(VietNamNet) - “Hãng PTVN đã và sẽ có vinh dự làm việc với một số nhà nghiên cứu mỹ thuật có uy tín trên toàn quốc. Vì sắp tới trong quá trình triển khai phim, Hãng sẽ phải mời các chuyên gia có uy tín khác nữa, trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, Điêu khắc, Văn học, Mỹ học, Sử học, Âm nhạc,v.v….” – Ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng PTVN.
Sau buổi trình bày những mẫu phác thảo phim Lý Công Uẩn, dư luận, nhà sử học Lê Văn Lan, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã đưa ra những quan điểm khác nhau. Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, đồng thời là Giám đốc sản xuất của dự án.
Trước những phản biện của GS Lê Văn Lan và của dư luận về những mẫu phác thảo phim Lý Công Uẩn, với tư cách Giám đốc sản xuất ông có ý kiến thế nào?
- Như đã biết, ngày 7/12/2007, Hãng PTVN tổ chức báo cáo công tác chuẩn bị triển khai phim “Thái tổ Lý Công Uẩn” với Lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Bộ VH-TT-DL, Sở VH-TT-DL, và Ban Chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nội dung buổi làm việc có các phần:
Báo cáo kết quả công tác chuẩn bị của Hãng PTVN sau khi nhận Quyết định đặt hàng làm phim của UBND TP Hà Nội.
Báo cáo công tác sắp tới, kế hoạch sơ bộ, phương án nhân sự, tiến độ kinh phí để đưa phim vào sản xuất.
Báo cáo một số quan điểm về công tác mỹ thuật bộ phim.
Báo cáo kết quả các chuyến đi khảo sát tại các phim trường Trung Quốc.
Trình bày và tham khảo ý kiến về một số phác thảo và các mẫu: phục trang, đạo cụ, bối cảnh, và về kỹ xảo bộ phim.
Tham khảo ý kiến về địa điểm dựng bối cảnh, địa điểm tổ chức quay phim.
Các Đại biểu tham dự đã ghi nhận những nỗ lực triển khai bộ phim của Hãng PTVN. Ông Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Văn hóa - Tư tưởng TW nêu ý kiến về việc sẽ chính thức báo cáo Ban Bí thư và Lãnh đạo Ban Văn hóa - Tư tưởng về nội dung, quy mô và tiến độ hoàn thành bộ phim. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ (tới làm việc vào trưa 7/12/07) cũng đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích về kế hoạch quay phim.
Tôi chưa được biết “Những phản biện của GS Lê Văn Lan và của dư luận về những mẫu phác thảo phim Lý Công Uẩn” nên không thể có ý kiến cụ thể.
Đây là một buổi Báo cáo công tác với rất nhiều nội dung xung quanh công việc triển khai bộ phim, không phải một cuộc trình duyệt phác thảo, càng không phải buổi trình duyệt riêng về phác thảo bối cảnh, là một phần trong nhiều phác thảo khác. Nếu có những ý kiến trái chiều về phác thảo bối cảnh, tôi nghĩ sẽ bổ ích để các họa sỹ tham khảo trong quá trình hoàn thành phác thảo của mình.
Những ý kiến từ nhà khoa học (Lê Văn Lan) và nghệ sĩ (Đỗ Minh Tuấn) có nhiều sự trái chiều nhau, thời gian không còn nhiều mà các bên vẫn chưa tìm được sự thống nhất ngay ở những vấn đề cơ bản làm sao đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án?
- Như đã trình bày, tôi không được biết những ý kiến của GS Lê Văn Lan và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, nên không thể phát biểu cụ thể. Người ta không thể tranh luận và kết luận, đánh giá về một công việc dang dở, chưa hoàn thành. Nếu có ai vội vàng và chủ quan như thế, tôi sẽ rất ngạc nhiên.
Các chuyên gia, cho đến thời điểm này, gồm: NGND Lê Đăng Thực, GS Lê Văn Lan. nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, TS Đoàn Thị Tình, cùng một số nghệ sỹ của Hãng PTVN trong “Ban chuẩn bị Dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn” đang phối hợp làm việc rất tốt, có hiệu quả, nhằm thúc đẩy công tác triển khai phim.
