221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1115638
Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao chưa?
1
Article
null
Làm thế nào Việt Nam có Nobel văn chương?
Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao chưa?
,

 - Người ngoài coi ta ngoại vi, đã đành. Chính ta tự coi mình và coi nhau như thế! Mặc cảm hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á. Mặc cảm hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á. Viết trong niềm mặc cảm hậu thuộc địa, thì làm thế nào nhà văn có thể đẻ ra tác phẩm lớn không?

1. Không chỉ Việt Nam, văn học Đông Nam Á đang ở vị trí rất khiêm tốn so với văn học nhiều nước trên thế giới. Hai thập niên đầy sôi động, chỉ tính Giải Nobel văn chương thôi, trong lúc các nền văn học [lâu nay bị cho là] ngoại vi (the peripheral literature) khắp nơi đang nỗ lực giành và giành được bao thành tích chói lọi. Từ châu Phi, châu Mỹ La tinh cho đến châu Á. Hay sát cạnh ta: Nhật Bản, với những tên tuổi Yasunary Kawabata, Kenzaburo Oe, Haruki Murakami. Như thể một cách thế giải trung tâm ngoạn mục, thì Đông Nam Á cứ đứng nhìn, như là kẻ ngoài cuộc.

Nhà thơ Inrasara

Hãy bỏ qua bề tối hay vết xước của nó, nhìn lướt qua Giải Nobel văn chương, tác phẩm của các nhà đoạt giải sáng giá, dù khó phân biệt rạch ròi, luôn hội được một/ một vài hoặc tất cả yếu tố:

- Nêu lên được tinh thần cốt tủy của con người thời đại họ sống: Albert Camus. E. Hemingway, S. Beckett… Họ bắt trúng mạch, tìm lối viết thích hợp, đẩy nó đến cùng và mở rộng nó tối đa.

- Hoặc họ tiếp nhận, triển khai tư tưởng mới, độc đáo tác động nhiều chiều đến tinh thần con người. Tư tưởng đó được thể hiện qua nhiều thể loại và bằng nhiều cách thức khác nhau. Hoạt động chữ nghĩa của J-P. Sartre là rất điển hình.

- Hay như những A. Solzhenitsyn, O. Pamuk… nói lên vấn đề lớn của dân tộc, đất nước mình, rộng ra - thời đại mình, không kiêng nể hay hãi sợ. Họ chấp nhận trả giá.

- Hoặc khám phá lối thể hiện mới ảnh hưởng đến lối viết của người cùng thời hay thế hệ sau: W. Faulkner, G. Márquez…

Đó là chưa kể các nhà văn không đoạt giải nhưng tác phẩm có tác động lớn đến văn học và tư tưởng thời đại: R.M. Rilke, F. Kafka, S. Rushdie…

Ở Việt Nam, có nhà văn nào làm được như thế?

2. Chuyện xửa xưa, văn học Đông Nam Á ngàn năm sống đời hạng hai và phái sinh hẩm hiu. Văn chương nôm na bản ngữ, dù đồng hành với văn chương bác học được viết bằng ngôn ngữ “quý tộc” Pali, Sanskrit hay Hán, nhưng luôn chịu phận lép và bị chính người bản địa xem thường. Mặc dù vài dân tộc có chữ viết khá sớm (như Champa chẳng hạn, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mĩ Sơn xuất hiện từ cuối thế kỉ IV) nhưng mãi đến cuối thế kỉ X, người viết Đông Nam Á mới sử dụng nó vào sáng tác văn chương. Để chỉ từ thế kỉ XVII trở đi, nền văn học khu vực này mới cho ra đời các tác phẩm xuất sắc viết bằng chữ bản địa.

