221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1015128
GS Lê Văn Lan: Phác thảo phim triều Lý quá dễ dãi...
1
Article
null
GS Lê Văn Lan: Phác thảo phim triều Lý quá dễ dãi...
,

(VietNamNet)– Sai lầm nghiêm trọng của ta là mang thơ ca nghệ thuật ở nơi khác áp vào lịch sử của mình: “văn hóa ngựa xe” vốn được bắt nguồn từ văn hóa chăn nuôi thảo nguyên chỉ có ở Trung Quốc, chính xác là từ nền văn minh sông Hoàng– GS sử học Lê Văn Lan.

 

> Sơ duyệt bối cảnh phim Thái tổ Lý Công Uẩn

> Phim Công Uẩn: "Việt hóa" phim trường Trung Quốc?

 

Sau khi Hãng phim truyện Việt Nam tổ chức trưng bày, sơ duyệt những phác thảo đầu tiên về bộ phim Thái tổ Lý Công Uẩn, đã có nhiều ý kiến khác nhau về những mẫu phác thảo này. Chúng tôi đã trao đổi với nhà sử học Lê Văn Lan, người được mời tham gia cố vấn dự án.

 

Lý Công Uẩn qua phác thảo trang phục là...ai? 

Nhà sử học Lê Văn Lan
Nhà sử học Lê Văn Lan

Sau khi tham dự buổi sơ duyệt phác thảo bối cảnh, phục trang, binh cụ… của phim Thái tổ Lý Công Uẩn, với tư cách một nhà khoa học, ý kiến của giáo sư như thế nào?  

- Theo hiểu biết của riêng tôi, những ý tưởng phác thảo của những người phụ trách, mà họ đều là những chuyên gia đầu ngành cả, vẫn chưa toát lên được cái “chất” Việt Nam, tất cả những phác thảo phục trang, bối cảnh, binh khí đó đều có xu hướng ảnh hưởng Trung Quốc.

 

Có thể nhận thấy điều này ngay trên bàn bày tài liệu của Ban tổ chức. Có rất nhiều sách, nhưng chủ yếu là sách Trung Quốc qua các thời. Theo cảm nhận của tôi, ngoài việc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, sáng tạo ở đây còn là sự “tổng hợp” văn hóa Trung Quốc trong nhiều giai đoạn. Nghĩa là lịch sử - văn hóa Trung Quốc có gì ta đều mang vào phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Nói một cách khác, chúng ta đang “sáng tạo” nghệ thuật một cách dễ dãi.

 

Từ góc độ của mình, tôi cho rằng chúng ta có một số điều cần chỉnh lại:

 

Một, không phải Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc hoàn toàn. Đã từ rất lâu rồi, chúng ta đã lập ra ngành Việt Nam học. Tư tưởng chỉ đạo cho ngành Việt Nam học này là nêu cao bản lĩnh, bản sắc, bản chất dân tộc của Việt Nam. Trong đó nó đã xử lý việc ảnh hưởng bên ngoài hay bên trong, đã diễn ra như thế nào và có vai trò ra sao, đặc biệt là định lượng của các ảnh hưởng ấy tới văn hóa Việt Nam đến mức nào?

 

Hai, dù bị ảnh hưởng đến đâu vẫn có một nền tảng chính và bản sắc văn hóa dân tộc. So sánh luận điểm này trong việc nghiên cứu Việt Nam với những phác thảo, tôi thấy dường như tinh thần và phương châm chỉ đạo đã trở nên mờ nhạt.

 

Ví dụ: ai cũng biết Nho giáo là của Trung Quốc và Việt Nam là đất nước chịu ảnh hưởng Nho giáo nhưng đã có biết bao công trình nghiên cứu công phu từ Nho giáo thời Lý, Nho giáo thời Trần hay các thời kỳ khác… cuối cùng đều đi đến một kết quả: có một Nho giáo Việt Nam. 

 

Giáo sư có thể nói rõ hơn vào bối cảnh phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Có ý kiến cho rằng những mẫu phục trang bị “lai” Trung Quốc quá nhiều. Quan điểm của giáo sư ra sao? 

Mẫu phục trang Lý Công Uẩn
Mẫu phục trang Lý Công Uẩn

- Điều này chúng ta đã thấy ở bức tượng Lý Thái Tổ tại Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Về mặt thẩm mỹ, có thể nói bức tượng đó là đẹp. Nhưng xét về khoa học lịch sử, thì bản sắc dân tộc trên trang phục bức tượng là không rõ. Không thể nói rằng vì Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc mà cái gì của Trung Quốc cũng đưa vào, hoặc đã là Trung Quốc thì người Trung Quốc thời nào cũng giống nhau. 

