221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1114878
Nobel văn chương: Huyền thoại và thực tế
1
Article
null
Nobel văn chương: Huyền thoại và thực tế
,

 - Chỉ khi nào châu Á cũng có những giải thưởng văn chương mà các nhà văn phương Tây phải rú lên mừng rỡ khi biết mình được trao giải ấy, thì ít ra chừng đó chúng ta mới có thể nói đến một sự “toàn cầu hóa” đích thực trong văn chương và giá trị tinh thần.

Như mọi năm, vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, báo chí và văn giới trên toàn cầu, cũng như công chúng yêu văn học, lại rục rịch hỏi nhau và đoán già đoán non đủ kiểu: “Giải Nobel văn chương năm 2008 sẽ về tay ai?”

Và, một lần nữa, “đến hẹn lại lên”, người ta lại kể một thôi dài cái “danh sách đợi” bao gồm những “ứng viên kỳ cựu” cho giải Nobel văn chương. Những cái tên đã nhiều năm nay liên tục được nêu ra như là các nhân vật xứng đáng nhất mà rốt cuộc, vì rất nhiều lý do không bao giờ được giải thích một cách thỏa đáng, vẫn tiếp tục chỉ là “ứng viên”.

Đoán non đoán già 

Doris Lessing, Nobel Văn chương 2007, một "bất ngờ" của năm trước. Năm nay sẽ có bất ngờ nào?

Cũng như bao năm trước, người ta lại đua nhau liệt kê hàng chục lý do khiến giải Nobel văn chương năm 2008 “ắt hẳn” sẽ không được trao cho nhà văn này, nhà thơ nọ, những lý do đôi khi liên quan đến văn chương, song phần nhiều là không.

Một trong những điều được nói nhiều nhất về “chiến lược” chọn mặt gửi vàng của Ủy ban Nobel và Viện Hàn lâm Thụy Điển là: họ luôn luôn tính đến yếu tố địa-chính trị.

Các vị học giả Thụy Điển khả kính luôn cân nhắc kỹ sao cho giải Nobel được trao “luân phiên” từ thể loại này sang thể loại khác, từ châu lục này sang châu lục khác, từ giới tính này sang giới tính khác, từ màu da này sang màu da khác, và từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.

Theo đó, một số người cho rằng, xét vì giải Nobel 2007 đã vào tay Doris Lessing, nên “có nhiều cơ sở” để tiên đoán rằng năm nay người ta sẽ không thấy Nobel văn chương lại thuộc về một nhà văn “da trắng, viết tiếng Anh”.

Nếu quả thật “da trắng, viết tiếng Anh” là một yếu tố bất lợi cho việc đoạt giải Nobel văn chương năm nay thì các “cây đại thụ” Philip Roth (Mỹ), Don DeLillo (Mỹ), Joyce Carol Oates (Mỹ), Margaret Atwood (Canada)… xem chừng lại phải xếp hàng thêm ít nhất tới sang năm.

Điều này càng có vẻ sẽ là sự thật khi mà, trả lời phỏng vấn của hãng AP ngày 30/9 vừa qua, chính Horace Engdahl, thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển, khẳng định ‘như đinh đóng cột’ rằng: “(…) Tuy mọi nền văn hóa đều có văn chương lớn, song thực tế không tránh khỏi là: châu Âu, chứ không phải Hoa Kỳ, vẫn đang là trung tâm của văn chương thế giới”. (dĩ nhiên, có thật “châu Âu vẫn đang là trung tâm của văn chương thế giới” hay không thì là chuyện khác, sẽ nói sau).

Người đa nghi lại cho rằng rất có thể đây là một trò “tung hỏa mù” của Ngài Engdahl, và hai, ba tuần nữa thiên hạ sẽ ngỡ ngàng thấy giải Nobel vào tay một ông/bà của xứ cờ sao sọc!

Mặt khác, xét vì các giải những năm gần đây đều được trao cho những nhà văn, một số lời tiên đoán nhắm vào các nhà thơ “lão làng” vốn đã nhiều năm nay là “ứng viên thường trực”: Adonis người Syria, hay Ko Un người Hàn Quốc. Hai người này còn có thêm cái lợi thế mà những vị Bắc Mỹ trên đây không có: họ “không viết tiếng Anh”, “không da trắng” - ít nhất là không phải “da trắng” theo nghĩa “người Âu-Mỹ”.

Chọn ai?

Cũng do vậy các nhà văn/nhà thơ nổi tiếng, “không da trắng” và/hoặc “không viết tiếng Anh” như Mario Vargas Llosa (Peru), Carlos Fuentes (Mexico), Claudio Magris (Ý), Antonio Tabucchi (Ý), Chinua Achebe (Nigeria), Bắc Đảo (Trung Quốc), Nuruddin Farah (Somalia)… may ra lần này sẽ có thể trông mong cơ hội lớn hơn cho cái giải thưởng đã bao lâu nay cứ như muốn trêu ngươi họ.

