- Hồi nhỏ, Lan thích nhất là được ngồi xem ông bà ngoại gói bánh chưng, đôi khi còn theo dõi cái nào đẹp nhất để còn xin mọi người để phần sẵn cho mình. Điều Lan sợ nhất là lúc mọi người đốt pháo, pháo làm rung chuyển cả Hà Nội, đi chơi ngoài phố chỉ nơm nớp lo bị ném pháo vào người... - Ngô Phương Lan nói.
Ngô Phương Lan với phút giây ’’nhí nhảnh’’
Tết khi còn nhỏ: Sợ pháo, thích nhận lì xì..!
Khi còn nhỏ mỗi dịp Tết đến, Lan rất thích được bố mẹ mua cho quần áo mới, những quyển vở trang trí đẹp, bút chì màu... Lan cũng thích được nhận lì xì những bao tiền đỏ rồi góp lại thành một năm. Khi lớn lên cùng năm tháng Lan đã dần hiểu thêm được rằng tục lễ mừng tuổi ngoài ý nghĩ mang lại sự may mắn còn là một phong tục có ý nghĩa rất lớn đối với con người Việt Nam. Những lời chúc đầu năm cho từng thành viên gia đình nhất là tình cảm thương yêu kính trọng đối với những thế hệ lớn tuổi qua tục lễ mừng tuổi mang đậm một bản sắc văn hoá đậm tính nhân văn.
Lan đã được chứng kiến nhiều lần bà ngoại xúc động và sung sướng khi được các con cháu quây quần chúc tết mừng tuổi sáng mùng 1 Tết. Lúc ở xa, ba mẹ, chị Hương và Lan cũng luôn gọi điện về chúc Tết bà ngoại, từ đầu giây bên kia cách xa đến hàng vạn dặm thật hạnh phúc khi được nghe giọng nói phấn khởi của bà.
Năm 1993, Lan rời Việt Nam sau 5 cái Tết của thời thơ ấu. Cũng may là không chỉ được đón Tết ở Hà Nội mà Lan còn được theo ba mẹ về các vùng quê Nghệ An và Lục Nam ăn Tết nên có những kỷ niệm khác nhau còn đọng lại. Ở Hà Nội thời đó Lan thích nhất là được ngồi xem ông bà ngoại gói bánh chưng, đôi khi còn theo dõi cái nào đẹp nhất để còn xin mọi người để phần sẵn cho mình. Lan sợ nhất là lúc mọi người đốt pháo, pháo làm rung chuyển cả Hà Nội, nhất là lúc đi chơi ngoài phố chỉ nơm nớp lo bị ném pháo vào người.
Hồi đó nhà Lan có một con chó berger (tên là Ki), to lớn lực lưỡng, tiếng sủa dõng dạc mặc dù hiền nhưng nhiều người nhìn thấy cũng e ngại. Nó cũng sợ pháo không kém gì Lan. Tối 30 Tết khi pháo nổ ran Lan ngồi co rúm trên ghế còn nó thì cố dấu được cái đầu vào gầm giường còn mông và đuôi thì chổng lên run bần bật. Bây giờ nghĩ lại thấy hồi đó sao mình nhát thế...
Thực ra lúc lên 5 tuổi khi được đi học sớm vào lớp một Lan cũng đã ý thức được một số điều nên hay không nên làm trong những ngày Tết. Một lần theo người lớn ra Hồ Hoàn Kiếm hái lộc, Lan thấy mấy anh đang trèo lên cây bẻ cành vừa sợ mấy anh chẳng may bị ngã thì khổ cho bố mẹ họ những ngày Tết lại vừa thấy tội nghiệp cho mấy cái cây chẳng được ăn Tết yên lành, nhất là những cây bị bẻ trọc hết cả cành, lá...
Vậy là Lan không lấy cành về nữa, các cô Lan cùng đi hái lộc đã mua cho Lan cây mía đỏ còn nguyên cả ngọn, Lan thích lắm và kệ nệ vác lộc về nhà. Lúc về quê Nghệ An theo bà nội đến thăm các gia đình, nhiều người chỉ ra vườn mía nói cho Lan cả vườn cố mà vác về Hà Nội làm quà. Lan cứ tiếc là sức mình không đủ để làm việc đó, nhưng rồi bà nội cũng giúp Lan mang vài cây về Hà Nội.
Những người xa xứ luôn hướng về quê hương khi Tết đến
Lan có 5 cái Tết đầu tiên ở Việt Nam sau đó là 7 cái Tết ở New York rồi lại được về nước ăn ba cái Tết (2000, 2001, 2002) và đón 5 cái Tết ở Geneva. Mùa nghỉ nhân dịp năm mới của các nước Phương Tây thường bắt đầu từ mùa Giáng sinh cho đến những ngày nghỉ Tết dương lịch. Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm. Dù làm việc ở khắp mọi nơi nhưng các thành viên trong gia đình họ đều cố gắng trở về xum họp, gặp gỡ và tặng cho nhau những món quà rất ý nghĩ đầu năm mới. Ngày đón âm lịch tết truyền thống của người Việt lại là lúc bên phương Tây đang mùa làm việc bận rộn, nên chỉ những nơi có cộng đồng người Việt hay người Trung Quốc đông thì mới có không khí lễ hội sôi nổi rõ rệt.