Tương tự như vậy, tôi cũng chưa thấy bản sắc dân tộc trong những mẫu phục trang Lý Công Uẩn. Tôi đã hỏi thử tiến sĩ Nguyễn Thị Tình là người phụ trách thiết kế trang phục phim: “Cô đã biết trong kịch bản Vua Lý mặc mấy loại trang phục: triều phục, thường phục, chiến phục, cô đã vẽ được mấy phác thảo đó. Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến hai cái mũ của Vua Lý: một cái có những múi cong cong đổ về phía sau, một cái có cái đĩa bên trên đầu. Đó là cái gì và cô dựa vào những sử liệu nào để vẽ?”. Tiến sĩ Tình chưa trả lời câu hỏi này.

 

Sẽ tìm được sử liệu nếu làm việc có phương pháp

 

Nững nhà làm phim hay than phiền là chúng ta có rất ít sử liệu, và đương nhiên cũng chẳng có nhân chứng nào chỉ ra được những trang phục, đạo cụ, kiến trúc thời xưa chính xác như thế nào...

 

Sơ đồ Hoàng thành Thăng Long (trích nghiên cứu của GS Lê Văn Lan
Sơ đồ Hoàng thành Thăng Long (trích nghiên cứu của GS Lê Văn Lan)

- Chính vì thế họ mới phải cần đến những nhà sử học như chúng tôi. Lâu nay chúng ra có rất ít nhà sử học nghiên cứu về văn hóa. Khi tôi nhận lời tham gia dự án này, tôi biết tôi đã chọn được một vùng đất hữu ích nhưng rất khó khăn. 

Đúng là tài liệu sẵn chúng ta không có, nhưng nếu làm việc có phương pháp, ta vẫn có thể tìm được. Văn hóa – lịch sử Việt Nam chủ yếu dựa theo lối sống dân gian, không có nhiều tư duy bác học, đặc biệt càng không có tư duy bác học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Văn hóa dân gian vẫn chiếm chủ yếu, đi liền với nó là những tư duy huyền thoại: mờ mờ ảo ảo.

 

Những sản phẩm liên quan đến trang phục nằm phần lớn ở những tranh và tượng thờ. Tượng Phật ở chùa Phật Tích là một mẫu mực về y phục tôn giáo.

 

Tôi đã có dịp làm phản biện cho công trình của nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ khi ông xây dựng quyển sách về lịch sử trang phục các thời kỳ. Ông Vũ đã đi đúng hướng là đến các đình chùa, đền miếu và nghiên cứu trang phục trên các tượng, trong đó có cả các tượng phụ nữ thời xưa, hoặc ngay trên những tác phẩm điêu khắc trên xà, kèo, cột của những công trình kiến trúc cổ.  

... thể hiện theo hình chữ Vương
... thể hiện theo hình chữ Vương

Nhưng bản thân nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ cũng có một điểm mắc: ông đến chùa Kiến Sơ, nơi Vua Lý Thái Tổ đã từng tu, có thờ tượng của ông. Ông Vũ đã chuyển ngang trang phục của tượng Lý Thái Tổ ở chùa Kiến Sơ thành những mẫu vẽ tư liệu. Nhưng hiềm một nỗi, bức tượng ấy được làm vào thế kỷ 18 để từ thế kỷ 18 người ta hình dung ra ông Lý Công Uẩn ở thế kỷ 11.  

Về phương pháp khoa học, đây là sản phẩm của thế kỷ 18, không phải của thế kỷ 11. Đây là tư duy hồi cố. Nếu bây giờ ta chuyển ngang trang phục từ bức tượng này và mặc định đó là trang phục của Lý Công Uẩn là ta đã vấp về mặt khoa học.

 

Công trình của tiến sĩ Tình cũng như vậy. Tôi đã gợi ý cô ấy những tài liệu gốc đúng thời Lý và chỉ cho cô ấy nơi cần đến tìm. Chính xác là những tài liệu nói về niên đại Lý có nói đến trang phục. Ngoài ra, bức tượng Phật ở chùa Phật Tích cũng được xác định đúng là phục trang được những người thời Lý “mặc” cho. Dưới chân bệ tượng còn có hình khắc những cảnh sinh hoạt, ca hát và các cô gái thời Lý dưới hình tượng những cô tiên. Đấy cũng là một tư liệu có thể tham khảo.

 

Phác thảo bối cảnh triều Lý: Thiếu tính triết lý thâm sâu

 

Phục trang là vậy, còn phần bối cảnh thì sao?

