221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1032017
Gióng cồng chiêng Tây Nguyên trên đất Mỹ
1
Article
null
Gióng cồng chiêng Tây Nguyên trên đất Mỹ
,

 - Với thế giới, nhất là dưới mắt các chuyên gia UNESCO, những người bảo tồn di sản thì họ tôn trọng những gì nhân bản, đời thường ở trong người dân, chứ không phải những thứ được cải biên.

Bấm vào đây để nghe ca khúc Bay lên Việt Nam

PGS-TS Nguyễn Văn Huy
Tháng 7/2007, lần đầu tiên, các nghệ nhân dân gian Việt Nam, các hoạt động trình diễn văn hóa dân gian Việt Nam được tôn vinh trên khu quảng trường trung tâm, thủ đô Washington (Mỹ) trong lễ hội dân gian Smithsonian lần thứ 41 với chủ đề "Mekong kết nối các nền văn hóa".

Đoàn Việt Nam tham gia lễ hội với 11 loại hình di sản (chọn từ hơn 50 loại hình đã được nghiên cứu), cùng 39 nghệ nhân dân gian được chọn lựa từ các vùng thuộc lưu vực sông Mekong của Việt Nam: Điện Biên, Kon Tum, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long.

Lần xuất hiện đầu tiên ấy để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng những du khách cả Việt Nam và quốc tế có mặt tại lễ hội. Không thể không liên tưởng đến hoạt động mời các thợ thủ công, nghệ nhân dân gian đến trình diễn trực tiếp, vốn là một đặc sản của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Đó là lý do dẫn đến cuộc nói chuyện của VietNamNet với PGS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những ngày cuối năm, xoay quanh chủ đề Đưa Văn hóa Việt ra với thế giới.

Có võ đoán không khi nói rằng, ý tưởng đưa các nghệ nhân dân gian đến với Lễ hội Smithsonian bắt nguồn từ ông?

- Quả thật, trong tôi hình thành ý tưởng đưa văn hóa dân gian Việt Nam đến Mỹ từ năm 1990, khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến Mỹ theo lời mời của Viện Smithsonian. Đúng hơn, đó là một giấc mơ từ thưở xa xưa, xa vời với cả những người Mỹ mời tôi sang đó. Nhưng nếu không có ý tưởng đầu tiên, không có tầm chiến lược 15 - 20 năm vun đắp để thiết lập mối quan hệ, để quan niệm về tri thức xích lại gần nhau thì không thể có lần ra mắt ấn tượng này, bởi "khi chưa hiểu nhau thì không thể đi chung trên một con đường".

Công đoạn chuẩn bị cũng phải trên dưới 5 năm từ cả hai phía, Mỹ và Việt Nam, mà tôi chỉ là một thành viên tham gia hội đồng tuyển chọn thôi. Viện Smithsonian ban đầu muốn mời Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tham gia, nhưng tôi đề nghị sự kiện lớn thế này nên ở tầm quốc gia, nên Cục Di sản mới là đơn vị đầu mối.

Văn hóa Việt có bao dịp ra nước ngoài, nhưng đây lại là lần đầu tiên nghệ nhân dân gian có mặt trực tiếp. Dường như có sự khác nhau lớn trong quan niệm tiếp cận văn hóa giữa ta và họ? Bấy lâu nay, cách quảng bá văn hóa phổ biến nhất của ta là đưa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ra nước ngoài biểu diễn? Ông bình luận gì về xu hướng này?

4.jpg 7.jpg 5.jpg
Cồng chiêng Tây Nguyên ngân vang tại Lễ hội Smithsonian (Mỹ)
- Quả thật, văn hóa Việt ra nước ngoài phần lớn là các đoàn văn công chuyên nghiệp. Có lẽ họ nghĩ rằng chỉ các nghệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, có trình độ cao mới có thể đưa ra nước ngoài mà không bị đánh giá thấp. Còn những người dân gian trình độ hạn chế, biểu diễn hạn chế, giao tiếp với quốc tế không được. Vậy nên kể cả khi đưa các loại hình văn hóa dân gian, như múa rối nước thì cũng chỉ cử Nhà hát múa rối nước Thăng Long hay Nhà hát múa rối nước trung ương, còn những phường múa rối nước dân gian (Đào Thục, Hồng Phong, Nguyên Xá...), cả mười mấy phường đều không trong tầm ngắm của các nhà quản lý văn hóa. Bao thập kỷ qua, chúng ta đều quen nhìn nhận dưới giác độ đó.

Giác độ thứ hai là Các đoàn nghệ thuật thường được đưa đi dưới dạng bình cũ rượu mới, cải tiến, nâng cao, làm mới những cái truyền thống để thích hợp với cái đương đại, thỏa mãn được nhu cầu của cuộc sống hiện nay.