New York thì có cả một khu phố Tàu rộng lớn nên không khí đón Tết ồn ào náo động. Họ múa sư tử, đốt pháo tưng bừng. Ở Thuỵ sĩ hiện nay hình như cộng đồng người Việt nhiều hơn người Tàu nên không khí đón Tết ta lại đậm đà hương vị Việt hơn. Lan thấy mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng rất rõ ràng, và tinh thần bảo tồn truyền thống văn hoá của người châu Á đều mạnh mẽ. Cả ở Mỹ và Thuỵ Sĩ ngoài người Việt và người Tàu, các cộng đồng người Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Á khác cũng có nhiều tổ chức và phong trào hoạt động văn hoá truyền thống rất sinh động. Nhưng cũng như mọi người dân khác, người Việt Nam cũng rất hoà nhập với cuộc sống chung với cộng đồng người dân sở tại. Và bởi vậy ba con Việt Nam ta được đón cả hai cái Tết đều lớn.
Ở New York có năm Lan cùng gia đình hoặc theo bạn bè ra quảng trường Thời đại (Times Square) để đón năm mới và cũng chen được vào trong đám người đông để chờ cho đến giờ phút thiêng liêng và quả táo điện (đem hạnh phúc và thành công đến cho mọi người) lung linh rực rỡ từ từ rụng xuống vào đúng 00h00, thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Nhưng bên cạnh đó cũng nhiều lần Lan đành phải bỏ về chấp nhận xem tivi vì đến muộn không thể len chân vào được.
Mà thực ra nếu đứng trong đám đông ở quảng trường Thời đại của New York hay ở tháp Eiffel của Paris, theo kinh nghiệm nhiều người thì cũng không mấy an toàn, bởi vì trong thời tiết giá rét giữa hàng triệu con người chen chúc xô đẩy mọi người hưng phấn đến tột độ vì rượu hay vì không khí đỉnh cao của tình cảm bộc lộ bốc đồng thì cũng khó mà tránh khỏi mọi sự cố có thể xảy ra. Riêng mấy năm vừa rồi ở Thuỵ Sĩ, Lan thấy rõ một điều là người dân có cuộc sống khá chặt chẽ, khép kín và răm ráp theo luật lệ.
Đêm cuối năm mọi người đa số đón tết ở trong nhà những người ra vui chơi ngoài phố thì đa phần là thanh niên và khách quốc tế. Cũng đã từng có những nhận xét là nơi này (Thuỵ Sĩ) chỉ phù hợp cho việc học hành, lao động nghiêm túc, đời sống chất lượng cao của các tầng lớp dân cư giàu có luôn muốn yên ổn không muốn đụng chạm đến ai và cũng không muốn ai đụng chạm đến mình.
Có lẽ trong hoàn cảnh như vậy, những hoạt động của cộng đồng người Việt ở Geneva có ý nghĩa đặc biệt, luôn thu hút được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo bà con Việt Kiều và bạn bè. Nhất là trong dịp Tết ta, vào những thời khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới nỗi lòng khắc khoải tha hương của những người con xa xứ luôn hướng về quê hương, xứ sở, hướng về cội nguồn với tình cảm thiêng liêng nhất của mình.
2008: Tốt nghiệp đại học, đưa quỹ Sao biển vào hoạt động...
Lan đã dự định về nước trong dịp Tết để thăm bà ngoại rồi sẽ cùng gia đình và bạn bè thực hiện một số chương trình từ thiện. Không về được, Lan đã qua email, điện thoại để tiếp nhận những đóng góp của một số nhà hảo tâm, thu xếp kế hoach và nhờ mọi người trong gia đình cùng các ba.n, thành viên CLB những người hâm mộ đến thăm và phát quà Tết cho các trẻ em nghèo vượt khó học tập ở một xã miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang và các em nhỏ bị bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi TW.
Lan rất mừng là chương trình từ thiện này được thực hiện chu đáo và cảm thấy yên lòng khi một phần các em nhỏ đã nhận được quần áo, mũ ấm trong thời tiết giá rét đang kéo dài này. Không đi chơi đâu, Lan sẽ ở lại Geneve để cùng đón Tết với gia đình và góp sức cùng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva tổ chức một buổi liên hoan đón Tết Mậu Tý cùng bà con việt kiều và bạn bè gần xa vào chiều mồng 3.
Ngay sau Tết, Lan sẽ bước vào học kỳ cuối cùng của trường ĐH tổng hợp Geneve. Lan cũng đã nhận lời tham gia chương trình Duyên dáng Việt Nam tại London vào đầu tháng 3, dự định tham gia một số chương trình quảng bá văn hoá Việt, chương trình gây quỹ từ thiện giúp Việt Nam tại Thuỵ sĩ. Nếu có thể Lan sẽ tranh thủ về nước thực hiện một vài hoạt động từ thiện.
Trước mắt, Lan có hai ưu tiên là kết thúc tốt nghiệp đại học, hoàn thiện tổ chức và đưa quỹ Sao biển vào hoạt động từ thiện một cách ổn định và lâu dài. Gia đình và bạn bè đang luôn bên cạnh giúp đỡ Lan thực hiện các dự định và từng kế hoach cụ thể. Lan cũng rất hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những người quan tâm và có cùng chí hướng cho các chương trình hoạt động quảng bá văn hoá, đất nước con người Việt và các hoạt động từ thiện đang luôn có nhu cầu lớn và thường xuyên.
-
Hoa hậu Ngô Phương Lan