Lễ trao danh hiệu “Vinh Danh Nước Việt - 2006”
(VietNamNet) - Lễ trao danh hiệu “Vinh Danh Nước Việt – 2006” do báo điện tử VietNamNet tổ chức vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, ngày Chủ nhật 04/03/2007 (ngày Mười sáu tháng Giêng năm Đinh Hợi).
20h15 (giờ Hà Nội) mới bắt đầu chương trình nhưng chưa đến 19h, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đông chật người. Không ít Việt kiều được Vinh danh hai năm trước (ông Bùi Kiến Thành, ông Nguyễn Trọng Bình...) đã có mặt để chia vui với 17 kiều bào được Vinh danh lần này. "Cánh" báo chí "trực chiến" tại Văn Miếu từ cuối giờ chiều, tranh thủ trước giờ khai mạc để hỏi chuyện các kiều bào.
Ngay từ cổng Văn Miếu những lá cờ đỏ và băng-rôn ghi dòng chữ Vinh Danh Nước Việt được treo từ cổng vào tận trong sân. Rất đông khán giả và người dân đã đến xem. Mở đầu bằng tiết mục múa "Bay lên Việt Nam", không khí buổi lễ trở nên náo nhiệt và khẩn trương hơn với những hình ảnh được điểm lại qua hai lễ Vinh danh lần trước... "Hòa hợp để Việt Nam bay lên" là chủ đề, đồng thời là điểm nhấn của lễ Vinh danh lần này.
Đến dự lễ trao tặng còn có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục, Thanh thiếu niên của Quốc hội; ông Nguyễn Phú Bình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban người Việt ở nước ngoài; ông Lê Truyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và ông Trần Đức Lai - Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn Thông.
5 Việt kiều đầu tiên được nêu tên là các Việt kiều đạt được nhiều thành công trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, bao gồm các ông Trần Minh Tâm (Thụy Sĩ), ông Lê Dũng Tráng (Pháp), ông Trần Nam Bình (Úc), ông Phạm Gia Thụ (Canada) và ông Trương Nguyên Trân (Pháp). Do điều kiện thời gian, hai ông GS Lê Dũng Tráng và Trương Nguyên Trân đã không thể về nhận trao tặng lần này.
Hầu hết, mỗi kiều bào lên nhận trao tặng Vinh danh đều mang đến một thông điệp. Được quan tâm hơn cả là những chia sẻ về việc làm thế nào để Việt Nam bay lên, dân tộc Việt Nam cất cánh.
Giống nhau ở trái tim và lòng nhiệt huyết đầy ắp
Đó là chia sẻ của GS Thái Kim Lan, một trong 3 người phụ nữ được vinh danh năm nay. "Sự đóng góp cho Việt Nam, cho xây dựng quê hương không ai khác ai ở điểm trái tim và lòng nhiệt huyết đầy ắp như nhau". Bà nói, có lẽ vì phụ nữ thường thầm lặng hơn, khiêm tốn hơn nên thường khó thấy, khó biết hơn.
Là một trong những người tổ chức "Gặp gỡ VN", TS Trần Minh Tâm cho biết, "Gặp gỡ Việt Nam" được tổ chức trong các năm 1993, 1995, 2000, 2005 và 2006 nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về vật lý hạt cho các đồng nghiệp trong nước. Chúng tôi cũng tổ chức các lớp học, trước là vật lý hạt, sau là vật lý rắn. Điều này đã tạo cơ hội cho giới khoa học trẻ trong nước tiếp cận kiến thức, phương pháp làm việc, phân tích và có tác động tương đối tốt".
Doanh nhân Trung Dung, TGĐ tập đoàn V-Home Group, ngôi nhà chung của nhiều doanh nhân người Việt ở Mỹ cho biết "V-Home là về nhà". Anh chia sẻ, "vài năm trước đây, nhận thấy VN đang chuyển mình, như con tàu chuẩn bị rời bến đi xa, tôi đứng trước băn khoăn: nên là người đứng nhìn hành trình hay nhảy lên con tàu và tham gia vào hành trình ấy. V-Home ra đời là câu trả lời với việc trở về, trực tiếp góp sức xây dựng đất nước của chúng tôi".
