- Chiến thắng Đông Bộ Đầu năm 1258 đến nay vừa tròn 750 năm, non thiêng Yên Tử năm 2008 này cũng sẽ hiển sáng Phật Việt Trúc Lâm khi tổ chức UNESCO chọn làm nơi tổ chức đại lễ Phật Đản cho toàn thế giới. Hào khí Đông A, hào khí Việt Nam lại một lần nữa đi vào trái tim nhân loại.
Bấm vào đây để nghe ca khúc Bay lên Việt Nam
Sách Đại Việt sử ký toàn thư phần chép chiến thắng Đông Bộ Đầu năm 1258 cũng không khác: "Ngày 24, vua và Thái Tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man [23a] ra tập kích, lại cả phá bọn chúng."
GS sử học Hà Văn Tấn hào sảng bình luận: " Hẳn chiến thắng oanh liệt của Đại Việt đã có tiếng vang lớn nên Ra-sít ut-Din, nhà sử học thành Hamadhan ở tận phía tây của châu Á mới chép vào bộ sử của mình những dòng trên".
Chắc chắn, sử gia Fazl Allah Radsid ud Din sống tận Tây Á ở thế kỷ 13 không biết nước Đại Việt nhỏ đến mức nào nhưng sức mạnh của đội quân Tugan thì ông biết rất rõ: "Những đoàn kỵ binh Mông cổ ồ ạt kéo sang phương Đông và phương Tây, gieo rắc kinh hoàng và chết chóc xuống những vùng xa hơn ở châu Âu và châu Á".
Vó ngựa của Nguyên Mông đã tràn qua Trung Quốc rồi quay lên phía Bắc nuốt chửng Khô-re-mơ. Năm 1221, quân Nguyên Mông tràn qua Azerbajdzhan, Gruzia và thẳng tiến qua thảo nguyên Nam Nga đến tận trung bộ sông Volga. Năm 1240 quân Nguyên Mông tấn công thành Kiev, đốt trụi Krakow, đánh tan liên quân Đức-Ba Lan. Tháng 12 năm 1241, quân Nguyên Mông vượt qua sông Danube đánh chiếm Hungary...
Sức mạnh của đội quân thiện chiến làm cả thế giới khiếp sợ như vậy tại sao lại bị quân dân Đại Việt chặn đứng, 3 lần tràn sang là cả 3 lần thảm bại? Nhà Trần đã hội đủ những yếu tố nào để tạo nên hào khí Đông A mà các sử gia trên thế giới đều công nhận? Liệu có phải do tính huyết thống của một dòng họ chài cá ven biển khi lên nắm quyền thì luôn giữ quan điểm mở đón gió bốn phương nên hội tụ được tinh hoa của khu vực?
Trò chuyện với GS Lê Văn Lan cũng về vấn đề này, ông dẫn chính sử và liên hệ ngay đến chủ quyền dân tộc: Hào khí Đông A vượng chủ yếu ở thế kỷ 13, đến TK 14 thì bị tư hữu, dục vọng riêng tư làm cho suy yếu rồi. Tuy vậy, đến thế kỷ 15, năm Quý tị 1473 (Hồng Đức thứ 4, thời Lê Thánh Tông) nó lại hưng khởi và biểu hiện quyết liệt khi vua Lê Thánh Tông "dụ bọn Thái bảo Kiến Xương Bá Lê Cảnh Huy rằng: Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội chu di". Ta thấy lại tinh thần Hịch tướng sĩ văn của Trần Hưng Đạo.
Đoạn dụ của Lê Thánh Tông đúng là có hào khí của thời Lê sơ và chắc chắn nó được kế thừa từ hào khí Đông A qua những chi tiết cũng trong Đại Việt sử ký toàn thư: Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác". Ở một đoạn khác, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng khẳng khái trả lời: "Nếu bệ hạ muốn hàng thì chém đầu tôi trước". Tại Hội nghị Diên Hồng, Trần Quốc Toản nhỏ tuổi quá không được dự bàn việc nước nhưng dũng khí đánh giặc thì có thừa, được vua ban cho quả cam yên ủi. Mải nghĩ đến việc dựng cờ đại nghĩa đuổi giặc giữ nước nên Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam vua ban cho lúc nào không biết.
