221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1116294
Le Clézio: Người khổng lồ cuối cùng của văn chương Pháp
1
Article
null
Le Clézio: Người khổng lồ cuối cùng của văn chương Pháp
,

Le Clézio là người ít nhiều cùng thế hệ với các nhà văn lừng danh thuộc trào lưu Nouveau Roman (Tiểu thuyết mới) của Pháp trong đó có Georges Perec, Michel Butor, Nathalie Sarraute, Claude Simon, Alain Robbe-Grillet, Marguerite Duras, hầu hết trong số đó (trừ Butor) đã qua đời.

Jean-Marie Gustave Le Clézio

Jean-Marie Gustave Le Clézio, người vừa được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố trao giải Nobel văn chương 2008 vào lúc 13 giờ (tức 18 giờ VN) ngày 9/10/2008, không phải là một cái tên xa lạ đối với những người yêu văn chương.

Clézio là một trong những nhà văn hiện đại Pháp được dịch nhiều nhất. Do những thử nghiệm văn chương thời kỳ đầu, ông thường được kể là một trong các nhà văn tiên phong (avant-garde), song trên thực tế khó mà khu biệt được sáng tác của ông. Chủ đề sáng tác của Le Clézio là xuyên văn hóa. Ông thường xuyên di chuyển từ lục địa này sang lục địa khác, kết hợp những ý tưởng và hình ảnh từ nhiều loại văn chương và văn hóa khác nhau.

Jean-Marie Gustave Le Clézio sinh tại Nice vào năm 1940. Năm lên bảy, ông theo mẹ và anh trai sang Nigeria đoàn tụ với người cha đang sống ở đó và hành nghề bác sĩ. Từ năm lên tám, Le Clézio đã bắt đầu làm thơ và đọc truyện tranh.

Năm 1957 Le Clézio nhận bằng tú tài về văn chương và triết học, Sau đó ông học ở Đại học Bristol, Đại học London và Viện Nghiên cứu Văn học ở Nice. Năm 1964 ông nhận bằng cử nhân ở Đại học Aix-en-Provence. Ông giảng dạy tại Đại học Phật giáo ở Thái Lan vào năm 1966-67, Đại học Mexico, Đại học Boston, Đại học Texas ở Austin và Đại học New Mexico ở Albuquerque.

Tác phẩm mang tính đột phá của Le Clézio cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tay, Le procès-verbal (Thẩm vấn), được trao giải Renaudot. Cuốn sách đưa ra một trong những chủ đề trung tâm của ông là sự thoát khỏi những cách nghĩ thông thường để dấn vào những trạng thái cùng cực của tâm thức. Adam Pollo, nhân vật chính, là một chàng trai nhạy cảm, lang thang khắp thành phố như một con chó hoang, và sau khi hùng hồn diễn thuyết một bài trước một đám đông cuồng nhiệt, rốt cuộc phải vào bệnh viện tâm thần. Tâm trạng của cuốn tiểu thuyết này được người ta so sánh với Người xa lạ (L’étranger) của Camus và Buồn nôn (La nausée) của Sartre.

Le procès-verbal nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tuy nổi tiếng thế giới, Le Clézio chọn thế đứng ngoài giới văn chương thời thượng. Trong một bài viết năm 1965, ông viết: “Chưa chắc liệu viết văn có phải là một cách tốt để biểu đạt hay không.”

Văn của Le Clézio vừa sáng sủa vừa mạnh mẽ, vừa đầy ấn tượng vừa điềm tĩnh, vừa đầy hoài niệm vừa hiện đại. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Clézio nói các nhà tiểu thuyết mà ông yêu thích là Stevenson và Joyce. Các nhân vật của ông thường là những kẻ cô đơn, cố tìm cách ứng phó với cuộc sống và công nghệ hiện đại, hoặc xung đột với môi trường đô thị.

Trong sáng tác của ông, ta có thể phân biệt khá rõ hai giai đoạn.

Từ 1963 đến 1975, tiểu thuyết và tiểu luận của ông khai phá các chủ đề như cơn điên, ngôn ngữ, sự viết, chú tâm khai phá những khả năng thể nghiệm hình thức, điều khiến nhiều người xếp ông vào cùng một dòng với những tác giả cùng thời như Georges Perec hay Michel Butor. Le Clézio mang hình ảnh một nhà văn cách tân và nổi loạn, người khiến cho các nhà phê bình và học giả lừng danh như Michel Foucault hay Gilles Deleuze phải khâm phục.

Đến cuối thập niên 1970, Le Clézio khởi đầu một sự thay đổi trong cách viết, xuất bản nhiều cuốn sách nhẹ nhàng hơn, bút pháp khoan hòa hơn, đề tài về tuổi thơ, du hành, những người thiểu số. Lối viết mới này giúp ông có nhiều độc giả hơn. Năm 1980, ông là người đầu tiên được trao giải thưởng Paul Morand của Viện Hàn lâm Pháp cho tác phẩm Désert (Sa mạc).

Suốt đời, Le Clézio di chuyển nhiều nơi: từ Pháp sang Nigeria, Thái Lan, Mexico, Panama, Nhật Bản và nhiều nước khác khắp năm châu. Từ năm 1973 Le Clézio đi đi về về giữa Pháp (Nice và Paris), Mỹ (Albuquerque) và đảo Mauritius. Ông là chuyên gia về Michoacan (ở miền Trung Mexico), từng đệ trình luận án về lịch sử vấn đề này ở Viện nghiên cứu Mexico tại Perpignan.

Tuy thường xuyên chu du đây đó, ông không bao giờ ngừng viết. Đến nay ông đã cho xuất bản trên ba mươi đầu sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, tiểu luận, hai bản dịch các huyền thoại của nền văn minh cổ Maya, cũng như vô số bài báo, lời nói đầu và những đóng góp khác vào các tuyển tập tác phẩm.

Năm 1994, trong một cuộc thăm dò của tạp chí Lire, 13 phần trăm độc giả coi Le Clézio là nhà văn Pháp lớn nhất còn sống đến nay.

Le Clézio là người ít nhiều cùng thế hệ với các nhà văn lừng danh thuộc trào lưu Nouveau Roman (Tiểu thuyết mới) của Pháp trong đó có Georges Perec, Michel Butor, Nathalie Sarraute, Claude Simon, Alain Robbe-Grillet, Marguerite Duras, hầu hết trong số đó (trừ Butor) đã qua đời.

Le Clézio là nhà văn Pháp đầu tiên được trao giải Nobel văn chương kể từ Claude Simon (Nobel văn chương 1985). Cao Hành Kiện, Nobel văn chương 2000, thật ra là nhà văn Trung Quốc nhập quốc tịch Pháp.

  • Thụ Nhân (tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,