221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1087702
Hà Nội có quyền giãn tiến độ phim Lý Công Uẩn?
1
Article
null
Thứ trưởng Lê Tiến Thọ:
Hà Nội có quyền giãn tiến độ phim Lý Công Uẩn?
,

- Hà Nội là chủ đầu tư nên họ cân nhắc và quyết định thế nào là việc của họ. Hà Nội có thể đặt hàng hoặc có thể lùi lại, tại sao lại hoang mang? - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ.

Thời gian vừa qua, dư luận lại đặc biệt chú ý đến dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn sau khi những mâu thuẫn và căng thẳng từ nội bộ đoàn phim đẩy lên cao trào. Ngày 12/7, Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội Phạm Quang Long đã đăng một văn bản ký tên ông trên báo, thông báo về việc “giãn tiến độ” bộ phim này. Để có những thông tin chính thức, chúng tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, NSND Lê Tiến Thọ, Trưởng ban chỉ đạo sản xuất phim 1000 năm Thăng Long. 

Hà Nội có thể dừng hay giãn tiến độ...

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ.
Mấy hôm nay dư luận đang xôn xao về văn bản “giãn tiến độ” dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Xin Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về thông tin này? 

- Tôi chỉ có thể phát biểu trên ý kiến cá nhân. Tôi vẫn chưa nhận được thông tin bằng văn bản của Hà Nội về việc dừng dự án này, nên hiện giờ tôi chưa có cơ sở gì để nói về quyết định ấy. Việc “giãn tiến độ” thì do Hà Nội chủ động. Hướng tới 1000 năm Thăng Long thì không chỉ có văn hóa mà còn nhiều công trình khác. Chính phủ cũng đã cho phép Hà Nội được cân nhắc và lùi thời gian thực hiện một số dự án. Việc Hà Nội cân nhắc để giãn cái gì, lùi cái gì thì Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. 

Thứ trưởng đã nói chưa có văn bản chính thức, nhưng từ phía Hà Nội đã công bố với báo chí những thông tin “giãn tiến độ” dự án khiến dư luận xôn xao... 

- Hà Nội là chủ đầu tư nên họ cân nhắc và quyết định thế nào là việc của họ. Hà Nội có thể đặt hàng hoặc có thể lùi lại, tại sao lại hoang mang? 

Hà Nội là nơi đặt hàng, nhưng Ban chỉ đạo 1000 năm Thăng Long cũng không đứng ngoài dự án. Việc dừng hay tiếp tục sản xuất phim, Ban chỉ đạo có ý kiến như thế nào

- Chúng tôi đã chỉ đạo Hãng phim truyện Việt Nam và Cục điện ảnh thực hiện, xây dựng đề án, xây dựng kịch bản, dự trù kinh phí và phải đẩy nhanh tiến độ. Dù có những kết luận hay nhắc nhở của chúng tôi nhưng Hãng Phim truyện VN vẫn chậm tiến độ. Đó là điều anh Lê Đức Tiến cùng Ban giám đốc đã tự nhận thấy. 

Còn chúng tôi là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch luôn luôn ủng hộ những hoạt động sáng tạo và hướng tới 1000 năm Thăng Long. Các văn nghệ sĩ phải cố gắng bằng sự lao động sáng tạo của mình để có tác phẩm. Không chỉ điện ảnh mà nhiều lĩnh vực khác cũng có hoạt động hướng tới năm 2010 rất rầm rộ.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là nguyện vọng của các nhà lãnh đạo Cục, Bộ và các nghệ sĩ trên mọi lĩnh vực. 

Nói như vậy có nghĩa vẫn chưa có một quyết định chính thức nào về dự án Thái tổ Lý Công Uẩn? 

- Tôi chỉ là một trong những thành viên Ban chỉ đạo. Có thể Hà Nội đã báo cáo với đồng chí Trưởng ban chỉ đạo hoặc đồng chí thường trực. Đến thời điểm này thì tôi chưa nhận được một văn bản nào chính thức báo cáo việc dừng hay “giãn tiến độ” dự án. 

Tôi đã nhắc nhở Hãng Phim truyện VN nhiều lần 

Nhưng quanh dự án này đã nảy sinh khá nhiều vẫn đề phức tạp xung quanh công tác tổ chức của những người thực hiện dự án, với cương vị là cơ quan cấp trên, Bộ đã có những động thái nào để giải quyết những vấn đề này

- Tôi đã làm việc với Ban giám đốc Hãng Phim truyện VN, nhắc nhở nhiều lần những đồng chí lãnh đạo của hãng phim: phải xác định rõ đạo diễn nào sẽ thực hiện bộ phim này. Bên cạnh đó, Cục điện ảnh cũng đã làm việc với hãng phim. Hãng Phim truyện VN cũng đã cố gắng ổn định nội bộ của mình. 

Thực ra trong hợp đồng riêng của cá nhân, đạo diễn hay tác giả nào cũng đều muốn khẳng định vị trí của mình. Chỉ tiếc rằng sự khẳng định ấy lại không thông qua làm công tác nội bộ mà dựa trên những phương tiện truyền thông, thành ra nhiều người không hiểu. Những người theo dõi việc này cũng không hiểu tại sao bên trong Hãng Phim truyện VN lại như thế? 

