- Dạ, tất cả cứ nhập nhèm lẫn lộn, cứ rối mù lên. Nhiều khi có đấy mà không có đấy! Lắm lúc không có đấy mà lại có đấy! Con sợ đến một ngày kia con chẳng biết thực ra mình có mặc quần áo hay không!
Các con bị vướng gì hãy kể ta nghe?
- Cụ ơi! Chẳng biết có phải vì chúng con sắp làm phim về thời Lý, thời Phật giáo lên ngôi quốc giáo, nên chúng con như bị rơi vào cái vòng sắc sắc không không, buồn cười lắm! Cứ như ảo thuật, như ma ám!
Cụ thể là thế nào?
ĐD Đỗ Minh Tuấn đang "chat" với cụ Lý Công Uẩn
- Dạ, Cái gì có, cái gì không chẳng thể nào biết rõ. Tất cả cứ nhập nhèm lẫn lộn, cứ rối mù lên. Nhiều khi có đấy mà không có đấy! Lắm lúc không có đấy mà lại có đấy! Con sợ đến một ngày kia con chẳng biết thực ra mình có mặc quần áo hay không!
Con nói gì ta nghe không hiểu ? Con thử dẫn chứng ra vài việc thử xem ?
- Dạ, chẳng hạn như Đinh Thiên Phúc vẫn là tác giả kịch bản mới mang tên Thái tổ Lý Công Uẩn đấy, vậy mà nghe Lưu Trọng Ninh nói trên VietNamNet là kịch bản của anh ấy chẳng còn gì trong ấy nữa. Thế là có mà không có. Con thì không có tên trong kịch bản mới, nhưng rõ ràng con thấy bộ xương kịch bản của con sau mớ da thịt quần đùi áo lót những người khác đắp lên. Thế là không có mà lại có. Còn những người đắp thịt mới, treo áo quần, khăn khố lên bộ xương kịch bản của con thì lại chẳng có tên, họ như những phu hồ cặm cụi lấm lét trong đêm xây thuê những toà nhà chưa được cấp giấy phép, phải co cẳng biến đi trước khi trời rạng sáng. Đúng là chuyện sắc sắc không không, có đấy mà lại không có đấy!
Nghe con nói ta lại nhớ câu thơ thiền: “Thân như ánh chớp có rồi không!” Ta thấy vui vì sau mười thế kỷ, các con vẫn là những Thiền sư!
- Dạ, Cụ nói chí phải, Đinh Thiên Phúc quả là một Thiền sư đắc đạo. Kịch bản chỉ còn mỗi năm chữ Thái tổ Lý Công Uẩn mà vẫn ôm ấp nâng niu, y như người bị xe ủi mất ngôi nhà vẫn ôm khư khư cái biển số ngày xưa, lang thang trên mảnh đất đã tận thu cho dự án.
Ta biết chuyện này rồi. Cái trò trộn kịch bản, trộn thiết kế, trộn ý tưởng vào nhau, lấy xương người khác đắp da thịt, đắp quần áo mình lên đã xảy ra từ các vụ xây tượng đài ta ngày xưa và tượng đài Thánh Gióng bây giờ. Kiện cáo bản quyền mãi, người bảo rằng cái cốt tượng của mình, người khác lại đòi bản quyền vó ngựa... Kể ra cũng là một kiểu sắc sắc không không.
- Sắc sắc không không đều thì còn đỡ cụ ạ! Con chỉ sợ việc trộn kịch bản giống như trộn thiết kế tượng đài, trộn nháo trộn nhào, chỗ cần có thịt thì lại không có thịt, chỗ cần không có thịt thì thịt lại lồi lên. Như tượng phụ nữ cần ngực nở mông to thì những chỗ ấy lại phẳng phiu lép kẹp. Cảnh dời đô trong kịch bản của con và Đinh Thiên Phúc rất dài và hoành tráng. Trong kịch bản viết lại, đoạn dời đô chỉ còn một hai dòng. Chắc họ không thể viết khác chúng con, nhưng cũng không thể cóp nguyên xi, nên bộ ngực nở nang bị biến thành vú mướp.
Ta tưởng con đã bán bản quyền kịch bản của con rồi chứ ?
- Vâng, con bán bản quyền một kịch bản rồi, còn kịch bản thứ hai con chưa bán.
Sao con toan tính gì mà mãi con mới bán? Ta tưởng con hết lòng vì dự án, hoá ra con cũng loay hoay toan tính cá nhân như vậy. Buồn thay!
- Dạ thưa Cụ, con thề với cụ con không hề toan tính thiệt hơn. Con chỉ lo hình ảnh một Hoàng đế Thiền sư trong trí trưởng tượng của con bị biến thành hình ảnh một anh chàng dại gái chạy chỉ theo tình ái. Nhưng việc chậm bán kịch bản có nguyên do của nó cụ ạ! Khi anh Tiến mới về làm Giám đốc Hãng, anh ấy có mời con đi ăn trưa ở Phan Đình Phùng, hình như hôm ấy có canh ngao, anh ấy bảo «Để bao giờ Thành phố có quyết định đưa Dự án về Hãng mình sẽ bàn với Tuấn chuyện làm phim và chuyện mua bản quyền kịch bản. Theo mình phải hàng trăm triệu, chứ không phải ba mươi triệu như họ đề xuất». Kinh! Trân trọng chất xám thế mới là người đáng để mình phò tá chứ! Lúc ấy mà có kẻ xúc phạm xếp, con dám thoi vào miệng cho nó rụng tiệt răng!
Thế rồi, thấm thoắt thoi đưa, khi dự án về chẳng thấy Sếp bàn gì chuyện một trăm triệu nữa, chỉ bàn về chuyện nếu được giao làm đạo diễn có hợp tác với Thiên Phúc sửa kịch bản không và có tuân thủ sự điều hành của Hãng không. Con cũng viết cam kết sẽ tuân thủ và hợp tác. Con định khi phân cảnh sẽ đưa tất cả những gì hợp với định hướng vào kịch bản tổng hợp. Nghĩa là con muốn biếu không tất cả, chẳng tính toán gì chuyện mua bán, thiệt hơn. Thế nhưng, sau đó họ bàn nhau thuê người viết lại kịch bản mới để duyệt mà con chẳng biết. Mấy tháng sau con tình cờ được đọc kịch bản tổng hợp đang sửa chữa, thấy bộ xương kịch bản của mình lùng bùng trong mớ da thịt quần áo khăn khố mới, con mới vội đặt vấn đề bán kịch bản để cho mọi chuyện vui vẻ cả. Giống như chuyện một vị Vua xưa ra lệnh cho các quan giật giải mũ để phi tang ...
Chuyện giật dải mũ ấy thế nào, sao ta không nhớ?
- Dạ, đó là chuyện một ái phi của Vua bị một ông quan chòng ghẹo trong đêm hội đã giật dải mũ đánh dấu viên quan và đưa dải mũ ấy cho Vua để Vua tìm ra kẻ phạm thượng. Nhưng Vua không muốn mất viên quan đã tuyên bố cùng tất cả triều đình: «Hôm nay là ngày vui của Trẫm, các Khanh hãy cùng giật giải mũ để chia vui!».Thế là viên quan kia thoát tội. Viên quan cảm động trước sự khoan dung ấy đã suốt đời trung thành tận tuỵ phụng sự đức Vua.
Ngoài chuyện kịch bản ra còn chuyện gì sắc sắc không không ?
-
Ngày xưa, khi ta còn trên ngai vàng, có lần bị đau mắt, pháp sư khuyên hãy đi ra bờ sông gặp ai thì bắt lấy, hỏi họ muốn gì chu cấp hết, sau đó quẳng người đó xuống sông thì mắt sẽ khỏi ngay. Ta không nỡ làm điều đó với dân. Nhưng nếu ta muốn làm mà chẳng may gặp một người như Sếp của con, thì chẳng bao giờ ta khỏi đau mắt được...
- Không đâu cụ ạ! Nếu cụ vớ được sếp con ở bờ sông lúc sếp đi chọn cảnh, thì mắt cụ sẽ khỏi ngay vì khi cụ hỏi Sếp muốn gì, sếp sẽ nói ngay muốn lấy nốt khoản tiền đi khảo sát. Còn hai tỷ nữa Hà Nội chưa rót xuống. Lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo Bộ văn hoá rất tôn trọng các nghệ sỹ nên đã giao cho Sếp toàn quyền điều hành dự án để mọi việc được năng động hơn và bộ phim sẽ ra kịp tiến độ. Sếp con không bao giờ muốn phụ lại lòng tin ấy. Sếp con bị đồng hồ đếm ngược lườm nguýt hàng ngày, nên sếp không thể đổi thay ý muốn như thay quần áo ngủ, càng không thể dành cả năm dọn đường lót ổ cho một ý muốn nhất thời vừa chợt loé lên trong lúc xỉa răng...
-
Đỗ Minh Tuấn (còn tiếp)