221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1128029
Chủ đề bản sắc trong giải thưởng hội nhà văn 2008
1
Article
null
Chủ đề bản sắc trong giải thưởng hội nhà văn 2008
,

 - Tựu chung, những suy ngẫm về chủ đề bản sắc văn hóa hoàn toàn là điều có thể thấy được qua hai câu chuyện lịch sử trong hai cuốn tiểu thuyết nổi bật này, và nó khiến Giải thưởng HNV năm nay có một khuynh hướng rõ rệt về lựa chọn giá trị.

LTS: Tuần trước, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008 đã được trao cho một số tác phẩm. Cũng như bất cứ giải thưởng văn học nào khác trên thế giới, xung quanh các tác phẩm được trao giải có thể có những luồng ý kiến rất khác nhau, có khi đối lập nhau. Đó âu là điều bình thường. Bài viết sau đây của nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan - phân tích một số tác phẩm vừa được trao giải - là một luồng ý kiến như thế. Điều chúng tôi mong muốn là, bài viết này sẽ khơi nguồn cho một sự trao đổi sôi nổi, thẳng thắn, trên tinh thần học thuật, xây dựng, trí thức  và công tâm giữa những người trong giới văn chương và bạn đọc yêu văn chương.

Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam - giải thưởng có truyền thống và danh giá nhất của văn chương nước nhà cho đến lúc này - năm nay đã được trao cho ba tiểu thuyết và một tập truyện ngắn: một tiểu thuyết dịch, Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk, tác giả Thổ Nhĩ Kỳ được trao Nobel văn học năm 2006; tiểu thuyết Tiếng khóc của Nàng Út của Nguyễn Chí Trung và tiểu thuyết Sóng chìm của Đình Kính; tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của Cao Duy Sơn.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung (bên trái)
Nếu có thể nói về một nét chung của Giải thưởng này năm nay, thì nét chung đó là: những suy nghĩ trên chủ đề bản sắc cá nhân và cộng đồng.

Bản sắc, như một triết gia hiện đại đã định nghĩa, là cái khiến cho người ta vẫn được nhận ra như chính mình qua các biến chuyển của mình trong thời gian.

Chủ dề này không biểu hiện gay gắt trong tập truyện của Cao Duy Sơn. Những câu chuyện của hoài niệm, đẹp day dứt. Sóng chìm gợi lại “Con đường mòn trên biển” một cách truyền thống. Chủ đề về bản sắc thực sự đặt thành vấn đề trong tương quan với đương thời ở Tiếng khóc của Nàng Út Tên tôi là Đỏ.

Điều dễ dàng, hay khó khăn đối với Giải thưởng HNV là, cho đến nay, Giải thưởng này chỉ xét trao cho các tác phẩm đã ấn hành trong năm trước đó. Độc giả nói chung đã có thời gian khá dài để biết đến và đọc, và, với tốc độ tăng trưởng của xuất bản mấy năm gần đây thì có thể người ta đã kịp quên.

Bởi vậy, sự lựa chọn dẫn đến trao giải vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn, cho đến lúc những ứng cử viên may mắn lộ diện.

Nhưng điều được nói đến ở đây là: giải thưởng có một tính khuynh hướng nào hay không?

Điều này, dù được nói rõ ở mức độ nào, cũng luôn có điều kiện để trở thành một gợi ý rất có trọng lượng về tình trạng văn học trong năm đó, về mức độ tán đồng của xã hội đối với những câu chuyện, đề tài, vấn đề biểu hiện trong văn học.

Nhìn vào danh mục những tác phẩm lọt vào chung khảo xét giải, có 5/13 tác phảm văn xuôi là tiểu thuyết; ngoài hai cuốn đã được giải, ba cuốn còn lại là Cha và con của Hồ Phương viết về một tuổi thơ lãnh tụ, Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài hình dung một phần đời sống những công chức trẻ, Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thuỵ kể câu chuyện về mối quan hệ của một chàng trẻ trai với một thành phố lớn (mà trong bầu không khí sáng tối chập chờn ở đấy thấp thoáng một bóng dáng Haruki Murakami).

