221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1031517
Vận mệnh dân tộc tạo nên hào khí Đông A
1
Article
null
Vận mệnh dân tộc tạo nên hào khí Đông A
,

 -  Lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và lợi ích chúng sinh làm điểm căn cốt trong quá trình tu tập của mỗi cá nhân. Những người tu theo hạnh Bồ Tát mà không đặt lợi ích dân tộc, lợi ích chúng sinh, lợi ích nhân loại lên trên hết thì không phải là thiền Trúc Lâm Việt Nam.

   Bấm vào đây để nghe ca khúc Bay lên Việt Nam

Thượng tọa Thích Thanh Quyết
Cận tết trời rét lạ, phải hơn 10 năm rồi mới có một đợt rét đậm rét hại đến như thế. Mưa bụi giăng giăng mờ ảo, những bóng người to sụ vì áo đơn áo kép đi nép vào vỉa hè, tay xách nách mang dáng chừng vội vã.

Cổng chùa Phúc Khánh đông nghẹt. Mặc dù đã hẹn trước với Thượng tọa Thích Thanh Quyết một cuộc trò chuyện cuối năm về thiền Việt Trúc Lâm nhưng vẫn phải chờ khá lâu. Phật sự cuối năm của dòng thiền tích cực nhập thế chẳng nói thì ai cũng rõ. 

Chờ mãi rồi cũng gặp. Trong bộ nâu sồng trang nhã, Thượng tọa Thích Thanh Quyết bình lặng nghe câu hỏi: Phật giáo thời Trần có gì khác với phật giáo thời Lý? Tại sao dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử lại gắn bó chặt với thế sự về mọi phương diện, cùng với vương triều Trần ba lần chặn đứng vó ngựa của đội quân dũng mãnh nhất, thiện chiến nhất thế giới lúc bấy giờ, lập nên chiến công ngời chói sử xanh?

Thượng tọa Thích Thanh Quyết mỉm cười và từ tốn giải mối nghi: Nói về chốn tổ Yên Tử thì cả nước không ai không biết, những người nghiên cứu phật giáo, lịch sử phật giáo trên thế giới đều thống nhất ở một điểm căn bản: Tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm là đặc thù tạo nên phật giáo Việt Nam. Dòng thiền này lấy lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và lợi ích chúng sinh làm điểm căn cốt trong quá trình tu tập của mỗi cá nhân. Những người tu theo hạnh Bồ Tát mà không đặt lợi ích dân tộc, lợi ích chúng sinh, lợi ích nhân loại lên trên hết thì không phải là thiền Trúc Lâm Việt Nam.

Dòng thiền này xuất sinh từ thời Bắc thuộc, trải dài qua các triều đại đến Đinh, Lê, Lý và đến thời Trần thì thực sự thăng hoa. Đây là sự thăng hoa của cả quá trình hơn 1000 năm vặn xoáy, cộng với văn hóa dân tộc, cộng với tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán người Việt. Tất cả hòa quyện lại với nhau tạo nên dòng thiền Trúc lâm Yên Tử.

Một số dòng thiền khác trên thế giới cũng có sự cộng hưởng với lợi ích dân tộc nhưng chỗ mờ chỗ nhạt chứ không đậm nét như thiền Việt Nam.

Lăng và tượng Trần Nhân Tông trên Yên Tử.
Sự thăng hoa của thiền phái Trúc Lâm thực chất chỉ khoảng 50 năm nhưng trong thực tế thì tư tưởng, tinh thần của nó đã tan hòa trong cuộc sống thường nhật của người tu hành, phật tử tại gia. Các cụ đã để lại đôi câu đối rất hay nói về chính điểm này: Hoằng dương phật pháp, lợi lạc quần sinh / Phụng sự tổ quốc, bảo vệ hòa bình...

Nhân Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói về "lợi lạc quần sinh", "lợi ích dân tộc, lợi ích nhân loại" bất chợt nảy sinh một mối liên hệ: Đức Trần Nhân Tông đã từng tu phật trước khi lãnh đạo 2 cuộc kháng Nguyên Mông vĩ đại. Điều đó đã thể hiện tính nhập thế cao độ, lúc thiên hạ yên bình thì tham thiền nhập định, thuyết giảng từ bi, bác ái, khoan hòa; khi đất nước gặp cơn nguy biến thì cầm gươm hiệu triệu toàn dân ra trận. Thái độ đàng hoàng dứt khoát gồm đủ cả ở cương vị ông vua và ở cương vị tổ phái Trúc Lâm. Thượng tọa Thích Thanh Quyết đồng ý và dẫn thêm:

Ở tuổi 35, Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng đi tu tạo nên sự ngưỡng mộ của toàn dân. Thiền phái Trúc Lâm thăng hoa đúng vào lúc đó là đương nhiên. Trước Trần Nhân Tông đã có Thái Tông viết Khóa hư lục đặt nền tảng cho phật giáo Việt Nam nhưng đấy là sự chuyển giao từ Lý sang Trần nên còn nhiều chỗ sống sượng, chưa yên. Sau khi lãnh đạo dân tộc 2 lần chiến thắng oang liệt quân Nguyên, đức vua Trần Nhân Tông lại gác kiếm, từ bỏ ngai vàng để xuất gia. Xuất gia cũng để giảng về đạo lý làm người, giúp dân cởi bỏ tính xấu, tính ích kỷ hướng đến lợi ích chung của cả dân tộc. Vì thế, tăng ni, phật tử, dân chúng cuộn về với tổ phái Trúc Lâm, với vương triều nhà Trần. Việc lớn nước nhà không có gì mà không thành công. 

