà lãnh đạo tạo ra sự khác biệt cho thế giới", khi mà hiện nay các trường khác trên thế giới cũng đang sao chép mô hình, các nghiên cứu tình huống, phương pháp giảng dạy của Harvard? Bắt buộc, những thế hệ "công dân" mới của Harvard phải tiếp tục đưa ra những ý tưởng mới. Chỉ có ý tưởng khác biệt mới có thể tiếp tục cho ra lò những nhà lãnh đạo khác biệt.

Lãnh đạo nhà trường cũng đem tới cho cựu học sinh những tin vui, như các đổi mới, mở rộng chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, nghiên cứu của trường trong xu thế toàn cầu hóa và công nghệ mới. Câu hỏi không ngừng được đặt ra cho mỗi thành viên của cộng đồng Harvard: phải làm gì để duy trì vị trí dẫn đầu trong các xu thế mới.

Ấn tượng Lawrence H. Summers

Sau bữa sáng là chương trình hội thảo chuyên đề. Rất nhiều giáo sư nổi tiếng, trong đó có giáo sư Amartya K. Sen, người đã được giải Nobel về kinh tế, đã cùng tranh luận sôi nổi với cựu sinh viên về các vấn đề kinh tế, văn hoá, lịch sử, công nghệ. Tất cả gắn với toàn cầu hoá và sức mạnh của ý tưởng mới. Do phiên họp năm nay tổ chức tại Ấn Độ, chủ đề mang kiến thức mới đến Nam Á, những xu hướng mới ở Nam Á được đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, một trong những ấn tượng đọng lại sâu sắc nhất là buổi thảo luận hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ với Chủ tịch Lawrence H. Summers. 

Sau bữa trưa trong vòng 15 phút, giáo sư Summers bắt đầu một bài nói chuyện, có lẽ là một trong những bài hay nhất của ông (chúng tôi đã thu lại để bạn đọc Việt Nam có thể đọc). Ông nói rất nhiều về ý tưởng mới, những khát vọng, những hoài bão mang đến những giá trị mới cho trường Harvard, làm sao để trường Harvard luôn gìn giữ và tạo dựng được sự khác biệt hôm nay và mai sau.

Ai cũng biết giáo sư Summers sẽ rời chức vào tháng 6 tới đây. Từ ánh mắt và cử chỉ của giáo sư Summers, có thể cảm nhận một sự tiếc nuối, một chút buồn nhẹ nhưng không át đi được ý chí quyết tâm.

Trong bài diễn văn của mình, ông đã nhắn với cả nước Mỹ rằng Harvard phải tiếp tục đi đầu trong tương lai, để nước Mỹ có thể hiểu thế giới hơn nữa. Trong thời gian qua, nước Mỹ đã có những sơ xuất, những sai lầm do không hiểu hết được thế giới. Cũng trong xu thế toàn cầu hoá, sắp tới Harvard phải có mặt ở nhiều nơi hơn nữa, để giúp đào tạo, chuyển giao công nghệ, mang những giá trị tiên tiến nhất đến với toàn thế giới cũng như cho nước Mỹ. Đó là cách tốt nhất để giúp nước Mỹ hiểu được thế giới. Ông ví dụ, muốn hiểu Trung Quốc thì không thể nào ngồi ở nước Mỹ mà phải đến và ngồi ở Trung Quốc để nghiên cứu.

Khi giáo sư Chủ tịch Summers kết thúc bài diễn văn, tất cả các cựu học viên và giáo sư đều đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt. Một chút xúc động, một nỗi buồn man mác thoáng qua và tôi cảm nhận một cách rõ ràng rằng cộng đồng Harvard sắp phải chia tay với một người vĩ đại trong lịch sử Harvard. Dù ý nghĩa có thể khác nhau đối với mỗi người, nhưng trong tôi bồi hồi nhớ lại những giây phút xúc động, không thể nào quên về những giây phút kết thúc các môn học tại Trường kinh doanh Harvard của mình.

Khi ấy, đến phút kết thúc buổi học cuối cùng với mỗi giáo sư, tất cả chúng tôi đều đứng dậy vỗ tay, và vị giáo sư cũng đứng lại hồi lâu, cúi đầu chào. Mọi người đứng vỗ tay mãi cho đến khi giáo sư đi ra khỏi lớp mới ngồi xuống, lúc đó trong lòng ai cũng bùi ngùi, lưu luyến. Một trong những vị giáo sư được chúng tôi yêu mến,  đứng dậy vỗ tay rất lâu khi kết thúc môn học, hôm nay cũng có mặt ở Hội nghị này: giáo sư Dick Vietor. (1)

Tinh thần Harvard

Có lẽ, một trong những đóng góp to lớn tạo nên giá trị Harvard là hệ thống cựu học viên với những sinh hoạt kiểu như thế này trên toàn cầu. 

Hàng năm, ngoài Hội nghị cựu học viên Harvard, còn có Hội nghị cựu học viên từng trường riêng như trường Kinh doanh Harvard (năm nay tổ chức tại Washington DC). Không chỉ là giao lưu giữa học sinh các khóa, nhà trường và học sinh tận dụng những dịp này để để lắng nghe nhau, trao đổi những kiến thức và ý tưởng mới. Họ cùng nhau nâng cao giá trị mỗi người và giá trị cộng đồng.

Hội thảo năm nay, tôi đã gặp những cựu sinh viên đầu đã bạc trắng, và cả những bạn trẻ vừa tốt nghiệp năm qua. Mọi người đều gắn bó, quấn quýt trong những sinh hoạt chung, dù mới gặp tại đây, nhưng có cảm giác như đã quen thân từ lâu lắm rồi. Trước ngày hội thảo chính thức, ban tổ chức đã tập hợp mọi người bằng một tour các hoạt động tham quan, du lịch, sinh hoạt tập thể. Các thành viên cùng ôn lại những kỷ niệm cũ ở một môi trường học rất lãng mạn và cổ kính. 

Ông Phó Đại sứ Mỹ ở Ấn Độ, cũng là một cựu học viên Harvard,  đã tổ chức một bữa tối thay cho tiệc chia tay tại dinh thự rộng lớn của ông. Một cuộc chia tay trong đêm New Delhi mát lành, thỏang những mùi hương xen lẫn chút bâng khuâng. Ở đây, tôi mừng rỡ khi gặp lại người bạn cũ cùng lớp, anh Jugjiv Singh, tổng giám đốc công ty BSI. Ngày mai, anh sẽ dẫn tôi đi thăm một số điểm văn hóa, thăm công ty của anh ở New Delhi .

Sự gắn kết rất đặc biệt này được chúng tôi gọi bằng một cụm từ "Tinh thần Harvard".

Rồi thì, câu chuyện của mọi người quay trở về bài diễn văn lúc trưa của Chủ tịch Summers. Ai cũng thấy, bài diễn văn của ông đã một lần nữa khẳng định ông là nhà tư tưởng lớn, một học giả kiệt xuất, mà cũng là một người vô cùng tha thiết với Harvard.

Vâng, ông đã chọn một cách chia tay thật ấn tượng. Bởi vì, hiển nhiên ông đại diện cho "Tinh thần Harvard".

  • Nguyễn Anh Tuấn (New Delhi, đêm 26.3.2006)


    Chú thích: 1- Phần trả lời tranh luận của giáo sư Summers với các cựu học viên sẽ được chuyển đến độc giả đầy đủ.
,

Tin khác

,
,