221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1123571
Phan Đăng Di "chinh phục" 3 LHP danh giá
1
Article
null
Phan Đăng Di 'chinh phục' 3 LHP danh giá
,

 - Một năm trước còn là cái tên xa lạ, nhưng chỉ trong năm 2008 anh cùng lúc chinh phục cả 3 LHP hàng đầu thế giới Cannes, Berlin và Venice. Sau Chơi vơi, Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di đã kịp làm một vòng từ Cannes đến Berlin.

Thắng bằng tình yêu dành cho bộ phim

Phan Đăng Di
Anh vừa được Quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin tài trợ 50.000 Euro cho Bi, đừng sợ! Anh thuyết phục được một LHP danh tiếng như vậy bỏ tiền đầu tư cho dự án phim của mình bằng cách nào?

- Thực ra 50.000 euro (khoảng 1,2 tỉ đồng) không phải là số tiền quá lớn, nhưng đó là uy tín của LHP Berlin. Việc tuyển chọn rất khắt khe vì lần này có 108 dự án từ 33 nước gửi đến và chỉ có 3 dự án được chọn, đều đến từ Đông Nam Á. Được một trong 3 LHP lớn là Cannes, Berlin và Venice chú ý và đầu tư là điều rất thuận lợi.

Tại LHP Cannes hồi tháng 5 vừa rồi tôi đã được tham dự diễn đàn các nhà làm phim trẻ L’ Atelier. Tuy dự án Bi, đừng sợ không được đầu tư nhưng họ đã tạo điều kiện cho tôi gặp gỡ các nhà đầu tư. Cũng chính tại Cannes mà tôi có cơ hội gặp người của Quỹ World Cinema Fund và họ đã hẹn gặp tôi trực tiếp vì trước đó tôi đã gửi dự án Bi, đừng sợ sang LHP Berlin.

Khi đó họ cũng chưa kịp đọc hết kịch bản của tôi mà chỉ đọc qua cuốn giới thiệu về dự án. Tôi đã trình bày với họ nội dung của phim như thế nào, đưa cho họ hồ sơ đã chuẩn bị sẵn về dự án có ảnh diễn viên đã casting cũng như lịch quay, bối cảnh ra sao... Tóm lại có thể hình dung rõ ràng về một dự án phim qua hồ sơ đó.

Ngay sau buổi nói chuyện đó tôi có cảm giác rất tốt về độ thành công của dự án và sau LHP Cannes,dự án Bi, đừng sợ của tôi đã được xét duyệt vào tháng 6. Trong quá trình chờ đợi tôi cũng đã hoàn thiện hồ sơ và chỉnh sửa lại kịch bản để gửi cho họ. Cho đến thời điểm này thì rất khả quan. Trước đó kịch bản Chơi vơi tôi viết cũng đã nhận được số tiền tài trợ hơn 150.000 euro từ quỹ Fond Sud của Pháp.Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là kịch bản phải làm cho người ta thấy bị thuyết phục với cách kể chuyện riêng biệt.

Chắc anh phải có mẹo riêng để thuyết phục được những quỹ đầu tư danh tiếng như vây chấm dự án của mình trong số hàng trăm hồ sơ gửi đến từ khắp thế giới?

- Nếu nói đến mẹo mực thì chắc chắn tôi sẽ không bằng các nhà làm phim đến từ nhiều nước khác, vì các nhà làm phim VN vẫn chưa quen với việc đi ra ngoài và mang dự án đến các LHP lớn trên thế giới. Nếu so với sự khôn ngoan và từng trải của họ thì sẽ không thể bằng được. Nhưng điều quan trọng nhất là tình yêu của mình dành cho dự án đang thực hiện, và kể chuyện phải có cách kết nối đặc biệt. Thêm nữa hồ sơ dự án phải có ảnh diễn viên, bối cảnh rõ ràng, càng cụ thể càng tốt. Ngoài ra điều quan trọng nữa là phải có hãng sản xuất giúp phát hành phim đó ở VN để thấy dự án khả thi. Cụ thể là trong Bi, đừng sợ tôi đã kết hợp với hãng BHD và Chánh Phương, các hãng cũng đã có kinh nghiệm và tên tuổi nhất định.

Vậy điểm đặc biệt trong kịch bản của anh là gì? Trước đây người ta vẫn hay nói đến việc phim VN muốn ra nước ngoài phải có yếu tố VN trong đó, nhưng chỉ có thế thì có đủ để tạo nên sự khác biệt?