Đó là hai cách tiếp cận khác nhau. Với thế giới, nhất là dưới mắt các chuyên gia UNESCO, những người bảo tồn di sản thì họ tôn trọng những gì nhân bản, đời thường ở trong người dân, chứ không phải những thứ được cải biên. Viện Smithsonian cũng tiếp cận theo cách ấy, bằng việc trình diễn nghệ thuật được cộng đồng tiếp cận, để những con người bình thường nắm vững và bảo tồn được tri thức văn hóa ở cộng đồng. 

Những hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mà ông khởi xướng, như việc mời các nghệ nhân đến bảo tàng trình diễn trực tiếp, để khách tham quan có dịp được trải nghiệm, cũng là học theo cách tiếp cận ấy?

- Sau lần tham dự lễ hội Smithsonian năm 2000, tôi thật sự thấm thía rằng có một khoảng cách rất xa trong Quan niệm tiếp cận của ta và quốc tế và Mỹ nói riêng trong việc phát huy và bảo tồn di sản văn hóa. Với họ, di sản văn hóa dân gian, di sản truyền thống phải được bảo tồn, lưu giữ, phát triển ở ngay cộng đồng thì mới sống lâu bền được. Vậy nên tôi quyết tâm ứng dụng vào Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ đó đến nay. Có thể nói, đó là những trải nghiệm, là bước đệm tập dượt về quan niệm, phương pháp tiếp cận cho lần trình diễn đàng hoàng trước quốc tế vừa rồi.

Với cách tiếp cận mới này, quá trình đưa các nét văn hóa dân gian ra quốc tế vừa là bảo tồn di sản hiệu quả, vừa quảng bá văn hóa Việt phong phú hơn, đa dạng hơn?

- Theo tôi, không chỉ là chuyện đưa văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, mà quan trọng nhất là rút ra những bài học cho cách tiếp cận văn hóa của chính chúng ta. Những festival những ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc, đến festival từ Bắc vào Nam, thậm chí cả festival cồng chiêng Tây Nguyên... đều tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng chỉ nặng về hoạt động trình diễn trong những quảng trường, không thấy điểm khác nhau đặc sắc. Lẽ ra những lễ hội như thế phải gắn với dân hơn, gắn với cộng đồng hơn, bớt những trình diễn mang tính phô diễn, hình thức. Đó phải là những cuộc trình diễn DI SẢN SỐNG.

Từ đó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề: Ta quan hệ với chủ thể văn hóa ra sao? quan hệ về nghiên cứu như thế nào? Đưa thông tin về nghề nghiệp cho người dân ra sao? quan hệ truyền thông thế nào?

Nước Việt ta có 54 tộc người, nghĩa là có 54 nền văn hóa khác biệt. Liệu có quá khó khăn để chọn những nét văn hóa tiêu biểu để quảng bá với thế giới? 

- Đã có một quan niệm sai lầm trong chúng ta rất nhiều năm nay về sự tiêu biểu. Nhận thức của tôi là không bao giờ dùng khái niệm tiêu biểu với văn hóa dân tộc. Tôi dùng khái niệm đại diện, cũng là theo chỉ dẫn của UNESCO thôi. Khi chọn văn hóa đại diện thì không cần sự lựa chọn hơn kém, còn tiêu biểu thì cần so sánh hơn kém, tại sao lại bảo áo dài hơn áo tứ thân, áo bà ba? Liệu áo dài đó có đúng tiêu biểu chưa? Nhưng đúng, áo dài Việt Nam là đại diện. Hãy dùng khái niệm đó để lựa chọn các di sản văn hóa để tôn vinh trong nước cũng như quốc tế.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thành công cũng nhờ triết lý đó. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng nhà tiêu biểu cho người Dao phải là nhà đất, bằng gỗ, lợp mái ngói. Bởi người Dao đỏ chiếm đại đa số, và họ ở nhà đất. Nhưng với tư cách giám đốc, tôi chọn nhà nửa sàn nửa đất của nhóm người Dao du canh du cư, nghèo khổ nhất, bởi tôi muốn nói với xã hội câu chuyện về nhóm thiểu số còn nhiều hạn chế, thiệt thòi trong cuộc sống. Như thế, việc lựa chọn văn hóa sẽ phong phú hơn, đa dạng hơn, đi vào cuộc sống hơn, không cứng nhắc theo kiểu cứ VN là "áo dài", mỗi vùng sẽ có nét riêng, thích ứng với khí hậu và phong cách riêng của họ?

Cái nhìn đa dạng làm văn hóa của ta khỏe lên, tạo nên sức sống của nền văn hóa, là sự thích ứng của con người với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội.

  • Khánh Linh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,