Những vấn đề cơ bản của bộ phim đã được trình bày trong buổi làm viêc. Đó là: Quy mô bộ phim ra sao, Phương án nhân sự thế nào, Kế hoạch sản xuất, tiến độ cấp phát kinh phí... ra sao? Các phương án và giải pháp nhằm triển khai bộ phim hoàn thành đúng tiến độ đảm bảo chất lượng, xứng đáng với ngày Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Những vấn đề này đang đạt được sự nhất trí cao giữa Thành phố Hà Nội, Bộ VH-TT-DL, Ban Chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, và toàn thể cán bộ nghệ sỹ Hãng PTVN.
Nhưng những gì đang diễn ra gây cảm giác bộ phim hiện nay giống như những chi tiết máy chưa được lắp ráp, khâu nào tự làm khâu đó mà không có sự vận hành theo hệ thống dưới sự chỉ đạo chung. Ở cương vị của mình, ông có thấy như vậy?
- Với tư cách Giám đốc Hãng và Giám đốc sản xuất phim, tôi thấy trong thời gian qua Hãng PTVN đã triển khai công tác đạt một số hiệu quả. Cụ thể như sau:
Hoàn chỉnh Kịch bản được “Hội đồng tư vấn duyệt kịch bản” đánh giá cao và chính thức đề nghị đưa vào sản xuất (công việc này trước đây mất hơn 2 năm vẫn chưa đạt kết quả mong muốn)
Khảo sát bối cảnh trong và ngoài nước, qua đó lập kế hoạch sơ bộ triển khai phim.
Nghiên cứu Triều Lý về: lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, quân sự, chính trị, văn hóa...
Mua, sưu tầm tài liệu, hiện vật, phân công đạo diễn triển khai kịch bản phân cảnh và các phương án kỹ xảo, bước đầu tuyển chọn diễn viên.
Tiến hành làm việc với một số Công ty Việt Nam và Nước ngoài về vấn đề quay kỹ xảo.
Chuẩn bị dự toán phim và các phương án nhân sự…..
Công tác triển khai phim đang được vận hành bởi “Ban chuẩn bị Dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn” mà Hãng PTVN thành lập ngày 28/6/2007. Hãng PTVN cũng thường xuyên phối hợp công tác với Sở VHTTDL Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, và thường xuyên nhận được các ý kiến cũng như sự chỉ đạo của Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh liên quan đến công tác triển khai phim.
Tại sao ông không đưa các nhà sử học vào tư vấn cho họa sĩ trước khi trưng bày những phác thảo. Có lẽ nếu ông làm đúng quy trình như vậy có lẽ đã tránh được những phản biện không mong muốn vừa qua?
- Tư vấn cho họa sỹ phải là các nhà nghiên cứu mỹ thuật. Tất nhiên các nhà sử học cũng sẽ có các ý kiến bổ ích, chủ yếu về mặt lịch sử.
Các nhà nghiên cứu am tường về mỹ thuật và lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ đóng góp những ý kiến thiết thực về bối cảnh, phục trang, đạo cụ bộ phim. Còn việc xử lý thông tin, ứng dụng những tư liệu lịch sử mỹ thuật vào bộ phim như thế nào sẽ tùy thuộc vào đạo diễn và ekip làm phim sau này.
Hãng PTVN đã và sẽ làm việc với một số nhà nghiên cứu mỹ thuật có uy tín trên toàn quốc. Vì sắp tới trong quá trình triển khai phim, Hãng sẽ phải mời các chuyên gia có uy tín khác nữa, trong nhiều lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, văn học, mỹ học, sử học, âm nhạc v.v….
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn phát biểu rằng sở dĩ những phác thảo này chưa có chất lượng tốt vì Giám đốc sản xuất Lê Đức Tiến chưa đưa đạo diễn vào quá trình sáng tạo. Trong khi đó những họa sĩ thực hiện hoặc mới vào nghề, hoặc đang bận làm phim Nhật ký Đặng Thùy Trâm, lại thiếu sự chỉ đạo từ đạo diễn nên mới dẫn đến sự sơ sài, thiếu kiến thức… Một dự án lớn như Lý Công Uẩn được triển khai như vậy sao tránh khỏi làm dư luận lo lắng?
- Theo ý kiến các nhà chuyên môn, những phác thảo về phục trang do Tiến sỹ-họa sỹ Đoàn Thị Tình và nhóm họa sỹ Trường ĐH SKĐA Hà Nội chuẩn bị rất có chất lượng, kể cả những mẫu vải vóc mà nhóm này sưu tập và trình bày rất ấn tượng.
Các mẫu phác thảo về thuyền, về binh khí, cờ hiệu, về gốm, sứ và đồ dùng trong triều đình do các họa sỹ Phan Cẩm Thượng, Vũ Huy, Dân Nam chuẩn bị cũng rất phong phú.
Các mẫu phác thảo về bối cảnh do các họa sỹ Phạm Quốc Trung, Nguyễn Nguyên Vũ chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo của NSND Phạm Quang Vĩnh thì một số còn cần bổ xung, chỉnh lý thêm.
Đây mới chỉ là các Phác thảo đang vẽ, không phải các Phác thảo hoàn chỉnh để trình duyệt. Và từ phác thảo đến các bản vẽ thi công và triển khai thi công còn phải qua nhiều công đoạn, cần nhiều trí lực và thời gian nữa.
“Đưa đạo diễn vào quá trình sáng tạo” các bản vẽ phác thảo là việc rất cần thiết. Trong “Ban chuẩn bị Dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn” có nhiều đạo diễn. Họ đã đi thực tế, đi khảo sát và đã trực tiếp làm việc với các họa sỹ.
Từ ý kiến của ông Đỗ Minh Tuấn như vậy, và cũng vì tiến độ dự án, ông có cho rằng đã đến lúc tuyên bố chính thức đạo diễn chính của phim, người sẽ đứng ra điều hành và chỉ đạo nghệ thuật cho tất cả các khâu? Liệu có lý do gì tế nhị khiến ông vẫn chưa ra được quyết định chính thức về chức danh này?
- Đạo diễn chính và các thành phần chính khác của đoàn làm phim sẽ được quyết định trong thời điểm thích hợp.
Nhà khoa học cho rằng không được phối hợp, tham khảo ý kiến; nghệ sĩ cũng kêu ca không được tham gia dự án. Qua những ý kiến trên, ông có thấy cần phải thay đổi cách điều hành công việc của mình?
- Như đã trình bày trên, Hãng PTVN đang cùng cùng một số chuyên gia và một số cán bộ, nghệ sỹ, chuyên viên kinh tế... trong “Ban chuẩn bị dự án phim Thái Tổ Lý Công Uẩn” đang triển khai rất có hiệu quả công tác của mình để thúc đẩy dự án phim.
Tôi không nghĩ rằng mình đã điều hành công việc một cách hoàn hảo. Tôi sẵn sàng thay đổi phương pháp, nếu điều đó mang lại hiệu quả tốt hơn.
Sau buổi sơ duyệt vừa rồi, ông đã lên kế hoạch đưa các chuyên gia vào cuộc: ai sẽ tư vấn về thiết kế, xây dựng bối cảnh, chiến thuyền; ai chỉ đạo thiết kế trang phục; chuyên gia nào tư vấn về hình tượng, lễ nghi… cho các nhân vật hay chưa?
- Một số chuyên gia tôi vừa nhắc tên trên sẽ tham gia công tác thiết kế trang phục, chiến thuyền, đạo cụ diễn xuất. Các họa sỹ: NSND Phạm Quang Vĩnh, NSƯT Phạm Quốc Trung, NSƯT Vũ Huy, cùng các họa sỹ trẻ của Hãng PTVN như Nguyễn Nguyên Vũ, Dân Nam... sẽ phải hoàn thành các phác thảo về bối cảnh. Còn việc thiết kế xây dựng bối cảnh sẽ mời thêm các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc có kinh nghiệm làm cố vấn.
Trước mắt, cần hoàn thành kịch bản phân cảnh và dự toán phim. Sau khi dự toán và kế hoạch toàn trình bộ phim được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, mới có thể xúc tiến việc ký kết hợp đồng mời các chuyên gia tham gia bô phim và tiến hành xây dựng bối cảnh.