Nhưng định mệnh vẫn chưa thôi chơi khăm chúng ta. Vừa thoát khỏi nền văn học song ngữ đầy mặc cảm được vài trăm năm, văn học còn non trẻ này bị đánh tiếp đòn phủ đầu, khi văn học châu Âu sau đó là Mỹ, Nga tràn vào Đông Nam Á. Những cái bóng khổng lồ của bao nhiêu tên tuổi thi bá, văn hào, triết gia ngoại hạng làm ta choáng ngợp. Ta say sưa lao vào nghiên cứu, dịch thuật, học tập, bắt chước nhưng cạnh đó, bởi lòng tự trọng và tự ái dân tộc, không ít bộ phận sợ hãi, xa lánh và chống báng trước sức ảnh hưởng lấn áp của nền văn học và triết học xa lạ kia. Vọng ngoại và bài ngoại cứ là tồn tại song trùng trong tâm thức dân tộc Đông Nam Á (xem thêm: “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa”, Song thoại với cái mới, 2008).

Thế nào đi nữa, ta cũng đã có vài thành tựu. Thành tựu đến đâu đi nữa, ta vẫn cứ bị coi là ngoại vi. Người ngoài coi ta ngoại vi, đã đành. Chính ta tự coi mình và coi nhau như thế! Mặc cảm hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á. Viết trong niềm mặc cảm hậu thuộc địa, thì làm thế nào nhà văn có thể đẻ ra tác phẩm lớn không?

3. Để vươn đến “tầm Nobel”, hỏi ta đã và đang chuẩn bị gì? -Rất ít!

Thực tế, môn triết học - được cho là môn học nền tảng của mọi nền tảng giúp con người suy nghiệm cuộc sống chiều sâu - đến hôm nay vẫn chưa có mặt nghiêm túc trong các Đại học. Không có truyền thống triết học, ta cũng chưa sẵn sàng cho truyền thống đó. Của tin còn một chút này, ta cũng quyết làm cho nó thui chột đi.

Những nhà thơ cổ điển Chăm tiếp nhận truyền thống tư tưởng Ấn Độ, có xu hướng và biết suy tư triết học:

Tabur xanưng twei đơi / Wak Pauh Catwai twei bauh akhar

Suy tư theo dòng đời / Viết Pauh Catwai theo [qua] con chữ.

Xu hướng này để dấu ấn rất đậm trong Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya nau Ikak… Khác với người Việt [xem: Nguyễn Hưng Quốc, “Văn học trong một nước mù chữ”], đàn ông Chăm những năm năm mươi thế kỉ XX trở về trước, không ai là không biết chữ. Biết đến nơi đến chốn là các nông dân-trí thức và tầng lớp giáo sĩ. Cái biết đủ cho họ thoải mái pacauh xakarai (bàn luận triết học). Nhưng từ đất nước thống nhất, đại bộ phận “trí thức” Chăm thế hệ sau đó mù chữ Chăm. Khả năng pacauh xakarai bằng tiếng mẹ đẻ thì như thể hái sao trên trời!

Ngay từ tuổi bước chân vào giảng đường, thế hệ nhà văn hôm nay chưa được trang bị tri thức tối thiểu về triết học đúng nghĩa triết học, chưa được giáo dục hay khuyến khích sự suy tư độc lập, thì làm gì hy vọng sau đó họ phát kiến ý tưởng mới lạ, liều lĩnh đi tìm lối viết mới mẻ, dám thể hiện mình (không phải thứ thể hiện cái tôi chủ quan èo uột hay lớn lối như đã) mà không ngại thất bại. Khía cạnh này, hãy nghĩ đến A. Breton hay Alain Robbe-Grillet? Đây là rào cản vững chãi và ngoan cố nhất chúng ta tự dựng lên ngay trong nhà mình.

Vượt được sự sợ hãi mang tính xã hội, là khó, nhưng không phải bất khả. Đã có không ít nhà văn phá đổ bức tường này. Nhận ra và đạp đổ được rào cản vô hình dựng ngay trong tâm thức chúng ta, ngàn lần khó hơn. Đó là lề thói tư duy [hay não trạng] nhỏ lẻ, tư duy ăn theo, núp bóng. Chỉ khi vượt qua nó, nhà văn mới có thể nói đến sáng tạo đích thực.