Umberto Eco (Ý), người có tầm vóc khổng lồ không kém - nếu không phải là hơn - các vị nói trên, cũng có vẻ lại sẽ một lần nữa bị khước từ Nobel, vì lý do đơn giản là ai cũng nghĩ Eco sẽ được giải Nobel.

Tiểu thuyết gia lừng danh Milan Kundera (gốc Czech, hiện sống tại Pháp) cũng nằm trong số này. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại hậu chiến tranh lạnh, một nhà văn Đông Âu “lưu vong” sang Tây Âu trong các thập niên cuối thế kỷ 20 không còn là chủ đề nóng nữa - vậy nên cơ hội của Kundera đã nguội đi nhiều.

Một số giải thưởng Nobel trước đây từng bị chỉ trích (bên cạnh nhiều lời chỉ trích khác) là nặng thiên kiến chính trị.

Viện Hàn lâm Thụy Điển có vẻ phần nào “phải đạo chính trị”, nghiêng về cánh tả, và do đó, các nhà văn có những hoạt động tích cực về chính trị-xã hội (người ta có thể dễ dàng liên tưởng tới Harold Pinter, Orhan Pamuk, hoặc Doris Lessing năm vừa qua với quan điểm nữ quyền của bà) xem ra có nhiều cơ hội hơn so với các cây bút “tháp ngà”, “thuần túy nghệ thuật” kiểu Jorge Luis Borges hay Thomas Pynchon.

Một cơ sở khác để loại trừ thêm các ứng viên: người Thụy Điển vốn là một dân tộc ôn hòa, không thích tạo mầm xung đột. Xét theo “tiêu chí” đó thì Salman Rushdie (Ấn Độ), cũng là một ứng viên thường trực nhiều năm nay, sẽ lại không qua được vòng loại, dù chỉ vì cuốn The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ) và bản án fatwa đến nay vẫn còn treo trên đầu ông.

Nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer có rất ít cơ hội, chính vì Viện Hàm lâm Thụy Điển có lẽ không muốn lặp lại cái “dớp” kinh khủng của năm 1974.

Năm đó, giải Nobel được trao cho hai nhà văn Thụy Điển Eyvind Johnson và Harry Martinson vốn đồng thời là ủy viên Viện Hàn lâm Thụy Điển (!), gây chỉ trích kịch liệt đến độ bốn năm sau, một trong hai người là Martinson, chịu không thấu, phải tự tử bằng một cái kéo trong bệnh viện.

Việc Ủy ban Nobel có khuynh hướng coi rẻ văn chương đại chúng mà chỉ chăm chăm tôn vinh văn chương “đích thực”, “cao cấp”, “nghiêm túc” khiến cho nhiều người tỏ ý hoài nghi cơ hội của Murakami Haruki, người hết sức nổi tiếng với nhiều bestseller nhưng bị các nhà văn “cao đạo” như Oe Kenzaburo miệt thị là thứ văn “bơ sữa”.

Nhiều người lại cho rằng, trung thành với “truyền thống” gây bất ngờ vào phút chót, Viện Hàn lâm Thụy Điển rốt cuộc lại sẽ chọn một nhân vật “vô danh”, một cái tên “lạ hoắc” đối với giới truyền thông và thậm chí văn đàn thế giới, gần như không tồn tại trong bất cứ danh sách tiên đoán hay cá cược nào trước đó (như trường hợp Elfried Jelinek). Một cái tên nhờ có giải Nobel mà đột nhiên từ bóng tối xuất hiện chói lòa trên sân khấu, để rồi chẳng bao lâu sau đó tự mình lu đi mà chẳng cần ai dập?

(Hãy nhớ lại những nhà Nobel văn chương mà đến giờ mấy ai còn nhớ rõ họ viết cái gì: Prudhomme? Mommsen? Carducci? Reymont? Và cả những cái tên cách đây chẳng bao lâu: Dario Fo? Tony Morrison? Các vị đó đã có vị trí/vai trò quan trọng, ảnh hưởng “rộng lớn, lâu dài, có tính quyết định nào đối với văn chương thế giới? Nhất là nếu so với những cái tên khác - không-Nobel - mà thiếu họ thì không thể nào hình dung diện mạo văn chương thế giới trong thế kỷ qua: Marcel Proust, James Joyce, J.L. Borges, Italo Calvino, Julio Cortázar?..)

Huyền thoại Nobel

Và như vậy, cho dù Giải Nobel Văn chương 2008 sẽ được trao cho ai vào lúc 1 giờ chiều (Thụy Điển) ngày Thứ năm 9 tháng 10 này, người ta vẫn sẽ không thể nhận ra một sự thay đổi có thực chất nào trong não trạng của các vị hàn lâm Thụy Điển.

Họ vẫn sẽ cứ lựa chọn theo lối mòn tư duy của họ, trong phạm vi (hạn hẹp) cách hiểu và đánh giá của riêng họ về thực tại văn chương thế giới, cái thực tại vốn dĩ lớn hơn họ nhiều.

