Phát hiện mới từ di tích Hoàng thành: Thăng Long - Hà Nội đã 1.300 tuổi?
(VietNamNet) - Hà Nội cách đây hơn 1 ngàn năm: con người ở theo kiểu nhấc sàn trong những ngôi nhà lớn ven sông; họ cũng... ăn thịt chó, gà, bò; họ có được kỹ thuật đào giếng mạch dọc đạt trình độ cao của thuật phong thủy... Đó là những phát hiện mới nhất từ cuộc khai quật Hoàng thành, thêm một tầng lịch sử trước thời Lý, Trần, Lê...
Tầng văn hóa Đại La - nâng Hà Nội lên 1.300 tuổi
Bước chân vào khu Hoàng thành ngay giữa trung tâm Thủ đô của Việt Nam, chúng tôi ngỡ ngàng khi được tận mục sở thị khu Hoàng thành phát lộ với các di tích và tầng văn hóa xếp chồng lên nhau một cách khá liên tục. Theo lý giải của các nhà khoa học thì tầng văn hóa là các lớp đất có chứa các di tích và các di vật lịch sử văn hoá qua các thời kỳ. Đó là giấy thông hành để các nhà khảo cổ học tìm hiểu quá khứ dân tộc một cách chân xác. Các di tích kiến trúc tìm được gồm: nền móng, chân cột bằng đá, nhiều đoạn cột gỗ lim, từng đoạn tường gạch, nền lát gạch, móng sỏi, hệ thống thoát nước, dấu vết ''ngự hà'', hồ sen... Trước đây, có thể tìm thấy dấu tích của Thăng Long ở đâu đó nhưng là đơn lẻ. Lần khai quật Hoàng thành này có thể đưa ra một hệ thống dấu tích ổn định, đặc biệt là sự phát hiện thêm một tầng lịch sử thế kỷ VII - IX, chúng ta có thể đọc ra các lớp: Đại La (thế kỷ XII - IX), lớp Thăng Long thời Lý, Thăng Long thời Trần, Thăng Long thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng (thế kỷ XI - XVIII) và kéo dài đến thành Hà Nội thế kỷ XIX.
Dưới nền của thời kỳ Thăng Long là một tầng đất sét, đó là lớp đất trung du được thời Lý Trần chở về đổ đè lên nền Đại La. Lớp đất này xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 1m trở xuống và dày từ 2,0 đến 3,50m. Tại một điểm được các nhà khảo cổ ký hiệu B3 có thể thấy rõ trật tự lịch sử văn hóa các thời: 0.90m -1,90m là thời Lê (thế kỷ XV - XVIII), từ độ sâu 1,90 - 3,0m là thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI - XIX), độ sâu 3,0m - hơn 4,20m là thời Bắc thuộc - thời Đại La hay còn gọi thời tiền Thăng Long (thế kỷ VII - IX).
Trước nay có nhiều ý kiến khoa học về dấu vết Đại La, nào là trung tâm ở đâu, có ở dưới nền của Thăng Long không? Trong báo cáo của cuộc khai quật vừa rồi có GS Trần Quốc Vượng, Đỗ Văn Ninh, Hà Văn Tấn... đã khẳng định, trung tâm của Thăng Long nằm dưới tầng Đại La cũ, là trung tâm của Giao Chỉ, thậm chí đã thấy những hiện vật minh chứng cho tầng lịch sử thời Bắc thuộc này. Những đồ gốm thời Đại La như: bình đá, bình có 6 núm, bình men vàng... Còn tìm thấy các viên gạch màu đỏ xám, rìa cạnh in hoa văn hình ô trám lớn thế kỷ V - VI, tiền của thế kỷ VI, vài bát gốm men màu xanh với các dấu con kê lớn trong lòng bát... Các di vật này lẫn trong tầng văn hoá Đại La (VII - IX) nhưng không nằm thành tầng văn hóa riêng. Theo giải thích của giới chuyên môn thì hầu như các đồ vật này thường nằm trong một tầng ổn định ít bị xáo trộn.
Rõ ràng, lịch sử của một miền đất khác với lịch sử của một địa danh, nghĩa là Thăng Long vẫn 1.000 năm tuổi kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về trung tâm Giao Chỉ (1010) cùng với những triều đại phong kiến Đại Việt sau này. Và, như vậy tầng Đại La mới tìm thấy đã cộng thêm cho lịch sử của Hà Nội... 300 năm nữa.