4. Thiếu triết học, ta có thể đổ lỗi cho cơ chế với ngài khách quan, nhưng - theo quan sát của tôi - nhà văn ta còn chưa nắm bắt đầy đủ thực tế cuộc sống rộng lớn ngoài kia. Đây đích thị một trớ trêu. Bởi khẩu hiệu “ba cùng” là do các quan văn chương cổ xúy. Hội Nhà văn Việt Nam cùng các Hội đoàn địa phương và cả cá nhân nhà văn bỏ tiền của tổ chức bao nhiêu là cuộc thâm nhập thực tế, nhưng ta cứ thiếu.

Bởi, khi đi vào cuộc sống địa phương, ta chưa đủ sâu sát.

Mới đây thôi, “Báo cáo Lịch sử Đất Mũi và 30 năm xây dựng - phát triển Cà Mau” - một văn bản khô khan nhưng ngồn ngộn sự kiện mới lạ được trình bày bằng thái độ nhiệt tình với sự phấn chấn hiếm có của đại diện Khoa giáo Tỉnh - được non hai chục nhà văn trẻ ta nghe một cách hờ hững. Hơn nữa, không ai ghi chép cả! Như thể báo cáo chính trị - xã hội kia chả can hệ gì đến sáng tác thơ văn tôi.

Sau đó, mùa hè 2008, đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh đi thực tế huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng. Mươi nhân viên Công ty Thuỷ điện Đồng Nai 4 cùng năm anh chị em thuộc đội ca nhạc dân tộc Châu Mạ, hai già làng nữa đón đoàn - trân trọng và đậm tình. Đốt lửa, rượu cần, thịt heo rừng quay, ca hát… Vậy mà nhà văn ta “dấn thân” chưa đầy hai tiếng đồng hồ, đã xin kiếu, lên xe máy lạnh về thị xã ngay trong đêm khuya khoắt ấy. Trong khi ở đó vẫn còn mồi (bắt chước lối nói của Bùi Chát), nhà nghỉ có sẵn, và không khí văn nghệ đang kì cao điểm. Tại sao không ở lại nhạc rừng by night với anh chị em? Để vui thôi, chứ chưa nói đến chuyện ba cùng [khổ] với đồng bào.

Còn bởi, đi thực tế, ta rất thiếu… cô đơn cho thực tế! Nhà văn luôn cõng theo lỉnh kỉnh bao nhiêu là “vấn đề” từ nhà mình về vùng đất mới.

Tham dự lễ hội Katê Chăm, nhà văn khoái khách sạn nhiều tiện nghi hơn trú lại nhà dân, thích làm khách sang của gia đình sang trọng hơn là lăn xả vào chốn nghèo hèn và, đáng nói hơn cả là - luôn gánh cả đống chuyện văn chương chữ nghĩa ở tận thành phố theo mình. Hiếm ai tạo được “những ngày rỗng” toàn triệt để thu vào tầm mắt đất trời Phan Rang lạ lẫm, tò mò tìm biết bí ẩn những mảnh vụn của nền văn hóa Champa, lắng nghe câu chuyện Chăm, cảm thông những tâm hồn cô đơn và kiêu hãnh Chăm,… (tiết mục này, Nguyễn Bình Phương là một ca lạ).

Chúng ta chưa học biết cởi bỏ cô gái ở lại bên này bờ sông như chú sãi kia trong một ngụ ngôn Thiền, mà một mực vác nàng theo suốt hành trình chữ nghĩa nặng nhọc. Vậy đó!

5. Thứ nữa, sự thiếu thâm nhập vào mọi vùng tối, khoảng trống của ngôn ngữ để khai thác tối đa tiềm năng khả thể của ngôn ngữ, nhà văn ta chưa có đủ ý thức đó (VNN nhấn mạnh). Nhất là nhà thơ, kẻ được coi như nghệ sĩ của ngôn từ. Chúng ta chăm chăm vào nội dung tư tưởng xã hội, tính giáo dục của tác phẩm mà bỏ bê [hoặc rất ít chú ý] khả tính nội tại của ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ sống được sản sinh từ giữa lòng thực tiễn cuộc đời.

