221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1116430
Nobel văn chương: giải thưởng văn học châu Âu mở rộng?
1
Article
null
Nobel văn chương: giải thưởng văn học châu Âu mở rộng?
,

 - Rốt cuộc, một nhà văn nào đó có thật là người khổng lồ không thể thiếu của văn chương thế giới hay chăng không phụ thuộc nhiều lắm vào những giải thưởng mà ông/bà đó được trao. Vị trí đích thực của họ được xác lập không phải do ai khác ngoài các độc giả và các nhà phê bình, với điều kiện đó là những độc giả và nhà phê bình mẫn tiệp nhất và công tâm nhất.

>> Le Clézio: Người khổng lồ cuối cùng của văn chương Pháp
>> Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt
>> Nobel văn chương cho Việt Nam, tại sao chưa?

 

Umberto Eco: "ứng viên thường trực" cho Nobel văn chương. Bao giờ thì tới lượt ông?

Vậy là giải Nobel đã được trao cho J.M.G. Le Clézio, một nhà văn không phải là quá ít tiếng tăm, tuy cũng không phải là một ứng viên quá ư nặng ký – tuy có tên trong danh sách cá cược của nhà Ladbrokes với tỷ lệ 14/1, ông vẫn có vẻ không thực sự “nặng cân” so với một loạt ứng viên được cho là xứng đáng nhất: Ko Un, Milan Kundera, Harry Mulisch, Mario Vargas Llosa, Amos Oz, Umberto Eco, ấy là chỉ kể một số ít.

Không phải vô cớ mà webmaster của complete-review.com, một trang web văn chương thuộc hàng có uy tín của Mỹ, tuyên bố rằng họ “ngạc nhiên trước lựa chọn này” của Stockholm.

Dù thế nào thì, trong những điều người ta tiên đoán trước giải Nobel, ít nhất có một điều đã ứng nghiệm: người được trao giải năm nay là người da trắng (phương Tây) nhưng không viết tiếng Anh.

Tuy nhiên, ông ta là người châu Âu, điều này cho thấy dường như Viện Hàn lâm Thụy Điển trước sau quán triệt quan điểm chủ đạo đã được Ngài Thư ký thường trực Horace Engdahl phát biểu rạch ròi: “châu Âu vẫn là trung tâm văn chương của thế giới.”

Điểm lại danh sách các nhà Nobel văn chương trong hai thập kỷ vừa qua, ta thấy rõ quan điểm này được áp dụng một cách nhất quán vào thực tế như thế nào.

Từ 1988 đến 2008, có 10 lần giải Nobel vào tay những người không thuộc châu Âu (Naguib Mahfouz, Octavio Paz, Derek Walcott, Nadine Gordimer, J.M. Coetzee, V. S. Naipaul, Cao Hành Kiện, Orhan Pamuk, Oe Kenzaburo). Nghĩa là, trong 20 năm, phân nửa số giải Nobel về tay các nhà văn châu Âu.

Điều này sẽ hợp lý nếu quả thật “châu Âu vẫn là trung tâm văn chương thế giới”. Tuy nhiên, tôi tin rằng bất kỳ ai, miễn là có lý trí lành mạnh và không thiên kiến, có theo dõi sát sao những vận động của văn đàn thế giới, đều sẽ không đồng ý như vậy.

Nói vậy, tôi không ngụ ý rằng Le Clézio không phải là một nhà văn có tầm vóc của mình. Ông quả là một nhà văn đáng kể: vừa là một nhà cách tân, thử nghiệm táo bạo và triệt để, một “tay nổi loạn” trong những năm 1960 và 1970, ông cũng lại là tác giả những cuốn sách dễ đọc và phổ cập hơn nhiều trong giai đoạn về sau. Ông luôn luôn là một tác giả có ý thức về môi trường, và trong các thập niên gần đây ông mang quan điểm đa văn hóa đích thực, quan tâm sâu sắc đến những nền văn hóa bản địa tại Mỹ và Mexico.