Thực ra, trong Sự trở lại của vết xước cũng có thể thấy một chủ đề về bản sắc cá nhân trong đời sống đô thị hiện đại. Một ý tưởng cũ rồi nhưng vẫn luôn được xem là đúng: con người hiện đại bị thế giới đồ vật đồng hóa - ý tưởng đó vẫn luôn là một đối tác giấu mặt để gợi lên những cảm hứng và suy nghĩ về bản sắc con người cá nhân.

Những nhân vật trong Sự trở lại… đều không có tên, ngoài chức danh nghề nghiệp hay tên gọi theo đặc điểm, kiểu như em Bóng rổ (Hồ Anh Thái đã từng làm những phép đề dụ như vậy một cách hóm hỉnh rất đặc sắc trong Cõi người rung chuông tận thếTự sự 265 ngày).

Nhân vật chính trong câu chuyện của Trần Nhã Thuỵ được gọi là nhà văn trẻ, luôn đi cùng cảm giác cô độc và tạm bợ giữa cuộc sống của một đô thị lớn, tựa như anh ta là một dân nhập cư không thể hoà nhập. Nhưng tình trạng đó được kể trong truyện không phải do thiếu thốn nơi cư trú và kế sinh nha; nhân vật này cũng không phải chịu đựng sự thiếu thốn về tình người, mặc dù truyện kể ám ảnh về việc vợ của anh ta mất tích, không sao tìm được.

Trong khung cảnh truyện đó, có vẻ hợp lý hơn khi nghĩ đến chủ đề về bản sắc con người cá nhân, mà một khoảng trống tạo ra với người vợ mất tích là rất có tính gợi ý.

Như vậy, sự lựa chọn của giải thưởng HNV năm nay dường như có tính khuynh hướng rõ ràng về sự biểu hiện chủ đề bản sắc trên bình diện rộng lớn hơn: của văn hóa dân tộc, của ký ức cộng đồng như một sự thức tỉnh, nghĩ ngợi và nhắc nhở trước kỷ nguyên mới đang khai triển với nhiều đe dọa.

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ của Orhan Pamuk, Tên tôi là Đỏ, dưới hình thức một câu chuyện lịch sử về sự lụi tàn thế hệ cuối cùng cũng như địa vị văn hóa của các nhà tiểu họa Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thế kỷ XVI trước ảnh hưởng cạnh tranh mạnh mẽ của nền hội họa cổ điển Phương Tây đang tiến vào thời hoàng kim của nó, đã đem đến một diễn giải sâu sắc về một nguồn gốc hay nguyên do của cuộc xung đột ngày nay giữa một bộ phận thế giới Hồi giáo với Phương Tây - trong ý nghĩa là một xung đột về lịch sử và văn hóa.

Sự cường thịnh và uy quyền của một Đế quốc dưới lá cờ Trăng lưỡi liềm vào lúc câu chuyện của Pamuk kể đến vẫn còn đầy sức mạnh, các đoàn kỵ binh Thổ lúc đó vẫn dễ dàng đi đến tận mép các thảo nguyên của Sa hoàng nước Nga hay làm run sợ kinh đô của đế chế áo Hung ở tận thành Vienne, trái tim của châu Âu. Sự hùng mạnh đó được Pamuk kể qua những thảo luận hết sức phong phú, sâu sắc và hấp dẫn về nghệ thuật tiểu họa và hội họa nói chung giữa các nhân vật nhà tiểu học Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự giàu có, vẻ đẹp tráng lệ, tinh tế, thị hiếu cầu kỳ rực rỡ thể hiện trong các câu chuyện ở đây, trong những ngụ ngôn thông thái đượm màu huyền bí của các kinh sách Hồi giáo, đượm màu cổ sử Phương Đông dưới bóng những ma chúa, vương hầu, những bậc thầy vĩ đại, v.v. là biểu thị rất phô trương, một cách xứng hợp, về sự giàu có và sức mạnh và giàu có trong chính trị và kinh tế đồng thời là bộ mặt, bộ quần áo vương giả cho nền chính trị của một quốc gia.