Như vậy, có thể hiểu được rằng, hào khí thì thời nào cũng có và nó sẽ xuất hiện khi vận mệnh của dân tộc lâm nguy. Nhưng đọc kỹ thì có thể thấy hào khí của thời Lê sơ nghiêng về phép vua, luật định của vua ban ra nhằm răn dạy quần thần còn hào khí Đông A có tính dân chủ hơn, xuất phát từ ý nguyện toàn dân (Hội nghị Diên Hồng ở Lục Đầu Giang) và ý nguyện của cả văn thần võ tướng trong triều nhất loạt nói lên rất hào sảng. Thô phác hơn, hào sảng hơn và có sức mạnh của nội lực dân tộc hơn rất nhiều.
Cắt nghĩa điều này không khó. Nhà Trần khởi nghiệp từ dân chài cá ven biển, khi lên ngôi vẫn giữ được cách nói của dân chúng, vua tôi trong triều ứng xử với nhau dựa trên lòng tin chẳng khác gì dân chúng. Mọi hiềm khích đều được cởi bỏ bằng cách tạo nên cớ để tin nhau. Trần Thái Tông lấy thân mình che cho Trần Liễu khỏi bị Trần Thủ Độ giết chết; Tiết chế Hưng Đạo Vương tắm cho Thượng tướng Trần Quang Khải, cũng chính ông đã bỏ đầu sắt nhọn bịt gậy chống để Trần Nhân Tông yên lòng khi ông hộ giá lui quân về vùng Thanh Hóa.
Thông thường các triều đại lên ngôi nhờ võ nghiệp yên định thiên hạ và sau đó dùng luật để trị dân nhưng nhà Trần lên ngôi bằng chính trị khá ôn hòa và gần như ngay lập tức mở ra thiền phái Trúc Lâm để thu phục nhân tâm. Võ nghiệp nhà Trần chói lọi sử xanh chẳng cần phải chứng minh thì thế giới cũng đã công nhận từ thế kỷ thứ XIII còn thiền phái Trúc Lâm, Phật Trần lấy lợi ích dân tộc làm mục đích ta có thể thấy rõ qua sử gia Ngô Thì Nhậm sống ở thế kỷ thứ XVIII.
Trong "Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh", Ngô Thì Nhậm đã hạ những dòng chữ xác đáng: "Mọi người cứ tưởng Đức Điều ngự ta lên Yên Tử là để chuyên tâm tu hành, nhưng không biết rằng Ngài lên đó là còn để từ chỗ đắc địa đó xem động tĩnh trong thiên hạ".
Sau 2 lần đại thắng quân Nguyên Mông, Trần Nhân Tông đã lên Yên Tử xuất gia đầu Phật và trở thành Đệ Nhất tổ Thiền Trúc Lâm nhưng sâu xa hơn phải như ý của Ngô Thì Nhậm: Lên Yên Tử để xem động tĩnh trong thiên hạ. Yên Tử là trọng địa quân sự có tầm quan sát mọi động thái của kẻ thù phương Bắc để có kế sách đánh giặc, giữ yên bờ cõi. Như vậy là cả thế quyền lẫn thần quyền vương triều nhà Trần đã gồm đủ. Việc gì cần đến lời nói của vua thì vua nói, việc gì cần đến Phật dạy thì đã có các tổ thiền Trúc Lâm lên tiếng. Hai vế đắp đổi hỗ trợ cho nhau và cùng lo cho vận mệnh của sơn hà xã tắc thì sẽ tạo nên sức mạnh vô song và đó chính là hào khí Đông A chói ngời sử Việt.
Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi mang trong mình một nửa dòng máu của vương triều Trần cũng có cái hào khí ấy khi vung bút viết: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nên văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc, Nam cũng khác/ Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước / Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương....
-
Quang Hải