(VietNamNet)
- Nửa năm sau cuộc khai quật làm choáng váng các nhà lịch sử, có thể coi cuộc hội thảo mang tên Traces (... Vết tích) được tổ chức chiếu ngày 23/2 tại L'espace là cuộc toạ đàm công khai, thẳng thắn và mang tính quốc tế đầu tiên để tìm một mẫu số chung trong công tác phối hợp tổng thể bảo tồn di chỉ Hoàng thành Thăng Long.Các nhà khoa học quốc tế sẵn sàng giúp đỡ
Lần đầu tiên, các nhà khảo cổ và lịch sử Việt Nam đã cùng ngồi lại với những chuyên gia khảo cổ Đông Nam Á và lịch sử hàng đầu của Pháp để cùng bàn về các biện pháp bảo tồn và phát huy di chỉ Hoàng thành Thăng Long, xung quanh việc xử lý các di sản cổ, những thách thức, kỹ thuật và đạo đức trong khôi phục. Trong vòng 6 giờ đồng hồ, bên cạnh những thông tin khái quát nhất về giá trị Hoàng thành Thăng Long, những bài thuyết trình hấp dẫn về kinh nghiệm bảo tồn, phục chế di chỉ khảo cổ quý ở Đông Nam Á cũng được giới thiệu khá đầy đủ. Thông qua bài nói chuyện về kinh nghiệm bảo tồn, phục chế tượng Phật ngồi ở chùa Kongpong Luong (Cambodia), các văn bia ở bảo tàng Ph-nôm-pênh, tượng Ganesa ở Mỹ Sơn, TS. Bertrand Porte đã chỉ cho ta thấy việc phục chế, bảo tồn di tích, di chỉ không phải là công việc dễ dàng.
Tham gia cuộc hội thảo, GS, Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam mang đến phần thuyết trình công phu bằng tiếng Pháp khái quát khá cơ bản về vị trí của Hoàng thành Thăng Long, giá trị lịch sử và những di vật tìm thấy. "Giới khoa học Việt Nam đánh giá cao phát hiện khảo cổ này, coi đây là một di sản văn hoá vô giá của dân tộc nằm giữa thủ đô Hà Nội. Vấn đề đặt ra là công việc bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích này và việc mở rộng khảo sát trên những diện tích chưa bị những kiến trúc hiện đại phá huỷ của Hoàng thành Thăng Long xưa. Những công việc đó đòi hỏi sự hỗ trợ và hợp tác của các tôt chức quốc tế và chuyên gia nước ngoài".
Về vấn đề này, bà Catherine Noppe (Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, cơ sở khoa học của CFWB) bên cạnh bài tham luận về di sản bảo tàng và quy chế bảo quản, phục chế cũng đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam trong việc bảo tồn di chỉ quý không chỉ riêng với khu khảo cổ Ba Đình. CFWB (APEFE) cũng đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử VN mở một phòng bảo quản phục chế đồ gốm và kim loại cũng như đào tạo kỹ thuật viên chuyên ngành. Bà khẳng định: "Bên trong các bảo tàng VN, quy chế về hiện vật vẫn còn tạm bợ và nói chung chất liệu gốc của của một tác phẩm tương đối ít được chú ý đến". Phải khẳng định công tác bảo tồn và trùng tu các di chỉ và di vật quý là công việc cực kỳ khó khăn, tỉ mỉ và tốn kém. Điều này đã được thể hiện khá rõ ràng trong bài thuyết trình ấn tượng của ông Pascal Royère về lịch sử một thế kỷ bảo tồn di tích Angkor với những nguyên tắc trùng tu quan trọng như: sự ổn định của đất đắp, kiểm kê bãi đặt đá, phục hồi các kiến trúc bên trên...
Ngành khảo cổ Việt Nam chưa sẵn sàng vì...
Được biết các nhà khảo cổ của Nhật Bản đã đề nghị hợp tác trong việc bảo tồn các di vật và di chỉ Hoàng thành Thăng Long vì thực tế là các nhà khảo cổ chưa hề có kinh nghiệm trong việc xử lý một khối lượng công việc lớn và phức tạp của một di chỉ của khảo cổ lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo ông Tống Trung Tín, Viện phó Viện khảo cổ thì các chuyên gia nước ngoài của Nhật Bản và các nước thuộc UNESCO, đại diện LHQ rất muốn sẽ tham góp việc nghiên cứu khoa học, giúp ta đào tạo chuyên gia và đề ra cách thức bảo tồn hiệu quả di chỉ và di vật Hoàng thành Thăng Long, xây bảo tàng ngoài trời... Nếu có điều kiện thì các chuyên gia sẽ sang VN làm việc một cách cụ thể với thời gian nhất định thì hai bên mới có thể hợp tác. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì thực tế Việt Nam "chưa có chuyên gia nào" vì chưa được đối phó với tình huống tương tự như vậy. Sắp tới Viện khảo cổ dự kiến sẽ tổ chức các cuộc hội thảo xung quanh vấn đề này, một công việc đáng lẽ phải thực hiện cách đây... nửa năm.
Bên cạnh việc phối hợp với các nhà khoa học có kinh nghiệm của thế giới trong việc khai quật khoa học và bảo tồn di chỉ, việc bảo quản và phục chế di vật cũng là vấn đề không nhỏ. Người ta mới chỉ ước tính có bao nhiêu di vật nhưng ngay chính những nhà quản lý khu khảo cổ Ba Đình cũng không biết chính xác họ đã đào được bao nhiêu di vật. Vẫn theo lời ông Tín: "Việc quản lý di vật bao giờ cũng phải đợi kết thúc sau khi chỉnh lý nghiên cứu hiện vật. Đến thời điểm này ngay cả chúng tôi cũng không thể biết chính xác đã tìm được bao nhiêu hiện vật. Theo quy định thì công việc này nếu tiến hành trên 100m2 phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Với hàng chục nghìn m2 thì có thể phải huy động rất nhiều cán bộ và nhanh nhât phải đợi 3-4 năm nữa mới xong. Đến tháng 9 này chúng tôi sẽ phải có báo cáo sơ bộ về giai đoạn 1 của công tác khai quật cho Chính Phủ".
Không thể phủ định việc quản lý di vật của của ta vẫn còn rất lỏng lẻo. Trong một lần trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Đào Quý Cảnh, cán bộ Viện khảo cổ học, người từng tiến hành khai quật ở khu A Ba Đình đã nói: "Việc đào các di vật khảo cổ được tiến hành như "đào thuỷ lợi", dùng máy xúc tiến hành đào 20cm mỗi lần làm ảnh hưởng đến các di vật. Các nhà khảo cổ chỉ có việc chạy theo nhặt cổ vật. Đây là công việc hoàn toàn đi ngược lại với công tác khai quật khoa học. Điều khá buồn cười là có sổ sách quản lý cuốc xẻng nhưng lại không có sổ sách quản lý di vật. Hiện tượng mất di vật ở Ba Đình không phải là không có." Theo ông Tín thì "chỉ những di vật đặc biệt phải nghiên cứu ngay để xác định giá trị, trả lời cho Chính phủ thì quản lý theo sổ sách còn các loại khác để trên két theo toạ độ. Phải đợi đến 4-5 năm nữa chúng tôi mới xác định được toàn bộ số di vật có trong tay, đến từng mảnh một".
Trong khi chúng ta chưa có phương án bảo tồn khoa học, thì việc phối hợp với các nhà khoa học nước ngoài có kinh nghiệm và có phương tiện hiện đại là hết sức cần thiết.
-
Bích Hạnh