Các vị hàn lâm Thụy Điển, trung thành với tôn chỉ “lý tưởng chủ nghĩa” của bậc tiền bối, vẫn tiếp tục nhắm mắt làm ngơ với hầu hết các nhà văn có sự cách tân dũng cảm nhất.

Quan niệm cứng nhắc về “văn chương nghiêm túc” cũng khiến họ gạt bỏ một số nhà văn thuộc hàng lớn nhất - như Ray Bradbury hay Stanislaw Lem - chỉ vì họ “viết theo thể loại”, mặc dù sáng tác của hai người này không hề thiếu tầm tư duy triết học và những băn khoăn mang tính nhân bản sâu xa, điều mà các vị viện sĩ Thụy Điển luôn nhắc tới như là tiêu chí tối thượng của mình.

Mặt khác, khi tuyên bố rằng châu Âu “vẫn tiếp tục là trung tâm của văn chương thế giới”, Ngài Engdahl mặc nhiên tỏ ra không quan tâm đến một thực tế rằng, chính các nền văn chương ngoài châu Âu, những nền văn chương vốn vẫn bị coi là “ngoại biên” đó, mới là những nơi đang dồi dào sinh lực văn chương nhất, nơi đang đóng góp cho văn chương thế giới những giọng nói mới và mở ra những khả thể không ngừng mới mẻ của văn chương.

Những Salman Rushdie, Haruki Murakami, Vikram Seth, Roberto Bolaño, Mia Couto, Alvaro Mutis, Mario Vargas Llosa…, bằng sáng tạo đồ sộ và đặc sắc của họ, đã và đang chứng tỏ rằng thứ quan niệm dĩ âu vi trung đó trong văn chương đang ngày càng trở nên lạc hậu và ấu trĩ như thế nào.

Giải Nobel vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới, trong đó có không ít những người vốn dĩ không hề hoặc không mấy quan tâm đến văn chương.

Mối quan tâm đó không có liên hệ nhiều lắm đến bản thân văn chương và tình yêu văn chương, mà phần lớn là xuất phát từ số tiền lớn – cực lớn so với bất cứ giải văn chương nào khác – đi kèm với nó, và một phần có liên quan đến cái uy thế (lý ra đã lỗi thời từ lâu) của một triều đình phong kiến: hoàng gia Thụy Điển, với sự có mặt rất mực uy nghiêm của đích thân vua và/hoặc hoàng tử trong lễ “đăng quang” Nobel, cùng với mọi thứ nghi thức long trọng rỡ ràng đình đám kèm theo nó.

Sự quan tâm ngoài-văn-chương đó khiến cho giải Nobel mặc nhiên được khoác cho cái áo lớn hơn chính nó.

Không ai phủ nhận rằng giải Nobel đã nhiều lần được trao cho những người thực sự xứng đáng. Song, số lần giải Nobel làm dấy lên tranh cãi gay gắt về sự không xứng đáng của nó của không ít hơn.

Hẳn chính vì vậy mà, những năm gần đây, nhiều giải thưởng văn chương mới đã được thành lập ở các nước khác, với một cách tư duy khác hẳn.

Điển hình trong số này là giải thưởng Neustadt (Mỹ) do Đại học Oklahoma kết hợp với tạp chí World Literature Today tài trợ.

Trái ngược với giải Nobel, theo đó số lượng những người “cầm cân nảy mực” luôn luôn là một số vị học giả cao niên cố cựu không bao giờ thay đổi, và tất cả là người Thụy Điển, ban giám khảo giải Neustadt thường xuyên thay đổi, bao gồm những nhà văn, nhà thơ… tên tuổi từ nhiều nước, nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Và cũng khác với sự “thâm cung kín cổng cao tường” của giải Nobel, các ứng viên của giải Neustadt được công khai trên báo chí.

Đây cũng là điểm chung giữa giải Neustadt với nhiều giải thưởng văn chương thuộc loại có uy tín khác như Man Booker International, Goncourt…

Mặt khác, nếu thế kỷ hai mươi mốt là thế kỷ “của châu Á” – hàm nghĩa rằng trung tâm kinh tế của thế giới sẽ chuyển từ Âu-Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì hẳn chúng ta cũng chỉ có thể tin ở sự phát triển lành mạnh của văn chương trong tương lai một khi châu Á có được những giải thưởng văn chương có uy tín chẳng kém gì các giải thưởng kể trên (vốn tất cả đều là của phương Tây).

Chỉ khi nào châu Á cũng có những giải thưởng văn chương mà các nhà văn phương Tây phải rú lên mừng rỡ khi biết mình được trao giải ấy, thì ít ra chừng đó chúng ta mới có thể nói đến một sự “toàn cầu hóa” đích thực trong văn chương và giá trị tinh thần.

  • Thụ Nhân
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,