 

- Tôi tham gia vào dự án Hoàng thành Thăng Long và đã nghiên cứu được khá nhiều về Triều Lý. Tôi đã xác định và được giới khoa học thừa nhận: quần thể kiến trúc cung đình Triều Lý được xây dựng khá nhanh, từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1010, gồm có 8 điện 4 cung. Tôi đã rút ra được ý nghĩa triết học từ quần thể kiến trúc này: Vua Lý chọn kiến trúc hình chữ Tam  ; 8 điện 4 cung ấy được bố trí dàn ba hàng ngang. Nghĩa lý của chữ Tam này là Tam tài: Thiên – Địa – Nhân hòa hợp, tức cũng là mô hình vũ trụ. 

 

Còn có thể gọi quần thể kiến trúc “chữ Tam” này là hình quẻ Càn trong Bát quái. Quẻ Càn cũng gồm 3 vạch ngang. Càn cũng tức là Trời, Càn cũng là bắt đầu của các quẻ trong Bát quái. Đấy cũng là lý do chính điện của Vua Lý có tên là Càn Nguyên, được đặt ở chính giữa ba hàng ngang. Nguyên nghĩa là đầu tiên.

 

Xuyên suốt quần thể kiến trúc Hoàng thành (hay bất cứ công trình kiến trúc cổ nào) có một trục chính tâm. Khi biểu hiện ra thành một đường đi, con đường đó được lẫn vào đường thần đạo. Trong các công trình tín ngưỡng bao giờ cũng có một trục chính được gọi là đường thần đạo. Ở kiến trúc cung đình đường này được gọi là dũng đạo. Sự tồn vinh của cả vương triều phụ thuộc vào trục chính tâm đó được đặt đúng hay sai.

 

Khi vẽ trục chính tâm đó vào quần thể kiến trúc ba hàng ngang, ta sẽ được chữ Vương  (vua). Kiến trúc cung đình là cả một công trình khoa học ẩn tính triết lý thâm sâu đòi hỏi sự nghiên cứu công phu nhưng rất tiếc những người làm nghệ thuật chưa sử dụng nó.

 

- Đối chiếu sang bối cảnh triều Lý, giáo sư đã thấy được những triết lý đó chưa?

 

- Thực ra đó mới chỉ là những phác thảo thể hiện ý tưởng. Theo tôi những ý tưởng này mới dừng ở mức đẹp.Tôi thấy các cây xanh trong phác thảo có rất nhiều loại, có cả cây phương bắc và phương tây, như cây phong chẳng hạn. Chỉ có vài bức có chú ý đến cây tre hoặc cây liễu. Ta biết chắc những con đường thời Lý tại Thăng Long có đường Hòe Nhai và Liễu Giai, đông hòe tây liễu, nghĩa là có cây hòe và cây liễu, vì vậy vẽ cây tre và liễu là đúng.

 

Có điều chắc chắn trong vườn thượng uyển và cung đình không chỉ có toàn cây của Trung Quốc. Về mặt thiên nhiên, khí hậu phương nam đã khác phương bắc. Những cây phương bắc xuống đây không hợp, chưa nói đến văn hóa. Tôi nghĩ những cây này nếu dừng lại ở ý tưởng phác thảo ban đầu thì được.

 

Không có văn hóa ngựa xe, chỉ có văn hóa thuyền bè!

 

Còn bối cảnh Thăng Long và điện Càn Nguyên, giáo sư có nhận xét thế nào?  

 

Điện Càn Nguyên trong bản vẽ phác thảo
Điện Càn Nguyên trong bản vẽ phác thảo
-Tôi đã nói ngay trong buổi sơ duyệt, chắc chắn điện Càn Nguyên không có ba tầng như trong hình vẽ, cũng chắc chắn khung cửa của điện không có hình chữ nhật như thế. 

Tất cả các công trình quan trọng trong kiến trúc cung điện đều để lại khuôn mẫu cho công trình sau. Mẫu của Càn Nguyên để lại cho điện Thái An, cho điện Kính Thiên, và rõ nhất là điện Thái Hòa hiện vẫn còn ở Huế: khuôn cửa vòm có bậu cửa, không phải khuôn cửa hình chữ nhật. Các điện cũng không bao giờ có hai tầng, chưa nói ba tầng.

 

Tôi đã nói, từ những chi tiết nhỏ trong kiến trúc cung đình đều mang tính triết lý thâm sâu. Vì sao những người làm nghệ thuật hay than phiền không có tư liệu, bởi vì họ không dựa vào những kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học, không dựa trên những cơ sở biện chứng triết lý. Phương pháp làm của họ cũng chưa thực sự đáo để (nghĩa là đến đáy, đến tận cùng, đáo là đến – để là đáy – GS Lê Văn Lan).

 

Các nghệ sĩ làm quá vội, tôi thấy việc cần thiết là phải gom những tác nhân liên quan lại thành một khối thống nhất bởi một bàn tay và một khối óc có chuyên môn.

