221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1037517
Oscar không còn của riêng... người Mỹ
1
Article
null
Oscar không còn của riêng... người Mỹ
,

  - Hiếm có kỳ Oscar nào mà giải thưởng ở cả 4 hạng mục diễn xuất đều tuột khỏi tay người Mỹ như năm nay. Oscar, giải thưởng chứng tỏ "quyền lực" của điện ảnh Mỹ với phần còn lại của thế giới đã không còn là sân chơi của riêng người Mỹ.

"Cuộc so găng" giữa Hollywood và châu Âu

Mô tả ảnh.
Ngày càng có nhiều ngôi sao nước ngoài xuất hiện tại lễ trao giải Oscar.
"Cuộc so găng" giữa Hollywood và châu Âu về chuyện "Ai biết làm phim hơn?" đã bắt đầu từ lâu, và vẫn chưa phân được kẻ thắng người bại. Các nhà làm phim châu Âu bấy lâu vẫn nghĩ chỉ có mình mới biết làm những bộ phim đích thực.

Họ dựng lên hàng loạt những LHP lớn chỉ dành cho những bộ phim có giá trị nghệ thuật từ Cannes đến Venice, nơi một siêu phẩm Hollywood dù có doanh thu tới 1 tỉ USD cũng không nghĩ đến ngày được chọn tranh Cành cọ vàng hay Sư tử vàng.

Ngược lại, Hollywood luôn nghĩ mình nhất, làm phim hay và kinh doanh cực tốt. Lễ trao giải Oscar vẫn được xem là giải thưởng điện ảnh lớn nhất trong năm, lôi kéo những nhà làm phim, các ngôi sao nổi tiếng và có quyền lực nhất, và chỉ dành cho phần còn lại của thế giới thỏa sức đấu đá nhau ở duy nhất một hạng mục dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Nhưng, điều không thể không nhận thấy từ Oscar 80 này là việc nền điện ảnh vốn được coi là số 1 thế giới ấy đang ráo riết tìm kiếm những tài năng đến từ tất cả các nền điện ảnh còn lại, để củng cố thương hiệu và sức mạnh của mình. 

Hollywood mời những diễn viên tài năng không mang quốc tịch Mỹ tham gia các bộ phim gắn mác Mỹ, rồi thể hiện sự quốc tế hóa rộng rãi của mình bằng cách trao luôn những giải thưởng danh giá về diễn xuất cho những diễn viên nước ngoài. Gần 6.000 thành viên của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ thừa biết họ đang trao giải cho ai.

 

Mô tả ảnh.
Marion Cotillard ghi danh nước Pháp tại Oscar sau 48 năm.
Cao hơn cả sự thừa nhận về diễn xuất của diễn viên, sự đảm bảo uy tín của lễ trao giải uy tín nhất thế giới, những người tổ chức lễ trao giải Oscar còn đang thực hiện một "âm mưu" khác: quốc tế hóa giải thưởng Oscar, quốc tế hóa nền điện ảnh Mỹ.

Biểu hiện rõ nhất là Oscar năm nay, khi từ Nam diễn viên chính đến Nam diễn viên phụ, Nữ diễn viên chính đến Nữ diễn viên phụ đều không mang quốc tịch Mỹ. Nam diễn viên chính và Nữ diễn viên phụ là người Anh (Daniel Day-Lewis và Tilda Swinton), Nữ diễn viên chính là người Pháp (Marion Cotillard) còn Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất lại đến từ Tây Ban Nha, quốc gia chưa từng có vinh hạnh được chạm tay vào bức tượng vàng Oscar. 

Mô tả ảnh.
Hollywood luôn biết cách lôi kéo những diễn viên tài năng như Javier Bardem về với mình.
Nhờ Oscar, nữ diễn viên người Pháp Marion Cotillard đã thực sự bước ra khỏi biên giới nước Pháp để gia nhập câu lạc bộ những ngôi sao hạng nhất của thế giới. Lần đầu tiên được đề cử, nữ diễn viên 32 tuổi này đã lập tức được vinh danh với "La Vie en Rose", điều có lẽ chính cô cũng không nghĩ tới khi đến Nhà hát Kodak. Kỳ lạ hơn khi Marion Cotillard vốn được rất ít khán giả Mỹ biết đến trước đây và là nữ diễn viên Pháp đầu tiên giành tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất kể từ năm 1960 với chiến thắng của Simone Signoret.

Với sự lựa chọn này, Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ đã tìm được tiếng nói chung với BGK giải Cesar và BAFTA vốn được coi là Oscar của Pháp và Anh. Khoảng cách giữa các giải thưởng lớn của châu Âu với Mỹ đang dần được thu hẹp. Chưa bao giờ điện ảnh Mỹ lại dành sự tôn vinh lớn cho các diễn viên nước ngoài trên sân nhà như vậy!

Oscar ngày càng Âu hóa

Mô tả ảnh.
Daniel Day-Lewis là diễn viên Anh quốc thành danh tại Hollywood.
Thực ra, sự "xâm lấn" của các quốc gia khác tại Oscar năm nay đã được thể hiện từ danh sách đề cử. Chưa có năm nào hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất lại có tới 4/5 diễn viên không phải là người Mỹ với Cate Blanchett (Australia), Julie Christie (Anh), Marion Cotillard (Pháp) và Ellen Page (Canada). 3 hạng mục còn lại cũng tràn ngập diễn viên ngoại quốc: Daniel Day-Lewis (Anh), Javier Bardem (Tây Ban Nha), Tilda Swinton (Anh), Tom Wilkinson (Anh).

Liệu có nên đặt ra câu hỏi: điện ảnh Mỹ đang khủng hoảng những diễn viên tài năng? hay đây là sự thừa nhận rằng các diễn viên châu Âu diễn tốt hơn nhiều diễn viên Mỹ, cho dù những: Johnny Depp, George Clooney, Laura Linney, Amy Ryan, Philip Seymour Hoffman... đều là những diễn viên có tầm. Cả hai đều không phải. Đơn giản là Hollywood đang muốn kéo thêm nhiều ngôi sao thế giới về với mình và biến Oscar thành nơi hội tụ của những tài năng không chỉ ở riêng nước Mỹ.

Người Anh liên tiếp giành chiến thắng tại các kỳ Oscar gần đây.
Tilda Swinton là một trong những ngôi sao Anh quốc "xây dựng thương hiệu cho Hollywood".
Sự "quốc tế hóa" tại Oscar trên thực tế không chỉ thể hiện tại lễ trao giải năm nay. Oscar 80 chỉ là sự khẳng định chắc nịch cho cuộc đổ bộ thành công của những nghệ sĩ nước ngoài tại Hollywood. Còn nhớ, tại Oscar 79, người Mỹ đã phải ngả mũ thán phục nữ diễn viên 63 tuổi đến từ nước Anh, Helen Mirren với vai diễn xuất sắc của bà trong "The Queen". Nếu như 2008 là năm của Daniel Day-Lewis thì chỉ mới 1 năm trước Helen Mirren là "bà hoàng của những kỷ lục" khi giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại hầu hết các giải thưởng lớn trong đó có Oscar, Quả cầu vàng, SAG, BAFTA...

Tại Oscar 2006 nữ diễn viên người Anh Rachel Weisz cũng đã giành giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (The Constant Gardener). Còn tại Oscar 2005, Cate Blanchett đã mang về cho nước Úc tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Aviator). Trong khi đó, Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc 2004 lại thuộc về nữ diễn viên Nam Phi (Charlize Theron - phim Monster).

Chưa bao giờ khái niệm "quốc tế hóa" lại được bộc lộ một cách rõ ràng tại Hollywood trong thời điểm hiện tại, khi ngày càng có nhiều những tên tuổi mới, dù thành danh tại kinh đô điện ảnh thế giới nhưng lại không phải là người Mỹ.

  • Bích Hạnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;