Bắc, Trung, Nam rồi sau đó, đất nước chia hai đã nảy ra bao nhiêu là khác biệt về từ vựng và cách sử dụng. Sau 1975, sự thay đổi liên tục về chính sách (chỉ tính riêng nông thôn: chia ruộng đất, ba khoán, khoán sản phẩm, khoán trắng, rồi giải thể hợp tác xã…) đẩy cả ngàn từ vựng nóng hôi hổi cấp tập chào đời. 54 dân tộc trong hơn 80 triệu dân, trong đó năm dân tộc có chữ viết truyền thống, có dân tộc sở hữu cả nền văn hóa - văn minh lâu đời, ngôn từ phong phú bao nhiêu mà kể. Nhưng hiếm hoi lắm chúng mới hân hạnh góp mặt trong các tập thơ đương đại. Các chữ sang trọng đầy quen thuộc đến cũ mèm vẫn cứ chễm chệ trang trọng trong sáng tác thơ ca dòng chính lưu.

Khía cạnh này, thái độ sử dụng tiếng Việt của Nguyễn Hoàng Nam, Bùi Chát rất đáng ghi nhận. Hay gần đây - Đinh Linh với thơ tiếng Việt của anh:

“Truyền thống không phải là những lề lối, cách dùng cũ nhạt, ứ đọng, mà là di sản ngôn ngữ linh động của cả một dân tộc. Ngôn ngữ chợ búa, du đãng, những bài thơ tiền vệ, chữ lóng cũng thuộc về truyền thống. Thậm chí ngôn ngữ dùng sai, bởi con nít, những kẻ nói tiếng Việt không rành, chẳng hạn Hoa Kiều, Việt Kiều hay những nhân vật tỉnh Nghệ An, cũng thuộc về truyền thống. Nhà thơ có quyền, thậm chí có trách nhiệm, đùa với truyền thống, tìm những chức năng mới cho nó. Hơn nữa, bạn còn có thể mượn truyền thống người khác để làm phong phú ngôn ngữ mình” (Đinh Linh trả lời phỏng vấn trên một trang web hải ngoại).

Sự chưa đủ này lại là một rào cản khác.

6. Thêm: bao nhiêu là nỗi sợ hãi vây bủa nhà văn, dưới, trên và trong, xa và gần! Sợ bị soi mói, bị chụp mũ, sợ tác phẩm không được in hay bị thu hồi sau khi phát hành. Sợ cho mình, sợ cho nhau và sợ nhau, nên ta rất sợ mình không giống ai… (xem thêm: “Ngụ ngôn hậu hiện đại”, về Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ). Tôi gọi đó là nỗi chưa đủ cô đơn cho sáng tạo. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu.

Chưa đủ cô đơn trong giai đoạn đầu tư thai nghén: Nhà văn bị cuốn vào cuồng lưu hội hè đình đám, hội thảo chòm nhóm, văn chương chưa ra trường phái đã biến thành phe phái. Chưa đủ cô đơn khi đối diện với trang giấy/màn hình trắng: Bao nhiêu bóng u ám, giọng mơ hồ lởn vởn trong ta, quanh ta, sẵn sàng đe dọa thân xác ta, uy hiếp tinh thần ta; nó lên tiếng thì thầm khuyên nhủ hay trừng mắt răn đe ta nên thế này với không nên thế nọ, khiến ta lơi tay hay bẻ cong ngòi bút lúc nào không hay. Chưa đủ cô đơn cả lúc tác phẩm đã sinh hạ: Ta lắng tai nghe ngóng dư luận về nó, rằng nó có vấn đề gì không, các nhà phê bình có để mắt đến nó và, tệ hơn cả, ta mãi trong tư thế đứng ra bảo vệ nó khi nó bị chê bai.

