221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
201555
"Người hàng binh" phá lệ phim "giỗ chạp"?
1
Article
null
'Người hàng binh' phá lệ phim 'giỗ chạp'?
,

(VietNamNet) - Phim truyện là thể loại được chú ý trong loạt phim do nhiều đơn vị thực hiện để kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ sắp tới. Người hàng binh (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, Hãng phim truyện Việt Nam) là phim truyện nhựa duy nhất trong dịp này đang được ngóng đợi.

Nhiều cái nhất...

Có khá nhiều cái nhất ở bộ phim này. Sau một Hà Nội 12 ngày đêm ngốn đến 7 tỉ đồng làm nhiều người giật mình, giờ đến lượt Người hàng binh nhưng với kinh phí gấp đôi con số ấy. Chuyện bình thường khi cả hai đều là dạng phim nhà nước cấp kinh phí thực hiện để phục vụ những ngày kỷ niệm của dân tộc. Điều đáng nói là tiền rót cho Người hàng binh bằng cả một năm ngân sách làm phim của nhà nước dành cho toàn ngành điện ảnh.

Các diễn viên chính của phim Người hàng binh (từ phải sang: Issack Le, Kiều Anh, Quang Ánh).
 

Kỹ xảo trong phim cũng là dài nhất (7 phút) từ trước đến nay đối với một bộ phim Việt Nam, với cảnh hàng trăm lượt máy bay vẽ trên máy tính quần thảo bầu trời Điện Biên. Có lẽ sau bộ phim hoành tráng về Điện Biên Phủ của đạo diễn Schoenderfer với máy bay, khí tài, đạo cụ được chuyên chở từ nước ngoài về, thì Người hàng binh là bộ phim thứ hai có những đạo cụ "thứ thiệt" mượn từ các đơn vị quân đội. Thế nhưng tốn kém nhất là phải tái hiện lại bối cảnh chiến trường xưa ở một nơi khác (Hòa Bình) với những khu rừng giả, xác lính Pháp chết bằng nhựa tổng hợp...

Đây cũng là phim có rất nhiều diễn viên nước ngoài tham gia. Ngoài hai cha con thật ngoài đời Lê Nuôi và Issack Le cùng vào vai nhân vật Bernard ở hai thời điểm trẻ - già, còn có rất nhiều diễn viên quần chúng khác với cát-xê khá cao. Hiện đoàn phim vẫn đang tiến hành phần quay cảnh chiến trường tại tỉnh Hòa Bình. Khoảng 20/2 tới, đoàn làm phim gần 30 người của Người hàng binh sẽ "hành quân" sang Pháp để quay những cảnh cũng khá quan trọng, trong đó có cảnh kết phim được thực hiện tại nhà hát Opera de Nation ở Paris.

Liệu có hấp dẫn?

Một cảnh trong phim.

Với ý tưởng làm phim không chỉ tái hiện lại quá khứ mà còn nối tiếp một đường dây sang thời hiện tại, với những vấn đề của những con người có dính dáng đến quá khứ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn tự tin: "Tôi khẳng định là phim sẽ hay". Thật sự đây cũng không phải là cách thức thể hiện mới. Và với một nội dung không có phá cách, một chuyện tình thời chiến không hiếm, có gì dệt nên sự hấp dẫn?

Có chăng là những cảnh quay hoành tráng với hàng trăm xe pháo, bộ đội, dân công và kỹ xảo máy bay địch thả lính dù, cắt bom. Song chính đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng thừa nhận dù có thời lượng kỹ xảo khá dài cũng khó mà gánh được cho cả bộ phim khi nó được thực hiện với một quỹ thời gian gấp rút như thế (từ tháng 11/2003 đến hết tháng 4 năm nay, trong đó mất gần một tháng đóng máy vì "vướng" SEA Games).

Có một điều ai cũng biết: không riêng gì điện ảnh mà nhiều loại hình khác, lâu nay các tác phẩm được thực hiện để phục vụ cho những dịp lễ lạt, chất lượng nghệ thuật thường không được đánh giá cao vì rất nhiều lý do. Phim Hà Nội 12 ngày đêm được nhà nước đặt hàng thực hiện kỷ niệm 30 năm "trận Điện Biên Phủ trên không" còn nhiều sạn, chiếu rạp khán giả lèo tèo. Hy vọng Người hàng binh (dự kiến ra mắt ngày 25/4) sẽ "son" hơn, xứng đáng với số tiền đầu tư của nhà nước, và nhất là phá được cái lệ tác phẩm "giỗ chạp" thường trình làng một lần rồi xếp kho.

  • Võ Tiến
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,