221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
155702
Phần 2: Đối phó thế nào đây?
1
Article
null
Nhức nhối đĩa lậu cuối năm
Phần 2: Đối phó thế nào đây?
,
 
 
Đĩa lậu bị bắt nhiều nhưng tình hình chưa cải thiện được bao nhiêu.

Như đã đề cập trong phần 1, tệ nạn đĩa lậu đang làm nản lòng các nhà sản xuất. Các cơ quan chức năng đã ra tay nhiều lần, nhưng các đầu nậu băng đĩa giống như con bạch tuộc, đứt tay này lại mọc ngay tay khác, thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Mỗi khi có đợt kiểm tra thì hầu như các cửa hàng đều cất giấu kĩ, chỉ trưng ra đĩa xịn và những ấn phẩm có dán tem của Bộ VH-TT.

 

Nhà sản xuất tự chống...

Ít đâu như ở Việt Nam ta, nếu để ý bạn sẽ thấy, bây giờ vào một cửa hàng đĩa, nhìn vào các kệ đĩa xịn, bao trùm là sự đa dạng, từ thể loại nhạc, màu sắc cho đến cả … kích thước của bao bì. Lí giải xác đáng nhất cho hiện tượng này là do băng đĩa chép quá lộng hành nên những nhà sản xuất buộc phải tìm những phương thức mới lôi kéo người mua đồng thời làm giảm khả năng làm giả của đầu nậu. Có thể thấy rất rõ điều này khi mà rất nhiều CD của các ngôi sao trong nước phát hành gần đây được phát hành với bao bì rất cầu kỳ và... khác thường, nghĩa là không phải loại bao bì quen thuộc bằng hộp nhựa vuông theo đúng kích cỡ chuẩn, mà dài ngắn, vuông tròn,... đủ kiểu. Người mua bỏ cái đĩa tròn vào máy để nghe, còn bao bì thì chẳng biết xếp vào đâu vì kích cỡ lạ lùng của nó! Tất nhiên, đó là cách tự bảo vệ theo kiểu "cái khó ló cái khôn", nhưng kết quả của cái "khôn" này lại khiến cho chi phí làm CD tăng, người mua cầm lên xem trầm trồ khen đẹp thì nhiều, nhưng mua thì ít, và cuối cùng, nếu thật sự thích giọng hát của ngôi sao đó thì đành phải chắt lưỡi đến chợ CD lậu để mua một cái CD chép trong hộp nhựa. Âm thanh thì y chang, nhưng bao bì có khác một chút. Chẳng sao!  

 

Lam Trường đã phải làm album Dù ta không còn yêu với bao bì rất cầu kỳ

Còn ngành chức năng thì... vẫn thế !

