221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1012490
Hồ Gươm sẽ có bức tường chắn khổng lồ, xấu xí?
1
Article
null
Hồ Gươm sẽ có bức tường chắn khổng lồ, xấu xí?
,

(VietNamNet)- Điều cần nhất là thực hiện đúng với quy hoạch chi tiết đã được duyệt, không nên đặt lại vấn đề điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực quanh Hồ Gươm theo chiều hướng nới rộng các thông số quy định trước đây để hợp pháp hoá việc phá hỏng cảnh quan- KTS Đoàn Đức Thành.

>> Có nên phá vỡ cảnh quan Hồ Gươm?


Hồ Gươm huyền ảo
1. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội chỉ còn 2 năm nữa là bước vào 1000 năm tuổi. Hà Nội đang xây dựng gấp gáp hàng loạt công trình kỷ niệm sự kiện này. Toàn cảnh chưa rõ ra sao, song hãy thử nhìn vào dự án “có một ý nghĩa rất quan trọng trong sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long–Hà Nội của đất nước và dân tộc”(*) ở phía Đông Hồ Gươm đã được UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng “bật đèn xanh” cho xây dựng thì không ít người ngỡ ngàng về một tư duy khó hiểu trong xây dựng.

Dự án Trung tâm Tài chính và Thương mại EVN (EVN Financial and Commercial Center) ở 69 Đinh Tiên Hoàng sắp được xây dựng nay mai – một dự án mới phát sinh, không hề có trong quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt chắc sẽ còn làm cho những ai nặng lòng với Hồ Gươm đau lòng hơn. Dự án này do KTS người Hàn Quốc thiết kế, được Hội đồng Giám khảo chấm giải A trong một cuộc thi tuyển chọn mới đây (theo kiểu chọn bó đũa lấy cột cờ).

Toà nhà xây dựng trên khu đất 14.772 mét vuông, án ngữ toàn bộ một đầu 3 phố lớn là Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn và Lý Thái Tổ. Mặt đứng nhìn ra Hồ Gươm là một khối kiến trúc dày đặc, nặng nề: dài 105m (gấp mấy lần nhà Bưu điện Bờ Hồ), mặt ngoài cao 5 tầng (21m), mặt trong giáp phố Lý Thái Tổ chồng cao thêm 8 tầng, tính từ mặt đất thì cao tới 54m, toàn bằng kính, (dưới đất còn có 5 tầng ngầm). Mặt phố Trần Nguyên Hãn cũng là một khối kiến trúc dày đặc, có chiều dài và cao tương tự.

Với những thông số nêu trên đây cho thấy sau khi toà nhà này xây dựng thì phía Đông Hồ Gươm sẽ tạo thành một bức tường thành dài bưng kín không gian, ngăn cản tầm nhìn vốn thoáng rộng. Toàn bộ mặt trước ngôi nhà sẽ là một tấm kính khổng lồ làm chói chang vào mỗi buổi chiều, phản chiếu tia nắng và nung nóng mặt hồ. Không còn đâu nữa khung cảnh Hồ Gươm với sắc màu huyền ảo xa xăm, không còn nữa cảnh mặt trời nhú mọc từ rặng cây đằng Đông trên Tháp Rùa.

2. Ai khẳng định được đây là công trình cao rộng cuối cùng bao quanh Hồ Gươm? Với cơ chế này sẽ còn bao nhiêu nhà đầu tư trong và ngoài nước trường vốn hơn, chỉ thích xây nhà thật cao quanh Hồ Gươm, không lẽ những người cầm “công tắc” cứ chỉ biết bật “đèn xanh”? cho nhà xây cao cao mãi?

Xây dựng dự án Trung tâm Tài chính và Thương mại EVN nói riêng, và các dự án khác chung quanh Hồ Gươm cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố làm đẹp cảnh quan trên cơ sở Thông báo 18/BXD-KTQH ngày 22/3/1995 và Quyết định 448/BXD-KTQH ngày 3/8/1996 của Bộ Xây dựng về quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm.

Trong đó đặc biệt quan tâm thực hiện nghiêm ngặt các quy định về chiều cao nhà, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…có như vậy mới bảo vệ được cảnh quan Hồ Gươm. Thiết nghĩ, để có được Quyết định trên đây, hơn 10 năm trước, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu rất kỹ nhằm khống chế chiều cao, tạo sự thông thoáng, để công trình hài hoà với thiên nhiên.

Ngày nay, điều cần nhất là thực hiện đúng với quy hoạch chi tiết đã được duyệt, không nên đặt lại vấn đề điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực quanh Hồ Gươm theo chiều hướng nới rộng các thông số quy định trước đây để hợp pháp hoá việc phá hỏng cảnh quan. Đồng thời quan trọng là bảo tồn nhà máy điện Bờ Hồ – cái mốc của Hà Nội có điện và những cây cổ thụ xung quanh thế nào. Đặc biêt là phá huỷ hàng loạt công trình có tỷ lệ vừa phải hợp với không gian Hồ Gươm là một sự lãng phí không cần thiết…

Thật là xót xa cho cảnh quan gần, cảnh quan xa bao quanh Hồ Gươm. Giờ đây, đứng từ ven hồ phiá Tây nhìn sang phía Đông Hồ Gươm ta thấy quá nhiều công trình kiến trúc mới xây dựng có khối và diện quá cao lớn rộng dài, lấn át không gian, làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng và cái hồn thiêng vốn có của Hồ Gươm - một di sản quý báu của ông cha ta để lại từ ngàn xưa.

Kề sát bên đường Đinh Tiên Hoàng ở ven hồ có toà nhà Bưu điện 5 tầng, tiếp đến toà Trụ sở UBND thành phố Hà Nội, nhà “Hàm cá mập” án ngữ góc đầu phố cổ, những công trình này đã phá vỡ cận cảnh ven hồ. Xa hơn một chút là hai toà nhà cao ngất ngưởng (Vietcombank và Tungshing Square) cũng đã tàn phá viễn cảnh Hồ Gươm một cách không thương tiếc, trông những tòa nhà ngất ngưởng đó đơn phương, lạc lõng như những cái cọc khổng lồ đóng thẳng vào lòng khu phố cổ Hà Nội.

Thiết tưởng, do trình độ con người còn ấu trĩ nên những năm qua Hồ Gươm bị phá nát cảnh quan đến như hôm nay là đã quá nhiều rồi. Hồ Gươm còn một chút này. Lúc này cần xem xét lại những gì được thì phát huy, đầu tư bổ sung thêm những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, phục vụ dân sinh và du khách đến với Hà Nội nghìn năm. Cái chưa được thì chỉnh sửa sao cho đẹp, hợp với lẽ đời. Nhưng nhiều người có trách nhiệm vẫn coi những mất mát của cảnh quan Hồ Gươm lâu nay chưa bõ bèn gì, nên đã và đang tiếp tục làm cho tổn thương thêm.

  • KTS Đoàn Đức Thành
    ---------------------------------
    (*) Trích công văn của EVN gửi Cty Điện lực Hà Nội ngày 24-8-2007.

Ý kiến của bạn:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,