TP.HCM tăng giá nước sạch
(VietNamNet) - Bắt đầu từ 2004, TP.HCM sẽ tăng mức thu tiền nước sạch ở tất cả các lĩnh vực, bao gồm nước phục vụ sinh hoạt, nước sản xuất kinh doanh và kinh doanh dịch vụ. Lộ trình tăng giá nước 2 năm một lần sẽ kéo dài đến 2013. Mục tiêu của việc tăng giá nhằm khấu hao tài sản, hoàn vốn vay các dự án cấp nước khi không còn sự hỗ trợ của ngân sách của TP sắp tới.
Năm 2004: Tăng 1.000-2.500 đồng/m3
Phương án của UBND TP.HCM đề nghị, năm 2004 giá nước sinh hoạt trong định mức (4m3/người/tháng) tăng 1.000 đồng/m3, tức là sắp tới đây ng
ười sử dụng sẽ phải trả 2.700 đồng/m3 thay vì 1.700 đồng/m3 như trước. Giá nước kinh doanh là 6.000 đồng/m3, tăng 2.000 đồng. Đặc biệt giá nước kinh doanh dịch vụ được tính 9.000 đồng/m3 thay cho 6.500 đồng/m3 trước đây. Trong lộ trình tăng giá nước đến 2013, từng năm sẽ có mức tăng tiếp theo.
Theo báo cáo ngày 02/1 của UBND TP.HCM, tổng công suất cấp nước bình quân đến quý IV/2003 của TP là 965.000m3/ngày. Công suất này chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu của TP là sử dụng 1,4 triệu m3/ngày. Hiện tại, 50% cư dân TP, với khoảng 2.815.000 người được cung cấp nước, bình quân mỗi người được sử dụng 90 lít nước/ngày. Mức cung cấp này chỉ đạt 60% yêu cầu về tiêu chuẩn cấp nước sạch là 150 lít/ngày. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, có sự chênh lệch rất lớn giữa lượng nước cung cấp cho các quận, huyện, cũng như giữa khu vực nội thành, ngoại thành và các xã vùng sâu (huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh…). Đây là điều bất hợp lý. Vì vậy ngoài việc phấn đấu tăng nguồn nước sạch cung cấp cần có sự điều tiết giá nước thích hợp để thu khoản chênh lệch này.
Để đạt được mục tiêu trên, trong năm tới Công ty Cấp nước vay tín dụng cho 3 dự án lớn với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng, chưa kể các dự án phát triển mạng lưới đường ống cấp nước trên 5,3 tỷ. Thời gian hoàn vốn 10 năm, nhưng ngành cấp nước đề nghị thời gian khấu hao máy móc thiết bị là 20 năm. Trong 10 năm đầu, TP sẽ hỗ trợ hoàn trả vốn, từ năm thứ 11 trở đi công ty sẽ tự sử dụng các khoản khấu hao để chi trả. Theo tính toán của Công ty Cấp thoát nước TP, giá thành sản xuất của 1m3 nước là 3.890 đồng. Với giá này, nếu không có ngân sách bù lỗ của TP, trong năm 2004 ngành cấp nước sẽ lỗ 50 tỷ đồng. Đồng thời, toàn bộ chi phí khấu hao máy móc thiết bị là 125 tỷ đồng/năm cũng sẽ được huy động và trả nợ lãi vay. Mặc dù các vấn đề này có gây khó khăn nhất định cho công ty, song việc không sử dụng ngân sách để hỗ trợ Công ty Cấp nước trả vốn và lãi vay 800 tỷ trong 2 năm 2004 và 2005 sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách, để có thể đầu tư vào các công trình công cộng của TP.
Không để đột biến
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đua khi trình bày đề án tăng giá nước trước thường trực HĐND TP. Ông nói: “Giá nước là một lĩnh vực liên quan mật thiết đến đời sống, rất nhạy cảm. Vì vậy khi lập phương án này, ngành cấp nước và UBND TP cũng đã dự phòng, nhằm không để xảy ra biến động trong đời sống và tư tưởng nhân dân”. Ông Đua cho biết, hiện nay đã có nhiều tỉnh, thành phố trong nước như Hải Phòng, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, và gần nhất là Bình Dương… đã áp dụng giá nước sinh hoạt trong định mức từ 2.300 đồng/m3 đến 2.800 đồng/m3.
Với mức tăng giá nước sinh hoạt của TP.HCM từ 1.700 đồng/m3 lên 2.700 đồng/m3, mỗi cá nhân chi trả thêm 4.000 đồng/tháng. So với mức thu nhập dù là của hộ nghèo, vẫn chấp nhận được. Mức giá này đã khắc phục được một phần các bất hợp lý trong việc cung cấp nước sạch giữa các quận, huyện, các quận nội thành, ngoại thành và vùng sâu vùng xa. Trước đây, các vùng ngoại vi TP có mạng lưới cấp nước, nhưng các hộ phải trả 167.000 đồng/tháng để được cung cấp bình quân 10m3/hộ/tháng. Để có đủ nước dùng, các hộ phải mua lại với giá 15.000 đồng/m3. Nay các hộ chỉ trả thêm 10.000 đồng/tháng nữa, và việc cung cấp nước sẽ được cải thiện tốt hơn nhiều. Ngược lại, các hộ ở trung tâm TP như quận 1, trước đây sử dụng bình quân 50m3/tháng chỉ phải trả 123.000 đồng, nay với mức giá mới sẽ phải trả khoảng 268.000 đồng/tháng. Ông Đua giải thích, phương án này đem lại sự công bằng hơn trong việc sử sụng nước sạch trong nhân dân, nhất là ở các vùng, khu vực khó khăn.
Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP còn cho rằng, việc tăng thu giá nước kinh doanh dịch vụ lên 9.000 đồng/m3 ngoài công bằng trong sử dụng nước, còn để người sử dụng biết tiết kiệm nước.
Sau khi thảo luận, thường trực HĐND TP đồng tình với phương án tăng giá nước, đồng thời yêu cầu UBND TP trình bày nội dung này tại kỳ họp HĐND TP ngày 6/1 sắp tới để lấy ý kiến rộng rãi đại biểu, và quyết định thời điểm tăng giá nước.
Lộ trình tăng giá nước đến năm 2013 | ||||||
Đối tượng sử dụng nước |
Hệ số đơn giá nước |
Đơn giá trong các giai đoạn (đồng/m3) | ||||
2004 - 2005 |
2006 - 2007 |
2008 - 2009 |
2010 - 2011 |
2012 - 2013 | ||
Giá nước bình quân |
1 |
3.900 |
4.900 |
5.500 |
6.000 |
6.2000 |
1 - Sinh hoạt trong định mức |
0,7 |
2.700 |
3.400 |
3.800 |
4.200 |
4.300 |
2 - Sinh hoạt vượt mức 1 |
1,3 |
5.000 |
6.400 |
7.200 |
7.800 |
8.000 |
3 - Sinh hoạt vượt mức 2 |
1,6 |
6.200 |
7.800 |
8.800 |
9.600 |
9.900 |
4 - Sản xuất |
1,6 |
6.200 |
7.800 |
8.800 |
9.600 |
9.900 |
5 - Kinh doanh dịch vụ |
2 |
8.000 |
9.800 |
11.000 |
12.000 |
12.400 |
6 - Cơ quan HCSN |
1 |
3.900 |
4.900 |
5.500 |
6.000 |
6.200 |
-
Đặng Vỹ