Dấu nền am Ngọa Vân.
Tinh thần phật Việt góp phần tạo nên hào khí Đông A và đến lượt hào khí Đông A hỗ trợ cho sự thăng hoa của Phật Việt. Cả hai hòa quyện, cuộn xoắn với nhau không thể tách rời vì mục đích chung: lợi lạc quần sinh, lợi ích dân tộc, lợi ích nhân loại. Cũng nên biết thêm, khi đó ở phía Nam thì quân Nguyên đã tràn qua Trung Quốc, ở hướng Bắc thì đã tràn qua cả một phần nước Nga uy hiếp châu Âu. Nhà Trần chiến thắng đội quân hung hãn, thiện chiến này, làm chúng nhụt nhuệ khí và tan rã dần cũng chính là việc "lợi ích nhân loại".

Trầm ngâm giây lát, Thượng tọa Thích Thanh Quyết rành rẽ nói thêm: Còn một điểm quan trọng nữa sẽ cần cho mọi triều đại, mọi thời là tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm gắn liền với tư tưởng "công thành, thân thoái" của dân tộc. Trong tâm thức mỗi người dân Việt đều lưu giữ huyền thoại Thánh Gióng đánh xong giặc thì bay về trời. Đến thời Trần tư tưởng ấy lại bừng nở qua sự thăng hoa của các vua Trần. Ngay khi đạt đỉnh cao của sự nghiệp thì lui về nhường bước cho giới trẻ. Tư tưởng này thời nào cũng cần đến, hào khí bao giờ cũng ở những người trẻ.

Tư tưởng "công thành, thân thoái" mà Thượng tọa Thích Thanh Quyết vừa dẫn ra không có gì mới nhưng thực hiện được thì lại rất khó. Có lẽ, các vua Trần làm được bởi vì các ngài ở ngôi thế tục chí cao lại kiêm luôn cả ngôi vị tổ thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc rất riêng của người Việt. Dường như nhìn thấu nỗi băn khoăn về tư tưởng này, Thượng tọa giải đáp ngay mà không cần câu hỏi trực diện: Theo tôi là không khó, vấn đề là ta có dám hy sinh không? Phật tổ thành Phật khi mới 35 tuổi, Trần Nhân tông cũng giác ngộ và đắc pháp khi mới hơn hai mươi tuổi, Đệ nhị tổ Pháp Loa đi tu khi 21 tuổi, sau 3 năm đã kế vị  Đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Nếu 24 tuổi mà vẫn ngồi nhà, không được hướng dẫn, không được giao quyền lực thì chắc vẫn còn chơi bời lẫn trong chúng sinh. Có cờ trong tay thì mới phất, và chỉ người trẻ phất mới khỏe.

Về điểm này có thể dẫn chính sử ra để chứng minh: Nhà Trần rất biết học và rất biết cách dùng các tài năng trẻ. Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được trao chức Thái sư kiêm luôn Thái Úy, đứng đầu cả hai ban Văn, Võ trong triều khi mới 18 tuổi. Năm 1247, lần đầu tiên nhà Trần mở khoa thi lấy đỗ tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) và chúng ta có những nhà khoa bảng rất trẻ: Nguyễn Hiền đỗ trạng khi mới 13 tuổi, Đặng Ma La đỗ Bảng nhãn khi mới 16 tuổi, Lê Văn Hưu đỗ Thám hoa khi mới 18 tuổi. Tuổi trẻ, tài cao, đỗ đạt xong là được bổ nhiệm ngay vào những chức vị quan trọng nhất của triều đình. Sử gia Lê Văn Hưu mới 18 tuổi nhưng đã là thầy dạy cho Thái Sư kiêm Thái Úy Trần Quang Khải. Cờ đã vào tay đúng người tài cao trẻ tuổi và họ đã phất lên hào khí Đông A chói ngời sử Việt. 

Câu chuyện cuối năm càng lúc càng hào hứng, chuyện Phật Việt xoắn cuộn với chuyện đời thực hôm nay...

Kỳ sau: Lấy tâm của dân làm tâm của mình

  • Khánh Linh - Quang Hải

Quan điểm, cảm xúc của bạn về hào khí dân tộc? Mời tham gia ý kiến tại đây:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,