Anh nói "hy vọng tôi sẽ là một ví dụ để những doanh nhân người Việt ở Mỹ cảm thấy yêu thích, cùng về VN làm việc với mình".
Linh mục Nguyễn Đình Thi xúc động nói "vinh dự được Vinh danh nước Việt nhưng càng vinh dự hơn vì được là một người con của đất Việt". Và "mọi người Việt trong và ngoài nước đều đã và sẽ cùng nhau trong cuộc cạnh tranh để giành thắng lợi, cho VN bay lên".
"Con rồng VN đã và đang tỉnh giấc rất nhanh"
Là đồng chủ biên của cuốn sách nổi tiếng "Đánh thức con rồng ngủ quên" và là nhà nghiên cứu chính sách công, TS Trần Nam Bình đánh giá "vài năm trở lại đây, có thể khẳng định, con rồng VN đã và đang thức tỉnh rất nhanh". Việt Nam đang đứng trước thuận lợi lớn để phát triển: gia nhập vào WTO, khí thế của nhân dân hồ hởi và đoàn kết. Muốn con rồng VN bay lên, Chính phủ cần có những chính sách hiệu quả hơn, nhất là đề cao chính sách giáo dục. Hy vọng Việt kiều sẽ ngày càng có vai trò lớn hơn trong công tác này. Ông nói "vấn đề bay lên của con rồng VN chỉ là thời gian. Và quan trọng không phải là phát triển nhanh chóng mà quan trọng hơn là phát triển nhanh mà bền vững".
Giáo sư Phạm Gia Thụ, chuyên gia thống kê cho rằng "Thống kê giống như chụp hình nhưng bằng các con số, dữ kiện, vì thế sẽ cung cấp sự mô tả rõ ràng hơn, chuẩn xác hơn". Và theo thống kê dự báo, "Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan rất gần đây, khoảng 3 năm nữa. Và nếu các trường Đại học VN cùng nhau cố gắng thì có thể rút ngắn thời gian hơn chứ không phải là ba năm".
GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ cho rằng, theo tính toán của ông, ít nhất VN phải mất 10 năm để bắt kịp và ngang bằng với Thái Lan. Nhưng khi bắt kịp, VN sẽ vượt xa hơn Thái Lan.
"Chính người trẻ sẽ làm vinh danh nước Việt"
Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ chia sẻ "giảng dạy trực tiếp ở VN cho nhiều đối tượng khác nhau, có thể thấy trình độ sinh viên VN không thua bên ngoài. Nhưng cái thiếu nhất của họ là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh phê phán trong học tập. "Tới 50% sinh viên lên lớp không quan tâm đến chuyện học". Tuy nhiên, kiến thức cơ bản của sinh viên VN không thua kém ai. Cái cần là chúng ta phải thay đổi phương pháp và nội dung giảng dạy. Làm được điều này, sinh viên tốt nghiệp đại học tốt ở VN sẽ không thua kém sinh viên tốt nghiệp ở các trường ĐH bên ngoài. Người ta nói "cái khó nó bó cái khôn", nhưng cũng có câu nói "cái khó nó ló cái khôn". Hy vọng giáo dục VN sẽ phát triển theo hướng tích cực.
TS Đỗ Đức Cường, cha đẻ của máy ATM, người có câu nói nổi tiếng "phải hiện đại hóa ngân hàng VN bằng trí tuệ người Việt" đã trân trọng nói "tôi chỉ là người đại diện cho những người trẻ nhận Vinh danh nước Việt. Chính người trẻ sẽ làm vinh danh nước Việt".