- Tất nhiên mỗi nước sẽ có một yếu tố đặc trưng, nhưng cũng không nên cố đi tìm sự đặc trưng đó. Có một điều mà tất cả các nền văn hoá có thể chia sẻ được là tâm tư con người, những điều ai xem cũng có thể hiểu được, vượt qua yếu tố dân tộc và phong tục. Bi, đừng sợ là câu chuyện về gia đình, về sự nhẫn nhịn và cao thượng của người phụ nữ, sự ham vui của người đàn ông cũng như sự sợ hãi ngấm ngầm của họ, về sự ngây thơ của trẻ con trong một thế giới đầy uẩn ức và che giấu của người lớn. Tất cả những điều đó sống cạnh nhau, người già thì chết đi, trẻ con thì lớn lên nhưng hy vọng thì vẫn còn, họ chấp chận thỏa hiệp để tiếp tục sống. Tất cả đan xen và tạo nên gương mặt đặc biệt.

"Bi, đừng sợ"
Có được sự khởi đầu suôn sẻ như vậy, bao giờ bộ phim có thể bấm máy?

- Bộ phim dự kiến sẽ bấm máy vào tháng 7/2009 tại HN với những bối cảnh đơn giản. Một số diễn viên đã chọn xong như diễn viên Hoa Thúy và em bé sắm vai chính, Bi. Còn lại sắp tới tôi sẽ đến gặp các diễn viên còn lại để thuyết phục họ.

Bắt đầu với những câu chuyện giản đơn

Những người đầu tiên mang dự án phim đi thuyết phục các quỹ nước ngoài thường ít cơ hội thành công hơn là nhà làm phim đã có thành tích nhất định. Bề dày thành tích trong hồ sơ cá nhân có giúp nhiều cho việc đi xin tài trợ cho dự án Bi, đừng sợ của anh, như việc thuyết phục được Cannes thì đến với Berlinale cũng dễ dàng hơn?

- Đúng vậy. Khi gửi kịch bản này đến LHP Pusan thì lúc đó kịch bản phim Chơi vơi của tôi đã nhận được sự tài trợ từ một quỹ của Pháp nên ít nhiều thuận lợi. Thực ra tất cả các LHP nổi tiếng trên thế giới từ Cannes đến Berlin, Venice... là một cộng đồng và họ biết về nhau rất rõ. Nếu đã xuất hiện ở đây rồi thì sẽ được chú ý hơn ở nơi khác. Thêm nữa, việc tôi đến từ VN cũng ít nhiều gây chú ý hơn.

Các quỹ nước ngoài hỗ trợ tiền làm phim có yêu cầu ràng buộc gì với dự án của anh khi nó đã hoàn thành không?

- Nếu được đầu tư hoặc được các LHP quốc tế mời đến thì họ có những yêu cầu riêng ví dụ như để logo của Cannes với lời chú thích: Dự án này được chọn là chương trình L’Atelier của Cannes, hay phải đặt logo của LHP Berlin. Đó là cách họ tạo nguồn cho các đạo diễn trẻ có thể làm những phim nghệ thuật chứ không ngồi chờ những đạo diễn thành danh.

Lực cản lớn nhất khiến các nhà làm phim trẻ VN dè dặt trong việc mang dự án phim của mình ra nước ngoài theo anh có phải nằm ở sự thiếu tự tin, cho rằng mình nhỏ bé so với thế giới?

- Tôi không nghĩ thế. VN là đất nước giàu có về câu chuỵện, cảm giác, có nhiều thứ rất duyên dáng, đáng yêu... Nếu làm phim thì sẽ có rất nhiều cái để khai thác. Đó là những gì mình đã trải qua, những câu chuyện hàng ngày chứ không cần lấy ở đâu cả. Hãy lấy những câu chuyện bình thường mà mình tin là hay để đưa vào phim thì mới thuyết phục được người khác là nó hay thật.

 

Năm 2003 Phan Đăng Di tham gia Liên hoan các nhà viết kịch trẻ thế giới tại Townsville, Australia. Khi tôi 20 do Di viết kịch bản và đạo diễn là 1 trong 18 phim lọt vào vòng dự thi khu vực phim ngắn tại LHP Venice 2008. Đây là bộ phim VN đầu tiên được chọn vào vòng dự thi của LHP uy tín hàng đầu thế giới này.

Bi, đừng sợ là dự án phim truyện dài đầu tiên do Phan Đăng Di viết kịch bản và đạo diễn. Bi, đừng sợ đã giành giải thưởng “Dự án nổi bật của Châu Á” tại LHP Pusan tháng 10/2007. Dự án cũng đã được chọn tham gia hoạt động L’Atelier tại LHP Cannes tháng 5/2008 và nhận được 50.000 euro hỗ trợ sản xuất của Quỹ World Cinema Fund của LHP Berlin năm 2008.

  • Bích Hạnh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,