 

Dự án này kéo dài đã mấy năm nhưng vẫn mắc tại vấn đề sử liệu, vai trò của những nhà sử học ở đâu trong những sai sót này?

 

- Về mặt danh chính ngôn thuận, tôi đã ký hợp đồng với Hãng phim truyện Việt Nam là làm biên tập kịch bản, còn đến khâu triển khai hiện tôi vẫn chưa được giao nhiệm vụ rõ ràng. Trong buổi trưng bày trước tôi chỉ được dự với tư khách mời.

 

Trong buổi sơ duyệt giáo sư cũng đã nói Triều Lý chưa có văn hóa ngựa xe, chỉ có văn hóa thuyền bè là chính. Giáo sư có thể nói rõ hơn?

 

- Ta lấy một ví dụ: Trong tưởng tượng của mọi người, đã phàm là cổ đều là “lên xe xuống ngựa”, có điều không ai nhớ được nó là tục ngữ. Ai cũng nhớ trong Truyện Kiều có câu “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Nhưng thực ra đấy là ông Nguyễn Du tả cảnh “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”, nghĩa là cảnh Trung Quốc, không phải Việt Nam.

 

Sai lầm nghiêm trọng của ta là mang thơ ca nghệ thuật ở nơi khác áp vào lịch sử của mình. Trở lại vấn đề “văn hóa ngựa xe” vốn được bắt nguồn từ văn hóa chăn nuôi thảo nguyên chỉ có ở Trung Quốc, chính xác là từ nền văn minh sông Hoàng. Các đời vua Đường, Trung Quốc đều là họ Độc Cô, là người trên thảo nguyên xuống. Sau nhà Đường còn có nhà Thanh cũng là gốc thảo nguyên, vốn quen với việc cưỡi ngựa chăn nuôi đại gia súc.

 

Trong khi đó Việt Nam làm gì có thảo nguyên. Ta vốn nhiều đồng chiêm trũng, là “văn minh lúa nước”, chỉ có chăn nuôi nhỏ trong từng đơn vị gia đình, không thể có chăn nuôi đại gia súc. Cơ sở cho ngựa là không có.

 

Về địa hình, Trung Quốc có thảo nguyên mênh mông mới có chỗ cho xe, ngựa chạy. Còn ở ta, ngay bây giờ đi trên một quốc lộ cũng phải qua mấy chục cái cầu, hết sông suối ngòi khe… làm gì có đất cho xe chạy? Cơ sở hạ tầng, môi trường không có, thêm đà đẩy của nền văn minh lúa nước cũng không cho phép tạo ra văn hóa “lên xe xuống ngựa”, chủ yếu là di chuyển bằng cáng và thuyền bè. Các vua chúa Việt cũng như vậy thôi.

 

Trong ngôn ngữ quen thuộc của người Việt, thuyền của vua gọi là “thuyền rồng”, tức là thuyền hình con rồng hay thuyền dành cho rồng (vua) đi? Trong các phác thảo không có thuyền nào có hình rồng, liệu các họa sĩ thiếu sót?

 

- Có hai loại: thuyền vua đi cũng gọi là thuyền rồng, thuyền dùng để thi trong các lễ hội cũng gọi là bơi thuyền rồng. Các nghệ sĩ hát văn có câu “cô bắn súng lục, cô bơi thuyền rồng”, nghĩa là không chỉ thuyền vua đi được gọi là thuyền rồng.

 

Tóm lại: thuyền rồng có nhiều loại, dùng cho nhiều phạm trù khác nhau, các thời khác nhau. Vua Lý Thái Tổ có đến 4 – 5 chiếc thuyền rồng: thuyền dời đô, thuyền chiến đấu, thuyền vi hành… và có trang trí hình rồng. Tuy nhiên các nhà làm phim phải đặc biệt chú ý: rồng thời Lý khác rồng thời Trần, cũng như khác các thời khác. Ngay tại Hoàng thành Thăng Long đã tìm được hai loại đầu rồng khác nhau của thời Lý và Trần, khác nhau hoàn toàn.

 

Về những phác thảo, chúng ta vẫn thống nhất với nhau đây là những ý tưởng ban đầu và do các nghệ sĩ sáng tạo ra. Có điều bây giờ để thể hiện tốt hình tượng Vua Lý, hai ông Lê: Lê Văn Lan – Lê Đức Tiến, cần phải hợp tác chặt chẽ hơn!

 

Nói vui vậy, điện ảnh về lịch sử của ta khó khăn cũng bởi nghệ thuật và khoa học chưa có được sự kết hợp đúng mức, đã đến lúc việc này phải được coi là yếu tố nền móng có tính quyết định!

 

Xin cảm ơn giáo sư!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,