Bấy lâu, chúng ta luôn là con người của số đông: số đông trong giới văn nghệ, số đông giữa người đọc và, số đông cả khi chỉ ngồi một mình, cô độc! (Xem thêm: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, Song thoại với cái mới, 2008).

Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, từ đó nơi thẳm sâu tâm thức nhà văn ẩn chứa tinh thần tự kiểm duyệt. Tự kiểm duyệt theo nghĩa rộng nhất của từ này. Tự kiểm duyệt và hỗ trợ nhau kiểm duyệt trước khi bị kiểm duyệt. Hậu đổi mới là thời hoàng kim của tự kiểm duyệt, Phạm Thị Hoài nói thế.

Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, nhà văn không dám sống tới cùng tư tưởng chọn lựa, không dám viết tới cùng, và nhất là không dám theo đuổi đến cùng dự án lớn lao không giống ai của mình [nếu nhà văn đã nghĩ ra được và hoạch định trước đó].

Mà đã sợ hãi, thì làm gì có sáng tạo đúng nghĩa!

7. Rào cản cuối cùng, là nhà văn chưa đủ ý thức về nghề (VNN nhấn mạnh). Đại đa số nhà văn hôm nay chưa thoát khỏi quan niệm văn chương là trò chơi. Ch. Fredriksson trả lời báo Thể thao-Văn hóa, số 142, 28-11-2006: “Ý tưởng dường như có tính tiên quyết, xem người nghệ sĩ làm gì và làm như thế nào với tác phẩm của mình, để làm sao cho tác phẩm ấy có hiệu quả nhất khi đến với công chúng. Nhưng dường như ở Việt Nam các nghệ sĩ ít thích bàn về điều này, họ thường thích làm tác phẩm hơn là nói về các tác phẩm của mình”.

Ít bàn, theo ông nói, thực ra là: không bàn, không muốn bàn, không dám bàn vì không có khả năng bàn, thậm chí dị ứng với lí luận. Đó là ông nhận định về cánh làm mĩ thuật. Bên văn chương cũng không hơn. Sáng tạo đầy mơ hồ không trên nền tảng mĩ học cụ thể nào, nhà thơ mãi chịu định mệnh một tác phẩm, một bài, là vì thế. Không ít sáng tác có dấu ấn là sáng tác ăn may, ăn mòn vào năng khiếu “trời cho”. Trời cho tới đâu hay tới đấy, chúng ta thói quen nói như vậy! Sự thể sẽ dẫn đến đâu? - Bế tắc!

Tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn hay các Trung tâm bồi dưỡng viết văn, các trào lưu văn chương trên thế giới hãy còn khá xa lạ với sinh viên. Tri thức cơ bản nhất về các hệ thẩm mĩ văn học nghệ thuật tiên tiến không được cập nhật, thế hệ nhà văn tương lai hiện đang ngồi ghế giảng đường còn không biết thiên hạ đã đi đến những đâu nữa.

Chưa đủ ý thức về nghề, nên chúng ta chưa suy tư qui mô về nghệ thuật, suy tư có tính nền tảng và rốt ráo. Sau Bàn tròn văn chương kì 7, tôi làm cái sơ kết: Bàn tròn được ba thành công nhỏ nhưng vỡ ra một thất bại lớn. Thành công trong tập hợp đa thành phần, đa xu hướng sáng tác, nhiều lứa tuổi khác nhau với số lượng người tham dự ngày càng tăng để thực sự cùng bàn về văn chương đương đại; đề tài hay tác giả - tác phẩm của Bàn tròn được chọn tự do, vô phân biệt; thành viên thảo luận tự do trong một không khí cởi mở, vô ngại. Là ba điều chưa từng xảy ra trước đó. Nhưng thất bại lớn nhất và duy nhất của Bàn tròn văn chương là chất lượng của ý kiến. Cứ đặt 7 Biên bản Bàn tròn bên cạnh 4 cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo, chúng ta dễ thấy hiện diện ở đó cả một vực thẳm.