Nhà tiểu thuyết đã lựa chọn câu chuyện kinh động của mình vào lúc đó, cho thấy sự thật nghiệt ngã khi một nền văn hóa-văn minh lâu đời, hùng hậu, mạnh mẽ, có một niềm tin sâu sắc làm bản ngã, đã phải chấp nhận bị cạnh tranh và thua cuộc ở một trong những điểm nhạy cảm nhất về tinh thần: nghệ thuật tiểu họa truyền thống, giống như nghệ thuật icon trong thế giới Slav, chứa đựng và biểu hiện những tinh hoa giá trị, nhãn quan tôn giáo-thế giới, một phần của linh hồn dân tộc.

Sự thắng thế của nghệ thuật hội họa phương Tây, trong tiểu thuyết này, diễn ra dưới hình thức một bi kịch - đẫm máu theo kiểu Sheakspeare - giữa những nhà tiểu họa tài năng nhất của Đế quốc Ottoman. Nhưng vấn đề không, và sẽ không, ở chỗ mất đi vị thế của một biểu hiện của bản sắc văn hóa. Sự thay đổi, việc trường phái Venice thắng thế, là bởi công chúng của hội họa - từ triều đình cho đến dân cư, và ngay chính các họa sĩ bậc thầy - cảm nhận được và ưa thích cái mới đó.

Hai người bị giết: tay thợ mạ vàng và Enishte, thì một là đại biểu cho sự bảo thủ với bất cứ giá nào, một tìm cách dung hợp cái mới vào truyền thống, âm thầm mạo hiểm. Con người mạo hiểm đó - nhân vật Enishte - lại là người già hơn, nhưng tinh thông nghề nghiệp và đầu óc sáng suốt.

Bản sắc văn hóa, cái bản sắc thực thụ, không bao giờ dễ dàng bị mất đi, mà như một bản năng xã hội, nó luôn tìm được lối thoát để trường tồn qua những lúc khó khăn.

Mặt khác, cũng như những gì được gọi là truyền thống, bản sắc không tự nhiên sinh ra, mà do cộng đồng xây đắp nên và luôn luôn cứ phải xây đắp, thích ứng và thay đổi với thời đại.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan
Một thông điệp về bản sắc khá tương tự thể hiện trong tiểu thuyết Tiếng khóc của Nàng Út của Nguyễn Chí Trung, nhắc nhở về bản sắc cách mạng trong sự đối diện và trải nghiệm một thời đại này. Văn chương trong sáng, đẹp thâm trầm và hiện thực chủ nghĩa một cách sáng suốt, cuốn tiểu thuyết này có phong cách sử thi nhuần nhị và một giọng điệu khác thường.

Cuốn tiểu thuyết kỳ lạ này là sự kết hợp của ba dòng hồi ức: hồi ức về quãng thời gian cay đắng và dũng cảm với những người kháng chiến từ sau 7/1954 đến 8/1959 ở Quảng Ngãi, trước khi nổ ra sự kiện khởi nghĩa Trà Bồng, hồi ức về những bậc “tiền hiền” không rõ mặt - những người Việt đi mở mang bờ cõi từ thời Hồ Quý Ly, và hồi ức tập thể của các sắc tộc Tây Nguyên trên vùng Đông Trường Sơn của xứ Quảng kéo dài qua Bình Định, Phú Yên.

Bối cảnh câu chuyện là tình thế sau Hiệp định Geneva năm 1954, “xứ Bàu ốc” và tất cả những vùng tự do trên đất Quảng từng đứng vững suốt chín năm với chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay bị chuyển sang tay “chính quyền Quốc gia” do Pháp rồi Mỹ hậu thuẫn. Cuộc trả thù tàn khốc với “những người kháng chiến cũ” bắt đầu và phát triển thành các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, cho đến cao điểm là việc chính quyền Sài Gòn khi ấy ban hành “Luật 10/59” chém đầu bất cứ ai bị tố giác là “cộng sản”, không ngoại lệ, không cho kháng cáo.