Cuộc sống thời Đại La
Theo sử sách thì thành Đại La là thủ phủ của chính quyền đô hộ thời nhà Tùy, nhà Đường trong vòng 3 thế kỷ. Đặc biệt là La Thành do Cao Biền đắp có chu vi hơn 6km ngoài đắp đê dài hơn 7km, dựng 5.000 gian nhà. Phủ thành này đã có lần trở thành thủ phủ của chính quyền độc lập trong thời gian ngắn Phùng Hưng, Dương Thanh. Thành Đại La là một thành lũy lớn, một đô thị tập trung cư dân khá đông, một trung tâm kinh tế phát triển. Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La (Hà Nội) năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long. Nhà vua chọn Đại La với đủ các tiêu chí thủ đô của một quốc gia thống nhất và thịnh đạt ''ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam, bắc, đông , tây, tiện hình thế sông núi trước sau''.
Cột gỗ cháy tìm thấy chứng tỏ thời tiền Thăng Long con người ở theo hình thức nhấc sàn. Ảnh: Anh Đức |
Nay tìm thấy dấu tích của Đại La ngay dưới nền lịch sử Lý, Trần, Lê... đã phần nào có thể hình dung ra được người xưa sinh sống như thế nào. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một vết tích kiến trúc lớn xếp bằng gạch màu xám và 4 chân cột gỗ lớn được dựng trên các chân đá tảng. Những cột gỗ vẫn còn vết cháy nham nhở cao khoảng 1,67m, chu vi khoảng 1,32m, thời Lý đã để nguyên cột như vậy, lấp đất tràn lên và xây dựng ngay trên nền đó. Các chân đá tảng của kiến trúc Đại La nằm trên nền đất phù sa hình chữ nhật dài 96cm, rộng 72cm đơn giản, không hề gia cố gì, không có bất cứ nét trang trí hoạ tiết nào. Các cột cách nhau khoảng 3,75m tính từ tim cột, chiều dài bắc - nam của các cột này khoảng 35m. Từ đó, có thể hình dung mặt bằng kiến trúc là rất lớn, nhà ở có thể rất rộng, cao theo kiểu Trung Hoa bởi những tảng cột rất lớn, có cái đường kính chân cột gần 1m. Mỗi cột đều thấy có những lỗ mộng kê cột xà để lắp ván sàn, bên dưới hoàn toàn là đất phù sa, chứng tỏ người Đại La xưa không sinh sống trực tiếp trên nền đất mà ở nhấc sàn (sinh hoạt từ tầng sàn cách mặt đất một chút chứ không nâng cao như nhà sàn hiện đại), thậm chí nhà còn có thể có lầu. Trong khi thời Thăng Long công trình kiến trúc rộng nhưng không cao bởi gạch có trang trí hoa văn và lát ngay trực tiếp trên nền.
Công trình kiến trúc của Đại La được dựng trên nền đất sinh thổ đầu tiên của Hà Nội (hay còn gọi là tầng phù sa châu thổ). Chỉ đến thời Lý Trần người ta mới đưa đất về tôn nền. Cuộc khai quật lần này có thể so sánh về cách ''ứng xử với móng cột'' của hai thời kỳ Đại La và Thăng Long. Khảo cổ học kiến trúc trước nay mới chỉ khẳng định được kiến trúc cổ truyền Việt là kiến trúc thuộc dòng chịu lực bằng khung gỗ liên kết. Xương sống của khung chịu lực ấy là hệ thống cột. Tất cả sức nặng của công trình dồn xuống cây cột. Người Đại La kê dưới cây cột ấy những tảng đá lớn, những chân đá tảng ấy vừa chịu lực, vừa chống lún, chống nghiêng cho công trình. Thời Đại La dùng móng bè cục bộ bằng gỗ, 3 lượt gỗ xếp chéo lên nhau (dưới là nền đất) và chống cột, người ta không làm móng cột bằng đá sỏi và đất sét như đời Trần. Ở khu vực tìm thấy những chân đá tảng thời Đại La nền đất yếu do gần sông nên bên dưới các chân đá tảng được gia cố các trụ sỏi được lèn chặt. Rất nhiều trụ sỏi còn trơ lại do các viên đá tảng đã mất hoặc được tận dụng vào các công trình khác. Từ đây có thể so sánh các công trình được tìm thấy trước đây không công trình nào có bước gian, chiều dài và chiều rộng lớn như vậy.