Mặt khác, cũng như một vài người đoạt giải Nobel văn chương gần đây như Elfried Jelinek, Jose Saramago, Harold Pinter, Dario Fo, ông là người cấp tiến, “đứng ngoài thế cuộc”, nhưng khác với một vài vị kia, ông không hay có những phát biểu chính trị khiến người này người nọ mếch lòng.

Tuy nhiên, mặc tất cả những điều đó, Viện Hàn lâm Thụy Điển khó mà thuyết phục được dư luận rằng Le Clézio dứt khoát xứng đáng với giải Nobel hơn so với nhiều nhân vật xuất chúng khác mà vị trí và ảnh hưởng của họ đối với văn chương thế giới là không thể bàn cãi.

Nếu một Umberto Eco, Mario Vargas Llosa, Ko Un, Adonis, Milan Kundera… là người được đăng quang năm nay, hẳn sẽ có nhiều người thỏa mãn hơn.

Dạo qua một số diễn đàn trên thế giới xung quanh giải thưởng Nobel văn chương lần này (như worldliteratureforum.com), có thể thấy rằng không mấy ai phản bác quá mức việc lựa chọn Le Clézio, nhưng cũng chẳng ai tỏ ra hào hứng lắm trước quyết định của Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Một thành viên nói: “Tôi cũng thất vọng (trước quyết định này), mặc dù tôi là người Pháp.”

Nhiều người cho rằng, nếu Viện Hàn lâm Thụy Điển có con mắt tinh tường hơn và/hoặc công tâm hơn, lẽ ra họ đã phải dành giải Nobel cho những người Pháp khác trước khi họ chết: Jacques Derrida hoặc Michel Foucault. (Hai vị này không viết văn hư cấu, song giải Nobel cũng từng được trao cho ít nhất một người không viết văn hư cấu là Thủ tướng Anh Winston Churchill).

Một người khác viết: Hình như bạn phải sinh ra là nhà văn châu Âu thì mới có nhiều cơ may đoạt giải Nobel.

Cũng người này nói: Nền văn chương Mỹ La tinh và Hoa Kỳ hùng hậu là thế, song dường như không tồn tại trong mắt các viện sĩ hàn lâm Thụy Điển.

Cũng có thể nói như vậy về châu Á, châu Phi, nơi có một nền văn chương mà Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ thấy một phần, không thấy, hoặc không muốn thấy.

Có người thử lý giải rằng đó là do một trong những kênh quan trọng để tiến cử ứng viên cho giải Nobel là thông qua các hội nghề nghiệp của nước sở tại. Nhiều nước châu Âu do có nền văn chương phát triển hơn nên cũng có các hội nhà văn hoạt động tích cực hơn, có hiệu quả hơn trong việc “lăng-xê” nhà văn nước mình với Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Điều này có thể đúng, tuy nhiên, nó càng chỉ nói lên rằng các ông viện sĩ Thụy Điển là những vị học giả tháp ngà và “quan liêu” đến như thế nào.

Không có sự tiến cử của “quan lại” các địa phương, những ông chúa văn chương này hình như không bao giờ cho rằng mình cần phải tự “vi hành”, thân chinh tìm tới những nơi thâm sơn cùng cốc để tự mắt mình nhìn thấy những viên ngọc đích thực còn ẩn khuất.

Điều mà hầu như bất cứ độc giả bình thường nào trên khắp thế giới, nếu thực sự yêu văn chương, đều có thể làm được, họ hình như không thể nào làm được?

Chừng nào chuẩn mực của giải Nobel còn là chuẩn mực của các vị học giả khệnh khạng và mù dở này, chúng ta còn không có lý do gì để tin rằng nhà văn được trao giải Nobel nhất định chính là một bảo vật văn chương của nhân loại.

Rốt cuộc, một nhà văn nào đó có thật là người khổng lồ không thể thiếu của văn chương thế giới hay chăng không phụ thuộc nhiều lắm vào những giải thưởng mà ông/bà đó được trao. Vị trí đích thực của họ được xác lập không phải do ai khác ngoài các độc giả và các nhà phê bình, với điều kiện đó là những độc giả và nhà phê bình mẫn tiệp nhất và công tâm nhất.

  • Thụ Nhân
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,