- Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê; không ai nghĩ về những tòa nhà chọc trời như những cột bê tông khổng lồ cắm xuống lòng Hà Nội; trước cửa đền Bà Kiệu, chiếc đồng hồ đếm ngược 1000 năm Thăng Long chỉ còn 867 ngày nhưng chẳng ai buồn để ý.
Bờ hoa quây lấy nước hồ xanh. |
Sớm hè. Hàng phượng và bằng lăng quanh hồ Gươm như một bờ xanh trổ màu hồng tươi và tím nhạt. Sắc hồng tươi thấp thoáng giữa vòm xanh, đôi chỗ la đà run rẩy sáng sát mặt nước long lanh còn sắc tím thì bung nở tràn trề, mãn khai làm dịu đi cái nắng hè gay gắt. Đôi ba người của Công ty vệ sinh cầm những cái vợt dài ngoằng thong thả vớt xác hoa bị gió dạt về phía bãi đỗ ô tô buýt. Quanh hồ, người bán báo, bán bánh mì, bán kem que rồi những chú bé đánh giày, những người luống tuổi đang tập thể dục và cả những người đi mà chẳng biết đi đâu - nên gọi là đi tản bộ - vẫn cứ ngược xuôi tấp nập.
Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê; không ai nghĩ về những tòa nhà chọc trời như những cột bê tông khổng lồ cắm xuống lòng Hà Nội; trước cửa đền Bà Kiệu, chiếc đồng hồ đếm ngược 1000 năm Thăng Long văn hiến chỉ còn 867 ngày nữa nhưng chẳng ai buồn để ý. Tôi thấy tôi trong cái dòng người ngược xuôi dù đang thả bước ơ hờ tản bộ hay vội vã mưu sinh kiếm tiền độ nhật. Chế Lan Viên quả có lý khi ngắm hồ Gươm và hạ bút viết câu thơ cảm khái nhân tình: Hạnh phúc đựng trong tà áo hẹp...
Nhưng những hàng cây rợp bóng quanh hồ Gươm vẫn xanh mướt đầy sức sống, ngọn bút của thầy đồ Nguyễn Văn Siêu thuở nào vẫn phóng khoáng viết lên nền trời cao rộng hàng chữ Tả Thiên Thanh, lớp sóng phế hưng qua bao triều đại vẫn cứ lăn tăn gợn sóng ưu tư thế sự và màu hoa vẫn rực rỡ hết mình. Có cái gì đó vừa như vĩnh cửu vừa như phù du ngự trị trong mỗi tán lá mỗi vòm hoa và mỗi mặt người?
Ưu tư thế sự thì ngàn đời nay vẫn thế nhưng có lẽ nó không hề đối lập với vẻ đẹp phù du. Phù du rất khác với hư ảo! Hư ảo là cái không có thật còn phù du là có thật nhưng hiềm một nỗi nó mong manh ngắn ngủi quá. Đẹp mà mong manh ngắn ngủi nên nó càng đáng quý, đáng trân trọng. Sóng nước hồ Gươm lăn tăn gợn niềm ưu tư thế sự tự ngàn đời còn sắc hoa phô lộ hết mình là vẻ đẹp phù du hiển hiện trong từng khoảnh khắc ngắn ngủi. Tương tự như thế, những giây phút tử tế, tốt lành trong cuộc đời dài dằng dặc của mỗi con người rất đáng ghi nhận và cần phải được đánh giá đúng mực. Nhưng làm được điều đơn giản ấy đâu có dễ?
Bất chợt một câu hỏi mang tính trách nhiệm công dân nảy sinh trước những vòm hoa lộng lẫy quanh hồ: Chúng ta yêu Hà Nội nhưng chúng ta đã làm được những gì cho Hà Nội?
Xác hoa... |
Chúng ta không coi trọng đúng mức giá trị có một không hai của chính chúng ta thì mong gì thế giới coi trọng? Mặt khác, nếu thế giới coi trọng giá trị của Hoàng thành Thăng Long hơn cả chúng ta như trên thực tế thì chúng ta có nên tự hào?
Về kiến trúc đô thị thì chúng ta đã làm được những gì cho Thủ đô Hà Nội, niềm tự hào của cả dân tộc mấy ngàn năm văn hiến? Lạnh lùng dùng mốc thời gian để tính thì thấy rằng, thực dân Pháp bắt đầu dựng Nhà hát Lớn từ năm 1901 nhưng chúng phải bận rộn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế nên đến năm 1911 mới khánh thành được.
Thời điểm người Pháp chính thức bắt tay quy hoạch Hà Nội phải tính từ năm 1911. Từ 1911 đến 1945, trong vòng 34 năm họ đã phác ra được diện mạo Hà Nội theo tư duy bông sen nở và những công trình kiến trúc tương đối có giá trị phần lớn thuộc về thời kỳ này.
43 năm tính từ năm 1945 trở lại đây; trời của ta, đất của ta, chúng ta chung tay gây dựng cơ đồ nhưng chúng ta đã ghi dấu ấn kiến trúc thời đại mình được những gì cho Hà Nội? Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, suýt nữa thì tòa Tháp Vàng cao sừng sững đã mọc lên án ngữ mặt nước hồ Gươm ở phía Tây, cuối năm ngoái vắt sang đầu năm nay, suýt nữa thì Trung tâm Thương mại của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã mọc lên án ngữ mặt nước hồ Gươm ở phía Đông. Tòa nhà Hàm Cá Mập ở điểm giao nối phía tây và phía đông thì mọc lên như một sự đã rồi bất chấp vùng quy hoạch nhạy cảm nhất Thủ đô.
Hoa bên cầu Thê Húc. |
Tìm đỏ mắt cũng khó thấy một công trình kiến trúc nào đẹp theo chuẩn của kiến trúc ví dụ như khách sạn Hinton hài hòa với Nhà hát Lớn. Lại chạm phải một điều nhỏ mà không hề nhỏ: Liệu có phải cái mà ta cho là đẹp thì hiển nhiên là đẹp bất chấp chuẩn độ về cái đẹp của nhân loại? Ngược lại, cái mà nhân loại khẳng định là đẹp với những tiêu chí khoa học cụ thể nhưng khác với quan niệm về cái đẹp của chúng ta thì cái đó... không đẹp nữa?
Liệu chúng ta có tự cấp cho mình quyền định đoạt thế nào là đẹp mà không cần quan tâm tới những tiêu chí mà nhân loại đã dày công xác lập trong toàn bộ tiến trình phát triển?
Sóng hồ vẫn cứ lăn tăn như ngàn năm trước, hoa bên hồ vẫn rực rỡ đến âu lo và một phút phù du cảm khái trước vẻ đẹp mong manh ngắn ngủi của sắc hồng tươi chen tím nhạt...
Tìm hoa trong bóng nước hồ Gươm. |
Xác hoa dập dềnh trên sóng phù du... |
Dưới bóng những hàng cây trổ hoa. |
Hoa lá la đà mặt sóng xanh... |
Bung nở... |
Dáng hoa... |
- Phụng Hoàn
Ảnh: Lê Anh Dũng