- Trúc Lâm quốc sư khuyên vua Thái Tông: "lấy ý muốn của dân làm ý muốn của bệ hạ, lấy tâm của dân làm tâm của bệ hạ". Vua nhận ra ngay và đó mới là thiền Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết. |
Có thể hiểu rằng lý tưởng về một xã hội công bằng, văn minh và hòa bình, hạnh phúc là lý tưởng Chủ nghĩa xã hội và đó cũng chính là biểu hiện của đức từ ái thiền phái Trúc Lâm?
- Đạo Phật lấy từ bi, trí tuệ, bác ái... làm đích đến. Để giải mã rộng thêm thì từ bi, trí tuệ, hòa bình, bác ái, nhân cách... đều là những nấc mà chủ nghĩa xã hội phải cần đến. Lý tưởng cao nhất của Chủ nghĩa xã hội và của Phật giáo đều nhằm đạt đến đó.
Điểm này chính là tinh thần của hạnh Bồ Tát: Nếu thế gian còn một chúng sinh đau khổ thì ta còn ở lại để độ. Thiền Trúc Lâm biểu hiện cụ thể như thế nào?
- Các bồ tát đều có nguyện rộng lớn như thế. Nếu còn một chúng sinh nào chưa giác ngộ, còn đau khổ thì ta nguyện không thành Phật để cứu độ chúng sinh ấy, ta nguyện thành Phật cuối cùng khi tất cả chúng sinh được hưởng hạnh phúc. Thiền đại thừa là thế, thiền Trúc Lâm cũng thế.
Cụ Trần Nhân Tông làm vua lúc còn rất trẻ và là minh quân lập nên những chiến công hiển hách nhưng Trần Nhân Tông đã nhìn thấu suốt: làm vua chỉ giải quyết được một nấc độ, còn một nấc độ cao hơn cần phải giải quyết là tinh thần của chúng sinh. Thắng giặc rồi nhưng dân chúng còn khổ nên Trần Nhân Tông lại xuất gia để cống hiến cho đạo pháp dân tộc một lần nữa. Cống hiến cho đạo Pháp là cống hiến cho dân tộc và ngược lại. Nhưng vì nhận thức của chúng sinh khác nhau, có người còn phân tích đạo pháp khác với dân tộc nên Trần Nhân Tông phải chuyển từ Vua thành Phật. Bởi có những điều vua nói dễ hơn, có điều Phật nói dễ hơn. Trần Nhân Tông dù ở tư cách là vua hay về sau với tư cách Phật, đều lợi lạc cho dân tộc, cả hai đều là cứu độ chúng sinh.
Có một điểm băn khoăn rằng Phật giáo vào VIệt Nam khá sớm, đến triều Lý, những kiệt tác thơ văn mang màu sắc thiền phát triển rực rỡ còn hơn cả thời Trần và triều Lý kéo dài 200 năm với sự hòa ái bình lặng. Còn thời Trần lại có một sự bừng khởi vượt trội, khi lợi ích cá nhân, lợi ích dân tộc được hoà quyện thăng hoa lên một tầm rất cao. Tại sao từ một nguời chèo đò, một cậu bé chưa đến tuổi cầm gươm đều cảm thấy hào khí trỗi dậy trong mình khi đất nước lâm nguy. Ở trên, Thượng tọa đã nói rằng "trải qua cả 1000 năm vặn xoắn, hòa quyện đến thời điểm thích hợp mới có sự thăng hoa và thời gian thăng hoa cũng không dài, sau đó cái hào khí ấy chuyển thành lương năng nuôi dưỡng tinh thần không chỉ người nhà Phật mà tất cả chúng sinh đến tận bây giờ và sẽ tồn tại mãi về sau. Ở thời điểm hiện tại, Thượng tọa có cho rằng hào khí đó đã chớm có sự thăng hoa?
- Mọi sự vận động nếu đã đến điểm thăng hoa thì đều thăng hoa không dài, dù quá trình chuẩn bị rất dài. Rất may, tinh thần của nó đã chuyển hóa theo kiểu dân gian hóa, đi vào từng làng từng bản, từng con người một, đi vào phong tục tập quán, lễ nghi, văn hóa. Tư tưởng Trúc Lâm vẫn tồn tại trong lòng dân tộc và tôi tin sẽ có một cơ duyên sống lại, phát lại, cuộn lại trong một trạng thái khác. Tư tưởng Trúc Lâm vẫn là nòng cốt, kết hợp với văn hóa và tư tưởng thời đại.
Tượng Trần Nhân Tông |
- Tìm ra Yên Tử chí ít là các cụ thời Lý, tương truyền xa hơn nữa còn có cụ An Kỳ Sinh. Nhưng đến thời Trần thì nhận ra rõ ràng hơn vị trí quan trọng của Yên Tử và Lục Đầu Giang. Ngay khi Thái Tông lên ngôi đã nhìn ra vị thế này của Yên Tử. Như tôi đã nói, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm là đời - đạo hài hoà, lợi ích chúng sinh là lợi ích của đạo, lấy tâm của dân là tâm của mình, ý muốn của chúng sinh là ý muốn của mình, đấy là tư tưởng Bồ Tát, tư tưởng tối thượng thừa thiền. Trúc Lâm quốc sư khuyên vua Thái Tông: "lấy ý muốn của dân làm ý muốn của bệ hạ, lấy tâm của dân làm tâm của bệ hạ". Vua nhận ra ngay và đó mới là thiền Việt Nam.
Hiện thời, chủ nghĩa kỹ trị đã tràn vào, ngoài những lợi ích vật chất thấy được thì nó cũng làm đổi khác đời sống tinh thần của người Việt. Có cách nào để chúng ta tiếp nhận được những tinh hoa nhân loại, làm giàu thêm tư tưởng nhận thức của dân tộc mà không phải tiếp nhận cả những hệ lụy của nó?
- Khi mở cửa thì có nhiều điều tốt, gió lành đến nhưng gió độc cũng đến, mùi thơm hay không thơm đều có. Theo Phật dạy thì tham sân si, lòng ích kỷ, đố kỵ, ghen ghét, thói hư tật xấu của con người thì luôn có, chỉ có thành Phật mới có thể hết được. Nói như thế không có nghĩa là đợi thành phật mới thoát được, mà muốn thế chúng ta phải từng bước nhận thức vấn đề này. Hiện nay đất nước ta đứng trên nhiều thử thách mới, về kinh tế thì dễ giải quyết, nhưng tư tưởng đạo đức thì rất cần thời gian, cần cả một quá trình.
Nhà nước đưa ra những định hướng, như 2007 vừa rồi nổi lên việc giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này rất cần thiết. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng dùng 10 điều thiện để giáo dục dân thời Trần. Thời đó chúng sinh gần như theo hết. Khi vận mệnh dân tộc lâm nguy trước quân Nguyên Mông thì toàn dân tâm phật nên gạt bỏ được rất nhiều tính tư lợi, tham sân si, đạt được nhận thức trí tuệ; nhân tâm quy về một mối nên đã đánh và thắng lớn. Tôi nghĩ trong thời đại hiện nay, cần tiếp tục khêu gợi những giá trị tinh thần hàng ngàn đời nay cha ông ta để lại, giá trị ấy nằm trong gen người Việt, kết hợp với tư tưởng mới, từng bước sẽ tránh được những cái xấu ác.
-
Khánh Linh - Quang Hải