Đối mặt với cái gọi là “cuộc chiến tranh một phía” (hay, bóng bẩy hơn: “Dùng kiếm đánh kẻ tay không”) đó, những chiến sĩ và cán bộ cách mạng còn ở lại cùng những cơ sở quần chúng lại phải chấp hành chủ trương chung tuân thủ Hiệp định, đấu tranh hòa bình để chờ thời hạn “hai năm” đến “Tổng tuyển cử tự do” thực hiện giấc mơ thống nhất đất nước.

Các cấu tạo này xuyên suốt câu chuyện và, quan trọng hơn, các hồi ức về (và từ) lịch sử “xứ Bàu ốc”, lịch sử cuộc hội tụ của các làng (“nóc”) các sắc tộc Tây Nguyên khởi nghĩa chống thực dân Pháp - trong câu chuyện này - đã đan dệt nên tâm thức của các nhân vật chính diện. Những trường đoạn huyền sử và truyền kỳ đó thường lặp lại trong các độc thoại nội tâm của các nhân vật chính diện thế hệ sau, đầy tình cảm, bi thiết và hùng tráng.

Cũng thông qua tâm tư của các nhân vật đó, hai dòng hồi ức này biểu thị sự có mặt, sự sống động hiển nhiên của mình gắn bó cố hữu với hiện cảnh hiện tại của nhân vật, tham gia làm nền tảng và động lực sâu xa trong nhân cách và biểu hiện tâm lý của lớp các nhân vật đó.

Nói một cách khác, đó chính là cái ta vẫn gọi là truyền thống dân tộc, mà ở đây được biểu thị trực tiếp qua các cảnh trí-hồi ức trong tâm khảm của cả một lớp người, luôn có mặt trong các liên tưởng và những xúc cảm lớn chi phối cuộc đời và số phận của họ.

Các cấu tạo bằng hồi ức ở đây biểu hiện hai đặc điểm. Thứ nhất, đó là tổng thể một hồi ức về nỗi đau đớn của con người-dũng sĩ; thứ hai, các hồi ức đó - không có ngoại lệ - đều mang tính lịch sử, theo nghĩa là mang tầm vóc lai lịch và vận mệnh của một miền một “xứ”, một (và những) cộng đồng dân tộc, trường tồn trong mối liên hệ trực tiếp và sinh động với cái hiện hữu hiện tại.

Không khí sử thi tràn ngập. Nhưng dư vị của nó là đắng. Kể về chiến công chinh phục Chiêm Thành, khen sự thịnh trị "sự nghiệp trung hưng không triều đại nào sánh kịp" (tr.13) của Lê Thánh Tông, nhưng rồi "chỉ ba mươi năm sau, chốn kinh kỳ biến thành cửa chợ hàm tước, chức quận công đong lắc mấy bồ không hết" (tr.14) "còn đám bần dân thấp hèn bên dưới thì lớp lớp gồng mình cúi gằm xuống đất bạc, nén lòng căm giận..." (tr.15)

Đáng chú ý trong đoạn này có một câu theo lối "sấm ký", một câu như châm ngôn sẽ lặp lại ở cuối tác phẩm: "Lời thầy vẫn còn văng vẳng thuở đèn sách: làm vua phải nhớ mình như đang đứng bên vực thẳm, qua sông rồi phải nhớ nỗi lo lúc chưa qua sông." (tr. 12). Ý "qua sông" này sẽ được lặp lại trong một đối thoại, cũng như "sấm truyền", ở phần kết của tiểu thuyết.

Văn chương trong sáng, đầy cảm xúc, giọng sử thi bi tráng - toàn bộ sự triển khai của dòng hồi ức thứ hai này dường như tách biệt với câu chuyện chính, ngoài mối liên hệ trong vai trò là nền tảng tâm thức cho các nhân vật chính diện, là một nơi họ trông cậy, dựa niềm tin vào đó. Tuy có vẻ không liên quan về cốt truyện, nhưng giọng điệu sử thi-trường ca và cảm thức về một nỗi đau lớn, nỗi đau của vận mệnh một xứ sở và cả một mối tự vấn băn khoăn hàm ngụ trong đó, dấy lên từ đó, chính là sự báo trước giọng điệu và chủ đề của toàn bộ tác phẩm.