Ông nói, ba năm ở VN là quãng thời gian chưa dài nhưng có thể cung cấp một cái nhìn. "Tất cả khởi điểm bằng giới trẻ. Những người trẻ tôi làm việc cùng sinh ra sau chiến tranh, lớn lên trong bao cấp và ra trường trong thời kỳ hội nhập. Họ chính là lực lượng lao động chính và làm sao để họ cùng tiếp tay vào chương trình "hiện đại hóa ngân hàng VN bằng trí tuệ người Việt".
Điều quan trọng, theo TS Đỗ Đức Cường là phải thay đổi tư duy, cách nhìn của người trẻ. Tôi đưa cho họ những thách thức và định hướng cái nhìn cho họ. Để khi đưa ra một ly nước họ sẽ nói "ly nước mới đầy một nửa" và nỗ lực tiếp tục làm đầy nó, chứ không phải nói một cách tiêu cực "ly nước vơi một nửa". Ông đã thực sự "làm bạn của giới trẻ Việt Nam". Và cũng cần "tạo ra một cái nhìn không quá tôn vinh công nghệ. Công nghệ chỉ là công cụ để hiện đại hóa ngân hàng VN".
Mỗi người Việt là một sứ giả văn hóa
Bài liên quan |
|
Người phụ nữ gốc Huế từng được nhân giải thưởng "Đào Tấn", GS Thái Thị Kim Lan nói "hiện nay, việc giới thiệu văn hóa VN ra thế giới còn trong chừng mực giới hạn. Trong cuộc giới thiệu văn hóa VN ra ngoài còn có giới hạn về tài chính, về con người, tài năng". Cô lý giải, "có lẽ vì văn hóa thường được hiểu sai lạc là đi sau" và đề xuất "văn hóa ít nhất phải được xem là ngang hàng với tất cả các lĩnh vực khác. Muốn giới thiệu văn hóa VN phải đảm bảo cả rộng và sâu, nhất là nâng cao tính chất nghệ thuật".
GS Thái Thị Kim Lan nói "bản sắc cần được nhấn mạnh nếu muốn nhận diện mình trong hội nhập. Tất nhiên sẽ không bỏ tính cách hiện đại của thế giới trong hội nhập văn hóa nhưng truyền thống là cơ sở. Không nâng cao nghệ thuật thì không theo kịp, không đưa được đặc sặc của mình ra thế giới". Và "giới thiệu văn hóa Việt ra nước ngoài chính là làm giàu cho chính mỗi người Việt trong nước".
Mỗi người Việt Nam ở nước ngoài nên là một sứ giả văn hóa của mình, nhất là người Việt trẻ, cô Lan nhấn mạnh. Đối với Việt kiều thế hệ thứ 2, thứ 3 cần tăng cường trao đổi thông tin, gây lại được lòng tin ở Việt Nam ở chiều sâu và bề dày lịch sử, tạo mầm hy vọng cho họ. Lòng tin và hy vọng ấy được thể hiện bằng sự đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng, đối thoại giữa những người Việt trẻ trong và ngoài nước, không bị trở ngại hay mặc cảm.
"Đằng sau lòng tin ấy là thế hệ cha mẹ họ. Đằng sau cha mẹ họ chính là cả đất nước, dân tộc VN. Dân tộc VN phải chỉ ra sự hãnh diện của mình", bà Lan tâm sự.
Họa sỹ Văn Dương Thành, người được xem là một "Đại sứ văn hóa tự nguyện" nói, để mỗi người Việt trẻ ra nước ngoài có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam, cần có kiến thức về văn hóa, nghệ thuật của nước mình để giới thiệu; cần có sự chân tình, trân trọng những người mình gặp gỡ và có nghị lực, sự kiên trì". Họa sỹ Thành nói thêm đằng sau một Đại sứ ngoại giao là đất nước, dân tộc. Đằng sau những đại sứ văn hóa tự nguyện là trái tim và tình yêu đất nước. Cô đặt lòng tin "người trẻ có thể làm được" điều đó.
-
Phương Loan - Lê Nhung
- Ảnh: Lê Anh Dũng
Ý kiến của bạn: