(VietNamNet)- 14/1, đúng 1000 ngày nữa, Thăng Long- Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Đồng hồ đếm ngược đã khởi động để nhắc nhở những người có trách nhiệm rằng chúng ta đã bước vào thời kỳ nước rút. Hãy cùng điểm lại những công trình, những phần việc đang chuẩn bị cho đại lễ ngàn năm một thuở này.
>> 1000 ngày đếm ngược về Thăng Long nghìn năm
Xin được bắt đầu bằng những công trình văn hóa vật thể dự kiến sẽ phải hoàn thành đúng dịp đại lễ. Với những công trình này, không thể cứ xây xong, thấy không đạt yêu cầu thì phá đi làm lại được. Mặt khác, với những công trình văn hóa sẵn có giá trị, nếu chúng ta bảo tồn không đúng cách thì sẽ góp phần phá hủy chúng, làm chúng xuống cấp tệ hơn trước thời điểm 1000 năm Thăng Long. Đơn cử như công cuộc bảo tồn tôn tạo khu di tích Cổ Loa: Hiện, trong các dự án thành phần có dự án làm một con đường rộng chạy từ chợ Sa đến chợ Tó. Con đường này, vừa vi phạm chỉ giới "vùng đỏ" bảo vệ Cổ Loa, vừa phá một phần quan trọng mặt bằng của chính tòa thành cổ!
Giảm quy mô hoành tráng nhưng vẫn còn bay bổng
GS sử học Lê Văn Lan |
Là người Hà Nội gốc, GS Lê Văn Lan thấy phải có trách nhiệm với những công trình văn hóa mừng dịp này của quốc gia nói chung và Hà Nội nói riêng, nên đã đưa ra một hướng nhìn bám sát các văn bản pháp lý: "Giở lại những pháp lệnh, là những chương trình đã được phê duyệt ở cấp cao nhất của Thủ đô, là Thành ủy Hà Nội, với người ký là Bí thư Thành ủy, để xem diễn biến của những ý tưởng, những việc làm chuẩn bị trong 10 năm qua cho đại lễ. Có hai chương trình như thế đã được định ra: chương trình 05 Ctr/TU do nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 30/5/2001, và chương trình 08 Ctr/TU do Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị ký vào ngày 29/9/2006".
Theo gợi ý này của GS Lê Văn Lan, đối chiếu các hạng mục giữa hai văn bản, điều có thể thấy rõ sau 5 năm, đã có quá nhiều thay đổi trong những mục tiêu phải đạt được, đến năm 2010.
Từ chương trình 05 với hàng loạt những mục tiêu lớn, những ý tưởng mạnh mẽ, như: Phục dựng Điện Kính Thiên ở chính tâm Hoàng thành Thăng Long; Lập dự án và tiến hành bảo tồn, tôn tạo thí điểm các tuyến phố và ô phố trọng điểm trong phố cổ Hà Nội, thực hiện một bước quan trọng dự án giãn dân khu phố cổ Hà nội; Nghiên cứu, từng bước triển khai xây dựng một số tượng đài theo chủ đề về lịch sử: Thánh Gióng, An Dương Vương, Lý Thái Tổ; đài kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Toàn quốc kháng chiến, tượng đài Chiến thắng, tượng đài Thành phố vì Hòa bình, Công viên 1000 năm Thăng Long... Cải tạo các sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, cùng với bảo tồn các di tích văn hóa ở phụ cận; Lập dự án cải tạo, nâng cấp cầu Long Biên thành cầu dành cho người đi xe đạp và đi bộ - Cầu văn hóa... Những ý tưởng như kể trên, nếu thật sự làm được, sẽ khiến bộ mặt Thăng Long - Hà Nội nghìn năm xứng tầm một thủ đô đậm chất văn hóa như mong muốn của mọi người dân Việt.
Nhưng tiếc thay, bởi ta chưa đủ quyết tâm, chưa đủ thực lực, chưa đủ tập trung được trí tuệ... nên những ý tưởng lớn lao đầy lãng mạn ấy đã trở thành "nhiệm vụ bất khả thi", không thể kịp làm cho dịp kỷ niệm 2010.
Dường như, sau 5 năm, tính lãng mạn đã va chạm với thực tế khắc nghiệt, nên chương trình 08 đã bớt sự bay bổng vĩ mô, gút lại gọn gàng hơn chương trình 05. Chỉ còn 9 hạng mục công trình trọng điểm về văn hóa, trong đó có những việc như: Hoàn chỉnh quy hoạch bảo tồn tôn tạo Khu di tích thành cổ Hà Nội, bảo tồn tôn tạo một số hạng mục (không nhắc gì đến điện Kính Thiên); Khu di tích Cổ Loa: triển khai và hoàn thành dự án 5 thành phần, hoàn thành xây dựng Cửa ô phía Nam, hoàn thành xây dựng Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội; Dự án bảo tồn thí điểm một ô phố cổ Hà Nội...
Nhưng với nhiều người thực tế, thì sự điều chỉnh thu nhỏ tầm quy mô như vậy vẫn còn tính lãng mạn, bay bổng, và cũng khó hoàn tất đúng dịp 2010. Mặt khác, chỉ với những phần việc khá khiêm tốn như chương trình 08 đề ra, thì dù có hoàn thành hết, cũng không xứng tầm Đại lễ Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Vì đó là những đầu việc mà thông thường thì thành phố nào cũng cần phải thường xuyên làm, chẳng cần phải là Thủ đô, chẳng cần chờ đến khi tròn 1000 tuổi.
Nghĩa là, sự điều chỉnh quy mô từ chương trình 05 đến chương trình 08 chỉ là sự thu giảm, rút bớt các hạng mục, chứ không phải là sự điều chỉnh cách nhìn nhận vấn đề và các phương pháp thực hiện tối ưu.
Không thể không lo lắng vô cùng...
Mặc dù đã cắt bớt nhiều hạng mục như vậy, nhưng GS Lê Văn Lan vẫn cứ thấy băn khoăn, vì soi công trình nào, cũng thấy đáng lo về tính hoàn thiện, về khả năng hoàn thành đúng dịp Đại lễ. Ông nói: "Còn chưa đến 3 năm, nên tính là 2 năm thì đúng hơn, vì bắt đầu vào năm 2010, không khí Đại lễ 1000 năm phải là hiện thực ở Hà Nội rồi. Nếu đến lúc ấy mà vẫn còn cảnh "đại công trường" gấp gáp, cố gắng làm cho xong thì sẽ phá hỏng không khí Đại lễ". Chưa kể, kinh nghiệm những thứ làm cho nhanh đều hỏng, như tiếng xấu của công trình tượng đài Điện Biên Phủ, mà GS Lan đã tránh nhắc tới.
Có thể thấy điều này qua công trình Cửa ô phía Nam mới phát sinh trong chương trình 08. Đã tổ chức rùm beng lễ xác định địa bàn - địa điểm, thi thiết kế rồi rơi tõm vào im lặng, và cho đến thời điểm này, tiến độ vẫn "chưa đâu vào đâu". Theo thông tin từ ông Nguyễn Trọng Tuấn - Trưởng văn phòng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - thì các mẫu thiết kế đã bị Thành ủy Hà Nội bác, vì chưa đủ tầm, nên 75 ha đất dành cho công trình đã bắt đầu san nền từ mấy năm nay, vẫn còn bỏ đó. Tuy ông Tuấn khẳng định "Đây là công trình thiên niên kỷ, phải tập trung làm, chưa đủ tầm thì ra đề bài, rồi mời chuyên gia nước ngoài tham gia, còn một năm vẫn có thể xây kịp", nhưng xem ra việc thực hiện không đơn giản như thế. Từ ý tưởng trên giấy đến công trình thực tế là cả chục công đoạn: thi thiết kế, sửa và hoàn chỉnh thiết kế được giải, chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thi công... Toàn là những phần việc cần thời gian, không thể là chuyện một sớm một chiều.
Hỏi GS Lê Văn Lan về dự án thí điểm cải tạo một ô phố cổ Hà Nội, ông bảo nên dùng câu "than thở" của Nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc "Phố cổ thì tôi chán lắm rồi, không muốn nói nữa". Dự án này đã có từ cả chục năm trước, đã thông qua, đã chọn ô phố cổ nằm trong 4 đường Hàng Ngang - Hàng Cân - Hàng Bồ - Thuốc Bắc để mổ xẻ cho hết những vấn đề, mới mong có được ý tưởng hợp lý để cải tạo. Bao năm chẳng thấy tiến triển gì nhiều, giờ lại chọn một ô khác (là Hàng Bạc - Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện). Mọi việc triển khai đều quá từ từ, trong khi người dân phố cổ vì không chịu nổi cảnh sống quá chật chội, cũ nát, đã tự bung ra khắp phía, tự sửa sang nâng cấp quá nhiều. E rằng đến lúc ta chính thức cải tạo thì chẳng còn gì là phố cổ để cải tạo nữa.
Đụng đâu cũng thấy vướng, nhiều công trình đang triển khai có nguy cơ chậm tiến độ, không trách GS Lê Văn Lan không thể yên tâm về các công trình đã được đánh giá là trọng điểm của Thành ủy Hà Nội. Đã thế, trong thông báo số 234 - TB/TU ngày 13/8/2007, Thường vụ Thành ủy Hà Nội còn đề nghị bổ sung thêm ba công trình: Xây dựng Tháp Ngàn năm Thăng Long, Xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ, Tôn tạo, bảo tồn và nâng cấp đền thờ Lê Thái Tổ, và bổ sung hạng mục: Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn vào danh mục công trình công viên, tượng đài.
Ý tưởng xây dựng đền thờ Lý Thái Tổ vừa đưa ra đã bị đại đa số các nhà văn hóa, khoa học phản đối mạnh mẽ bởi "sự tùy tiện, không hệ thống". GS Lê Văn Lan nói rõ: "Tôi đã gợi ý, nếu Hà Nội vẫn nhất định muốn làm, không cần tính toán gì đến điều kiện khả thi, ý nghĩa giá trị, thì chỉ còn một chỗ là Nhà Bát giác sau tượng đài Lý Thái Tổ. Nhưng chỉ tượng đài ở đó đã chật rồi, giờ lại xây đền thờ ở một trung tâm không có giá trị tín ngưỡng tâm linh là vườn hoa Nhà kèn, sau tượng ông Paul Bert (thống sứ thời Pháp) và ngay trước ngân hàng. Vị trí không đắc địa, không gian chật chội, thiếu giá trị tâm linh. Thờ phụng vua Lý Thái Tổ ở đó. vừa không đắc địa, vừa không khả thi". GS còn khẳng định chắc nịch "Không nên xây đền thờ Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội nữa, vì đã có đền thờ Ngài ở quê hương Bắc Ninh (chỉ cách Hà Nội 30 km), và đã có tượng đài Ngài ở Hà Nội rồi. Nếu trong quá khứ đã xây đền thờ thì bảo tồn, tôn tạo, còn bây giờ mới đề xuất xây mới, là kệnh về tư duy thời đại, về lịch sử văn hóa".
Còn nhớ, trong cuộc họp bàn về ý tưởng xây tháp báo Thiên, những người tham gia đã phải "nài xin" đừng vẽ thêm công trình mới, để tập trung gút lại những việc đang làm. Ba ý tưởng bổ sung thì đến hai ý tưởng đã bị phản biện mạnh mẽ.
Hỏi nhanh một vài nhà Văn hóa như GS Phan Huy Lê, KTS Nguyễn Trực Luyện, PGS Nguyễn Văn Huy... cũng nhận được những ý kiến đồng cảm với GS Lê Văn Lan, rằng chỉ những công trình đề ra trong chương trình 08 đã mờ mịt lắm rồi, không nên vẽ rắn thêm chân nữa. "Nhìn toàn cảnh thì không thể không lo lắng vô cùng", KTS Nguyễn Trực Luyện giãi bày.
"Trong tất cả tham luận, tôi đều thiết tha đề nghị những người có trách nhiệm nhất hãy ngồi lại với nhau đi, chứ không phải những người chỉ có tâm huyết. Thăng Long - Hà Nội ghi nhận tấm lòng, nhưng ở đây là trình độ, khoa học, trách nhiệm. Hãy cùng kiểm điểm lại cho thật khoa học, chặt chẽ về tất cả những việc đã đặt ra. Nếu thấy rằng có những việc không làm kịp, hoặc không làm được, thì công khai xin lỗi rằng chúng tôi dự kiến thế này, nhưng đã không làm được, giờ chúng tôi cố gắng để nhất định chỉ làm được thế kia thôi. Xin lỗi với bây giờ, tạ lỗi với tiền nhân và cáo lỗi mai sau. Đó là giải pháp công minh". - GS Lê Văn Lan khẩn khoản.
-
Khánh Linh
Ý kiến của bạn: