- Trách nhiệm tập thể, quản lý chia năm xẻ bảy, Chủ tịch thành phố thiếu người tư vấn để ra những quyết định đúng đắn. Như câu chuyện mở rộng Hà Nội, còn đó bao trăn trở, băn khoăn không biết tỏ cùng ai?
LBT- Chưa bao giờ, chuyện quy hoạch, chuyện quản lý đô thị Hà Nội lại được bàn tán xôn xao như những ngày qua, khi thành phố sẽ mở rộng hơn gấp 3 lần: bao gồm toàn bộ tỉnh Hà tây; huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Hà nội chật chội, Hà Nội chen chúc, Hà Nội kẹt xe tắc đường v.v.. nên nhu cầu mở rộng để giãn dân là cần thiết, nhưng mở rộng đến đâu và quản lý như thế nào thì lại là câu chuyện mang tầm chiến lược và cần được xem xét dưới góc độ khoa học. Cảm giác chung của nhiều người hiện nay là "băn khoăn", bởi quy hoạch và quản lý "Hà Nội nhỏ" còn chẳng xong, giờ phình to như thế, biết sẽ ra sao?
Thành phố có KTS trưởng không thể... trăm hoa đua nở như thế này.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Hà Nội hiện đang xấu đi... từng ngày, giá trị cũ bị xóa nhòa, giá trị mới vẫn còn vắng bóng. Không thể tìm ra người phải chịu trách nhiệm về bộ mặt thành phố nhôm nhoam, khi có quá nhiều sở ban ngành cùng "phẫu thuật" Hà Nội theo những tư duy riêng: Sở Quy hoạch - Kiến Trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông công chính, Sở Điện lực... mỗi sở chỉ có thể biết phần việc của mình, chẳng sở nào bảo được sở nào, Chủ tịch UBND thành phố có muốn "phân xử" cũng chẳng biết nghe ai.
Vì thế, các KTS ủng hộ khi mô hình KTS trưởng thành phố được đề xuất hoạt động trở lại sau 5, 6 năm chuyển đổi thành Sở Quy hoạch - Kiến Trúc. KTS Nguyễn Luận (Hội KTS Việt Nam) khẳng định "Một thành phố nổi tiếng về đô thị, tổ chức cuộc sống, hình ảnh cảnh quan là do công hai người: Thị trưởng và Kiến trúc sư trưởng. Ở Lyon (Pháp), hai người này là bạn thân, họ đưa ra mô hình rất đẹp, nhà chỉ từ 4 - 5 tầng trở xuống. Trước đây, Napoleon đệ Tam và Kiến trúc sư Haussman cũng đã làm thay đổi diện mạo Paris".
Xuất phát từ đề xuất của Hội KTS Việt Nam, rằng cần phải có một nhạc trưởng để "khớp nối" các sở ban ngành, giúp việc cho chủ tịch thành phố về chuyên môn. Năm 1992, mô hình KTS trưởng được thí điểm tại Hà Nội và TPHCM, dự định sau 2 năm sẽ mở rộng ra các thành phố loại 2. Để có cơ chế đặc biệt, cao hơn các sở ban ngành, KTS trưởng thời điểm đó do chính Thủ tướng Chính phủ (Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) bổ nhiệm.
Tuy nhiên, mô hình KTS trưởng với cơ chế đặc biệt đó đã không thành công. Với cương vị Vụ trưởng Vụ quản lý Kiến trúc - Quy hoạch thời đó, đã theo đủ 9 năm, từ việc xây dựng quy chế, điều hành và giám sát hoạt động của KTS trưởng, đến khi thất bại phải chuyển đổi thành Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào năm 2002, KTS Trần Trọng Hanh (nay là Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội) đưa ra ba lý do khiến mô hình thất bại:
Thể chế không rõ ràng: Phân tích kỹ hơn thì thấy, với mô hình này, Kiến trúc sư trưởng được bổ nhiệm bởi chính phủ, nằm ngoài hệ thống của thành phố, nhưng lại lệ thuộc thành phố từ việc sinh hoạt đến việc... trả lương nên vị thế của Kiến trúc sư trưởng đã không được xác định rõ.
Quá tải chức năng, nhiệm vụ: "vì được kỳ vọng là nhạc trưởng nên KTS trưởng "được" chịu trách nhiệm về quá nhiều phần việc, từ quy hoạch, kiến trúc, cơ sở hạ tầng, đến cấp và thẩm định đất đai, kể cả... bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Dù là KTS được đào tạo bài bản nhưng hai KTS trưởng đầu tiên của Việt Nam là KTS Nguyễn Lân (Hà Nội) và KTS Lê Văn Năm (TP.HCM) cũng không thể giỏi toàn diện cả kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường sinh thái... Đặc biệt với những khu vực nhạy cảm như hồ Gươm, hồ Tây, sông Hồng, Hoàn Kiếm và Ba Đình, rất dễ gây xáo động và bất bình", KTS Trần Trọng Hanh chia sẻ.
Xin nói thêm, có thời điểm, tổng biên chế của Văn phòng KTS trưởng lên đến gần 500 người. Bộ máy cồng kềnh với quá nhiều chức năng, vừa nghiên cứu để đưa ra quy hoạch lại vừa thỏa thuận quy hoạch, vừa giới thiệu địa điểm đầu tư lại vừa thẩm định đầu tư... nghĩa là Văn phòng Kiến trúc sư trưởng ôm đồm, chồng chéo, vừa đá bóng vừa thổi còi.
Thủ tục hành chính gây phiền hà: Chính sự ôm đồm, quá tải như vậy đã khiến những thủ tục phải đi qua Văn phòng KTS trưởng bị chậm trễ. Chưa kể, quá nhiều "quyền" dễ dẫn đến những chi phí "bôi trơn" gây phiền hà.
Dù đã qua đôi lần điều chỉnh chức năng nhiệm vụ, như chuyển thẩm định sử dụng đất sang Sở Địa chính từ 6/1995, hay chuyển cấp phép xây dựng sang Sở Xây dựng từ năm 2000, nhưng xem ra, chính sự chồng chéo chức năng, phân cấp quản lý không rõ ràng giữa Văn phòng KTS trưởng với các sở thuộc địa phương đã khiến "lợi bất cập hại", dẫn đến sự thiếu hợp tác, bất bình của các Sở, mâu thuẫn lên đến thành phố. Chưa kể, dù do Thủ tướng bổ nhiệm, nhưng KTS trưởng không có quyền lực chính quyền với các Sở của thành phố, nên không thể quản lý, tác động, khiến vai trò nhạc trưởng kết nối bị vô hiệu hóa.
Sau 8 năm vận hành, chẳng chờ đến những đánh giá khoa học, rút kinh nghiệm, mô hình KTS trưởng lặng lẽ bị xóa sổ "không kèn không trống", trước hết ở TP.HCM, và một năm sau ở Hà Nội. Sở Quy hoạch - Kiến trúc được thành lập, ngang hàng với Sở Xây dựng, Sở Giao thông công chính... Nhưng đã là một Sở thì sẽ nặng tính hành chính, chạy theo vụ việc. Vậy là, dù trên địa bàn thủ đô còn thêm vài cơ quan dính đến quy hoạch - kiến trúc như Viện nghiên cứu kiến trúc, Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn, chưa kể Hội KTS, Hội quy hoạch, bộ mặt Hà Nội vẫn chỉ như "cha chung" không người khóc.
Trách nhiệm tập thể, quản lý chia năm xẻ bảy, Chủ tịch thành phố thiếu người tư vấn để ra những quyết định đúng đắn. Như câu chuyện mở rộng Hà Nội, còn đó bao trăn trở, băn khoăn không biết tỏ cùng ai? KTS Nguyễn Thúc Hoàng, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam giả sử: "Nếu có KTS trưởng tư vấn cho thành phố trước khi trình Chính phủ về kế hoạch mở rộng. Mở rộng là chủ trương của Đảng, nhưng cụ thể hóa phải là việc của chính quyền. KTS trưởng có vai trò xem những định hướng đó hợp lý hay không, đề xuất cho chủ tịch để gợi ý cho cơ quan làm quy hoạch nghiên cứu, hoặc phản biện?"
Quy hoạch và kiến trúc Hà Nội không thể mãi như con thuyền không người lái!
Kỳ sau: KTS trưởng - Anh là ai?
- Khánh Linh
Bạn nghĩ gì về quy hoạch, kiến trúc Hà Nội hiện tại? Theo bạn, Hà Nội cần một KTS trưởng như thế nào?