Đó là vật chứng không thể chối cãi về tầm ý thức về nghề của nhà văn nhà thơ hôm nay so với nhóm Sáng Tạo. Trong khi tuổi trung bình của ta gấp rưỡi thế hệ trước ở thời điểm họ thảo luận, và ta đi sau họ đến nửa thế kỉ!

Trong sáng tác nghệ thuật, đạt được sự phát triển tinh thần tuần tự nhi tiến, ngày càng sâu rộng, cao lớn như Rembrandt, Van Gogh, Beethoven hay Dostoievski là điều cực hiếm. Ở Việt Nam, một Chế Lan Viên hay Tô Thùy Yên là hiện tượng lạ. Còn thì, phong độ khá phập phù. Không phải nhà sáng tạo vĩ đại thì đã không rơi vào bế tắc, nhưng khác biệt lớn giữa bế tắc thật và giả là tinh thần, thái độ, rằng nó nghiệp dư hay chuyên nghiệp. (Xem thêm: “Bế tắc trong sáng tạo”, Song thoại với cái mới, 2008).

Chuyên nghiệp, ta tự tin làm việc trong bất kì hoàn cảnh nào. Chuyên nghiệp, ta chấp nhận giú mình nơi bóng tối vô danh trong thời gian dài. Ta không sợ cô đơn, không sợ cô độc, cả không sợ cô lập. 

8. Mặt bằng độc giả [cả độc giả phổ thông lẫn độc giả văn học] là yếu tố không thể thiếu góp phần kích thích sự phát triển văn học. Nhưng ở điểm này, chúng ta vẫn chưa có người đọc đúng nghĩa (VNN nhấn mạnh) (xem thêm: Vương Trí Nhàn, “Vì sao người Việt không mê đọc sách?”, chungta.com, 22-9-2008).

Trong các chuyến đi xuyên Việt, bằng tàu lửa hay máy bay hoặc xe du lịch chất lượng cao, để ý ta nhận thấy, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện vặt hoặc tán gẫu, có hai bộ phận đọc khác nhau: đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây, ngược lại: dân Việt Nam!

Đi vào các khu di tích văn hóa - lịch sử cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trong khi người Việt Nam xách theo gói đồ ăn với tờ nhật báo thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Đi du lịch, họ chuẩn bị sẵn tri thức tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và kiến thức được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Tại sao sách lí giải thế này mà cô thuyết minh như thế kia? Vân vân…

Ở xã hội nông thôn Việt Nam, vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà một gia đình trung lưu, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái tivi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách. Có - nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn.

Trước 1975, làng Chakleng quê tôi chưa tới ngàn dân có hai gia đình sở hữu tủ sách trên ngàn cuốn. Con số ở làng Hữu Đức là gấp đôi. Các tạp chí như Bách khoa, Phổ thông, Văn, Tư tưởng, Đại học,... được bày biện trang trọng là chuyện nhỏ. Tại vài hiệu sách tỉnh lẻ như thị xã Phan Rang, lứa trẻ chúng tôi dễ dàng tìm mua bộ Nho giáo, Thơ tiền chiến toàn tập, Bùi Giáng... Hôm nay, nhân khẩu Chakleng tăng tám lần nhưng tủ sách gia đình thì hầu như... tuyệt chủng! Chúng ta đọc báo, yên tâm rằng mình đã hiểu mọi chuyện.

Độc giả ta hiếm cơ hội tiếp cận cái mới từ đó khó chấp nhận cái mới, cái xa lạ.

