221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
235828
"Người hàng binh" sẽ không thành ...hàng tồn!
1
Article
null
'Người hàng binh' sẽ không thành ...hàng tồn!
,
3 diễn viên chính trong phim.

(VietNamNet) - Nhiều đại cảnh hoành tráng, xúc động, lột tả được không khí đấu tranh ác liệt và những gian khổ của những người chiến sĩ Điện Biên; diễn viên mới, diễn xuất tốt; không quá tung hô hay chỉ thiên về một phía - "Người hàng binh" ít nhất đã làm được một việc mà không phải bộ phim truyện lịch sử nào cũng làm được: chân thực, thuyết phục và đẹp!

Đấy mới chỉ là những cảm giác của người viết bài này khi xem "Người hàng binh" qua bản nháp đầu tiên được chiếu duyệt tối qua tại Hãng phim Truyện Việt Nam, với sự tham gia trực tiếp của Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị. Phim mới được chiếu "thô" - chỉ có phần hình, tiếng động và lồng tiếng vừa dựng xong. Một bản nháp theo đúng hẹn phải hoàn thành trước khi lên đường sang Thái Lan làm hòa âm, kỹ xảo, "chạy" làm sao cho kịp hoàn thành trước ngày 25/4 tới đây (ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ).

Nếu đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chỉ mong: "Khán giả trẻ chấp nhận xem từ đầu tới cuối, không thấy xa lạ, lạc lõng, giả tạo...", thì thành công với anh tới giờ phút này đã có thể... khấp khởi. Đấy là chưa kể tới gần 10 phút kỹ xảo sẽ được thực hiện trong vài ngày tới tại Hãng Katana (Thái Lan) cùng âm thanh surround và in tráng. Theo đánh giá chung một số thành phần đoàn làm phim (gồm những người đã tham gia nhiều phim lịch sử từ trước tới nay), thì "Người hàng binh" là một phim xem "được"! 

Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

Phạm Quang Ánh (Bạo), Kiều Anh (Mây) và Issack Le (Bernard) - ba nhân vật nổi bật nhất trong vai một anh vệ quốc đoàn, một cô y tá và một hàng binh. Câu chuyện tình yêu, tình người của họ diễn ra trong những ngày đêm khốc liệt nhất của cuộc chiến. Vẻ trong sáng, nhìn là biết chưa "sành sỏi" trước ống kính của  Issack Le lại hóa hay và "có lợi" cho vai diễn, Phạm Quang Ánh và Kiều Anh đều là những diễn viên bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với điện ảnh qua một vài bộ phim truyền hình. "Người hàng binh" là một cơ hội không dễ có để họ khẳng định mình trong lĩnh vực này. Kiều Anh khá thành công khi trở thành một cô y tá cùng một lúc biết rung động với hai chàng trai, nhưng vẫn còn "lúng túng" với vai cháu ruột của Mây thời bình.  

Những câu chuyện của bộ phim diễn ra theo lời kể của Bạo khi chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Ông gặp lại chính người hàng binh Bernard đã theo mình qua bao núi rừng miền Tây Bắc và cũng là người đã có chung tình cảm với Mây, cô y tá xinh đẹp. Họ ôn lại những câu chuyện thời chiến, những phút giây hào hùng nhất, đau khổ, trong sáng nhất của một thời trai trẻ gắn với khoảng thời gian lịch sử vẻ vang của dân tộc. Phim miêu tả diễn biến về tâm lý, tình cảm và suy nghĩ của một người hàng binh, được sống và sinh hoạt như những người chiến sĩ Điện Biên. Người hàng binh Bernard được chứng kiến tận mắt ý chí kiên cường, sự vượt khó không biết mệt mỏi của quân và dân Việt Nam - động lực biến anh thành một người hàng binh toàn tâm toàn ý với chiến sĩ Điện Biên, giúp cho quân đội Việt Nam hiểu được sơ đồ chiến đấu của địch, chiếm đồi A1 và tiến tới toàn thắng Điện Biên.

Một cảnh trong phim.

So với kịch bản "Người hàng binh" của nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì bộ phim đã có nhiều thay đổi, được "thêm thắt" nhiều hơn nếu so với Những con đường của Thiếu tướng Chu Phác: thơ hơn, lãng mạn hơn và có nhiều chi tiết "Đỗ Minh Tuấn" hơn: Múa Esola đã được đưa vào phim như những giấc mơ của Vân - cô cháu gái, Màn múa đương đại "Ký ức Điện Biên" dưới nền bài hát "Hò kéo pháo". Cũng dưới nền bài hát này, Kiều Anh và Issack Le là nhân vật  chính, "múa" với một khẩu pháo bằng thủy tinh.  Đây là lần đầu tiên múa đương đại được đưa vào phim.

Một cảnh sẽ hoàn thành sau khi làm kỹ xảo bao quát toàn bộ ý tưởng của phim sẽ là cảnh hồn của một người lính Pháp hóa thành cánh chim bồ câu tung bay lên bầu trời như biểu tượng của hòa bình.

Làm được một bộ phim lịch sử, sự thành công không phụ thuộc nhiều vào trình độ diễn viên hay kịch bản mà điều quan trọng nhất là phải làm "đúng". Theo họa sĩ Vũ Huy - người từng tham gia thiết kế cho nhiều phim lịch sử và đã từng hợp tác với đạo diễn Schoenderfer thực hiện bộ phim Điện Biên Phủ thì hiện trường bộ phim đã được "chăm chút" từ những tiểu tiết (đầu tóc, quần áo, mũ, giầy, xe đạp, bao tải...) đến cả những cây cối, rừng cũng phải được làm giả một phần để làm sao tạo cảm giác rậm rạp hay tan toang cho phù hợp với từng phân cảnh và đảm bảo tính chân thực.

Rừng núi Tây Bắc được tái hiện ở vùng Lương Sơn, Hòa Bình với sự trợ giúp của Bộ Tư lệnh Không quân, Bộ Tư lệnh Pháo binh, Bộ Tư lệnh Tăng thiết giá, "huy động" máy bay, xe tăng, pháo. Nhưng "Chiến thắng Biên Biên Phủ" không chỉ cần có thế! 20 ôtô, 20 khẩu pháo, 200 xe đạp thồ, 50 xác lính Pháp bằng composite... đã được "chế" thêm vào những đại cảnh, và tất nhiên là khi lên hình phải như thật.

Các phim lịch sử xưa nay thường thể hiện cái nhìn từ một phía, tính nhân văn giữa quan hệ của người thắng kẻ thua vô tình bị quên đi. "Người hàng binh" đã làm được một điều là khiến người xem có thể vừa hiểu được sức sống mãnh liệt của người Việt Nam, vừa miêu tả được cảm xúc của những người lính Pháp khi xông pha nơi trận mạc và những gì họ được, mất sau cuộc chiến tại Việt Nam. Phim không chỉ là một câu chuyện lịch sử, nó còn  đặt ra câu hỏi: Quá khứ sẽ được giữ và hiểu thế nào trong vào cuộc sống hiện đại?. "Tinh thần" Điện Biên trong thời đổi mới và lớp trẻ được hiểu về chiến dịch lịch sử này...

  • Nhật Mai
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,