Từ trước đến nay các cơ quan chức năng liên ngành đã bắt quả tang một số vụ lớn, gây xôn xao dư luận, nhưng hầu như thị trường băng đĩa lại không bị xáo trộn nhiều. Các hãng đĩa than thở, báo chí công kích rất nhiều, hội thảo nối tiếp hội thảo, nhiều đến nỗi dư luận gần như bị … bão hòa, nhưng kết quả là... đâu vẫn vào đấy. Điều đó cho thấy, việc chống đĩa lậu rõ ràng không nên chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra, tịch thu, xử lý hành chính như hiện nay mà phải quan tâm đến biện pháp phòng ngừa bằng cách chuyên nghiệp hóa hoạt động phân phối và quản lý đầu ra, trong đó có việc chú trọng đến doanh số hợp pháp của từng sản phẩm. Theo thông lệ ở nhiều nước, việc bình bầu, đánh giá ca sĩ, nhạc sĩ, nhóm nhạc cần dựa trên doanh số bán ra của các cửa hàng phân phối đĩa cũng như của cả một hệ thống phát thanh, kỹ nghệ lăng xê. Ở VN chúng ta hiện nay, vẫn còn nhiều tính nghiệp dư trong việc phân phối đĩa. Việc bình bầu, đánh giá chưa biết dựa trên tiêu chí nào. Thật là khôi hài khi những ca sĩ được người nghe bình bầu là giọng hát hay nhất trong năm thế nhưng lượng đĩa chính ngạch của họ lại bán ra chưa đến 5.000 đĩa. Hơn thế, các cửa hàng đĩa luôn biết lợi dụng lúc đang nhá nhem tối của thị trường âm nhạc, bán đĩa không đúng giá, nâng giá CD đến mức không thể tin được. Ở cửa hàng đĩa VNT trên đường Cao Thắng nếu để ý bạn sẽ thấy có những đĩa mà giá của nó còn cao hơn cả đĩa gốc, đến 140.000đ/CD (một trăm bốn mươi nghìn đồng), không hiểu người bán lấy tiêu chí gì để định giá cho một cái đĩa … chép như thế và cũng không biết đã có ai bỏ ngần ấy tiền ra để mua một cái đĩa chép hay chưa?. Tất cả những việc trên đều bắt nguồn từ sự thiếu chuyên nghiệp trong cách quản lý của chúng ta hiện nay. Không nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang Singapore hay Malaysia thôi, ta sẽ thấy họ chuyên nghiệp đến mức nào. Ở mỗi thành phố lớn đều có ít nhất một siêu thị băng đĩa và hàng loạt các cửa hàng vệ tinh hoạt động xoay xung quanh nó. Tất cả các đĩa nhạc trong nước hay nước ngoài đều được bày bán ở đây, tiếp thị cũng ở đây, các ca sĩ gặp mặt giới hâm cũng lại là ở chỗ này. Nên chính vì sự tác động tương hỗ như vậy mà số lượng đĩa của họ luôn đạt doanh số cao. Ngoài những chiêu thức khuyến mại hấp dẫn, các siêu thị cũng như các cửa hàng băng đĩa luôn hợp tác hoàn toàn với chính quyền sở tại trong việc không buôn bán băng đĩa lậu, một phần để không vi phạm pháp luật, một phần để làm trong sạch thị trường âm nhạc, doanh số tăng cao. Đi kèm với việc buôn bán thì luôn cổ xúy giá trị của những CD gốc, ngoài phần âm thanh, bìa đĩa hoàn hảo thì việc nghe CD xịn cũng giống như thể hiện một sự tôn trọng người nghệ sĩ, tôn trọng những gì mà người nghệ sĩ đó bỏ ra để đem âm nhạc đến với mọi người.                  

 

CD chợ trời

Lời kết

Sài Gòn những ngày cuối năm mưa nhiều, mưa làm lòng người dàn trải và nhẹ nhàng. Với tay mở 1 đĩa CD mới của nhạc sĩ Phú Quang, mắt nhìn vào cuốn booklet với đầy hương vị của thời gian, những con đường nhỏ, những dòng kẻ nhạc gày gò, những tấm hình trắng đen đầy kí ức hoài niệm. Đâu đó trong tâm thức vẫn đầy cảm giác đồng cảm với những ý tưởng mà người nghệ sĩ muốn truyền tải đến người nghe. Những điều này chỉ có được nếu bạn mua 1 CD xịn, không phải để khoe với bạn bè mình là người biết nghe nhạc, không phải để chứng tỏ mình là người hợp thời vì luôn biết mua những CD đắt tiền, mà trước hết là thể hiện sự trân trọng người nghệ sĩ, có trân trọng thì mới có lần sau chạy ra tiệm đĩa mua ngay 1 album mới nhất vừa ra lò của người nghệ sĩ đó. Và nếu là thế thì sẽ chẳng có người nghệ sĩ nào hay hãng đĩa nào có thể cho ra đời những album kém chất lượng, những album thị trường mua trước quên sau. Một nền âm nhạc muốn phát triển phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nó không chỉ phụ thuộc vào nhà sản xuất, nghệ sĩ, nhà phân phối … mà còn phụ thuộc rất nhiều vào người nghe. Và nếu như người nghe nào cũng hiểu được mua đĩa gốc là góp phần thúc đẩy chất lượng âm nhạc nước nhà phát triển thì lúc đó chắc chắn chúng ta sẽ không còn phải thưởng thức âm nhạc với món cơm độn.

 

  • Việt Huyền

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,