9. Khủng hoảng và tê liệt phê bình đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lớn dậy của sáng tạo văn chương (VNN nhấn mạnh). Chúng ta có đủ loại, dạng phê bình. Từ phê bình hũ nút đến phê bình hàng hai, từ phê bình quan phương đến phê bình du kích (từ dùng của Nguyễn Hoàng Văn), phê bình bè phái hay phê bình chỉ điểm… Riêng phê bình nhằm thúc đẩy văn học tiến tới thì chưa. Một phê bình thoát khỏi hệ mĩ học cũ để mở ra hướng đi mới cho văn học (xem thêm: “Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nay”).

Cứ ngoái lại xem Hoài Thanh đã ứng xử kịp thời và tài tình với phong trào Thơ Mới thế nào cũng đủ hiểu. Còn hôm nay, có nhà phê bình nào làm được thao tác đó? Không ai cả! Tháng 7/2008, trong buổi nói chuyện tại Khóa bồi dưỡng lí luận - phê bình văn học do Hội Nhà văn tổ chức tại Hà Nội, tôi hỏi các học viên: sau Hoài Thanh, có tác phẩm phê bình nào các bạn cầm lên để có thể nhận diện được một trào lưu văn học, một thời đoạn ngắn ngủn của thơ ca Việt Nam chưa? - Chưa!

Ngay ý định làm một cuốn sách như thế, đến hôm nay - theo tôi biết - vẫn chưa (Thực tế là có một, nhưng thất bại). Chúng ta tranh thủ viết báo, hội thảo hay rẽ sang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc nhanh nhẩu nhảy vào cuộc cãi cọ nhảm nhí bằng phản ứng nhếch nhác chỉ bởi vài quy kết, xuyên tạc nhỏ nhen nào đó. Chúng ta có đủ lí do chính đáng cho các sự vụ ấy. Trong khi tập trung vào công việc chính là phê bình thì - chúng ta vẫn cứ chưa. Đành rằng, với nỗi “dồi dào” và “phong phú đa dạng” các tác giả, trào lưu, khuynh hướng văn chương xuất hiện trên đủ loại phương tiện thông tin, không nhà phê bình nào tự nhận quán xuyến tất cả. Nhưng ít ra, người làm phê bình vẫn có thể chọn một/vài trào lưu nhất định để làm phê bình. Vậy mà mãi tận hôm nay, giới phê bình Việt Nam vẫn chưa cho ra đời tác phẩm như thế.

Dăm năm qua, tôi thử dấn vào “lập biên bản” sáng tạo của nhà văn hậu đổi mới: Nguyễn Hoàng Tranh, nhóm Mở Miệng, Mai Văn Phấn, Phan Nhiên Hạo, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Anh Hoài, Như Huy, Trần Nhã Thụy, Nhật Chiêu, Lê Vĩnh Tài, Vũ Thành Sơn… Đây là các tác giả viết trong cảm thức mới, sử dụng thủ pháp nghệ thuật mới. Nhiều khuôn mặt độc đáo khác: Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Đinh Linh, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Tôn Hiệt, Phan Bá Thọ, Đặng Thân, Lê Thị Thấm Vân, Miên Đáng, Lưu Hy Lạc, Khánh Phương, Lưu Diệu Vân… Bao nhiêu là nỗ lực, bao nhiêu là hủy phá và sáng tạo đáng được ghi nhận ngay giai đoạn sung sức nhất của đời văn.

Tôi viết về họ, với hy vọng rằng sau cao trào này, sẽ làm một tổng luận về thơ tiếng Việt hậu đổi mới. Để kết thúc một thời đoạn và mở ra một cái gì khác chưa thể biết được. Tôi không chắc mình có kham nổi công cuộc này không, nhưng thiết nghĩ, chỉ khi kịp thời ghi nhận đúng đắn nỗ lực và thành tựu khởi đầu của họ, nhà phê bình mới thật sự góp tay vãi một nắm phân đạm vào đám ruộng hợp tác xã văn chương tiếng Việt. Còn nhà văn có vươn ra cánh đồng văn chương thế giới hay không và vươn ra tới đâu, chỉ có họ trả lời được. Ở thì tương lai.

Sài Gòn, 12/9/2008

  • Inrasara
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,