Rất nhiều những vật liệu kiến trúc khác thời Đại La cũng được tìm thấy: những viên ngói có độ nung rất cao, những viên gạch thời Đại La mỏng xám, hình chữ nhật có chữ Giang Tây quân, có viên in chữ Giang Tây chuyên, thỉnh thoảng có viên màu đỏ. Đặc trưng của ngói thời này có tính cách điệu rất cao, nổi khối lớn: ngói dương được trang trí hình mặt linh thú, có mặt thú còn há miệng nhe nanh trông rất dữ, ở đầu ngói cũng trang trí mặt hề, hoa sen, hoa thị, hoa mẫu đơn. Những viên ngói âm có đường viền cạnh, đặc biệt những viên ngói âm xám trong lòng đều có dấu vải. Theo TS Nguyễn Tiến Đông - một trong những nhà khảo cổ học tham gia khảo cổ khu vực Hoàng thành thì có thể hình dung cách làm ngói của người xưa bằng khuôn tre hoặc khuôn gỗ cong, sau đó lấy một miếng vải ướt đắp lên khuôn (một cách chống dính thô sơ bằng vải) rồi lấy đất nguyên liệu đắp lên tạo thành viên ngói. Đây cũng là một cách làm ngói rất phổ biến ở Đông Á và Đông Nam Á.
Đặc biệt, phát hiện giếng Đại La với nhiều chi tiết rất độc đáo: giếng được xếp bằng gạch mỏng xám có độ nung cao, kích thước 30x16x5cm, xếp 4 lóng ngang, 1 lóng dọc. Từ 70cm trở xuống lại xếp 3 lóng ngang 1 lóng dọc liên tục. Giếng sâu 5,90m. Thềm giếng hình tròn, thềm khoảng 2,5m tính từ miệng giếng. Trong quá trình khai quật không hề tìm thấy một mạch ngang nào, (dù theo địa thế thì xưa kia giếng này nằm ngay sát bờ sông) mãi đến chạm đáy mới thấy mạch dọc đẩy nước rất mạnh. Cho thấy, người xưa đã sử dụng kiến thức đào giếng mạch dọc - một kiến thức phong thuỷ rất giỏi mà tận bây giờ cũng không dễ dàng nắm bắt được. Kỹ thuật xếp gạch của thời Đại La đạt trình độ cao bởi không hề có chất kết dính, cũng không xếp theo hình xương cá như đời Trần sau này, mà kiểu xếp ngang dọc vừa chắc lại vừa có độ lọc nước cao. Vì chất lượng nước tốt nên đến đời Lý vẫn tiếp tục sử dụng nguồn nước giếng này, bằng chứng là người ta chồng thêm lên miệng giếng Đại La một hàng gạch thẳng đứng của thời Lý màu đỏ, có kích thước 40x20x6 (khác hẳn với gạch xám thời Đại La).
Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông phân tích, chắc chắn chiếc giếng này được lấp vào thời Lý vì trong lòng giếng còn tìm thấy hơn 300 hiện vật như hũ, vại sành thời Lý và cả một vài mảnh gốm Trung Quốc thời Tống. Thậm chí có thể đoán là giếng này được lấp vào mùa hè vì thấy cả hạt vải, hạt đào. TS Đông chỉ cho chúng tôi xem những đống xương thú có tuổi thọ 1.300 tuổi nằm rải rác trên đất: ''Có thể hình dung người Đại La cũng ăn như mình hiện nay thôi, nhìn vào đống xương thú này thì biết, cũng lợn chó, bò, gà...''. Những di tích và di vật lịch sử tìm được dù còn rất ít để hình dung rõ nét về cuộc sống của người xưa, nhưng nó góp phần quan trọng trong việc khẳng định một Thăng Long 1.000 năm, cho chúng ta tự hào với Hà Nội 1.300 tuổi.
Các nhà khảo cổ đã đào sâu thêm 5m nữa dưới nền Hoàng thành và khẳng định không còn có tầng văn hóa nào bên dưới nữa.
-
Kiều Minh