Lưu ý đúng mức đến vai trò của phần mở đầu, ta thấy tính chủ đề quán xuyến chặt chẽ toàn bộ cách tổ chức diễn ngôn của cuốn tiểu thuyết này. Cách thuật sự ở đây pha trộn nhuần nhuyễn phương pháp văn chương hiện thực với lối điển hình hóa của anh hùng ca. Phương pháp này có lẽ phù hợp hơn cả với ý đồ tiểu thuyết muốn kể lại - tôi xin nhấn mạnh tính chất kể lại, chứ không phải "tái tạo" hay "tái hiện" gì đó! - một trong những thời kỳ đen tối nhất của cuộc chiến tranh giải phóng.

Chất xúc cảm cao thượng bao trùm toàn bộ tiểu thuyết này, đồng vọng từ mỗi người trong lớp nhân vật chính diện. Đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn về tính chất sử thi và anh hùng ca của thiên truyện, và tính chất đó dĩ nhiên đã qui định toàn bộ giọng kể, đặc điểm kết cấu, hình tượng nhân vật, v.v...

Đó cũng là một trong những lý do gợi ý để hiểu vì sao người kể chuyện lại chọn kể câu chuyện này, với rất nhiều đau đớn và chua chát mà rốt cục lại đưa đến xúc cảm cao quý về giá trị và mời gọi suy ngẫm, chứ không bi lụy.

Trên phương diện đó, có thể xem đây là một trường ca của hồi ức về nỗi đau. Bao trùm tất cả là nỗi đau của người vừa chiến thắng ngày hôm trước mà hôm sau đã phải bó tay nhìn đối phương mình vừa đánh bại quay lại đắc thắng và dữ tợn. Một xúc cảm về hư vô bàng bạc suốt năm chương truyện đầu. Hình ảnh những chiến sĩ bị tước vũ khí và buộc phải lẩn tránh. Không khí khủng bố khiến bao con người thân thuộc bỗng phải e dè, nghi hoặc lẫn nhau. Khi nhóm cán bộ đảng cơ sở chọn họp ở nhà bà Sang rồi bất ngờ bị lộ, còn chưa biết ai là kẻ khai báo, ông Sang bảo vợ: "Mắt ông long lanh, giọng lạnh lùng: Bà nè, thân già này có lo đâu sự còn, chỉ lo sự nhục. Chết có rửa được nhục không bà?" (tr.70)...

Kể lại những cảnh đau đớn, một thời đoạn bị tàn sát mà lưỡng lự khi lựa chọn đối đầu, người kể chuyện rõ ràng mời gọi những suy ngẫm sâu xa hơn. Một ý tứ được nhắc lại nhiều lần: "lòng dân" là có hạn hay vô hạn? Tất nhiên, thực tế cũng như câu chuyện đã trả lời rõ. Song câu hỏi vẫn còn. Bởi (lại là trùng hợp giọng nhân vật và giọng người kể) trong những tình thế gieo neo đó, khi xảy ra một quá trình sàng lọc khách quan dựa trên bản lĩnh và ý chí chiến đấu mà sâu xa hơn là tinh thần gắn bó với vận mệnh quê hương và xứ sở, thì sự "hữu hạn" là ở phía lòng dạ một số cán bộ đảng viên, chứ không phải ở "lòng dân"...

Ý tứ này, chỉ lấp lánh thôi, nhưng mang một nỗi băn khoăn (thông qua một vài nhân vật cán bộ chiến sĩ) xuyên suốt bản trường ca này.

Anh hùng ca sẽ trọn vẹn khi người anh hùng ngã xuống. Ở thiên truyện này thì đúng như vậy. Một trong những khía cạnh về nỗi đau ở đây là: những hy sinh cao cả và anh hùng phần lớn đều thầm lặng. Nhân vật Đua, bộ đội, cùng con bà On, em ruột của Toàn, bị thương cụt cả hai chân, bị bắt và chôn sống trong một đợt "tố cộng". Trong đêm, Đua moi đất chui lên, lết vào rừng, tự buộc mình vào một gốc chò trăm năm, mỏi mòn và chết. Rất lâu sau, tình cờ, Toàn và nhóm du kích tìm thấy bộ xương cụt chân này. Toàn khóc: "... Những ngày cuối cùng của đời, nơi rừng ẩm và xa vắng, ai nào có biết, em đã nói gì với mẹ, với em, với anh hay oán trách? Ai nào nghe được tiếng đời xát muối đó..." (tr. 253)

Dòng hồi ức thứ ba - câu chuyện của các "nóc" các dân tộc Tây Nguyên khởi nghĩa chống Pháp và tham gia làm căn cứ địa cho cách mạng trong những ngày đen tối - là những trang viết tuyệt đẹp, giản dị, phong phú chi tiết, sinh động và cũng đầy tình cảm. Mô hình kể chuyện là mô hình kể "khan" - hình thức trường ca của người dân tộc - hoàn toàn tương ứng với giọng điệu chính của tiểu thuyết này, làm nổi bật một cách điển hình giọng anh hùng ca của thiên truyện.

Nhưng cái chết của người anh hùng - nhân vật Toàn - cũng xảy ra trong bối cảnh tươi đẹp và hửng sáng đó, khi mà cuộc khởi nghĩa châm ngòi cho chiến tranh nhân dân bùng lại, cũng có nghĩa là giai đoạn đen tối nhất đã được khắc phục. Thì người anh hùng phải chết.

Đến đây, lại là giọng người kể lồng trong Tiếng khóc của Nàng Út khóc thương người anh hùng. Nàng út nhắc lại lời của Toàn: "... Khởi nghĩa sẽ giành được chính quyền, nghĩa là sẽ cho ta chức tước. Không ai khước từ chức tước. Chức tước đem lại quyền hành và danh vọng... Danh vọng và quyền lực lại cho tiền tài. Nhưng danh vọng, quyền lực lẫn tiền tài mảy may không cho ta lương tâm và đạo đức. Để lại lương tâm và đạo đức thì còn, kể cả các triều vua. Nhưng liệu mấy người có quyền vị mà để lại lương tâm và đạo đức? Bởi thế, chớ quên thuở hàn vi, khi thân ta cũng từ nô lệ..." (tr. 421-422).

Trường đoạn suy ngẫm có tính triết lý này rất dài, cả trang. Liệu nhân vật người anh hùng trẻ tuổi như nhân vật Toàn có thể suy ngẫm xa đến thế không? Có thể, mà cũng có thể không. Nhưng cái chất xúc cảm cao quý, tựa như toát ra từ một thực thể có tính thánh thiêng nào đó trong những đoạn suy ngẫm này, dường như nói lên rằng đó là những lời của một tiềm thức to lớn hơn, một tiềm thức chung của dân tộc và xứ sở.

Điều này rõ ràng đã được chuyên chở trên dòng hồi ức thứ hai - như ta đã thấy ở phần mở đầu thiên truyện. Tính tư tưởng của nó, bởi vậy, hẳn đã rõ ràng. Ta thấy không vô cớ mà nhân vật On nhắc đến thời thịnh trị của Lê Thánh Tông và suy sụp của Lê mạt trong câu chuyện về lịch sử "xứ Bàu ốc".

Và cuối cùng thì người anh hùng - thông qua lời Nàng Út và lời người kể chuyện - nói lên cái lý do vì sao huyền thoại này mọc lên: ... mấy trăm năm trước các "tiền hiền" đi vao xứ sở Bàu ốc, cứ mỗi lần vượt qua một con sông con suối dù lớn hay nhỏ đều thắt một nút dây để nhớ; và mỗi lần kể lại, "con cháu lại hỏi: Nhớ để làm chi ông? Tiền hiền nhìn về xa xăm: Nhớ là để cho khỏi quên".

Chúng ta đã thấy chủ đề được nhắc lại một cách cổ điển: chớ quên "qua sông rồi phải nhớ nỗi lo lúc chưa qua sông"

Tựu chung, những suy ngẫm về chủ đề bản sắc văn hóa hoàn toàn là điều có thể thấy được qua hai câu chuyện lịch sử trong hai cuốn tiểu thuyết nổi bật này, và nó khiến Giải thưởng HNV năm nay có một khuynh hướng rõ rệt về lựa chọn giá trị.

  • Nguyễn Chí Hoan

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,