Có ý kiến cho rằng, bộ phim làm về thời điểm Vua Lý mới rời đô về Thăng Long. Theo lý luận thông thường, bối cảnh Thăng Long lúc đó mới được xây dựng sẽ còn nhiều ngổn ngang, chưa thể có thành trì nguy nga, kinh thành tấp nập trên bến dưới thuyền, sợ rằng sử dụng trường quay Trung Quốc với những bối cảnh lớn sẽ không phù hợp. Ông có băn khoăn không?
- Chưa ai kết luận sẽ "sử dụng trường quay Trung Quốc với những bối cảnh lớn", mà ngược lại trong bản báo cáo chính thức của Hãng PTVN trình bày trong buổi làm việc ngày 7/12/2007 đã khẳng định: Các bối cảnh lớn và quan trọng nhất sẽ được xây dựng và quay ở Việt Nam. Cụ thể như:
Cung Trường Xuân, Hoa Lư
Phủ Thân Minh Vương và Quận chúa Thiều Hoa, Hoa Lư
Điện Bách Bảo Thiên Tuế, Hoa Lư
Thành Đại La trên bến dười thuyền
Toàn cảnh Kinh thành Thăng Long.
Điện Càn Nguyên nơi vua thiết triều.
Sân Long Trì
Điện Long Thụy
Điện Linh Quang bên bờ sông Cái
Song song với việc thi công hoàn thành các bối cảnh trên, để đảm bảo tiến độ, có thể tiến hành quay một số nội và ngoại cảnh tại các phim trường Trung Quốc phù hợp với nội dung phim.
Theo sử sách, thành Đại La từ trước khi vua Lý Thái Tổ rời đô đã là: “đô cũ của Cao Vương... ở giữa khu vực trời đất, có thể rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước…”
Vua Lý Thái Tổ đã đặt tên kinh đô Thăng Long, đã tiến hành “ xây dựng cung điện ở trong thành Thăng Long phía trước dựng điện Càn Nguyên là chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Võ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi, bên tả làm điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh; đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành đào hào, bốn mặt thành mở bốn cửa, phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Đại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Đức…”
- Ta thấy thành Thăng Long xưa đã hoàn chỉnh, đẹp đẽ thế nào. Dù là phim lịch sử nhưng bối cảnh của phim cần đạt mức độ hoành tráng cần thiết, sao cho phù hợp với diễn biến cốt truyện, cũng như tâm lý người xem.
Nhưng tất cả chỉ mới là dự kiến của Hãng PTVN, chúng tôi còn tổ chức thêm các đợt khảo sát, chọn cảnh… mới có thể quyết định chính thức. Kế hoạch quay này sẽ được trình bày trong bản kế hoạch toàn trình và dự toán bộ phim, và phải trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Có ý kiến cho rằng sở dĩ dự án này bị “chia năm sẻ bảy” vì ai cũng có quan điểm riêng của mình và không thể thống nhất. Với tư cách nhà sản xuất, ông có tự tin sẽ xâu chuỗi được những ý kiến này và tìm ra cách triển khai hiệu quả nhất?
- Ai cũng có quan điểm riêng của mình là điều dễ hiểu, vì đây là một bộ phim lịch sử hoành tráng, từ trước tới nay điện ảnh Việt Nam chưa từng làm.
Tại sao "không thể thống nhất”? Tôi nghĩ tất cả mọi người đang thống nhất dưới quan điểm chính thức của Hãng PTVN về công tác triển khai phim này. Các nghệ sỹ đều là những người chuyên nghiệp, đều biết cách triển khai công tác hiệu quả, mà vẫn giữ phong cách của mình. Ban lãnh đạo Hãng PTVN với 3/5 người là nghệ sỹ, càng biết nâng niu và tôn trong phong cách các tác giả.
Và một điểm nữa, tôi nghĩ nghệ sỹ nào của Hãng PTVN cũng tâm đắc và mong muốn: Đó là trách nhiệm của những người làm công tác điện ảnh Việt Nam phải hoàn thành bộ phim “Thái tổ Lý Công Uẩn” với chất lượng cao nhất, góp phần xứng đáng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đồng thời ghi dấu ấn về làm phim lịch sử Việt Nam, đưa điện ảnh nước nhà bước lên một đẳng cấp mới, một tầm cao mới.
Xin cảm ơn ông!
- Hoàng Hường (Thực hiện)