Thực ra lúc tôi gặp cả anh Đỗ Minh Tuấn hay Lê Đức Tiến đều có những quan điểm cùng nhau để làm cho tốt, còn những dư luận đã làm cho mọi người không hiểu nhau, làm cho công việc thiếu sự đồng nhất. 

Tôi cũng đã nhắc nhở BGĐ Hãng Phim truyện VN  hai, ba lần là phải họp lại để thống nhất Hội đồng nghệ thuật của hãng phim, từ đó có thể lựa chọn, thậm chí bỏ phiếu kín tín nhiệm ai là đạo diễn cho dứt khoát, rõ ràng. Cục điện ảnh cũng đã làm việc đó. 

Những nhắc nhở lo lắng của Thứ trưởng đã có kết quả gì chưa? 

- Tôi thấy các anh ấy báo cáo là “chúng tôi đã ổn định”, và họ cũng đang làm việc với Hà Nội. Đây không phải là tác phẩm của Bộ VH-TT-DL giao. Đây là Hà Nội đặt hàng cho Hãng Phim truyện VN. Trên cơ sở có một số ý kiến khác nhau trên dư luận báo chí thì chúng tôi nhắc nhở BGĐ Hãng Phim truyện VN là công việc nội bộ không nên đưa lên những dư luận báo chí bên ngoài, vì nếu đưa ra khiến mọi người không hiểu thì đôi khi có hại cho công việc chung của Hãng. 

Tôi lo nhất là thiếu tính chuyên nghiệp

Với tư cách là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện dự án, trên phương diện cá nhân, Thứ trưởng có cho rằng việc triển khai dự án có khả thi trong điều kiện vật chất, nhân tài, vật lực và thời gian hiện nay hay không? 

- Dự án thì khả thi, nhưng điều tôi lo nhất chính là chất lượng sản phẩm. Đơn cử, làm sao chúng ta có một trường quay tốt để tự tin là thành công được? Những người chỉ đạo lo nhất vẫn là chất lượng nghệ thuật của sản phẩm, trong khi chúng ta đang thiếu tính chuyên nghiệp, dẫn đến những việc như tốc độ làm phim, sửa chữa kịch bản chậm, cũng như công tác chỉ đạo bị lúng túng. 

Dự án có thể thực hiện được, nhưng bây giờ tìm ai vào vai Lý Công Uẩn, Sư Vạn Hạnh.... thì phải có thời gian để tìm, nếu không lại vội, nước đến chân mới nhảy, vớ quàng vớ xiên thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Hơn nữa khi tìm được những diễn viên đó rồi, cũng cần thời gian tập luyện chuẩn bị. Lẽ ra giờ này họ đã được nhận vai, bắt đầu trau dồi, làm quen với đời sống tinh thần và xã hội của thời kỳ phong kiến của thế kỷ X – XI thì khi vào vai mới có tinh thần của nhân vật lịch sử. 

Những diễn viên nhận vai Lý Công Uẩn, Sư Vạn Hạnh ... nếu không có thời gian thấm đẫm văn hóa truyền thống, lịch sử, ứng xử, đường đi nước bước, xử lý đạo cụ, phục trang… thì tất cả chúng ta có tội. Cái tội đó sẽ tạo ra một hiệu ứng sống sượng, khán giả chê cười. 

Nói như vậy là Thứ trưởng cũng đang băn khoăn về tính khả thi của bộ phim

- Tôi đang nói về tính chuyên nghiệp, lẽ ra giờ này các diễn viên A, diễn viên B phải được lựa chọn xong rồi. 

Tóm lại, ông có thể đưa ra một bình luận khái quát nhất, đâu là nguyên nhân thực sự dẫn tới sự “bùng nhùng” kéo dài của dự án trọng điểm này? 

- Là do Hãng Phim truyện VN đã làm chậm tiến độ, chậm nộp đề án lên Hà Nội. Tôi không đồng ý với sự “bùng nhùng” ấy. Công việc chúng ta đã làm rất tích cực. Hà Nội cũng đã tích cực. 

Vấn đề ở chỗ, ngay từ đầu chúng ta lựa chọn một kịch bản không được giải cao để triển khai nên phải chỉnh sửa. Chính vì chỉnh sửa nên đã tạo nên nhiều khó khăn, tính chuyên nghiệp chưa cao, thành ra tiến độ chậm. Tôi không nói đến sự “bùng nhùng”. Bây giờ Hãng Phim truyện VN cử đạo diễn nào là quyền của hãng phim. Các đạo diễn muốn thế thì đó là quyền của họ, họ muốn thể hiện mình, điều đó cũng tốt thôi. Đích cuối cùng vẫn là chất lượng của sản phẩm. Một dự án quan trọng như vậy không thể làm bừa được! 

Xin cảm ơn thứ trưởng!

  • Hoàng Hường (Thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;